Đổi tiền lẻ: Ngân hàng khan hiếm, chợ đen bao nhiêu cũng có

02/02/2018 10:42

(kiemsat.vn)
Nhu cầu tiền lẻ dịp cuối năm và Tết tăng cao, trong khi các ngân hàng thương mại bối rối vì không đủ lượng tiền mệnh giá nhỏ để phục vụ khách hàng thì ngoài chợ đen, dịch vụ đổi tiền lẻ ăn chênh lệch lại đang được dịp tung hoành.

Thông thường, vào thời điểm gần Tết, nhu cầu tiền lẻ mệnh giá nhỏ từ 20.000 đồng trở xuống của các doanh nghiệp và người dân rất lớn. Đây là thời điểm Ngân hàng Nhà nước thường bơm số lượng lớn tiền mệnh giá nhỏ vào lưu thông. Tuy nhiên, từ năm 2013 trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán. Điều này giúp tiết kiệm khoảng 280 tỉ đồng cho riêng năm 2018, nâng tổng mức chi phí tiết giảm từ khi thực hiện chủ trương này đến nay lên đến khoảng gần 2.200 tỉ đồng.

Ngân hàng khan hiếm tiền lẻ

Tại thời điểm này, các Ngân hàng hầu như không có đủ tiền mệnh giá nhỏ để phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Thậm chí còn không đủ tiền mệnh giá 50.000đ để nạp ATM chứ chưa nói đến việc đổi tiền cho khách. Đây được đánh giá là một hiện tượng lạ trong những năm gần đây bởi mọi năm NHNN vẫn chủ trương hạn chế tiền mệnh giá nhỏ nhưng không đến mức khan hiếm như năm nay.

Lý giải cho điều này, một cán bộ cấp cao ngân hàng cho biết, sở dĩ có hiện tượng khan hiếm này một phần vì qua thời gian lưu thông đã phát sinh rất nhiều tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông như bị rách, phai màu,... nhất là đối với tiền polymer mệnh giá 20.000 đồng và 10.000 đồng. Do đó, tiền mệnh giá nhỏ từ dân cư nộp trở lại các ngân hàng thương mại, các ngân hàng thương mại nộp về NHNN thường là tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông nên không thể cung ứng trở lại thị trường. Trong khi đó, lượng tiền mới mệnh giá nhỏ lại khan hiếm theo chủ trương tiết giảm chi phí in tiền mới mệnh giá nhỏ của Chính phủ trong những năm gần đây.

Tiền mệnh giá nhỏ có vai trò rất quan trọng trong dòng chu chuyển tiền tệ, nhất là trong thời điểm cận Tết nhu cầu của tiền mệnh giá nhỏ lại càng lớn (Lì xì, trả lương, thưởng, mua sắm, đi lễ,...). Với hiện tượng khan hiếm cục bộ, nên tâm lý các ngân hàng và khách hàng đều muốn tranh thủ giữ lại tiền mệnh giá nhỏ để đáp ứng nhu cầu sử dụng của mình, tuy nhiên thực tế lại không sử dụng hết. Khi dòng chu chuyển bị tắc nghẽn, tất yếu sẽ dẫn đến tiền mệnh giá nhỏ trong lưu thông càng khan hiếm khi mà những năm qua Ngân hàng Nhà nước lại hạn chế việc in ấn tiền mệnh giá nhỏ.

Dịch vụ đổi tiền lẻ được rao trên một trang mạng xã hội: nguồn internet

Chợ đen đổi bao nhiêu cũng có

Trong khi ngân hàng kêu khan hiếm tiền lẻ thì ngoài thị trường chợ đen nhu cầu đổi tiền lẻ được đáp ứng vô hạn, tuy nhiên chi phí cho việc đổi tiền vô cùng đắt đỏ.

Việc đổi tiền được chào công khai trên các trang mạng xã hội với chi phí chênh lệch từ 5-30% tùy thuộc mệnh giá, tiền mệnh giá càng nhỏ thì phí đổi càng đắt, thậm chí phí đổi cao gấp rưỡi nếu khách hàng đổi với số lượng ít. Đặc biệt, năm nay tiền mệnh giá 500 đồng được một số nơi niêm yết phí đổi tiền lên đến 150-200% vì lý do hiếm so với các mệnh giá khác.

Đáng nói, một số điểm đổi tiền còn chào bán các bộ tiền seri tứ quý với giá ngất ngưởng. Bộ 10 tờ 1.000 đồng seri tứ quý có giá 200.000 đồng; bộ 10 tờ 2.000 đồng giá 220.000 đồng; bộ 10 tờ 5.000 đồng giá 300.000 đồng.

Ngoài việc luôn đáp ứng nhanh nhu cầu đổi tiền của khách, dịch vụ chuyển tiền của các đầu mối online cũng hết sức linh động. Khách hàng có thể được giao hàng trực tiếp tại nhà, nếu đổi nhiều còn được miễn phí vận chuyển. Khách ở tỉnh xa muốn đổi tiền có thể chuyển khoản hoặc nạp thẻ điện thoại một số tiền nhất định để làm tin.

Xử lý nghiêm đổi tiền lẻ trái phép

Ngày 27/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 48/CT-TTg giao NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế, nhất là trong dịp Tết.

Trong đó, Thủ tướng giao NHNN phải tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết, đảm bảo an nninh, an toàn kho quỹ.

Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định.

Theo pháp luật hiện hành, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch là hành vi trái pháp luật. Cụ thể, tại điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định:  Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt này áp dụng cho vi phạm đối với cá nhân; tổ chức vi phạm bị phạt gấp 02 lần.

Ngân hàng nhà nước vừa có công văn yêu cầu các đơn vị, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và công ty cổ phần thanh toán quốc gia tăng cường đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng dịp Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Theo đó, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền người dân dùng tiền mệnh giá nhỏ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết nguyên đán. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị như chi cục quản lý thị trường, công an, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép tại khu di tích, đền chùa, lễ hội hoặc kinh doanh đổi tiền trên mạng. NHNN cũng sẽ xử lý kỷ luật nghiêm cán bộ lợi dụng đổi tiền mới, tiền lẻ để hưởng chênh lệch.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang