Công tác kháng nghị của Viện kiểm sát các cấp đã góp phần quan trọng bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức

22/06/2023 16:10

(kiemsat.vn)
Ngày 22/6/2023, VKSND tổ chức Hội nghị tập huấn rút kinh nghiệm trong công tác kháng nghị án hình sự, dân sự, hành chính bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, nối từ điểm cầu VKSND tối cao đến các điểm cầu trong toàn Ngành. Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao và đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao có đồng chí Lại Viết Quang, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự VKSND tối cao; đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học VKSND tối cao.

Cùng tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo, trưởng phòng, phó trưởng phòng, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên các đơn vị thuộc VKSND tối cao: Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án an ninh (Vụ 1), Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Vụ 2), Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3), Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy (Vụ 4), Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5), Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (Vụ 6), Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 7), Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14), Văn phòng, Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin.

Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Trình bày Báo cáo đề dẫn Hội nghị, đồng chí Lại Viết Quang, Vụ trưởng Vụ 7 VKSND tối cao nhấn mạnh, những năm qua, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự của Viện kiểm sát các cấp đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Toàn ngành Kiểm sát đã quán triệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Chỉ thị công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm trong từng lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính như: Chỉ thị số 08/CT-VKSTC ngày 6/4/2016 về tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị án hình sự; Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 6/8/2021 về việc tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự; Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 18/10/2022 về việc nâng cao chất lượng kiểm sát giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự.

Đồng chí Lại Viết Quang, Vụ trưởng Vụ 7 VKSND tối cao trình bày Báo cáo đề dẫn tại Hội nghị.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Lãnh đạo VKSND tối cao luôn quan tâm đến khâu công tác kháng nghị, coi đây là một trong những khâu công tác trọng tâm, đột phá, trong đó tập trung chú trọng công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; chỉ đạo VKSND các cấp tăng cường thực hiện quyền kháng nghị theo đúng quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, các quy định của pháp luật và các quy chế, quy định của Ngành. Trên cơ sở đó, Viện kiểm sát các cấp đã tăng cường công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án, qua đó đã phát hiện được nhiều vi phạm của Tòa án và kịp thời ban hành kháng nghị.

Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thực hiện tốt công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án, kịp thời phát hiện nhiều vi phạm, ban hành nhiều kháng nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm được Tòa án chấp nhận, bảo đảm việc giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự của Tòa án đúng quy định của pháp luật. Các quyết định kháng nghị về cơ bản bảo đảm nội dung, hình thức, có căn cứ lập luận chặt chẽ, chỉ rõ được vi phạm để kháng nghị.

Nhìn chung, chất lượng công tác kháng nghị đều bảo đảm tính có căn cứ, đúng pháp luật, các kháng nghị đã phát hiện đúng vi phạm, viện dẫn đầy đủ căn cứ pháp luật. Các kháng nghị đều đánh giá đúng tính chất vi phạm của Tòa án và các cơ quan hữu quan. Phương pháp lập luận, đánh giá chứng cứ và dẫn chiếu các quy định pháp luật làm căn cứ cho việc kháng nghị cơ bản chặt chẽ và thuyết phục. Kháng nghị của Viện kiểm sát cấp dưới hầu hết được Viện kiểm sát cấp trên thống nhất quan điểm và bảo vệ kháng nghị. Một số vụ việc Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng nghị, Viện kiểm sát cấp trên tiếp tục kháng nghị và đã được Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận. Kết quả công tác kháng nghị của Viện kiểm sát các cấp đã góp phần quan trọng bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Toàn cảnh Hội nghị.

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận vào các chuyên đề: Những dạng vi phạm, thiếu sót được rút ra từ các vụ án bị cấp giám đốc thẩm hủy điều tra lại hoặc xét xử lại; một số kỹ năng, kinh nghiệm xác định tội danh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; kỹ năng, kinh nghiệm về xác định các tình tiết định khung hình phạt trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự; kỹ năng, kinh nghiệm nhận diện những vi phạm thiếu sót khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và kỹ năng, kinh nghiệm nhận diện những vi phạm thiếu sót khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án hình sự.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đánh giá cao việc Vụ 7, Vụ 9, Vụ 10, Vụ 14 VKSND tối cao và các đơn vị liên quan trong việc chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị tốt nội dung, tài liệu Hội nghị. Đồng thời nhấn mạnh, việc phân tích, làm rõ những dạng sai lầm, vi phạm, thiếu sót từ các vụ án bị cấp giám đốc thẩm tuyên hủy để điều tra lại, xét xử lại là rất cần thiết, có ý nghĩa thiết thực để Viện kiểm sát các cấp, mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên tránh gặp phải những sai lầm, vi phạm có tính chất tương tự trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng yêu cầu Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo, chỉ đạo, điều hành trong công tác kháng nghị và quán triệt cho cán bộ, Kiểm sát viên nhận thức đầy đủ quyền kháng nghị theo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và các văn bản có liên quan; các Chỉ thị của Viện trưởng Viện KSND tối cao. Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Kiểm sát viên; đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, để thực hiện tốt chức năng kháng nghị, kiến nghị theo đúng quy định pháp luật cần khắc phục triệt để tâm lý nể nang, ngại va chạm dẫn đến không kiến nghị, kháng nghị gây ảnh hưởng đến chất lượng công tác. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên giàu kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm, kỹ năng phát hiện vi phạm, kháng nghị; tạo động lực để đội ngũ công chức cống hiến, tận tụy, phát huy năng lực, sở trường công tác. Đồng thời có cơ chế động viên, khuyến khích, thu hút đối với công chức có trình độ năng lực, có nhiệt huyết, đạt thành tích cao trong công tác, thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ theo hướng chuẩn hóa, trẻ hóa để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đối với đơn vị có lượng án bị hủy, sửa nhiều cần phân công, điều động một số Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, có kinh nghiệm, có năng lực chuyên môn để nhằm nâng cao chất lượng kiểm sát, kịp thời phát hiện vi phạm, đề xuất ban hành kháng nghị.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang