Cần quy định rõ các hành vi bị cấm trong Luật Đấu thầu (sửa đổi)

24/05/2023 13:31

(kiemsat.vn)
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe các báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh:CTV)

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nêu rõ, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 99 điều (Giữ nguyên số chương, tăng thêm 1 điều). Trong đó, bỏ 5 điều và thêm 6 điều, giữ nguyên 21 điều, sửa đổi nội dung 48 điều, chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản 20 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Chính phủ đã có văn bản về các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh. (Ảnh:CTV)

Theo ông Lê Quang Mạnh, để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan bám sát mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật để hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng rà soát, chỉnh lý phạm vi, đối tượng áp dụng luật, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Luật Đấu thầu với các luật có liên quan. Rà soát quy trình, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt là vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế thời gian qua.

Đồng thời, quy định rõ các hành vi bị cấm, các ưu đãi đối với doanh nghiệp trong nước, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu. Luật hóa những nội dung đã được quy định ở văn bản dưới luật đã thực hiện ổn định. Quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, bên mời thầu, bên dự thầu, góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu thầu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý tại nhiều điều, khoản để quy định rõ ràng, cụ thể trong luật nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm về vấn đề mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế; tiếp thu, chỉnh lý các điều khoản liên quan về chỉ định thầu trong mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với gói thầu mua sắm vắc xin trong quá trình thử nghiệm; áp dụng tùy chọn mua thêm, mua sắm tập trung; bổ sung quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế và  chỉnh lý quy định về ưu đãi trong mua thuốc.

Đại biểu Lê Thị Song An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An. (Ảnh:CTV)

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Lê Thị Song An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An cần làm rõ hơn các hành vi bị cấm như “thông thầu, dàn xếp, thỏa thuận”, “cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu”. Đại biểu Lê Thị Song An cho rằng, hiện nay hành vi gian lận trong đấu thầu rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó nhận biết do chưa có quy định cụ thể; việc có quy định cụ thể về các hành vi bị cấm sẽ giúp công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu được thi hành công khai, chặt chẽ và minh bạch hơn.

Đại biểu Trần Quang Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. (Ảnh:CTV)

Đại biểu Trần Quang Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng, theo dự thảo Luật quy định các hành vi bị cấm trong đấu thầu, trong đó quy định rất chặt với hành vi chuyển nhượng thầu. Tuy nhiên, việc quy định quá cứng về hành vi chuyển nhượng thầu sẽ dẫn đến khó khăn, không tạo được sự linh hoạt cho các chủ thể trong quá trình thực hiện. Do vậy, để việc thực hiện pháp luật đấu thầu được chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, đề nghị xem xét nghiên cứu sửa đổi về hành vi chuyển nhượng thầu trong dự thảo Luật theo hướng: Bổ sung quy định loại trừ đối với trường hợp nhà thầu thay thế bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong hồ sơ dự thầu, và việc sử dụng nhà thầu phụ vượt mức tối đa giá trị công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng khi có lý do xác đáng, cụ thể, trong một số trường hợp đặc biệt hợp lý và được chủ đầu tư chấp thuận thì không được coi là hành vi chuyển nhượng thầu.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. (Ảnh:CTV)

Tham gia thảo luận quy định về hủy thầu, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, tại khoản 4, điều 17 của dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật dẫn đến hủy thầu theo quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 và điểm c, điểm d khoản 2 điều này phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan. Dẫn chiếu tới điều 90 của dự thảo Luật và tại khoản 1 điều 90 của dự thảo Luật quy định, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu của pháp luật có liên quan, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Đối chiếu nội dung xử phạt trong trường hợp hủy thầu được quy định tại khoản 4, điều 17 cũng như tại khoản 1, điều 90 có sự trùng lặp. Do vậy, đại biểu đề nghị bỏ khoản 4, điều 17 và chỉ cần quy định tại khoản 1, điều 90 là đã đầy đủ.

Về hủy thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư, dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và chỉnh lý điểm b, khoản 2, điều 17, theo đó, dự thảo Luật đã thống kê các trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư, trong đó có trường hợp quy định tại điểm b là thay đổi mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn đầu tư, thời hạn thực hiện dự án đầu tư kinh doanh làm thay đổi tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu đã phát hành. Theo quy định tại khoản 4, điều 17 dự thảo Luật, trường hợp hủy thầu theo quy định tại điểm b khoản 2 các bên liên quan sẽ không được đền bù chi phí, đại biểu cho rằng đây là điểm chưa phù hợp, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định trong trường hợp này nhà đầu tư cũng được đền bù về chi phí tương tự như đối với các trường hợp tại điểm c, điểm d khoản 2, điều 17. Trường hợp hủy thầu do lỗi của cơ quan nhà nước gây ra gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cơ quan nhà nước phải bồi thường thiệt hại theo quy định Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước.

Dự thảo Luật chưa quy định khoản bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự hay theo cơ chế riêng của Luật Đấu thầu và trình tự, thủ tục để thực hiện. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung cụ thể về cơ chế, quy trình, thủ tục đền bù chi phí cho các bên liên quan khi hủy thầu.

Ngoài ra, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về quy trình thực hiện các bước tiếp theo sau hủy thầu bao gồm cả trường hợp sau khi tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu nhưng vẫn không có nhà thầu, nhà đầu tư đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Ảnh: Toàn cảnh chuyến công tác, làm việc của Đoàn đại biểu VKSND tối cao Việt Nam tại Trung Quốc

(Kiemsat.vn) - Trong thời gian từ ngày 14/5 đến 21/5/2023, Đoàn đại biểu VKSND tối cao Việt Nam do đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực dẫn đầu đã có chuyến thăm, làm việc và nghiên cứu về Chế định Kiểm sát tố tụng công ích tại Trung Quốc.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

(Kiemsat.vn) - Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang