VKSND tỉnh Phú Yên: Rút kinh nghiệm từ việc giải quyết các vụ án về tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

02/04/2024 10:52

(kiemsat.vn)
Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm các vụ án về tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, vừa qua VKSND tỉnh Phú Yên đã ban hành thông báo đến các VKSND huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để rút kinh nghiệm.

Nội dung các vụ án và kết quả giải quyết

Vụ thứ 1: Phan N.D quen biết, nảy sinh tình cảm với NTMD (sinh ngày 29/7/2000). Từ tháng 10/2015, Phan N.D và D đã nhiều lần quan hệ tình dục với nhau. Đến tháng 5/2016, D phát hiện có thai nên ngày 31/5/2016 hai bên gia đình tổ chức đám cưới cho Phan N.D và D. Đến ngày 27/10/2016, D sinh con đặt tên là NBA (tuy nhiên, theo Kết luận giám định pháp y số 230/KL-KTHS ngày 15/02/2023 của Phân viện khoa học hình sự tại Đà Nẵng thì A lại không phải là con đẻ của N.D). Ngày 30/11/2018, N.D và D đăng ký kết hôn. Đến ngày 08/4/2022, D nộp đơn xin ly hôn thì vụ việc bị phát hiện. 

Bản kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an huyện P và cáo trạng của VKSND huyện P đều xác định Phan N.D phạm tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 145 BLHS năm 2015.

Bản án số 11/2023/HSST ngày 21/6/2023 của TAND huyện P áp dụng điểm a khoản 2 Điều 145 BLHS năm 2015 xử phạt bị cáo Phan N.D 02 năm tù.

Vụ thứ 2: Trương V.T với NTKT (ngày 23/5/1998) quen biết, yêu nhau. Đến ngày 21/8/2013, được sự đồng ý của hai bên gia đình, T về nhà Trương V.T sống chung như vợ chồng, không tổ chức lễ cưới. Từ đó, Trương V.T và T nhiều lần giao cấu với nhau. Đến ngày 17/6/2014, T sinh con đặt tên là TTAT.

Kết luận giám định số 227/KL-KTHS ngày 15/02/2023 của Phân Viện khoa học hình sự tại Đà Nẵng kết luận: TTAT là con đẻ của NTKT và Trương V.T.

Bản kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an huyện T và cáo trạng của VKSND huyện T đều xác định Trương V.T phạm tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, theo quy định tại điểm a, d khoản 2 Điều 145 BLHS năm 2015.

Bản án số 15/2023/HSST ngày 10/8/2023 của TAND huyện T áp dụng  điểm a, d khoản 2 Điều 145 BLHS năm 2015 xử phạt bị cáo Trương V.T 01 năm 06 tháng tù.

Ngày 23/8/2023, bị cáo Trương V.T kháng cáo đề nghị áp dụng BLHS năm 1999 đối với bị cáo; xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo.

Ngày 07/12/2023, TAND tỉnh Phú Yên mở phiên tòa xét xử phúc thẩm. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Theo Kiểm sát viên: Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội vào năm 2013, thời điểm BLHS năm 1999 đang có hiệu lực thi hành nhưng cấp sơ thẩm lại áp dụng quy định của BLHS năm 2015 để xử lý đối với bị cáo là không đúng. Tuy nhiên, xét thấy bản án sơ thẩm đã xét xử bị cáo đúng tội danh, tuyên mức hình phạt phù hợp, không làm xấu đi tình trạng bị cáo so với việc áp dụng Điều 115 BLHS năm 1999 nên không cần thiết phải hủy án sơ thẩm. Thống nhất với quan điểm của Kiểm sát viên, HĐXX TAND tỉnh Phú Yên tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Trong hai vụ án nói trên, bị cáo Phan N.D (Vụ thứ 1) thực hiện hành vi phạm tội vào các năm 2015 và 2016, bị cáo Trương V.T (Vụ thứ 2) thực hiện hành vi phạm tội vào năm 2013, là thời điểm BLHS năm 1999 đang có hiệu lực thi hành. Đến năm 2023, hành vi phạm tội của các bị cáo bị phát hiện, sau đó bị khởi tố, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử.

Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 7 BLHS năm 2015:

“1. Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện.

2. Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành…”.

Tại khoản điểm c 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành BLHS năm 2015 quy định: 

“...c) ...các điều luật bổ sung hành vi phạm tội mới, các điều luật quy định một hình phạt mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới; các điều luật quy định hạn chế phạm vi miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội thì không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích; trong trường hợp này, vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 để giải quyết...”.

So sánh quy định tại Điều 115 BLHS năm 1999 và Điều 145 BLHS năm 2015 thì thấy rằng cả hai điều luật có mức hình phạt ở 4 khoản (từ khoản 1 đến khoản 4) đều bằng nhau, tuy nhiên Điều 145 BLHS năm 2015 có thêm khoản 5: “Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”. Do đó, theo các quy định tại  Điều 7 BLHS năm 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội như đã nói ở trên thì áp dụng Điều 145 BLHS năm 2015 đối với các bị cáo là bất lợi hơn so với áp dụng Điều 115 BLHS năm 1999.

Vì vậy, hành vi của các bị cáo Phan N.D, Trương V.T đã phạm tội giao cấu với trẻ em quy định tại Điều 115 BLHS năm 1999. Thế nhưng, cấp sơ thẩm lại áp dụng quy định tại Điều 145 BLHS năm 2015 để xử phạt đối với các bị cáo là là sai lầm trong việc áp dụng pháp luật.

Tuy nhiên, xét các Bản án số 11/2023/HSST ngày 21/6/2023 của TAND huyện P và Bản án số 15/2023/HSST ngày 10/8/2023 của TAND huyện T đã xét xử các bị cáo Phan N.D, Trương V.T về tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi quy định tại Điều 145 BLHS năm 2015 là đúng người, không oan, mức hình phạt phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội và nhân thân của các bị cáo nên cấp phúc thẩm không hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

VKSND tỉnh Phú Yên đề nghị các VKSND huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nghiên cứu, rút kinh nghiệm nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự.

Chính phủ họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2024

(Kiemsat.vn) - Ngày 25/3/2024, Chính phủ họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2024. Theo chương trình phiên họp, Chính phủ sẽ thảo luận cho ý kiến vào 3 dự án luật, 1 đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội và 1 đề nghị xây dựng luật.

Rút kinh nghiệm từ vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất và hủy quyết định cá biệt”

(Kiemsat.vn) - Thực tiễn công tác quản lý đất đai qua các thời kỳ, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng hiện trạng thực tế về người sử dụng đất, không đúng đối tượng sử dụng đất, người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất so với người thực tế đang sử dụng thửa đất là không đúng, từ đó dẫn đến tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy quyết định cá biệt.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang