Dúi tiền lẻ cho Phật: Học “Lễ” trước khi đi lễ

16/02/2019 11:10

(kiemsat.vn)
Việc đi lễ chùa, đặt tiền công đức hay còn gọi là tiền “giọt dầu” dâng cúng Thần Phật từ lâu đã trở thành truyền thống văn hóa của người Việt thể hiện sự thành tâm đối với chốn linh thiêng. Vậy nhưng không phải ai đi lễ đều biết “phép tắc” lễ thế nào cho đúng, cho nghiêm, thể hiện được lòng thành.

Trong tâm thức của người Việt, cúng tiền khi đi chùa, đình, đền, miếu… mang ý nghĩa như một chút công đức xây dựng tu bổ, chút đèn nhang cúng Thánh Thần, cúng Phật, đồng thời cầu mong may mắn và bình an đến với gia đình, người thân.

Tuy nhiên, ngày nay việc cúng tiền ngày càng biến tướng và trở thành vấn nạn, nhất là vào mùa lễ hội, năm mới. Người đi lễ rải những đồng tiền lẻ khắp mọi nơi, từ các ban thờ đền vườn hoa, hốc cây, giếng nước,… thậm chí nhét tiền lẻ vào tay chân tượng Phật, giẫm đạp lên tiền rơi vãi, gây ra những hình ảnh phản cảm nơi thờ tự, mất đi sự tôn nghiêm chốn Phật.

Nhét tiền vào tay tượng thờ  (Ảnh: Dân trí)

Khách đi chùa cài cả tiền lẻ trên mái chùa Đồng, Yên Tử (Ảnh Internet)

Một góc mái chùa Đồng với la liệt những đồng tiền mệnh giá nhỏ (Ảnh Internet)

Tiền lẻ “đổi” lấy những ước nguyện

Như một thói quen ăn sâu, nhiều người đi lễ cảm thấy không yên lòng khi đi lễ tay không vì sợ Thần Phật không chứng, quở phạt vì không có tâm; sợ những lời cầu nguyện không linh, không nghiệm.

Nhiều người đi lễ nhưng cũng chẳng biết nơi mình đến lễ thờ Thần, Thánh hay thờ Phật, chỉ thấy mâm cao cỗ đầy, khênh lợn quay, gà luộc vào chùa; nhét tiền lẻ khắp các ban, bệ rồi lầm rầm khấn vái xin đủ điều. Tất cả những đồng tiền lẻ, mệnh giá nhỏ ấy mỗi lần đặt xuống đều được “đổi” lấy một tâm nguyện mang lợi ích cá nhân hoặc để cầu xin một ước muốn “dời non lấp biển”.

Ngoài việc dúi, nhét tiền vào tay, chân Phật, nhiều nơi, người đi lễ còn thả tiền lẻ xuống giếng, khiến cho Ban quản lý phải giăng lưới “hứng tiền” hoặc tiến hành “trục vớt” vào cuối ngày. Theo chuyên gia đầu ngành văn hóa GS. Trần Lâm Biền thì đó là những việc làm phản văn hóa; là hành động vô lễ với Thần Phật, xem rẻ Thần Phật và làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa trong đời sống tín ngưỡng dân gian.

Tiền lẻ rải đầy mặt hồ là hình ảnh phản cảm khi đi lễ chùa đầu năm ((Ảnh Internet)

Tiền lẻ rải đẩy mặt trống đồng ở Bái Đính. (Ảnh: Internet)

Học “Lễ” trước khi đi lễ

Đi lễ vốn dĩ chỉ cần thành tâm nhưng nay lại là chuyện không nhỏ bởi không phải ai đi lễ cũng hiểu hết những “phép tắc” chốn tôn nghiêm.

Sự thiếu hiểu biết về “Lễ” đang làm méo mó, biến dạng các lễ hội gắn với các nơi thờ tự. Đã đến lúc người đi lễ cần phải thay đổi tư duy về tiền lễ, không để tạo ra những hình ảnh phản cảm, tạo ra những thảm họa “rác tiền” và kéo theo nạn buôn bán tiền lẻ ở chốn thờ tự tôn nghiêm.

Trong tác phẩm “Đến hiện đại từ truyền thống” của PGS.Tiến sĩ Trần Đình Hượu có viết: “Tinh thần chung của văn hóa Việt Nam là Thiết thực, Linh hoạt, Dung hòa” theo nghĩa đẹp nhất của các từ này. Song xem ra, chưa mấy ai hiểu đúng… Khi đi lễ phải cốt ở mộ đạo, thành tâm chứ không thể “trần tục” thậm chí “thực dụng” hóa các Thần Phật, trong khi thực tâm lại rất tôn sùng. Vô tình hóa ra có khi ta làm khổ thêm cho các bậc tu hành mà mình rất nể trọng”.

Hàng năm, Bộ VHTT&DL có công văn hướng dẫn, phối hợp với các địa phương trong công tác tổ chức lễ hội, cụ thể là Ban quản lý các di tích, các đình đền chùa có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của nhân dân khi tham gia lễ hội để hạn chế việc người dân đặt tiền công đức không đúng nơi quy định. Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn chưa được khắc phục triệt để, vẫn còn tình trạng đặt tiền lẻ lên các ban thờ, đặt tiền công đức không đúng nơi quy định.

Tượng Phật chùa Bái Đính bị nhét tiền lẻ đầy tay. (Ảnh: Vietnamnet)

Chia sẻ về vấn đề này, Hòa thượng Thích Thanh Nhã - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN cho biết: "Người dân đi lễ chùa có truyền thống công đức, cúng dường Tam bảo, tùy duyên công quả để tạo phúc cho gia đình. Tuy nhiên, việc rải tiền lẻ lên ban thờ là một hành động sai lầm vì cúng đức Phật là cúng hương đèn, hoa quả".

Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhã, người đi lễ chùa cần nâng cao ý thức, không hùa theo đám đông để giữ cho chùa chiền được tôn nghiêm, thanh tịnh. Tiền công đức nên được đặt vào hòm công đức hoặc gửi ở các bàn ghi công đức được bố trí tại các chùa. Đây vừa là hành động có văn hóa, thể hiện được sự thành kính, vừa tránh được tình trạng lộn xộn, để tiền công đức được bảo quản và sử dụng đúng mục đích.

Theo GS. Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam: Từ xưa, đi lễ chùa là nét đẹp văn hóa của người Việt, tuy nhiên có không ít người hiện nay đi lễ chùa chưa có ý thức và thái độ chuẩn mực. Thậm chí, nhiều người còn không biết rằng, đến chùa không được đốt vàng mã, không mang đồ mặn, đặc biệt, không được phép rải tiền lẻ hay nhét tiền vào tay Phật.

Để tiền "giọt dầu" phải đúng nơi quy định (Ảnh: Internet)

Tiền phải được cho vào Hòm công đức

Hòm công đức chính là nơi tiếp nhận những tấm lòng của người đời dành cho việc tôn tạo, duy tu các công trình văn hóa, tâm linh. “Tâm xuất thì Phật biết”, việc cúng lễ tại các ngôi chùa không nhất thiết phải bằng tiền lẻ và đặt ở nhiều nơi. Thay vì rải tiền, người đi lễ nên thả tiền vào hòm công đức được đặt sẵn tại các chùa hoặc có thể đến bàn công đức tại các chùa, đình, đền… đóng góp lòng thành. Tấm lòng công đức của người đi lễ là lòng thành nên không ai đong đếm chuyện nhiều – ít.

Thả tiền vào Hòm công đức (Ảnh: Internet)

Ngoài việc thể hiện văn hóa chốn tôn nghiêm, việc đặt tiền đúng nơi, đúng chỗ, sẽ tránh được những rủi ro không đáng có vì tiền lẻ để tràn lan, tùy tiện, trên hoa, dưới đĩa... không may rơi vào hương, nến sẽ bị cháy, dễ gây hỏa hoạn.

Bên cạnh đó, mỗi đồng tiền còn là biểu tượng của quốc gia nên mọi người đều phải có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ.

Ngừng sản xuất và phát hành đồng 500 Euro

(Kiemsat.vn) - Sau cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Châu Âu ECB vào ngày hôm qua, số phận của một trong những đồng tiền có giá trị lớn nhất thế giới - 500 Euro đã chính thức được quyết định.

Những lễ hội xuân đặc sắc ở miền Bắc

(Kiemsat.vn) - Tiếp nối những ngày Tết cổ truyền Kỷ Hợi 2019 là những lễ hội truyền thống ý nghĩa. Kiemsat.vn tổng hợp, giới thiệu một số lễ hội tiêu biểu và đặc sắc ở miền Bắc trong tháng Giêng.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang