Cần tiếp tục quan tâm, xem xét đến chất lượng của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
(kiemsat.vn) Tham gia góp ý thảo luận tại hội trường trong chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, nghiên cứu, để sớm sửa đổi, bổ sung các Nghị định, Thông tư, các văn bản còn chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.
Cần quy định rõ các hành vi bị cấm trong Luật Đấu thầu (sửa đổi)
Ngành Kiểm sát nhân dân tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Tháng hành động phòng, chống ma tuý năm 2023
Cần quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Ngày 01/6/2023, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh:CTV) |
Ngày 01/6/2023, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, nghiên cứu, để sớm sửa đổi, bổ sung các Nghị định, Thông tư, các văn bản còn chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.
Thảo luận ở hội trường, đại biểu Đồng Ngọc Ba, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng, cả hệ thống chính trị đã hết sức nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật, đến nay đã cơ bản đầy đủ. Chúng ta có khoảng 230 đạo luật; hơn 1.000 văn bản là Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; khoảng hơn 7.000 Thông tư của bộ, cơ quan ngang bộ…
Đại biểu Đồng Ngọc Ba, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định. (Ảnh:CTV) |
Theo đại biểu Đồng Ngọc Ba, hệ thống pháp luật vẫn còn nhiều bất cập, do đó, trọng tâm trong nhiệm vụ của Chính phủ về thể chế cần nhấn mạnh việc kiểm soát các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật. Trong đó, nhiều văn bản chưa hợp lý như về Phòng cháy chữa cháy, về sách giáo khoa… do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến các thể chế hiện tại để đảm bảo chất lượng các văn bản; đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật đã có. Đồng thời, khi đề xuất nghiên cứu sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cần kiểm tra trước, xem xét tính pháp lý, hợp lý của các Thông tư của các Bộ trước khi ban hành; kiểm tra, kiểm soát tính hợp pháp, hợp lý của Nghị định, Quyết định của Chính phủ…
Tham gia thảo luận ở hội trường, đại biểu Đỗ Đức Hiển, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh đề cập đến chất lượng chưa tốt và thiếu tính ổn định của các văn bản pháp luật được ban hành dưới hình thức Thông tư của các Bộ trưởng, Bộ và cơ quan ngang bộ. Theo đại biểu, đây không phải là vấn đề mới, dường như có phần gia tăng trong thời gian gần đây và nếu không được giải quyết một cách căn cơ, thấu đáo sẽ gây ảnh hưởng không tốt công tác quản lý điều hành, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội, đồng thời gây thêm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh:CTV) |
Đại biểu Đỗ Đức Hiển cho biết, trong hệ thống văn bản quy phạm ở nước ta, Thông tư chiếm khoảng 60% số lượng văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ban hành. Đây là văn bản phát sinh hiệu lực trực tiếp và được áp dụng phổ biến trong hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp và người dân. Trong thời gian qua, nhằm nâng cao chất lượng thông tư của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Luật Ban hành văn bản pháp luật đã có những quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục soạn thảo, lấy ý kiến quy định về thẩm định của tổ chức pháp chế và một số trường hợp là Hội đồng tư vấn thẩm định trước khi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ký ban hành.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc xây dựng, ban hành Thông tư còn một số tồn tại nhất định như: Một số văn bản chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; nội dung chưa phù hợp với văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trên; hướng dẫn sai nguyên tắc và vượt phạm vi; trong một số trường hợp, Thông tư được vận hành nhằm đưa ra mang tính tình thế; nhiều trường hợp, văn bản vừa mới được ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung, thay thế...
Theo đại biểu, nguyên nhân trực tiếp do việc xây dựng, ban hành Thông tư trong thời gian qua dường như còn khép kín, chưa có cơ chế phản biện, thẩm định từ bên ngoài. Các bộ, ngành vừa soạn thảo Thông tư vừa tự thẩm định dẫn đến có ý kiến cho rằng đây tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi.
Từ những bất cập trên, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề nghị, phải nâng cao trách nhiệm nhận thức, kỷ cương, kỷ luật trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung, thông tư nói riêng. Tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trình tự, thủ tục ban hành Thông tư; chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là năng lực phân tích, xây dựng chính sách, pháp luật và kỹ năng soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật cho đội ngũ cán bộ pháp chế tại các Bộ, ngành. Tăng cường việc xây dựng các đạo luật cụ thể, hiệu lực trực tiếp, hạn chế ban hành văn bản, quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, nhất là Thông tư; chú trọng việc kiểm soát đối với việc ban hành Thông tư trước và sau khi ban hành Thông tư.
Theo đại biểu Đỗ Đức Hiển, về lâu dài, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu cho thí điểm cơ chế thẩm định từ bên ngoài đối với Thông tư trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức và tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó đề xuất nội dung này khi sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương. (Ảnh:CTV) |
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho biết, có rất nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết của luật đến nay vẫn chưa được ban hành, điều này làm cho luật không đi vào thực tế, gây cản trở sự phát triển của đất nước.
Đại biểu chia sẻ, tại buổi tiếp xúc cử tri với doanh nghiệp và người dân tỉnh Bình Dương trước kỳ họp thứ 5, cử tri mong muốn cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước phải kiểm soát chặt chẽ số lượng, chất lượng việc sửa đổi thể chế pháp luật của Chính phủ và Bộ, ngành theo hướng ưu tiên cho kiến tạo phát triển hơn là quản lý. Đại biểu nhấn mạnh, việc hoàn thiện Thông tư, Nghị định càng lâu thì doanh nghiệp, người dân thiệt hại bấy nhiêu, gây lãng phí, nhiều cơ hội đầu tư và phát triển của đất nước.
Mặt khác, với khối lượng thể chế cần hoàn thiện rất lớn nhưng con người và nguồn lực hiện nay còn hạn chế, đại biểu cho rằng cần áp dụng mạnh mẽ công nghệ, kỹ thuật lập pháp tiên tiến, hiện đại để phát hiện nhanh các mâu thuẫn, chồng chéo và sửa đổi, bổ sung kịp thời các thể chế, chính sách.
Bài viết chưa có bình luận nào.