Bình Dương: 25 năm chính quyền kiến tạo, doanh nghiệp đồng hành - Kỳ I
(kiemsat.vn) Đối mặt nhiều khó khăn, thử thách khi tách ra từ tỉnh Sông Bé trước đây, sau 25 năm phát triển (1997-2022), với sự cố gắng của nhiều thế hệ lãnh đạo, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, Bình Dương đã có nhiều bứt phá đi lên trong phát triển kinh tế-xã hội.
Tỉnh Bình Dương và Becamex IDC tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư Cộng hoà Liên bang Đức
Tỉnh Bình Dương và Becamex IDC tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Trung Quốc
Tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Becamex IDC tổ chức hội thảo khoa học vòng 2: Định hướng chiến lược quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2031, tầm nhìn đến năm 2050
Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt 408.861 tỷ đồng, gấp 104,3 lần so với năm 1997. Trong đó, nông nghiệp tăng 14,2 lần, dịch vụ tăng 112,2 lần và đặc biệt công nghiệp tăng 140,6 lần. Tốc độ tăng trưởng đó đưa Bình Dương trở thành vùng đất có thu nhập trung bình cao với GRDP bình quân đầu người đạt 7.000 USD/người/năm và là một trong những tỉnh dẫn đầu trên cả nước. Đây là một thành quả đáng tự hào của Bình Dương.
Từ chính sách “Trải chiếu hoa mời gọi nhà đầu tư” đến chiến lược “Không đi một mình”
Trong bối cảnh giai đoạn mới tách tỉnh, việc lựa chọn mô hình phát triển phù hợp đóng vai trò rất quan trọng đối với Bình Dương. Giai đoạn này, với những chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước, hệ thống các khu công nghiệp trên cả nước đang được xây dựng và mở rộng một cách nhanh chóng, cơ hội là ngang bằng cho tất cả các địa phương. Với vị trí địa lý thuận lợi nằm ở phía bắc của TP Hồ Chí Minh, Bình Dương nắm bắt cơ hội, bắt đầu phát triển các khu công nghiệp tại những khu vực tiếp giáp TP Hồ Chí Minh nhằm tận dụng hệ thống thương mại, dịch vụ và tiện ích xã hội hiện có của TP Hồ Chí Minh.
Trung tâm hành chính tập trung và Khu Hội nghị và triển lãm |
Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp và các khu công nghiệp ở vị trí xa TP Hồ Chí Minh, Bình Dương cần tìm kiếm một mô hình mới, tổng thể và toàn diện hơn, giúp không chỉ phát triển công nghiệp đơn lẻ mà đồng thời phải phát triển được hệ thống dịch vụ, đô thị… Từ đó, tạo ra một môi trường đáng sống cho nhà đầu tư, cho người lao động và cả những người dân xung quanh.
Xác định rõ các yếu tố đó, với cầu nối là chính phủ hai nước Việt Nam và Singapore và sự nhiệt tình, năng động của lãnh đạo tỉnh thời kỳ này, Công ty Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) được hình thành giữa doanh nghiệp nhà nước đầu tàu của Bình Dương và đối tác Singapore.
Đây là một bước đi chiến lược với một đối tác uy tín, có kinh nghiệm triển khai các dự án ở quy mô quốc tế, đặc biệt có nhiều kinh nghiệm, uy tín trong công tác thu hút, xúc tiến đầu tư công nghiệp ở quy mô toàn cầu đã giúp Bình Dương học hỏi về cách thức phát triển công nghiệp của Singapore, không chỉ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng mà còn cách thức xúc tiến thương mại, mở rộng hệ thống tiếp thị và xúc tiến đầu tư của tỉnh ra toàn cầu.
Tuy nhiên, việc hợp tác với các đối tác nước ngoài để chuẩn hóa quá trình xây dựng và vận hành khu công nghiệp, cũng như xúc tiến thu hút đầu tư về Bình Dương là chưa đủ. Thời kỳ này, việc phê duyệt và cấp phép các dự án cho nhà đầu tư còn diễn ra chậm, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của tỉnh.
Để giải quyết thách thức đó, Bình Dương tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng mô hình Ban quản lý các khu công nghiệp đầu tiên trên cả nước. Mô hình này ngay lập tức phát huy được hiệu quả, tạo ra sự đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, giúp gây dựng một hình ảnh thân thiện của chính quyền trong mắt các nhà đầu tư.
Việc hình thành mô hình Ban quản lý các khu công nghiệp giúp đẩy nhanh quá trình cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh, đơn giản hóa thủ tục cấp phép hoạt động theo cơ chế “một cửa”, bảo đảm tính minh bạch, nhằm giảm thiểu chi phí và thời gian của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế là một chủ trương lớn của tỉnh.
Sự ra đời của Liên doanh khu công nghiệp Việt Nam-Singapore đã mang đến cho Bình Dương một góc nhìn mới, một mô hình chuẩn mới, dần hình thành khái niệm “phát triển không chỉ có công nghiệp”. Các khu công nghiệp sẽ không thể tồn tại một các bền vững nếu như không có các khu đô thị cao cấp phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư, các khu nhà ở xã hội phục vụ người lao động có thu nhập thấp và các khu tái định cư phục vụ những người dân trong diện đền bù giải tỏa đan xen với nó. Ngoài ra, còn là hệ thống các dịch vụ tiện ích xã hội như y tế, trường học, dịch vụ xã hội khác.
Trong khuôn khổ một liên doanh sẽ không thể thực hiện hết tất cả các nhiệm vụ nêu trên, trong đó có bao hàm cả nhiệm vụ chính trị và hy sinh cho trách nhiệm xã hội. Nhận thức điều đó, những doanh nghiệp nhà nước đầu tàu của Bình Dương đã học hỏi, đúc kết được những tinh túy trong mô hình phát triển công nghiệp của Singapore. Từ đó, bổ sung và tùy chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung, nhằm tổng kết hóa một mô hình chuẩn phù hợp với Việt Nam để chia sẻ và nhân rộng ra cả nước.
Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore VSIP II |
Với điểm tựa và nền tảng cộng hưởng của Bình Dương đã tạo lên sự thành công của mô hình VSIP. Từ một khu công nghiệp VSIP đầu tiên với diện tích 500 ha tại TP Thuận An, đến nay, VSIP đã phát triển 11 dự án với tổng quỹ đất gần 10.000 ha tại miền Nam (Bình Dương), miền Bắc (Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương) và miền Trung (Quảng Ngãi, Nghệ An, Bình Định, Quảng Trị).
Liên doanh đang cung cấp hạ tầng sản xuất cho 880 khách hàng đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư 17 tỷ USD và tạo việc làm cho hơn 295.000 lao động trong nước và nước ngoài. Khu công nghiệp VSIP đã trở thành mô hình chuẩn về phát triển khu công nghiệp xanh, hiện đại và thân thiện với môi trường.
Định hình mô hình phát triển theo hệ sinh thái Công nghiệp-Dịch vụ-Đô thị: Ứng dụng vào thực tiễn tại Bình Dương và Việt Nam
Từ kinh nghiệm mô hình liên doanh khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP), Bình Dương nhận thấy đây hoàn toàn là mô hình phù hợp để có thể mở rộng việc phát triển ở các khu xa TP Hồ Chí Minh mà vẫn bảo đảm được một sự phát triển bền vững, đồng thời góp phần quay lại củng cố và chỉnh trang đô thị của Bình Dương theo hướng quy hoạch hiện đại và bài bản, trong sự đan xen với các khu công nghiệp đạt chuẩn xanh, khang trang và bền vững.
Do đó, Bình Dương quyết định đề xuất xây dựng mô hình Khu liên hợp Công nghiệp-Dịch vụ-Đô thị Bình Dương (khu liên hợp) như một mô hình thí điểm cho việc phát triển tích hợp, bao gồm: Khu đô thị, khu công nghiệp, khu thương mại, dịch vụ giải trí chất lượng cao, khu dân cư, tái định cư cho người dân… Khu liên hợp là một ý tưởng táo bạo đột phá, một chủ trương lớn nhằm thay đổi toàn bộ cách thức thu hút và kêu gọi đầu tư của tỉnh Bình Dương, bao gồm việc thống nhất trong quản lý đầu tư, mời gọi đầu tư cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ. Qua đó, giúp dần hình thành chiến lược thu hút đầu tư dựa trên việc xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh phục vụ mọi nhu cầu của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Mô hình Phát triển theo hệ sinh thái của Khu liên hợp |
Khu liên hợp được hình thành nắm giữ vai trò chiến lược rất lớn với sự phát triển của Bình Dương, bên cạnh lõi trung tâm là khu đô thị Thành phố mới Bình Dương, khu liên hợp còn bao gồm 7 khu công nghiệp xung quanh. 7 khu này được hình thành với tỷ lệ lấp đầy cao tạo đòn bẩy và bắc cầu cho việc dịch chuyển phát triển công nghiệp từ phía Nam lên khu vực giữa và phía Bắc tỉnh Bình Dương. Sau khi hình thành quần thể công nghiệp tại khu liên hợp, tạo ra bước đệm cho việc phát triển các khu công nghiệp mới về phía Bắc như Khu công nghiệp Becamex Mỹ Phước 1, 2, 3, 4 và xa hơn nữa là Khu công nghiệp Bàu Bàng, Bàu Bàng mở rộng và hiện nay là Khu công nghiệp VSIP III vừa được khởi công.
Sau quá trình phát triển, khu liên hợp đã đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực xung quanh, trực tiếp tái cấu trúc lại khu dân cư nông thôn trước đây quy hoạch lại hiện đại. Các khu đô thị cao cấp cho các chuyên gia, khu nhà ở xã hội, khu tái định cư, hệ thống đường giao thông, cũng như thu hút các nhà đầu tư về đã tạo ra sự thay đổi toàn diện và mang lại cuộc sống thịnh vượng hơn cho người dân.
Khu liên hợp được quy hoạch và áp dung mô hình TOD (Transit Oriented Development). Đây là mô hình phát triển chuỗi đô thị dọc theo các tuyến giao thông công cộng, mô hình này từ lâu đã được nhiều đô thị áp dụng để phát triển đô thị, gắn kết giữa giao thông công cộng với kế hoạch với sử dụng đất và mang lại nhiều thành công. Mô hình TOD đã phổ biến ở các nước phát triển ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Bình Dương đã áp dụng TOD từ khi bắt đầu xây dựng thành phố mới Bình Dương vào năm 2010. TOD đã cho thấy tính ưu việt của nó trong việc để dành quỹ đất cho không gian giao thông công cộng, qua đó giảm chi phí đầu tư cho các tuyến giao thông công cộng trong tương lai. Việc chuyển đổi một vùng đất nông nghiệp, quy hoạch tự phát kiểu làng xã sang mô hình quy hoạch hiện đại đã phổ biến và áp dụng rộng rãi trên toàn cầu là một thành quả lớn của đề án xây dựng khu liên hợp, hình thành một phương thức cũng như định hướng quy hoạch lâu dài cho toàn tỉnh.
Trong quá trình thu hút đầu tư và phát triển khu liên hợp, Bình Dương nhận thấy những bất cập và sự cần thiết trong việc cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân và đặc biệt là nhà đầu tư. Vì vậy, trong giai đoạn đầu của dự án, tỉnh đã tập trung vào việc cải cách và hình thành Trung tâm hành chính tập trung, Khu hội nghị và triển lãm tỉnh với mong muốn đóng góp vào việc thay đổi, xây dựng hành chính một cửa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như là chào đón nhà đầu tư nước ngoài đến Bình Dương. Đã có nhiều sự kiện quốc tế được tổ chức tại đây qua nhiều năm, tiêu biểu như Diễn đàn kinh tế châu Á Horasis Asia.
Các khu công nghiệp trở thành đòn bẩy để thu hút đầu tư, phát triển thương mại dịch vụ, việc thu hút các nhà đầu tư và người lao động tới Bình Dương tạo ra thị trường cho việc phát triển thương mại và dịch vụ. Các khu công nghiệp tại khu liên hợp được phát triển theo mô hình của Singapore, đạt đầy đủ tiêu chuẩn của Singapore, thân thiện với môi trường, nhờ vậy đã đạt được tỷ lệ lấp đầy cao, thu hút được nhiều ngành công nghiệp sạch.
Bình Dương đã hợp tác với nhiều đối tác quốc tế như Tokyu (Nhật Bản), Sembcorp (Singapore)… phát triển khu đô thị để phát triển các khu đô thị kiểu mẫu, chất lượng cao cho các nhà đầu tư, các chuyên gia. Các khu tái định cư, ổn định cuộc sống, tạo công ăn việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo môi trường sống và làm việc mới cho những người dân trong diện đền bù giải tỏa.
Tại khu liên hợp, hệ thống trường các cấp đạt chuẩn quốc tế, từ mẫu giáo cho đến đại học, như: Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Trường Đại học Việt Đức… với những chương trình đào tạo 100% bằng tiếng Anh với các giảng viên đến từ trong và ngoài nước, tập trung vào những ngành trọng yếu phục vụ cho nền tảng phát triển công nghiệp của tỉnh như: Công nghệ thông tin, cơ điện tử, điện - điện tử…
Đồng thời, đặt nền móng cho việc phát triển các công cụ sản xuất mới, cải tiến và nâng cấp nền tảng công nghiệp thông qua các đề tài nghiên cứu và phát triển. Hệ thống phòng Lab 4.0 là sự hợp tác với các hãng công nghệ như Festo của Đức để thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng thực tế.
Tại thời điểm hình thành Khu công nghiệp VSIP I tại TP Thuận An và sau này là khu liên hợp, các doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh đã đồng hành cùng tỉnh, phát triển và mở rộng Quốc Lộ 13. Đây là trục giao thông đầu tiên quan trọng kết nối hạ tầng làm đòn bẩy cho việc kết nối hệ thống khu công nghiệp của Bình Dương với sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi hình thành quy hoạch giao thông vùng, tuyến đường Mỹ Phước-Tân Vạn-Bàu Bàng tiếp tục được hình thành để hoàn thiện trục giao thông kết nối về cảng biển sân bay quốc tế như sân bay Long Thành, Cảng Cái mép-Thị Vải.
Quốc lô 13 - Đại lộ Bình Dương |
Bên cạnh đó, các tuyến đường theo trục ngang, kết nối nội tỉnh như ĐT743, ĐT746, Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng… và một số đoạn trên Bình Dương của tuyển Vành đai 3, Vành đai 4 tạo nên hệ thống giao thông liên kết vùng, kết nối các khu công nghiệp với nhau và kết nối hệ thống các khu công nghiệp tới các cảng biển sân bay quốc tế, tạo thành một quần thể hoàn chỉnh củng cố thêm lợi thế cạnh tranh cho tỉnh. Điều đó đã kéo theo sự phát triển nhanh chóng các khu công nghiệp lớn, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, cùng hàng triệu người dân đến sinh sống và làm việc tại Bình Dương.
Những thách thức của Bình Dương trong giai đoạn mới
Đằng sau những thành quả phát triển kinh tế nhanh chóng, luôn tiềm ẩn những thách thức không hề nhỏ, những thách thức đó cần phải được nhận ra sớm và đưa ra những giải pháp kịp thời trong ngắn hạn và dài hạn. Đối với Bình Dương, qua những thảo luận và phân tích kỹ lưỡng với các chuyên gia, Bình Dương đã định vị và nhận thức rõ những thách thức lớn mà tỉnh đang phải đối mặt như sau:
a. Bẫy thu nhập trung bình:
Từ một tỉnh có thu nhập thấp, sau hơn 20 năm, GRDP bình quân đầu người của Bình Dương đã ở mức thu nhập trung bình cao, tương đương với Thái Lan. Điều này đồng nghĩa với việc nguy cơ gặp phải bẫy thu nhập trung bình của Bình Dương sẽ sớm hơn các địa phương khác trên cả nước.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), thời gian trung bình để một quốc gia, một địa phương có thể phát triển từ thu nhập trung bình đến thu nhập cao sẽ mất khoảng 30 năm. Nếu lấy Thái Lan là một mức so sánh tương đối với Bình Dương (Thái Lan trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 1988) thì giai đoạn 2021-2030 là rất quan trọng, quyết định việc Bình Dương có thể vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để trở thành một vùng đất thịnh vượng có thu nhập cao. Để làm được điều đó, Bình Dương cần phải giải quyết được những yếu tố nguy cơ sau:
Nguồn nhân lực: Chi phí nhân công ngày càng tăng theo xu thế của xã hội, nhưng trình độ và kỹ năng của người lao động không được nâng cao, bổ túc theo thời gian, điều đó dẫn đến năng suất lao động không tăng, làm biên lợi nhuận của nhà đầu tư hiện hữu cũng như nhà đầu tư trong tương lai sẽ giảm, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc giữ chân cũng như thu hút các nhà đầu tư.
Phương thức, phương tiện sản xuất mới: Hiện nay nền tảng sản xuất tại Bình Dương chủ yếu thu hút các nhà sản xuất gia công lắp ráp, tập trung chính vào những ngành thâm dụng lao động, thâm dụng đất đai, chưa có những ngành thâm dụng công nghệ và khoa học, đây là vấn đề cần sớm được giải quyết, vì áp dụng công nghệ và khoa học kỹ thuật là con đường duy nhất giúp Bình Dương cải tiến và tăng năng suất lao động, bù lại sự gia tăng về chi phí nhân công cho nhà đầu tư.
Để làm được điều đó, cần nhanh chóng phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo để thu hút các nhà đầu tư những ngành có hàm lượng khoa học cao, thâm dụng công nghệ, thu hút những nhà khởi nghiệp thay vì thu hút những ngành thâm dụng lao động… Từ đó, tạo ra những phương thức, phương tiện sản xuất mới tại Bình Dương, quay lại nâng cấp các nền tảng công nghiệp hiện hữu và định vị các khu công nghiệp mới lên một phân khúc cao hơn, góp phần tăng năng suất lao động tại Bình Dương.
b. Thu hẹp khoảng cách giữa công nghiệp và thương mại dịch vụ:
Đang có một sự phát triển thiếu cân bằng trong cơ cấu kinh tế của Bình Dương. Đó là, công nghiệp vẫn chiếm 66,8% trong khi thương mại, dịch vụ vẫn chỉ chiếm 22,4%. Để có thể thu hẹp khoảng cách giữa công nghiệp và thương mại, dịch vụ đòi hỏi một chiến lược đầu tư bài bản trên quy mô lớn, trong một khoảng thời gian đủ dài mới có thể tạo ra sức bật cho thương mại, dịch vụ.
Nếu tiếp tục lấy Thái Lan như một phép so sánh thì có một khoảng cách khá xa giữa thương mại, dịch vụ, du lịch của Bình Dương so với Thái Lan. Vậy để có thể vượt lên thành vùng đất có thu nhập cao và thịnh vượng cùng thời điểm với Thái Lan, bài toán thúc đẩy thương mại, dịch vụ đuổi kịp công nghiệp là một thách thức rất lớn với Bình Dương nhưng đây cũng là điểm mấu chốt quan trọng.
Để có một nền kinh tế khỏe mạnh và bền vững thì việc phát triển công nghiệp phải song hành với phát triển thương mại, dịch vụ. Hai thành phần này trong phát triển kinh tế có tính tương hỗ, bổ trợ cho nhau. Thương mại, dịch vụ hậu cần tốt sẽ góp phần củng cố chuỗi cung ứng địa phương, qua đó giảm giá thành nguyên vật liệu, giá thành cho các dịch vụ hậu cần cho nhà đầu tư, cho nên việc phát triển thương mại, dịch vụ cũng là một yếu tố quan trọng giúp Bình Dương vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
c. Hạ tầng giao thông quá tải:
Một thách thức khác đối với Bình Dương, do quá trình phát triển công nghiệp nóng, mặc dù hạ tầng giao thông đã được đầu tư bài bản và chất lượng qua nhiều năm, nhưng hiện nay giao thông đường bộ kết nối vùng ở Bình Dương đã có dấu hiệu quá tải, đặc biết là các tuyến đường giao thông kết nối vùng phía Nam, kết nối với cảng biển, cảng hàng không quốc tế.
Sự tắc nghẽn của giao thông ảnh hưởng trực tiếp đến việc giữ chân các nhà đầu tư cũ, cũng như thu hút các nhà đầu tư mới, đồng thời gián tiếp triệt tiêu lợi thế cạnh tranh về vị trí địa lý của tỉnh. Đây là thách thức cấp bách cần phải được giải quyết trong tương lai gần, cần cải tạo các tuyến đường huyết mạch, cũng như phát triển các loại hình giao thông mới như đường thủy, đường sắt để giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ.
d. Phát triển nguồn nhân lực:
Nguồn nhân lực luôn là yếu tố cốt lõi quyết định sự thành công của mọi chiến lược. Để vượt qua những thách thức đã nêu ở trên, Bình Dương cần có một chiến lược tổng thể để phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Song song với việc xây dựng hệ thống giáo dục chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, tập trung vào những ngành khoa học chủ điểm, thì cần phải có những chính sách đãi ngộ nhân tài tương xứng, đưa những người có năng lực kinh nghiệm trên mọi lĩnh vực về tỉnh, qua đó trực tiếp thực thi các chiến lược phát triển được đề ra.
(còn nữa)
Tỉnh Bình Dương cùng Becamex IDC bàn về định hướng chiến lược quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2031, tầm nhìn đến năm 2050
Tỉnh Bình Phước phối hợp cùng Becamex IDC tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư với Trung Quốc
-
1BIDV khẳng định vị thế doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam
-
2Thu thập sinh trắc học trên Agribank Plus - Cơ hội rinh iPhone 16 và nhiều quà hấp dẫn
-
3Công đoàn EVNNPT góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia
-
4Chuyển đổi số xanh tại KCN Hải Phòng, hướng tới phát triển bền vững
-
5Vinamilk: Một thương hiệu quốc gia “Đặc biệt” và “Khác biệt”
-
6Vinamilk – 30 năm đồng hành hỗ trợ bệnh nhân nghèo được phẫu thuật tim và mắt
-
7Bế mạc Giải Vô địch Bóng đá tỉnh Bình Dương năm 2024 - Cúp Hưng Thịnh
-
8Vinamilk đồng hành các đội Robotacon Việt Nam tỏa sáng tại đấu trường quốc tế
Bài viết chưa có bình luận nào.