Cần quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

26/05/2023 22:58

(kiemsat.vn)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). (Ảnh:CTV)

Trình bày tóm tắt Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia và là thành viên, không làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn, phiền hà và tạo gánh nặng kinh phí bất hợp lý cho tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng, cơ quan liên quan, đồng thời bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. (Ảnh:CTV)

Theo ông Lê Quang Huy, về khái niệm người tiêu dùng, có 02 ý kiến khác nhau: Thứ nhất, đề nghị quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức; thứ hai, không cần thiết đưa “tổ chức” vào khái niệm “người tiêu dùng”. Sau khi nghiên cứu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung đối tượng “tổ chức” vào nội dung quy định giải thích từ ngữ về người tiêu dùng; đồng thời bổ sung thuật ngữ “tiêu dùng bền vững”.

Tiếp thu ý kiến đề nghị cần bảo đảm cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng với quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh, không làm phát sinh gánh nặng bất hợp lý của tổ chức, cá nhân kinh doanh, dự thảo Luật đã rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện các quy định nhằm đảm bảo cân bằng quyền lợi của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong mối quan hệ với người tiêu dùng; phân tách rõ ràng 6 nghĩa vụ của người tiêu dùng; bổ sung một khoản quy định người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật; sửa đổi một số điểm để phù hợp với thực tiễn kinh doanh, không làm phát sinh trách nhiệm, chi phí vô lý cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Ngoài ra, dự thảo Luật đã có nhiều quy định để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (trong đó có Hội bảo vệ người tiêu dùng). Dự thảo Luật cũng quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Để đảm bảo các giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên vẫn có thể áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự, cụ thể khoản 2 Điều 70 được chỉnh sửa theo hướng vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự hoặc khi có đủ một số điều kiện cụ thể được quy định trong dự thảo Luật.

Đại biểu Lê Xuân Thân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: CTV)

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Lê Xuân Thân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho rằng, mục tiêu đặt ra của dự án Luật này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, do đó, đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự hoặc khi có đủ một số điều kiện cụ thể được quy định trong dự thảo Luật. Bên cạnh đó, trong Bộ luật Tố tụng Dân sự cũng không quy định điều kiện hạn chế áp dụng thủ tục rút gọn như đối với các giao dịch trên hay dưới 100 triệu đồng. Do đó, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị bỏ điều kiện khống chế này trong dự thảo Luật.

Theo đại biểu Lê Xuân Thân, cần bảo vệ sự thống nhất trong công tác xây dựng pháp luật. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật sau cần tôn trọng các văn bản quy phạm pháp luật đã được xây dựng, ban hành trước đó.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum. (Ảnh:CTV)

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Thu Phước, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum bày tỏ đồng tình với việc ban hành dự án Luật này nhằm thể chế hóa Hiến pháp, phù hợp với sự phát triển của kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong luật hiện hành.

Theo đại biểu Trần Thị Thu Phước, để bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hành vi lừa dối, trong dự thảo luật đã có quy định rõ ràng các trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin minh bạch, chính xác và đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, các biện pháp bồi thường, xử lý cho người tiêu dùng khi có sự cố, sản phẩm, hàng hóa khuyết tật.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện xử lý các hành vi lừa dối người tiêu dùng còn bất cập, đại biểu cho rằng dự thảo luật cần quy định cụ thể tiêu chí đánh giá xem hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh có lừa dối người tiêu dùng hay không, dựa trên khả năng nhận thức, nhận dạng của người tiêu dùng thông thường.

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: CTV)

Phát biểu ý kiến về về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại phiên họp, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, dự thảo luật đã thể hiện tính nhân văn, khẳng định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là góp phần bảo vệ quyền hiến định của mỗi công dân, tuy nhiên để hoàn thiện, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cân nhắc sự thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan khác. Cụ thể như tại Điều 72 của dự thảo Luật quy định khi tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng vì mục đích công cộng khởi kiện vụ án dân sự có trách nhiệm thông báo công khai các thông tin người khởi kiện về tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị kiện và về nội dung khởi kiện trên các hình thức phương tiện thông tin đại chúng trên trang thông tin điện tử của tổ chức xã hội và tại trụ sở, địa chỉ cơ quan của tổ chức xã hội, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.Theo đại biểu, Ban soạn thảo nên cân nhắc việc công khai thông tin này vì đây là vụ án dân sự có tranh chấp và được lựa chọn giải quyết bằng con đường khởi kiện. Vì vậy, các bên tham gia tố tụng phải tuân thủ các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự hiện hành…

Đại biểu Nguyễn Hòa Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang. (Ảnh:CTV)

Đại biểu Nguyễn Hòa Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho biết, quy định về thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến Điều 37 của Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự, mở đường cho các luật khác quy định có thể áp dụng thủ tục rút gọn thì trình tự thủ tục rút gọn theo Bộ luật Dân sự. Và Bộ luật Dân sự không cấm các luật khác quy định trình tự, thủ tục rút gọn và mở đường cho các luật khác có thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ việc được nhanh chóng.

Đại biểu Nguyễn Hòa Bình đồng tình với ý kiến của các đại biểu đã nêu trước đó cho rằng, quy định tại Điều 70 của dự thảo Luật là hạn chế quyền lợi người dùng. Do vậy, các đại biểu đề nghị bỏ quy định tại Điều 70 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hòa Bình cho biết, qua tham khao kinh nghiệm thế giới, với những tranh chấp của người tiêu dùng dưới quy mô 100 triệu, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tham khảo kinh ngiệm thế giới, và quy định như Điều 70 của dự thảo Luật là chưa thỏa đáng. Nếu quy định thỏa mãn theo Điều 37 của Bộ luật Dân sự thì có thể áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn. Nếu quy mô tranh chấp các vụ án dưới 100 triệu, có thể phức tạp, không thỏa mãn Điều 37 của Bộ luật Dân sự thì cũng vẫn áp dụng thủ tục rút gọn. Quy định như vậy sẽ thỏa đáng hơn.

Cần quy định rõ các hành vi bị cấm trong Luật Đấu thầu (sửa đổi)

(Kiemsat.vn) - Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe các báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Ngành Kiểm sát nhân dân tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Tháng hành động phòng, chống ma tuý năm 2023

(Kiemsat.vn) - Hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy (tháng 6), Lãnh đạo VKSND tối cao yêu cầu Tạp chí Kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật, Trang tin điện tử của VKSND tối cao và các VKSND địa phương cần tăng tần suất thông tin, lượng bài viết, bài nghiên cứu, trao đổi. Đăng tải bài viết, tác phẩm phản ánh về chức năng, nhiệm vụ của Ngành với công tác đấu tranh phòng, chống ma túy.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang