Dùng vũ lực để đòi lại tiền bị lừa thì phạm tội gì?

24/11/2017 02:58

(kiemsat.vn)
– Hoàng Văn V nhờ Phan Văn E mua súng ngắn K59, nhưng khi biết là bị lừa (do nhận được súng giả), đã có hành vi giữ người và dùng vũ lực để đòi lại tiền. Vậy, Hoàng Văn V phạm tội gì?

Đầu năm 2017 Hoàng Văn V nhờ Phan Văn E mua khẩu súng ngắn K59 và E đã liên lạc với Đậu Đình S (Lào Cai) mua súng nhựa cho V kiếm tiền chia nhau.

Khoảng 16h00 phút ngày 20/6/2017, S xuống thành phố H và đã đưa cho V một khẩu súng ngắn bằng nhựa (giá 100.000 đồng) đựng trong hộp và nhận số tiền 08 triệu đồng. Sau khi về nhà phát hiện là súng giả nên V tiếp tục gọi điện cho E mua thêm một khẩu súng và đạn cho khẩu súng trước. Lần này giá khẩu súng là 06 triệu đồng và V đã gọi điện cho E nhờ xe ôm đến khách sạn để giao tiền cho S và nhận hàng.

Sau khi biết khẩu súng thứ hai cũng là giả nên V gọi điện đòi E số tiền 14 triệu đồng mà mình đã nhờ mua súng, bị V đòi tiền nên E đã gọi S xuống để giải quyết nhưng không được. Sau đó V gọi điện thoại cho S bảo cần mua súng nữa để nhằm dụ S xuống để V lấy tiền.

Ngày 02/9/2017, Đậu Đình S xuống thành phố H và được E hẹn gặp tại quán café của Dương Văn O trên đường 02, quận K, thành phố H, tại đây S đã gặp V và V yêu cầu trả số tiền mua súng, sau đó O biết việc S bán súng giả nên đã tát 02 cái, S còn bị O dùng điếu cày đánh vào đầu chảy máu, dùng dao dí vào cổ yêu cầu S phải trả số tiền 14 triệu đồng. Thấy S chảy máu nên V và O bảo vào nhà tắm để rửa và mua bông băng về băng bó vết thương. Sau đó V và O yêu cầu S gọi điện thoại cho E đem tiền đến trả mới cho về và yêu cầu vào trong nhà bếp chờ.

Khi E đến quán café thì bị O mắng chửi, đánh và bắt vào ngồi trong bếp ngồi cùng với S, sau đó thì E đi ra ngoài đường ngồi, các đối tượng bị Công an bắt giữ.

Ảnh minh họa (internet)

Sau khi vụ án xảy ra có nhiều quan điểm về tội danh của các đối tượng.

Quan điểm thứ nhất: Hành vi của Đậu Đình S phạm tội tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 BLHS vì S đã có hành vi mua súng nhựa để bán cho E; Hoàng Văn V và Dương Văn O phạm tội phạm tội “Bắt giữ người trái pháp luật”.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Cần xử phạt Đậu Đình S về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Hoàng Văn V và Dương Văn O phạm tội “Cướp tài sản” vì V và O đã có hành vi dùng điếu đánh (dùng vũ lực) và dùng dao dí vào cổ S (Đe dọa dùng vũ lực) bắt giữ S nhằm chiếm đoạt số tiền 14 triệu đồng.

Quan điểm thứ ba cho rằng: Hoàng Nghĩa V và Dương Văn O không phạm tội “Cướp tài sản” vì dấu hiệu đặc trưng của tội này đó là làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, trong trường hợp này sau khi S bị chảy máu thì V và O đã chăm sóc như mua bông băng để băng vết thương. Có thể thấy hành vi dùng vũ lực của V và O có giới hạn và không muốn tiếp tục xâm hại đến sức khỏe của S. Tức là cả V và O đều không muốn và cũng không thực hiện hành vi làm tê liệt ý chí phản kháng của S. Đồng thời S được vào trong bếp ngồi và sau đó E cũng vào điều đó chứng tỏ S không bị lâm vào tình trạng không thể chống cự. Lúc này, S có thể kêu cứu hoặc nhờ E giúp đỡ, giải cứu.

Trong vụ án này dấu hiệu chiếm đoạt chưa rõ ràng, việc S gọi điện cho E mang tiền đến trả cho V và O là do S và E đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. S cũng muốn gọi điện thoại cho E để trả tiền đã lừa đảo chứ chưa hản đã do V và O đánh đập, đe dọa.

Trên đây là những quan điểm khác nhau về cách giải quyết vụ án, rất mong nhận được trao đổi từ bạn đọc./.

Trần Văn Hùng

TAQS Khu vực 1 Quân khu 4

Bài liên quan>>>

Vũ Văn C chỉ bị xử phạt hành chính

Tội Chống người thi hành công vụ hay tội Làm nhục người khác?

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang