Còn nhiều "khoảng trống" trong công tác phòng chống xâm hại trẻ em
(kiemsat.vn) Cho dù đã được Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm nhưng Quốc hội, qua hoạt động giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” đã chỉ ra nhiều khoảng trống đáng lo ngại trong mảng công tác này tại nhiều địa phương.
Tình hình rất nghiêm trọng và diễn biến ngày càng phức tạp
Trước đó, tháng 12/2019, báo cáo kết quả giám sát của Đoàn công tác số 02 tại Phiên họp thứ Hai của Đoàn giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, qua giám sát tại các tỉnh, thành phố cho thấy: số lượng trẻ em chiếm khoảng 25% đến 27% tổng dân số của mỗi địa phương. Trong giai đoạn 2015-2019, chính quyền các địa phương đã quan tâm hơn đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong đó có phòng, chống xâm hại trẻ em; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ hai vấn đề đáng báo động.
Thứ nhất là nhóm trẻ có nguy cơ cao bị xâm hại là trẻ em đang trong độ tuổi đi học nhưng không được đến trường, trẻ em có cha mẹ ly hôn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt vẫn chiếm một tỷ lệ khá lớn trong tổng số trẻ em. Đặc biệt, đối với những tỉnh miền núi, nhiều đồng bào dân tộc, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn cũng như trình độ dân trí thấp thì số lượng nhóm trẻ em này đều ở mức độ báo động. Ở Đắk Lắk chiếm tỷ lệ 26,3%; ở Lạng Sơn là 24,6% trên tổng số trẻ em của tỉnh. Trong đó, số trẻ em trong độ tuổi đi học nhưng không được đến trường nhiều điển hình tại Đắk Lắk: 6.602 trẻ, Phú Thọ có 5.488 và Nghệ An có 3.037 trẻ; số trẻ em có cha mẹ ly hôn cũng đang có chiều hướng ngày càng gia tăng.
Nhóm trẻ có nguy cơ cao bị xâm hại là trẻ không được đến trường, hoàn cảnh gia đình ly hôn và trẻ em các tỉnh miền núi |
Thứ hai là, công tác thống kê số liệu về trẻ em hầu như chưa được thực hiện thường xuyên, chưa chặt chẽ, dẫn tới tình trạng có địa phương không thống kê và đánh giá được một số số liệu cụ thể về tình hình trẻ em theo yêu cầu của Đoàn giám sát; một số địa phương phải đính chính về số liệu nhiều lần. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lưu ý hậu quả của việc không thường xuyên rà soát, thống kê đầy đủ tình hình trẻ em, nhất là nhóm trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại như trẻ đến tuổi đi học nhưng không đến trường, trẻ bỏ nhà đi lang thang, trẻ có cha mẹ ly hôn, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt hoặc nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.. sẽ dẫn tới quản lý thiếu chặt chẽ, nhiều trường hợp các chính sách chăm sóc, bảo vệ, hỗ trợ không kịp thời hoặc không phù hợp, đầy đủ đối với các em.
Theo ghi nhận của Đoàn công tác số 02 qua làm việc với các địa phương, mặc dù số lượng trẻ bị xâm hại tăng hay giảm thì về tính chất, mức độ vẫn được đánh giá là đang rất nghiêm trọng và diễn biến ngày càng phức tạp. Hình thức chủ yếu nhất là xâm hại tình dục, luôn chiếm tỷ lệ hơn 50% trên tổng số các vụ xâm hại trẻ em. Ngoài ra, còn nổi lên tình trạng bạo lực trẻ em, trẻ em tham gia lao động trái pháp luật, mua bán trẻ em và đáng báo động là tình trạng mua bán trẻ sơ sinh tại một số gia đình đồng bào dân tộc ở miền núi.
Qua một số vụ xâm hại trẻ em diễn ra gần đây có thể thấy, sau lần đầu bị xâm hại, nhiều em và gia đình không tố cáo, trình báo sự việc sớm mà chấp nhận tiếp tục là nạn nhân của những hành vi đó, bởi đây là vấn đề có tính nhạy cảm, cho nên người thân thường muốn giữ kín, không tố giác, sợ ảnh hưởng đến các em và chính sự sợ hãi, thiếu hiểu biết, sợ bị kỳ thị là những rào cản khiến các em khó chia sẻ, tâm sự với người thân khi mình đang bị lạm dụng. Mặt khác, kẻ phạm tội thường uy hiếp, đe dọa tinh thần, khiến các em chỉ biết chọn cách im lặng và chịu đựng. Hầu hết các vụ xâm hại tình dục trẻ em không có nhân chứng, việc bảo vệ hiện trường, thu thập chứng cứ thường gặp nhiều khó khăn khi vụ việc được đưa ra ánh sáng, việc lấy lời khai bị hại dễ dẫn đến trẻ bị tổn thương về tinh thần. Phần lớn bị hại còn nhỏ tuổi, nhận thức chưa đầy đủ, cho nên không thể nhớ chính xác những vấn đề liên quan như thời gian, địa điểm, diễn biến của vụ việc, dẫn đến bị hại không cung cấp được thông tin chính xác, gây khó khăn trong quá trình điều tra của cơ quan chức năng, khó có căn cứ khởi tố bị can.
Nhiều địa phương còn thiếu quyết liệt và chưa sát sao
Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” với Chính phủ, các Bộ, ngành và cơ quan hữu quan mới đây, thành viên Đoàn giám sát cho rằng, tầm quan trọng và tính cấp bách của công tác bảo vệ trẻ em nói chung, công tác phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng chưa được cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn ở một số địa phương quan tâm đầy đủ dẫn tới, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý còn thiếu quyết liệt và chưa sát sao.
Theo báo cáo, mặc dù Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Trẻ em và 10 bộ luật, luật, ban hành mới và sửa đổi, bổ sung 08 Nghị định liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 03 chỉ thị, 15 quyết định về giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, thành lập Ủy ban Quốc gia về trẻ em, tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em…. Các bộ, ngành hữu quan ban hành 35 Thông tư, Thông tư liên tịch.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trình Quốc hội thông qua Bộ Luật Tố tụng hình sự, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, ban hành 01 “Thông tư liên tịch về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi”. Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội thông qua Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, ban hành 01 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi; ban hành 03 Thông tư, phối hợp xây dựng 01 Thông tư liên tịch về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.
Về cơ bản, các văn bản được ban hành đã thể chế hóa kịp thời và đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phòng, chống xâm hại trẻ em, thúc đẩy thực hiện ngày càng tốt hơn quyền của trẻ em, đặc biệt là nhóm quyền được bảo vệ của trẻ em; nội dung các văn bản cơ bản chặt chẽ, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy: 52/63 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố chưa ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trẻ em |
Tuy nhiên, qua giám sát trực tiếp tại 17 địa phương và tổng hợp báo cáo của các địa phương trên cả nước cho thấy, 49/63 tỉnh, thành phố, Hội đồng nhân dân các cấp chưa ban hành Nghị quyết để thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em trên địa bàn mà hầu hết đều được lồng ghép vào Nghị quyết về kinh tế-xã hội có liên quan, nên chưa tập trung được nhiều nguồn lực cho công tác trẻ em nói chung, phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cho biết, có đến 52/63 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố chưa ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trẻ em. Hầu hết Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đều chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Số lượng các văn bản chỉ đạo, điều hành còn hạn chế. Nhiều văn bản nội dung chưa bám sát vào tình hình thực tế, do vậy chưa thật sự đáp ứng yêu cầu phòng, chống xâm hại trẻ em tại địa phương.
Theo chương trình công tác Phiên họp 44, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Quốc hội sẽ làm rõ trách nhiệm chỉ đạo của Chính phủ, trách nhiệm hướng dẫn của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương đối với những hạn chế trong công tác ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Ủy ban nhân dân và các sở, ban, ngành chức năng tại các địa phương.
-
1VKSND TP Hà Tĩnh phối hợp tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông
-
2VKSND quận Cầu Giấy: Kiến nghị phòng ngừa tội phạm gây rối trật tự công cộng do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn
-
3Quảng Nam: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giải quyết các vụ án liên quan đến đất đai
-
4VKSND quận Liên Chiểu phối hợp với Tòa án tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử vụ án ma túy
-
5VKSND tối cao tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
-
6VKSND huyện Vân Canh ban hành kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn
-
7VKSND TP. Hải Dương kiểm sát việc tiêu hủy pháo nổ trong vụ án hình sự
-
8Những trường hợp áp dụng Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024
-
9VKSND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chủ tịch UBND TP. Hội An về vấn đề liên quan đến người nước ngoài thuê xe tự lái vi phạm pháp luật Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.