Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

23/05/2023 19:04

(kiemsat.vn)
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã nêu tình hình lập, triển khai thực hiện Chương trình từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay.

Về việc điều chỉnh Chương trình năm 2023 theo thẩm quyền của UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, để xử lý các vấn đề thực tiễn phát sinh, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng trong các văn bản mới, bảo đảm thời gian cho các cơ quan kịp chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, thực hiện quy định tại Điều 51 của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, UBTVQH đã quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2023 các dự án luật, dự thảo nghị quyết:

Trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo quy trình tại một kỳ họp đối với 02 dự án luật, 03 dự thảo nghị quyết, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (dự kiến đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ 5).

Trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 đối với 02 dự án luật, bao gồm: Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

UBTVQH xin báo cáo và đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh Chương trình năm 2023:

Bổ sung 04 dự án luật, bao gồm: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản vào Chương trình năm 2023 trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7. Bổ sung dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng vào Chương trình năm 2023.

Đối với 03 dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến gồm: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023 và đã trình hồ sơ đầy đủ của 03 dự án.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, UBTVQH đã xem xét việc đề nghị Quốc hội cho bổ sung vào Chương trình năm 2023 đối với 03 dự án luật và nhận thấy, Chính phủ đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến của các cơ quan hữu quan và ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, sự cần thiết ban hành và nội dung chính của 03 dự án luật.

Do đó, UBTVQH tán thành trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung 03 dự án luật này vào Chương trình năm 2023 và thống nhất với đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6 đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Về tiến độ trình Quốc hội dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Trên cơ sở cân đối số lượng các dự án luật thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh dự kiến trình Quốc hội trong năm 2023, UBTVQH thống nhất với Chính phủ báo cáo Quốc hội cho đưa vào Chương trình để trình Quốc hội cho ý kiến về 02 dự án luật này tại kỳ họp thứ 6, thông qua tại kỳ họp thứ 7. Trường hợp các dự án được chuẩn bị tốt, qua thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao, UBTVQH sẽ báo cáo Quốc hội đẩy nhanh tiến độ để thông qua ngay tại kỳ họp thứ 6.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. (Ảnh:CTV)

Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, UBTVQH trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 đối với 10 dự án, trong đó có 08 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; và 02 dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Trong đó, đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, trên cơ sở xem xét thứ tự ưu tiên, cân đối số lượng các dự án bổ sung vào Chương trình năm 2023, UBTVQH đề nghị đưa dự án Luật vào Chương trình năm 2024, cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 7 (lùi 01 kỳ họp so với đề nghị của Chính phủ).

UBTVQH trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 đối với 09 dự án luật gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật như tiến độ do các cơ quan đề xuất. UBTVQH trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 đối với 02 dự án luật, bao gồm: Luật Chuyển đổi giới tính và Luật Việc làm (sửa đổi).

Đối với dự án Luật Chuyển đổi giới tính, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đại biểu Quốc hội đề nghị đưa vào Chương trình năm 2024. Ý kiến của Chính phủ, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội đều tán thành sự cần thiết ban hành Luật để thực hiện Điều 37 của Bộ luật Dân sự. UBTVQH nhận thấy, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật cơ bản bảo đảm yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, nhất trí trình Quốc hội xem xét, quyết định đưa dự án Luật vào Chương trình năm 2024, đồng thời thống nhất với đại biểu Quốc hội điều chỉnh thời gian trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và thông qua tại kỳ họp thứ 9 để có thêm thời gian nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng soạn thảo dự án Luật.

Đối với dự án Luật Dân số (sửa đổi), UBTVQH nhận thấy, ý kiến thẩm tra tuy đều nhất trí với sự cần thiết ban hành, nhưng còn nêu nhiều vấn đề, nhất là các chính sách, giải pháp xử lý,… cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ. Do đó, UBTVQH đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật để trình UBTVQH xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2024.

Trong Tờ trình của UBTVQH về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, UBTVQH cũng kiến nghị một số giải pháp, biện pháp cụ thể đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan, tổ chức hữu quan tập trung chỉ đạo và quyết liệt triển khai thực hiện để phát huy các kết quả tích cực đã đạt được, khắc phục các hạn chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Bám sát và thực hiện nghiêm túc Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của UBTVQH và các yêu cầu trong các văn kiện, nghị quyết, kết luận của Đảng, gắn kết chặt chẽ quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật với việc hoàn thành các nhiệm vụ lập pháp được giao; Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi của các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Quốc hội xem xét về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

(Kiemsat.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 23/5, Quốc hội xem xét về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Ảnh: Toàn cảnh chuyến công tác, làm việc của Đoàn đại biểu VKSND tối cao Việt Nam tại Trung Quốc

(Kiemsat.vn) - Trong thời gian từ ngày 14/5 đến 21/5/2023, Đoàn đại biểu VKSND tối cao Việt Nam do đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực dẫn đầu đã có chuyến thăm, làm việc và nghiên cứu về Chế định Kiểm sát tố tụng công ích tại Trung Quốc.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang