Hành vi của Trần Thị T đủ yếu tố cấu thành tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

01/11/2016 07:30

(kiemsat.vn)
Đó là nhận định của tác giả Dương Thanh Quang ở VKSND tỉnh Tiền Giang trao đổi về bài viết: Trần Thị T có phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” không? của tác giả Nguyễn Thị Lan Hương ở Vụ 1 VKSND tối cao, đăng trên Kiemsat.vn ngày 27/10/2016. Theo đó, tác giả Dương Thanh Quang đã phân tích, lập luận như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 267 BLHS quy định về tội “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức”, thì: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Do tác giả không nêu rõ năm sinh của T nên cho phép tôi mặc nhiên xem T đã đủ tuổi và đủ năng lực trách nhiệm hình sự, không đặt ra vấn đề về năng lực trách nhiệm hình sự mà chỉ tập trung phân tích hành vi khách quan của tội phạm. Vì vậy, mấu chốt của vấn đề ở đây cần xác định, đó là:

Một là, bản kết luận giám định Pháp y của Viện Pháp y Quốc gia – Phân viện tại thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành, kết luận Nguyễn Thị Quỳnh N có độ tuổi từ 14 năm 9 tháng đến 15 năm là giấy tờ thật hay giả. Về bản chất bản kết luận này là kết luận không đúng sự thật (giấy không có giá trị), do tất cả tên, năm sinh, địa chỉ… trong hồ sơ yêu cầu giám định đều mang tên Nguyễn Thị Quỳnh N, tuy nhiên, người được đưa đi giám định lại là Phạm Thị H. Kết quả giám định thực chất là của Phạm Thị H chứ không phải của Nguyễn Thị Quỳnh N. Vậy kết luận này được xem là giấy tờ giả.

Hai là, Trần Thị T có làm giấy tờ giả không? có sử dụng giấy tờ giả không? Trên thực tế, nhìn vào thì cho thấy, kết luận giám định pháp y trong vụ việc trên là do Viện Pháp y Quốc gia – Phân viện tại thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Tuy nhiên, nhìn vào bản chất của tội phạm thì khác, mục đích chủ quan của Trần Thị T là làm giấy tờ giả để dùng nó lừa dối các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm mục đích gỡ tội cho em mình là P. Song T không thể tự mình thực hiện được nên dùng thủ đoạn gian dối để cho Viện Pháp y Quốc gia – Phân viện tại thành phố Hồ Chí Minh kết luận giám định.

Theo khoa học hình sự thì người thực hiện hành vi phạm tội có thể trực tiếp thực hiện hành vi hoặc thông qua đối tượng khác để thực hiện hành vi phạm tội (có thể con người, con vật hay vật thể khác), chứ không nhất thiết người thực hiện hành vi phạm tội phải tự mình trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, ví dụ: Sử dụng người chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện hành vi phạm tội cho mình, lừa dối người khác để người khác thực hiện hành vi phạm tội cho mình… Mặc khác, T biết rõ giấy tờ (kết luận giám định) là giả nhưng vẫn cố ý sử dụng để lừa dối các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm mục đích gỡ tội cho em mình (là P).

Về mặc hậu quả của tội phạm, tuy Điều 267 Bộ luật Hình sự không quy định hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này, tuy nhiên, có thể xác định hành vi của T là hành vi nguy hiểm cho xã hội có thể gây hậu quả nghiêm trọng, nếu các cơ quan chức năng không phát hiện kết luận giám định không đúng sự thật thì có thể khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sai một người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (hiếp dâm trẻ em) thành phạm tội nhẹ hơn (giao cấu với trẻ em), hoặc bỏ lọt người phạm tội (P không phạm tội giao cấu với trẻ em nếu P chưa đủ 18 tuổi).

Từ những phân tích nêu trên, theo ý kiến của tôi thì hành vi của T là hành vi nguy hiểm cho xã hội, đủ yếu tố cấu thành tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự. Mặc khác, trong trường hợp này cần xem xét trách nhiệm của H với vai trò đồng phạm với T. Ngoài ra, cần xem xét trách nhiệm của Viện pháp y Quốc gia – Phân viện tại thành phố Hồ Chí Minh trong việc thực hiện quy trình giám định độ tuổi của N./.

Bắt 3 cán bộ đất đai vì làm giả bìa đỏ

Ngày 24-1, Viện KSND tỉnh Gia Lai cho biết vừa phê chuẩn lệnh bắt tạm giam đối với 3 người vốn là nhân viên văn phòng đăng ký đất đai Gia Lai để điều tra vì hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức nhằm lừa đảo.

Trần Thị T không phạm tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 267 BLHS

(Kiemsat.vn) - Sau khi đọc nội dung bài viết: Trần Thị T có phạm tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” không? của tác giả Nguyễn Thị Lan Hương đăng trên Kiemsat.vn ngày 27/10/2016, tôi đồng ý với nhóm ý kiến thứ hai. Bởi vì ở cuối bài:
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang