Cán bộ Kiểm sát cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp để vượt qua mọi cám dỗ
(kiemsat.vn) Tôi cũng thường nói với anh em rằng, cuộc đời hoạt động của tôi cũng chỉ có hai gạch đầu dòng là Viện kiểm sát và Văn phòng Trung ương Đảng, không có gạch đầu dòng thứ ba. Với ngành Kiểm sát, tôi coi là cội nguồn của cuộc đời làm việc của tôi, được ngành đào tạo, dìu dắt từ lúc chập chững vào ngành, vào đời.
Kỹ năng kiểm sát giải quyết các vụ án xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ (tiếp theo)
Khơi dậy lòng tự hào về ngành Kiểm sát từ cuộc thi “Chúng tôi là Kiểm sát viên”
Kinh nghiệm giải quyết án hình sự có khó khăn, vướng mắc, kéo dài
Cuộc giao lưu các thế hệ ngành Kiểm sát, một cuộc giao lưu lịch sử, cho chúng tôi được gặp lại tất cả những người thầy, người anh, những người đồng nghiệp đã cùng kề vai, sát cánh với nhau trong nhiều năm qua. Cách đây 10 năm thì không thể có, còn cách đây 5 năm thì không thể tổ chức được cuộc gặp mặt như thế này vì chúng ta không có thế hệ cho tương lai, tức là các cháu sinh viên của trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Sau khoảng 10 năm chúng ta không còn trường Cao đẳng Kiểm sát nữa thì bây giờ, chúng ta có Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội để đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai. Như vậy, rất may mắn và xúc động được tham dự cuộc giao lưu lịch sử của ngành Kiểm sát để chúng ta tự hào về ngành và hướng tới tương lai phát triển của ngành mình. Chúng tôi thấy cuộc gặp mặt này rất có ý nghĩa sâu sắc.
Tôi vào ngành Kiểm sát, được ngành đào tạo và công tác những ngày đầu tiên là công chức nhà nước ở ngành Kiểm sát. Mười hai năm công tác ở VKSND tối cao, sau đó tôi được điều động sang Văn phòng Trung ương Đảng và trên 20 năm công tác ở đây. Tôi thường nói với anh em rằng, khi đi khỏi ngành Kiểm sát thì đầu vẫn còn xanh, khi trở về ngành Kiểm sát thì đầu đã quá bạc. Và 5 năm ở ngành Kiểm sát, sau đó lại trở về Văn phòng Trung ương Đảng. Tôi cũng thường nói với anh em rằng, cuộc đời hoạt động của tôi cũng chỉ có hai gạch đầu dòng là Viện kiểm sát và Văn phòng Trung ương Đảng, không có gạch đầu dòng thứ ba. Do vậy cả hai nơi, tôi có rất nhiều kỷ niệm, gắn bó.
Riêng ngành Kiểm sát, tôi coi là cội nguồn của cuộc đời làm việc của tôi, được ngành đào tạo, dìu dắt từ lúc chập chững vào ngành, vào đời. Sau đó, được giữ một cương vị mà cũng phải phấn đấu quyết liệt để rồi cùng các đồng chí làm việc.
Tôi học Khóa 1 của Trường cán bộ Kiểm sát, lúc đó là trường Trung cấp Kiểm sát, ở đây có rất nhiều đàn anh của chúng tôi như anh Lương Văn Xướng, anh Ngô Văn Đọn… và đồng chí Triệu Viết Hanh, bạn bè cùng lứa. Tôi coi đấy là những người anh, người bạn, người đồng nghiệp; những người thầy ở đây như bác Thuân.
Tôi vẫn còn nhớ như in khi bác Thuân đến Trường Kiểm sát nói về một vụ án bắt oan, bí danh là VAK, có câu nổi tiếng trong vụ này là “Đê cao đâu thấy dòng sông đục, trời nắng đại bàng hóa quạ đen”. Đây là một vụ án oan, bắt sai. Lúc đó, Ban Bí thư chỉ đạo phải lập một Ban chuyên án để giải oan. Những kỷ niệm ấy, chúng tôi không bao giờ quên, đó là những ngày đầu đời vào ngành Kiểm sát. Chúng tôi muốn tâm sự với các bạn sinh viên, những thế hệ tương lai của ngành rằng, chúng ta cứ học tập thật tốt, phấn đấu thật tốt cho ngành và cho sự nghiệp của đất nước thì chúng ta sẽ gặt hái được những kết quả cho chính mình, cho gia đình mình và cho xã hội. Chúng ta không vội vàng, có lẽ đó là một điều chúng tôi muốn nhắn nhủ cho các bạn bằng cả một cuộc đời kinh nghiệm của mình.
Qua những năm công tác ở ngành Kiểm sát, chúng tôi nghiệm ra một điều mà hiện nay trong ngành Kiểm sát, cũng như xã hội công nhận (mặc dù xã hội có nhiều biến đổi, tác động nhiều mặt, ngành Kiểm sát cũng bị tác động, không thể là một ốc đảo được), nhưng đến nay, người ta vẫn cho rằng, ngành Kiểm sát vẫn là một nơi đào tạo con người có chất lượng, có bản lĩnh, có lương tâm. Về cơ bản là như vậy. Và điều đó có được là từ khi chúng ta xây dựng ngành, các thế hệ lãnh đạo của ngành đã rất quan tâm tới xây dựng đội ngũ cán bộ.
Tôi vẫn còn nhớ, khi chúng tôi mới ra trường, lúc đó còn rất trẻ, mới 20 tuổi, về công tác tại Vụ 2B VKSND tối cao do anh Trần Phong Thanh làm Vụ trưởng. Lúc đó, anh Trần Phong Thanh được đào tạo ở Nga về. Đầu tiên, mới vào thấy mình không biết làm gì, vì quá ngợp với các bác, những người từng tham gia kháng chiến, từng được giữ những chức vụ của các tỉnh được điều về, những Luật sư được lưu dụng trở lại. Họ là những con người cần mẫn, nhiều kiến thức pháp luật; có những anh được đi đào tạo ở Nga, ở Trung Quốc.
Một năm trời vào công tác nhưng tôi không biết làm cái gì, hàng ngày được các bác giao tài liệu mang xuống thư viện đọc. Một năm không làm được gì nhưng lại tiếp thu được nhiều kiến thức. Lúc đấy, chất lượng của đội ngũ cán bộ Kiểm sát được các bác quan tâm xây dựng và tôi luôn luôn tâm niệm một điều nữa là tinh thần trách nhiệm thời đó rất cao.
Khi tôi trở lại ngành Kiểm sát, tôi cũng đã từng nói rằng, về mặt kiến thức pháp luật của các đồng chí bây giờ là cao hơn thế hệ trước rất nhiều, nhưng có một điều mà chúng ta phải học tập các thế hệ đi trước đó là tinh thần trách nhiệm; lương tâm, trách nhiệm của các bác cao hơn anh em mình.
Đã vào ngành Kiểm sát, theo sự nghiệp này thì anh em mình phải phấn đấu hết mình vì nó và vì lương tâm trách nhiệm. Chúng ta hoạt động trên một mặt trận thực sự nhạy cảm, liên quan đến vận mệnh chính trị của từng con người, nhưng cũng đã đóng góp rất xứng đáng cho sự phát triển của đất nước. Chúng tôi nghĩ rằng, điều quan trọng là phải xây dựng đội ngũ cán bộ. Muốn xây dựng một đội ngũ cán bộ tốt, phải đào tạo tốt…
Tôi vẫn nhớ như in ý câu nói của bác Hoàng Quốc Việt: “Công tác kiểm sát là công tác mang đậm ý nghĩa sâu sắc về chính trị và về pháp lý”. Tức là chính trị và pháp lý phải kết hợp với nhau. Bác luôn luôn nhắc đến và đi đâu cũng nói về vấn đề này, bác nói rằng chúng ta chỉ thiên về máy móc pháp luật mà quên đi việc phục vụ nhiệm vụ chính trị. Mà sở dĩ chúng ta đứng vững và đóng góp được nhiều cho đất nước và được các đồng chí Lãnh đạo quan tâm và đánh giá cao chính là ở điểm này.
Tức là công tác kiểm sát phải phục vụ nhiệm vụ chính trị. Cho nên, khi nghiên cứu Viện kiểm sát trở thành Viện công tố, lúc đó tôi có đọc một tài liệu của Trung Quốc, họ nói lý thuyết về kiểm sát, có điểm mà tôi tâm đắc “Mô hình Kiểm sát khác với công tố một điểm căn bản là chúng ta đấu tranh phòng, chống tội phạm một cách chủ động”. Phòng ngừa và chống tội phạm một cách chủ động, chứ không phải như công tố là chờ án đến; còn đây là tôi làm trước chứ không ngồi chờ.
Cũng như kiểm sát chung trước đây, đây là điểm khác nhau cơ bản về bản chất giữa công tố và kiểm sát. Lê – Nin lúc đó là nhà khoa học lớn, cụ cũng biết rõ công tố của tư bản là như thế nào, cụ biết được giá trị pháp luật, giá trị của nó nhưng đồng thời cũng thấy được nhược điểm của nó, vì vậy, cụ mới thành lập ra Viện kiểm sát từ thực tiễn của đất nước Xô Viết, nước Nga lúc bấy giờ. Sau đó, khi chúng tôi đi nghiên cứu thì mấy nước Đông Âu khi chuyển đổi vẫn giữ nguyên Viện kiểm sát. Họ cũng nói với chúng tôi rằng, họ cũng có một quá trình nghiên cứu, tranh luận để chuyển đổi nhưng họ vẫn cho rằng phải giữ mô hình Viện kiểm sát. Chúng tôi muốn gắn ý này với cái ý của đồng chí Hoàng Quốc Việt, tức là công tác của chúng ta không thụ động, không bị máy móc gò bó mà bằng một nhãn quang chính trị, bản lĩnh chính trị để nâng tầm của ngành Kiểm sát lên. Đây cũng là ý của tôi trong 05 năm khi công tác tại ngành Kiểm sát, tôi luôn luôn tự nhủ bản thân mình và chỉ đạo theo một khía cạnh như vậy.
Với tôi, ngành Kiểm sát có nhiều kỷ niệm rất đẹp, làm cho mình lớn lên rất nhiều. Không ai hoàn hảo cả, đều có thiếu sót, qua những công việc phải lăn lộn, phải suy nghĩ làm cho mình lớn lên, nhìn ra khuyết điểm để chúng ta vươn lên.
Có những vụ án, tập thể lãnh đạo Viện đã bàn và quyết định nhưng đêm về nghĩ lại thấy rằng chưa được, hôm sau bàn lại và quyết định khác đi. Có đồng chí nói rằng sao Viện trưởng hay thay đổi nhưng tôi nói chúng ta phải cầu thị, cái sản phẩm cuối cùng mình ra đúng là được, còn quá trình có thể nhận thức chưa đến thì mình phải học tập anh em, phải suy nghĩ lại cho đúng thôi. Tôi cho rằng, đó mới là điều quan trọng cho chính mình.
Tôi cho rằng điều chị Hồng (tức đồng chí Võ Thị Kim Hồng – Nguyên Viện trưởng VKSND thành phố Hồ Chí Minh) vừa nói rất tâm đắc, chúng ta hoạt động trên một lĩnh vực nhạy cảm, tiếp xúc với mặt trái của xã hội, cám dỗ là rất lớn nếu chúng ta không vững vàng, không có ngưỡng để chúng ta đến đấy là ngừng thì chỉ cần vượt qua một lần là chúng ta sẽ vượt mãi. Vượt qua có thể mọi người không biết việc đó, chúng ta cứ tưởng là chúng ta trong sáng. Nhưng tôi nghĩ rằng, đã sa vào đấy thì trước sau chúng ta phải trả giá, ta không trả giá thì con cháu ta phải trả giá. Vì cái cám dỗ ấy làm chúng ta sai đường lạc lối, vì sai đường lạc lối đấy chính là gắn tới sinh mạng chính trị của mỗi con người. Theo như bác Hoàng Quốc Việt nói chúng ta phải trắng, trong như pha lê, trắng như tuyết trên đỉnh núi chứ không phải như tuyết ở dưới tường. Đó là những gì mà chúng ta phải luôn luôn hướng tới…
(Trích bài viết “Cán bộ Kiểm sát cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp để vượt qua mọi cám dỗ” trong chùm bài “Nguyện giữ mãi ngọn lửa thế hệ đi trước đã thắp lên”, của đồng chí TRẦN QUỐC VƯỢNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; nguyên Viện trưởng VKSNDTC. Nguồn: Tạp chí Kiểm sát số 16/2015)
Trao quyết định bổ nhiệm 12 Kiểm sát viên cao cấp
VKSND tối cao ban hành Kế hoạch tổ chức “Ngày Pháp luật”
-
1Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn
-
2Báo chí muốn giữ vững “trận địa”, phải làm khác mạng xã hội
-
3Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ 18
-
4Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
-
5Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
-
6VKSND tối cao thông qua dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Bài viết chưa có bình luận nào.