Cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, dạy nghề ngoài trại giam

22/03/2022 19:58

(kiemsat.vn)
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9 (đợt 2), chiều 22/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Toàn cảnh phiên họp.

Trình bày báo cáo của Chính phủ tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, việc đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là rất cần thiết.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, dự thảo Nghị quyết gồm 3 điều, quy định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Trại giam chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, trực tiếp quản lý, giám sát khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo và tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân như tại trại giam. Tổ chức, cá nhân có ngành nghề lao động chịu trách nhiệm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quản lý giam giữ, bàn giao cho trại giam quản lý và phối hợp với trại giam thực hiện tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, số trại giam được áp dụng thí điểm theo Nghị quyết này không quá một phần ba tổng số trại giam thuộc Bộ Công an. Việc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phải bảo đảm các nguyên tắc như: bảo đảm an toàn; phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tái hòa nhập cộng đồng; tạo điều kiện giúp phạm nhân tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù; phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện, được trả công, có quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự;…

Thẩm tra về nội dung nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khẳng định, Uỷ ban tán thành với Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Việc ban hành Nghị quyết này sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội. Đồng thời, tạo cơ chế thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự theo định hướng cải cách tư pháp. Mô hình này còn góp phần bảo đảm sử dụng đúng mục đích đất quốc phòng - an ninh, hạn chế việc phải bổ sung đất đai cho các trại giam để tập trung quỹ đất cho phát triển kinh tế-xã hội.

Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự.

Hồ sơ dự án Nghị quyết được Chính phủ chuẩn bị nghiêm túc và công phu. Hồ sơ có đầy đủ ý kiến của các cơ quan liên quan, các báo cáo kèm theo và dự thảo văn bản quy định chi tiết. Do đó, hồ sơ đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét.

Phát biểu tại phiên họp, cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hồ sơ dự án Nghị quyết được Chính phủ chuẩn bị nghiêm túc và kỹ lưỡng. Hồ sơ có đầy đủ ý kiến của các cơ quan liên quan, các báo cáo kèm theo và dự thảo văn bản quy định chi tiết; Nghị quyết trình theo thủ tục tại 1 kỳ họp Quốc hội là hoàn toàn khả thi.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, chỉnh lý để bảo đảm thống nhất về nội dung và kỹ thuật soạn thảo văn bản theo quy định của pháp luật. Trong đó, lưu ý cách thức sử dụng thuật ngữ trong quy định về chính sách miễn thuế thu nhập đối với doanh nghiệp hợp tác với trại giam; cơ chế ưu đãi đối với doanh nghiệp hợp tác với trại giam trong thời gian thực hiện thí điểm được áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập cho phần thu nhập từ hoạt động hợp tác với trại giam;…

Cho ý kiến tại phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Các ý kiến cho rằng, việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo cơ sở pháp lý để thống nhất tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trại giam trong công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân trong giai đoạn hiện nay; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác thi hành án phạt tù, công tác chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian tới.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành với cách thức tiếp cận trong xây dựng dự thảo Nghị quyết; phạm vi, đối tượng áp dụng của Nghị quyết; thời hạn thực hiện thí điểm là 5 năm; về các nguyên tắc thực hiện thí điểm;… Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ một số nội dung liên quan đến nguyên tắc phân bổ; xác định cụ thể nguyên tắc hợp tác giữa trại giam và doanh nghiệp; chính sách miễn thuế thu nhập đối với doanh nghiệp hợp tác với trại giam; rà soát quy định cụ thể các trường hợp phạm nhân không được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam; quy định cụ thể hiệu lực ngay trong Nghị quyết để Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm thống nhất quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;…

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, hồ sơ dự án Nghị quyết được chuẩn bị nghiêm túc và công phu, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp với các cơ quan có liên quan để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3 theo quy trình 1 kỳ họp vào tháng 5/2022 tới đây. Đồng thời đề nghị Ủy ban Tư pháp phối hợp với Ủy ban Pháp luật giúp Đảng đoàn Quốc hội chuẩn bị nội dung để báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi trình Quốc hội về dự án Nghị quyết này./.

Làm rõ hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cơ sở sau sắp xếp

(Kiemsat.vn) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu đánh giá chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở. Đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà nước, hiệu quả việc sử dụng ngân sách nhà nước và việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở các đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Quy hoạch cán bộ: Nhân sự không nhất thiết phải đáp ứng ngay các tiêu chuẩn

(Kiemsat.vn) - Ban Tổ chức Trung ương vừa có Hướng dẫn số 16-HD/BTCTƯ về “Một số nội dung cụ thể về công tác quy hoạch cán bộ”, nhằm giúp thực hiện Quy định số 50-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị về “Công tác quy hoạch cán bộ”. Theo Hướng dẫn, tại thời điểm xem xét, phê duyệt quy hoạch, nhân sự "chưa nhất thiết phải đáp ứng ngay các tiêu chuẩn: Kinh qua chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp dưới, trình độ quản lý nhà nước...".
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang