Bình Dương: 25 năm chính quyền kiến tạo, doanh nghiệp đồng hành (tiếp theo và hết)
(kiemsat.vn) Qua 25 năm phát triển, từ những bài học thực tế và những thách thức, Bình Dương đã dần hình thành một triết lý phát triển riêng. Bình Dương xây dựng chiến lược 6 trụ cột đã được đưa vào Khung định hướng chiến lược quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Tỉnh Bình Dương và Becamex IDC tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư Cộng hoà Liên bang Đức
Tỉnh Bình Dương và Becamex IDC tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Trung Quốc
Tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Becamex IDC tổ chức hội thảo khoa học vòng 2: Định hướng chiến lược quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2031, tầm nhìn đến năm 2050
Triết lý phát triển đúc kết và mô hình 6 trụ cột định hình một Bình Dương tương lai: Bình Dương của hệ sinh thái công nghiệp thông minh, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững
1.Triết lý phát triển của Bình Dương:
Qua 25 năm phát triển, từ những bài học thực tế và những thách thức, Bình Dương đã dần hình thành một triết lý phát triển riêng, triết lý đó đã trở thành kim chỉ nam cho những chiến lược tiếp theo của tỉnh và mục tiêu lớn nhất của toàn bộ hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân đó là đưa Bình Dương vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, trở thành một vùng đất có thu nhập cao trong giai đoạn 2021-2035.
Để một địa phương có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình, không chỉ là bài toán phát triển về kinh tế, đó là một bài kiểm tra về năng lực quản trị của địa phương. Qua thực tế của Bình Dương, đặc biệt kinh nghiệm trong việc đưa tỉnh chuyển mình từ vùng đất có thu nhập thấp lên thu nhập trung bình cao trong vòng 20 năm, việc giải quyết “bẫy thu nhập trung bình” chỉ có thể thực hiện được khi đáp ứng một số điều kiện nhất định, cụ thể như sau:
Quốc lô 13 - Đại lộ Bình Dương |
a. Xây dựng một môi trường kinh doanh và đầu tư hiệu quả:
Từ thực tế thu hút và phát triển công nghiệp hơn 20 năm qua, việc xây dựng một môi trường kinh doanh hiệu quả là điều kiện tiên quyết để phân bổ nguồn lực hiệu quả, bảo đảm rằng năng suất tiềm năng của tất cả các thành tố tham gia vào quá trình sản xuất được khai thác ở mức tối đa, tạo điều kiện cho các yếu tố lao động và vốn được sử dụng hiệu quả nhất. Điều đó sẽ tạo ra mảnh đất mầu mỡ thu hút các nhà đầu tư, nhà kinh doanh về xây dựng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Môi trường kinh doanh hiệu quả đồng thời là nền tảng lành mạnh ươm mầm cho quá trình đổi mới, thúc đẩy những thực thể có năng lực sáng tạo phát huy hết năng lực và lợi thế, tham gia vào quá trình cải thiện năng suất liên tục, qua đó giải phóng tiềm năng về vốn con người đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế. Mặt khác, từ kinh nghiệm thu hút đầu tư nước ngoài và trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, Bình Dương nhận thấy môi trường kinh doanh hiệu quả không chỉ thể hiện ở việc xây dựng thị trường nội địa hiệu quả mà còn ở việc tham gia tích cực vào quá trình toàn cầu hóa, tận dụng đầy đủ các cơ hội kinh tế bên ngoài đồng thời giải quyết hiệu quả các tác động kinh tế tiêu cực từ bên ngoài.
b. Xây dựng một xã hội hài hòa, nhân văn và bền vững:
Sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội là bảo đảm cho sự phát triển kinh tế bền vững, điều này được rút ra từ sự thành công của mô hình phát triển công nghiệp theo hệ sinh thái hoàn thiện của Bình Dương. Bình Dương luôn kiên định với triết lý, phát triển “lấy con người làm trọng tâm cho mọi chiến lược”, coi mỗi người dân, người lao động nhập cư là một “nhà đầu tư” trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng và thu hút nguồn nhân lực. Mỗi nhà đầu tư là “một người dân” trong công tác thu hút và xúc tiến thương mại.
Để từ đó, xác định được trách nhiệm phải xây dựng một hệ sinh thái hoàn thiện, bền vững, giúp mọi tầng lớp trong xã hội “an cư lạc nghiệp”, xây dựng một cuộc sống bền vững tại Bình Dương. Đó là chiến lược thu hút nhân văn, xuyên suốt qua nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh.
Điều này phản ánh rất rõ trong công tác quy hoạch và phát triển các đô thị hiện hữu, đơn cử như: Thành phố mới Bình Dương, các khu nhà ở xã hội, khu tái định cư được xây dựng đan xen với những khu đô thị cao cấp. Cách thức quy hoạch này tạo ra sự bình đẳng trong việc tiếp cận với hạ tầng xã hội về y tế, giáo dục… và hạ tầng kỹ thuật, các không gian và dịch vụ công cộng. Đó là nền tảng xây dựng một xã hội nhân văn, bền vững và hài hòa.
c. Xây dựng một chính quyền địa phương năng động và kiến tạo:
Một chính quyền địa phương tích cực đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng môi trường kinh doanh hiệu quả và phát triển xã hội nhân văn hài hòa. Chính quyền Bình Dương những năm qua luôn đóng vai trò nền tảng, kiến tạo, là động lực và cầu nối cho các thực thể trong xã hội có thể phát huy tối đa sức sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển chung. Điều này thể hiện rõ trong quá trình cải cách thủ tục hành chính trong những năm qua của tỉnh, công trình tòa nhà hành chính tập trung đã tạo ra bước ngoặt, thúc đẩy nhanh hơn quá trình cải cách thủ tục hành chính, hành chính một cửa tại Bình Dương.
Mặt khác, chính quyền Bình Dương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Qua đó, huy động được nguồn lực của xã hội cho việc phát triển kinh tế địa phương, điều đó thể hiện qua việc hàng ngàn km đường nội tỉnh và kết nối vùng được xây dựng từ vốn doanh nghiệp, tòa nhà hành chính tập trung của tỉnh cũng được xây dựng từ vốn doanh nghiệp, hệ thống tiếp thị toàn cầu của những doanh nghiệp đầu tàu. Qua sự đồng hành của chính quyền tỉnh trở thành như hệ thống tiếp thị của chính Bình Dương và có tác động ra nhiều địa phương trên cả nước.
Sự gắn kết và kiến tạo của chính quyền Bình Dương thể hiện đậm nét hơn nữa trong đề án Thành phố thông minh Bình Dương với mô hình “ba nhà” làm nền tảng: Nhà nước-Nhà trường-Nhà doanh nghiệp. Trong đó, chính quyền Bình Dương đóng vai trò thúc đẩy, các sở ban ngành đóng vai trò định hướng. Các nhà trường sẽ đóng vai trò tiên phong trong lĩnh vực giáo dục, phát triển con người, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Nhà doanh nghiệp đóng vai trò đưa các thành quả của nhà trường, thực thi chính sách của Nhà nước, đưa ứng dụng vào thực tế.
Những điều đó đã khẳng định việc xây dựng một chính quyền địa phương năng động, gắn kết và đồng hành với doanh nghiệp, là điểm tựa cho doanh nghiệp. Đồng thời, quyết định sự phát triển hài hòa, cân bằng và bền vững cho cả xã hội, từ đó thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, vượt qua những thách thức, đi lên những nấc thang mới.
Tuyến đường Mỹ Phước-Tân Vạn là trực giao thông quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Bình Dương |
2. Chiến lược 6 trụ cột vượt qua bẫy thu nhập trung bình:
Kể từ khi thành lập tỉnh, Bình Dương đã duy trì gần 3 thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, vươn lên từ tỉnh phụ thuộc vào nông nghiệp trở thành tỉnh công nghiệp nằm trong tốp 3 cả nước về đóng góp ngân sách cho Trung ương, từ địa phương có thu nhập thấp trở thành một địa phương có thu nhập trung bình cao.
Thách thức của tỉnh trong việc tránh sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn thu nhập trung bình để bước vào giai đoạn phát triển có thu nhập cao là rất lớn. Từ triết lý phát triển trên và nền tảng tích lũy qua quá trình phát triển, để là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, Bình Dương cần giải trả lời được 6 câu hỏi:
- Làm thế nào tiếp tục phát huy chiến lược phát triển theo hệ sinh thái? Xây dựng các công trình tạo lực kiểu mới để tạo sự cộng hưởng bổ sung giá trị gia tăng mới cho nền kinh tế của tỉnh?
- Động lực phát triển kinh tế mới nào thay thế việc phát triển dựa trên thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai, qua đó giúp Bình Dương trực tiếp giải quyết bài toán năng suất lao động?
- Làm thế nào để tránh việc đô thị hóa ồ ạt và quay lại vết xe đổ của các thành phố phát triển trước?
- Làm thế nào để phát triển hài hòa, bền vững không phải trả giá cho môi trường và sinh thái?
- Làm thế nào tham gia và quá trình toàn cầu hóa sâu rộng hơn để tận dụng được nguồn lực đa phương, tránh sự phụ thuộc vào những thị trường đơn lẻ?
- Làm thế nào để mọi tầng lớp xã hội đều được thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển?
Từ những vấn đề đặt ra, Bình Dương xây dựng chiến lược 6 trụ cột đã được đưa vào Khung định hướng chiến lược quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, để giải quyết từng khía cạnh, là kế hoạch và mục tiêu quy hoạch lớn nhất giúp tỉnh bứt phá trong thời kỳ mới:
a. Tránh bẫy phát triển gián đoạn thông qua phát triển có tính kế thừa:
Sự thành công về mô hình phát triển theo hệ sinh thái dựa trên việc phát triển các công trình tạo lực qua đó thúc đẩy sự cộng hưởng về gia tăng giá trị sâu rộng trong đời sống kinh tế xã hội của tỉnh trên nhiều lĩnh vực đã được kiểm chứng sự thành công qua thực tế phát triển của tỉnh. Vì vậy, để tránh sự gián đoạn và duy trì tính kế thừa về chiến lược, tỉnh cần tiếp tục duy trì hướng tiếp cận phát triển theo hệ sinh thái dựa trên các công trình tạo lực thúc đẩy các lĩnh vực ưu tiên quan trọng.
Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tỉnh cần xác định xây dựng hệ sinh thái kiểu mới, hệ sinh thái công nghiệp thông minh, sản xuất thông minh, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực, phát triển công nghiệp gắn liền với thương mại dịch vụ, xây dựng những khu đô thị khoa học công nghệ, công nghiệp để tiếp tục phát huy lợi thế tích lũy của tỉnh qua nhiều năm.
b. Tránh bẫy năng suất thông qua phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo:
Đổi mới sáng tạo là cụm từ được Đảng và Nhà nước nhắc nhiều trong nhiều Nghị quyết và Chỉ thị những năm qua, như Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị năm 2019. Là một tỉnh đi đầu trong công nghiệp, đồng thời đang chịu nhiều sức ép trong việc tìm kiếm động lực phát triển mới cho nền kinh tế thay thế động lực dựa trên nhân công giá rẻ, hơn ai hết, Bình Dương cảm nhận rõ hơi thở của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và vai trò của đổi mới sáng tạo trong việc giải quyết bài toán năng suất lao động và chống lại sự tụt hậu.
Để thực hiện ý chí đó, tỉnh đã hiện thực hóa bằng những hành động, dự án cụ thể trong đề án Thành phố thông minh Bình Dương với việc nhấn mạnh vào 4 yếu tố trụ cột để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, gồm: Con người (lực lượng lao động và sáng tạo), công nghệ (nghiên cứu và phát triển), doanh nghiệp (doanh nghiệp và mối quan hệ với doanh nghiệp) và các yếu tố nền tảng (môi trường, chất lượng cuộc sống và cơ sở hạ tầng). Tất cả được trình bày cụ thể trong tài liệu Bình Dương Navigator. Cụ thể:
Đại học Quốc tế và hệ thống giảng viên quốc tế tại Khu liên hợp |
- Con người: là trọng tâm của đề án Thành phố Thông minh. Nội dung chính của phần “Con người” là lực lượng lao động, năng lực làm việc, khả năng hợp tác, trình độ giáo dục, kỹ năng và sự phù hợp giữa công việc – con người. Nói cách khác, sự cần thiết để thu hút, phát triển và duy trì những con người tài năng. Các dự án trong lĩnh vực này sẽ nghiên cứu về thị trường lao động, cải thiện giáo dục, phát triển các kỹ năng và khuyến khích khởi nghiệp. Dự án đặc biệt chú ý đến việc định hướng thế hệ trẻ phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật, khuyến khích học suốt đời và thu hút lực lượng lao động tri thức ở trong nước và quốc tế đến làm việc.
Mục tiêu dài hạn: Đưa Bình Dương trở thành địa phương có sức cạnh tranh toàn cầu về thu hút, phát triển và giữ nhân tài khoa học và kỹ thuật để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển. Mục tiêu này sẽ được củng cố nhờ hạ tầng giáo dục tốt, môi trường làm việc năng động, hợp tác, trên cơ sở tài chính vững vàng, giúp tỉnh có được lực lượng lao động tài năng, hiệu quả. Người dân Bình Dương cần phối hợp với nhau trong mô hình Ba nhà (Triple Helix) với sự tham gia của doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu và chính quyền trong khu vực.
- Công nghệ: Việc phát triển sản phẩm bắt đầu bằng việc phát triển tri thức và công nghệ. Những dự án trong lĩnh vực công nghệ đều hướng đến mục đích tăng cường và thu hút các hoạt động nghiên cứu, phát triển và khuyến khích sự đổi mới hợp tác và chuyển giao tri thức, gắn kết được công nghệ mới với các ngành trọng điểm và các thách thức xã hội. Trong điều kiện hiện nay của Bình Dương, đây là một yếu tố còn rất mới. Chính quyền địa phương cần lãnh đạo và có sự hỗ trợ đặc biệt cho yếu tố này, trong đó Sở Khoa học và Công nghệ đóng vai trò đầu tàu, để tập hợp các viện trường, các công ty, tập đoàn lớn trong và ngoài nước cùng chung tay xây dựng. Điều này rất cần thiết nhằm cải thiện khả năng của các công ty địa phương để họ có thể trở thành nhà cung cấp cho những công ty quốc tế.
Mục tiêu dài hạn: Bình Dương cần phải có một nền tảng tri thức vững chắc để có thể phục vụ được nhiều công ty sản xuất tiên tiến. Trong tương lai, cơ sở hạ tầng nghiên cứu và phát triển do tư nhân và nhà nước tài trợ của không chỉ riêng tỉnh Bình Dương mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội cần phải hợp tác trong công tác này để tăng cường tính cạnh tranh trong sản xuất. Bình Dương có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân và các doanh nghiệp thông qua việc sử dụng công nghệ làm động lực phát triển kinh tế-xã hội.
Phối cảnh khu phức hợp Trung tâm thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương. |
- Doanh nghiệp: Củng cố các doanh nghiệp hiện hữu và xây dựng doanh nghiệp mới là mục tiêu chính của các chương trình hoạt động dự án trong lĩnh vực "Doanh nghiệp". Bình Dương hiện nay đang có lợi thế rất lớn với chất lượng và số lượng các khu công nghiệp và công ty sản xuất. Tuy nhiên, bằng nhiều cách khác nhau, chương trình cần thúc đẩy hơn nữa việc hỗ trợ các công ty phát triển hoạt động kinh doanh trong khu vực, trong nước, và xa hơn nữa là quốc tế dễ dàng hơn. Một vài ví dụ như thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để tăng cường tầm ảnh hưởng của các doanh nghiệp Bình Dương, hỗ trợ doanh nhân và các công ty khởi nghiệp. Đặc biệt, tỉnh cần chú ý tới hoạt động tạo mạng lưới và kết nối với các mạng lưới đã có, cũng như hợp tác trong chuỗi cung ứng, khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia lớn có nhiều hoạt động kinh doanh tại khu vực sử dụng các nhà cung cấp địa phương.
Mục tiêu dài hạn: Để trở thành khu vực sản xuất công nghệ (cao) có khả năng cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư (nước ngoài), Bình Dương cần khuyến khích tinh thần doanh nhân, xây dựng môi trường kinh doanh tốt hỗ trợ cho các doanh nghiệp mới cũng như mở rộng các doanh nghiệp hiện hữu. Nền kinh tế toàn cầu và công nghệ sản xuất đang ngày càng hội nhập và phức tạp, đòi hỏi mạng lưới sản xuất toàn cầu và hệ sinh thái sáng tạo cũng phải có những bước phát triển phù hợp. Vì vậy, Bình Dương cần có hệ sinh thái kinh doanh khởi nghiệp, sáng tạo và mạng lưới chuỗi cung ứng với các nhà cung cấp vững chắc, có năng lực, luôn hội nhập và sẵn sàng.
- Các yếu tố nền tảng: “Các yếu tố nền tảng” tập trung vào những điều kiện tiên quyết cho việc phát triển một khu vực vững mạnh. Các yếu tố nào ảnh hưởng đến mức độ thu hút các doanh nghiệp, người lao động (tri thức) để họ di chuyển tới khu vực này để sinh sống và làm việc? Và làm thế nào để cải thiện những yếu tố này? Tập trung vào cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh (dịch vụ) thuận lợi, môi trường sống thoải mái an toàn và quốc tế, dễ dàng tiếp cận, trung tâm thành phố và khu vực dân cư cuốn hút, các trung tâm văn hóa và cơ sở vui chơi giải trí - thể thao độc đáo, công nghệ thông tin băng thông rộng, trường học quốc tế, có thương hiệu mang tầm vóc quốc tế là một số ví dụ về Các yếu tố nền tảng.
Mục tiêu dài hạn: Bình Dương sẽ mang tầm vóc quốc tế không chỉ với danh tiếng là một khu vực tốt để sống và làm việc, mà còn được chú ý đến với hình ảnh là một Thành phố Thông minh. Ở đó, cơ quan chính quyền, các đối tác tri thức và các doanh nghiệp cùng làm việc chặt chẽ với nhau để tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân và doanh nghiệp, bằng cách sử dụng công nghệ làm động lực phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng và quảng bá thương hiệu mới là một phần của dự án này.
Có thể thấy, đề án Thành phố thông minh thể hiện ý chí rất lớn của Bình Dương trong việc tìm kiếm động lực phát triển mới cho nền kinh tế của tỉnh, lấy con người mới, với kỹ năng mới, hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo qua đó tạo giá trị gia tăng mới cho tỉnh, trực tiếp đóng góp vào việc gia tăng năng suất lao động và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh từ thâm dụng lao động, đất đai sang thâm dụng công nghệ, thâm dụng lao động có kỹ năng cao.
c. Tránh bẫy đô thị hóa thông qua phát triển tích hợp:
Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương với mô hình 5 lớp là đề án thành phần trong đề án Thành phố thông minh Bình Dương được thúc đẩy mạnh mẽ trong giai đoạn 2021 - 2026, được đúc kết từ thực tiễn xây dựng và phát triển các đề án trong đề án Thành phố thông minh Bình Dương, là sự cô đọng của chiến lược phát triển thông minh của Bình Dương.
Cụ thể: Lớp 1-Quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông công cộng; Lớp 2-Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo; Lớp 3-Phát triển kinh tế cân bằng; Lớp 4-Chuyển đổi số và Phát triển công nghiệp 4.0; Lớp 5-Phát triển nguồn nhân lực.
Mỗi lớp đóng vài trò riêng nhưng có quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Mỗi lớp là định hướng cho một tập hợp các đề án có chủ đích nhằm giải quyết những thách thức của tỉnh theo từng chủ điểm, hòa chung lại theo 5 lớp sẽ tạo ra những tác động liên ngành, trên diện rộng, trực tiếp vào mọi mặt đời sống xã hội.
Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương với mô hình 5 lớp. |
Trong mô hình 5 lớp, lớp thứ nhất thể hiện rõ việc định hướng quy hoạch đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development), là mô hình phát triển chuỗi đô thị dọc theo các tuyến giao thông công cộng, mô hình này từ lâu đã được nhiều đô thị áp dụng để phát triển đô thị, gắn kết giữa giao thông công cộng với kế hoạch với sử dụng đất và đã mang lại nhiều thành công. Mô hình TOD đã phổ biến ở các nước phát triển như ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Bình Dương đã áp dụng TOD từ khi bắt đầu xây dựng Thành phố mới Bình Dương vào 2010. TOD đã cho thấy tính ưu việt của nó trong việc để dành quỹ đất cho không gian và giao thông công cộng, qua đó giảm chi phí đầu tư cho các tuyến giao thông công cộng trong tương lai. Cụ thể hiện nay, Bình Dương đã và đang cho triển khai tuyến bus nhanh BRT kết nối đến tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên một cách nhanh chóng, điều này sẽ giúp Bình Dương nắm rất nhiều lợi thế trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút đầu tư và là tiền đề cơ sở cho việc hình thành tuyến Metro từ TP Hồ Chí Minh về Bình Dương.
d. Tránh bẫy môi trường sinh thái thông qua phát triển bền vững:
Trong quá trình phát triển công nghiệp, Bình Dương ý thức rõ được việc bảo vệ môi trường song song với quá trình phát triển kinh tế, các khu công nghiệp gắn liền với các khu đô thị được quy hoạch hài hòa, bố trí các mảng xanh hợp lý. Các khu công nghiệp được xây dựng theo chuẩn của Singapore với hệ thống xử lý nước thải tập trung hiện đại, đã và đang ứng dụng những công nghệ xử lý nước thải hiện đại nhất, kết hợp quản lý xử lý nước thải thông minh ứng dụng công nghệ IoT, dữ liệu lớn đảm bảo quá trình xử lý sự cố diễn ra nhanh chóng.
Mặt khác, Bình Dương đang tập trung phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, tận dụng lợi thế là vùng đất có thời gian nắng nhiều trong năm và có hàng chục ngàn mét vuông mái nhà xưởng. Hệ thống năng lượng mặt trời áp mái được phát triển nhanh chóng tham gia và quá trình xây dựng hệ thống năng lượng sạch cho tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho tỉnh.
e. Tránh bẫy phụ thuộc thông qua phát triển mở:
Nhiều năm qua, thông qua các doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh, Bình Dương đã xây dựng mạng lưới tiếp thị toàn cầu và “chiến lược ngoại giao liên thành phố”, hệ thống tiếp thị và thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh đã hiện diện trên toàn cầu, từ châu Âu, đến Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc… Bên cạnh đó, Bình Dương đã kết nghĩa với nhiều thành phố trên thế giới như: Eindhoven (Hà Lan), Yamaguchi (Nhật Bản), Deajeon (Hàn Quốc)… nhằm thúc đẩy, giao lưu kết nghĩa, học hỏi kinh nghiệm từ những địa phương bạn, thông qua các buổi hội thảo, các chuyến tham quan, lễ hội…
Đặc biệt, đề án Thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2016- 2021 là sự hợp tác giữa Eindhoven (Hà Lan) và Bình Dương, qua đó nâng cao hình ảnh, thương hiệu Bình Dương trong mắt bạn bè quốc tế, tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư, và đã dạng hóa các nhà đầu tư tránh sự phụ thuộc vào một vài thị trường đơn lẻ.
f. Tránh bẫy bất bình đẳng thông qua phát triển đồng đều:
Từ chiến lược phát triển theo hệ sinh thái lấy con người làm nòng cốt, Bình Dương luôn xây dựng một chiến lược phát triển đồng đều, trong đó mọi tầng lớp đều có thể thụ hưởng được thành quả phát triển kinh tế của tỉnh.
Hệ thống đường giao thông và các tuyến đường tạo lực của tỉnh được xây dựng góp phần gia tăng giá trị đồng đều trên toàn tỉnh, giá trị gia tăng của hạ tầng xã hội, dịch vụ và bất động sản được phân bổ đều qua sự phát triển bài bản của các tuyến đường tạo lực trong tỉnh, một cách tổng thể tác động đến mọi tầng lớp xã hội.
Công tác quy hoạch đô thị gắn liền với khu công nghiệp, khu nhà ở xã hội đan xen khu đô thị cao cấp, khu tái định cư tạo điều kiện cho mọi tầng lớp xã hội được tiếp cận với những dịch vụ, công trình hiện đại, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi tầng lớp xã hội. Chiến lược này cần được tiếp tục phát huy và là trụ cột tạo động lực giúp Bình Dương vượt qua được bẫy thu nhập trung bình trong thời gian tới.
Ký kết thoả thuận hợp tác giữa Becamex IDC và Thành phố Daegu (Nhật Bản) |
Kết luận
Bình Dương sau 25 năm phát triển đã đạt được những thành quả vô cùng to lớn. Đó là kết quả của sự cố gắng và kiên định của nhiều thế hệ lãnh đạo, người dân và doanh nghiệp trong tỉnh. Với văn hóa luôn lấy sự mộc mạc và khiêm cung làm đầu, nhưng cũng không che giấu khát vọng vươn lên mãnh liệt, Bình Dương từng bước vượt qua được những thách thức, khó khăn để đạt được mục tiêu. Những thành quả đạt được là nhờ sự hỗ trợ của nhiều đối tác và bạn bè quốc tế, là quá trình thu hút và học hỏi từ các đối tác, từng bước định hình mô hình phát triển của tỉnh, tiến từng nấc thang trong quá trình phát triển.
Trong giai đoạn mới, việc là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước phải đối mặt với bẫy thu nhập trung bình, Bình Dương càng cần phải sớm đổi mới mô hình phát triển, tập trung vào phát triển những hệ sinh thái kiểu mới, hệ sinh thái công nghiệp thông minh, lấy đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ làm động lực, lấy việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm trọng tâm, trên nền tảng triết lý phát triển của tỉnh: “Môi trường đầu tư hiệu quả - Xã hội nhân văn hài hòa – Chính quyền năng động kiến tạo”. Bình Dương tự tin sẽ vượt qua được thách thức, vươn lên một phân khúc mới, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tỉnh Bình Dương cùng Becamex IDC bàn về định hướng chiến lược quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2031, tầm nhìn đến năm 2050
Tỉnh Bình Phước phối hợp cùng Becamex IDC tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư với Trung Quốc
-
1Bình Dương tổ chức Hội nghị về thể dục thể thao
-
2Cơ hội vàng sở hữu căn liền kề đẳng cấp tại Danko City
-
3Ấn tượng với trải nghiệm “xanh” được Vinamilk mang đến ngày hội Việt Nam Xanh
-
4Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
5Vinamilk nhận loạt giải thưởng về quản trị và phát triển bền vững
-
6ROX Group duy trì sức hút của “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam”
Bài viết chưa có bình luận nào.