Đương sự rút đơn kiện, sau đó lại kháng cáo có được chấp nhận không?

16/03/2018 10:22

(kiemsat.vn)
Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự rút đơn khởi kiện, Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Sau đó, đương sự lại kháng cáo có được Tòa án cấp phúc thẩm có chấp nhận hay không? Xung quanh vấn đề nêu trên hiện có nhiều quan điểm khác nhau.

Ảnh minh họa

Nội dung vụ việc: “Tranh chấp quyền sử dụng đất”giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn M, bà Nguyễn Thị X,  xã T, huyện S, thành phố H với bị đơn là vợ chồng ông Trần Văn B, bà Nguyễn Thị T,  xã Đ, huyện H, tỉnh B.

Ngày 18/10/2012 vợ chồng, vợ chồng ông M, bà X trình bày nhận chuyển nhượng của ông Lê Văn H, xã T, huyện H diện tích 170 m2 đất với giá 600 triệu đồng và đã làm thủ tục chuyển nhượng tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện H. Khoảng tháng 2/2013, ông, bà định xây tường bao thì phát hiện gia đình ông B đã lấn chiếm và xây dựng làm quán bán hàng diện tích khoảng 60 m2; diện tích hiện tại chỉ còn 110m2. Ông  bà yêu cầu ông B, bà T phải trả lại 60 m2 đất ở đã lấn chiếm nêu trên.

Quá trình giải quyết vụ án, ngày 14/11/2017, bà X có đơn xin rút đơn khởi kiện với lý do: Hiện tại diện tích đất trên ông B cho vợ chồng anh C là con trai và và chị N là con dâu quản lý, nên xin rút yêu cầu khởi kiện để làm lại thủ tục khởi kiện đối với anh C, chị N.

Ngày 14/11/2017,  Tòa án huyện H ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Ngày 17/11/2017,  bà X kháng cáo, nội dung: Do không hiểu biết pháp luật nên đã rút đơn khởi kiện. Yêu cầu Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án, vì nếu như làm thủ tục khởi kiện lại sẽ mất thời gian.

Tại Quyết định giải quyết việc kháng cáo đối với Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án 12/01/2018 của Tòa án tỉnh B đã quyết định: Chấp nhận kháng cáo của bà X. Hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự ngày 14/11/2017 của Tòa án huyện H.

Hiện đang có 02 quan điểm về quyết định giải quyết kháng cáo của Tòa án cấp phúc thẩm như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS thì việc Tòa án sơ thẩm ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án là có căn cứ. Bà X có quyền khởi kiện lại theo quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS . Do vậy, việc Tòa án cấp phúc thẩm hủy quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án sơ thẩm là không có căn cứ.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Quyền thay đổi yêu cầu là quyền của đương sự. Trong thời hạn kháng cáo, bà X đã có đơn thay đổi yêu cầu, không đồng ý rút đơn khởi kiện nữa mà yêu cầu Tòa án hủy quyết định đình chỉ, tiếp tục giải quyết vụ án. Nguyên đơn sẽ không phải khởi kiện lại và Tòa án cũng không mất thời gian để thụ lý lại. Do vậy, việc Tòa án cấp phúc thẩm hủy quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án sơ thẩm là có căn cứ.

Theo quan điểm của tác giả thì trong quá trình giải quyết vụ án ông M, bà X đã rút toàn bộ đơn khởi kiện, việc rút đơn khởi kiện là tự nguyện không bị ép buộc. Việc đương sự rút kháng cáo đã chấm dứt quá trình giải quyết vụ án. Do pháp luật không có quy định về việc thay đổi yêu cầu đối với việc đương sự rút đơn khởi kiện, nên khi rút đơn khởi kiện đương sự buộc phải cân nhắc để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tòa án sơ thẩm ra quyết định đình chỉ là đúng quy định của pháp luật. Do vậy, việc Tòa án cấp phúc thẩm hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án sơ thẩm là không có căn cứ.

Trên đây là vấn đề nghiệp vụ đưa ra trao đổi, mong nhận được ý kiến đóng góp phản hồi của các đồng nghiệp để việc nhận thức và áp dụng pháp luật được thống nhất./.                                                                   

(1) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang