Cân nhắc việc tăng nặng xử phạt các hành vi xâm hại trẻ em nhằm bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa

27/04/2020 18:03

(kiemsat.vn)
Hôm nay, 27/4/2020, ngày làm việc thứ 6, phiên họp thứ 44 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng cần sửa những nội dung liên quan đến xử lý hành vi xâm hại trẻ em trong Bộ luật Hình sự, Luật Xử phạt hành chính… nhằm bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa.

8.709 trẻ em bị xâm hại trong vòng 5 năm

Thực hiện Nghị quyết số 81/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội và Kế hoạch giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019, Đoàn giám sát đã yêu cầu Chính phủ, 14 bộ, ngành và các địa phương báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; tổ chức 03 Đoàn công tác trực tiếp giám sát tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tổ chức làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan trung ương; tổ chức các hội thảo chuyên sâu; điều tra xã hội học; tổ chức khảo sát trực tiếp một số trường học, cơ sở trợ giúp xã hội và Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em; nghiên cứu một số vụ án cụ thể và triển khai nhiều hoạt động khác thuộc phạm vi giám sát.
Trình bày Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, tình hình phòng, chống xâm hại trẻ em còn những vấn đề đáng quan tâm. Số lượng trẻ em có nguy cơ bị xâm hại vẫn còn rất lớn như 8,3% trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng hiện không đi học (7,7% đã thôi học và 0,6% chưa bao giờ đi học). Trong đó, khu vực nông thôn cao hơn gần hai lần so với khu vực thành thị (9,5% so với 5,7%). Cấp học càng cao, tỷ lệ này càng lớn: Cứ 100 em trong độ tuổi đi học thì ở cấp tiểu học có một em không được đến trường, trung học cơ sở là 7 em, trung học phổ thông là 26 em.

Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát (ảnh: Quang Khánh)

Về số lượng trẻ em bị xâm hại, theo báo cáo của Chính phủ, từ ngày 1.1.2015 - 30.6.2019, cả nước đã phát hiện, xử lý 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại (1.672 trẻ em nam, 7.037 trẻ em nữ). Trong đó, xâm hại tình dục là 6.432 trẻ em; bạo lực là 857 trẻ em, có 191 trường hợp là cố ý giết trẻ em và 666 trường hợp là cố ý gây thương tích. 106 trẻ em bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt và 1.314 trẻ em thuộc các hình thức xâm hại khác.

Hình thức xâm hại phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề và gây bức xúc nhất nổi lên trong giai đoạn này là xâm hại tình dục, với 6.364 vụ và 6.432 trẻ em là nạn nhân, chiếm tới 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận. Cá biệt, có nhiều địa phương, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 90% tổng số trẻ em bị xâm hại. Bạo lực đối với trẻ em đã xảy ra nhiều, hậu quả nghiệm trọng, trong đó 857 trẻ em là nạn nhân, chiếm 9,84% tổng số trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý.

Đáng chú ý, qua giám sát cho thấy, nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em. Nhiều vụ xâm hại xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện; có vụ cha mẹ biết con bị xâm hại nhưng không tố giác vì lý do khác; nhiều đối tượng xâm hại lợi dụng mạng xã hội, lấy tên, địa chỉ, nhân thân giả nên việc thu thập thông tin, điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn… Mặt khác, công tác theo dõi, thống kê số trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức. Điều này dẫn đến số vụ việc xâm hại trẻ em bị phát hiện, xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế.

Chế tài xử lý vi phạm chưa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung

Về công tác ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Đoàn giám sát nhận thấy, thời gian qua, công tác xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được quan tâm và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em và 18 luật, bộ luật liên quan đến trẻ em; Chính phủ sửa đổi và ban hành mới 12 Nghị định, Thủ tướng ban hành 03 chỉ thị và 15 quyết định; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Các địa phương cũng quan tâm hơn đến công tác này; một số địa phương có nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, còn có những quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em chậm được hướng dẫn. Một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các Nghị định về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ, chăm sóc trẻ em không còn phù hợp với thực tiễn, mức xử phạt còn nhẹ, không bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu. Tại nhiều địa phương chậm ban hành chính sách, pháp luật phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em.

Đoàn giám sát cũng xác định rõ trách nhiệm của những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, đó là: Một số bộ, ngành chưa thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được quy định trong Luật Trẻ em, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành chưa cao. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa tham mưu đầy đủ cho Chính phủ để có biện pháp kịp thời, quyết liệt chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế của các bộ, các địa phương trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ được Luật Trẻ em giao nhiều trách nhiệm trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, nhưng tại một số địa phương các tổ chức này chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm Luật giao. Cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chuyên môn ở nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức và chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống xâm hại trẻ em.

Xem xét sửa Luật để xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em

Cho ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá đây là một chuyên đề giám sát tương đối khó, nội dung giám sát đặc thù; có được kết quả như trong báo cáo đã thể hiện sự nỗ lực của Đoàn giám sát và các bộ, ngành, địa phương. Báo cáo đã cung cấp tương đối đầy đủ, chi tiết các thông tin; đưa ra những giải pháp cụ thể, hữu hiệu, phù hợp với thực tế. Tuy nhiên đề nghị làm rõ thêm những hình thức xâm hại trẻ em khác, cưỡng bức lao động, trẻ em bị bỏ rơi… Đồng thời, cần đánh giá thêm về công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, nhất là chính quyền địa phương về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Đồng tình với nhận định của Đoàn giám sát về chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của chúng ta đã khá đầy đủ, song điều khiến Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn là, tại sao tình hình trẻ em bị xâm hại thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng? Phải chăng chế tài chưa đồng bộ? Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu ví dụ trong lĩnh vực xử lý vi phạm về giao thông, khi Nhà nước đưa ra chế tài nặng thì thấy chuyển biến mạnh. Do đó, việc tình trạng trẻ em bị xâm hại vẫn diễn biến phức tạp cho thấy, có sự “nhờn” pháp luật.

Toàn cảnh phiên họp (ảnh: Quang Khánh)

Nêu quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định, công tác xử lý các hành vi xâm hại trẻ em thời gian qua chưa tốt, mức xử phạt hiện nay chưa nghiêm, chưa tương xứng với hành vi vi phạm. Do đó cần sửa những nội dung liên quan đến xử lý hành vi xâm hại trẻ em trong Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính… nhằm bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em thì biện pháp phòng là chính. Tuy nhiên, qua kết quả giám sát thấy rằng, công tác bảo vệ trẻ em của chúng ta còn chưa tốt, cụ thể là bảo vệ thông qua pháp luật, qua gia đình, nhà trường… Cần phải để trẻ em có cơ hội lên tiếng nhiều hơn nhằm nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình.

Còn nhiều "khoảng trống" trong công tác phòng chống xâm hại trẻ em

(Kiemsat.vn) - Cho dù đã được Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm nhưng Quốc hội, qua hoạt động giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” đã chỉ ra nhiều khoảng trống đáng lo ngại trong mảng công tác này tại nhiều địa phương.

12 tháng tù cho đối tượng chống đối lực lượng phòng, chống dịch Covid-19

(Kiemsat.vn) - Vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Quy Nhơn, T. Bình Định mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Văn Thắng về tội: “Chống người thi hành công vụ”, theo quy định tại Khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang