Bắt người để tạm giam cần có mặt những ai?

13/02/2019 10:58

(kiemsat.vn)
Con trai tôi cùng nhóm bạn tham gia vào một cuộc ẩu đả làm một người bị thương nặng. Hôm sau con tôi bị bắt tại nhà trong khi tôi đi vắng. Tôi muốn hỏi, khi bắt người để tạm giam cần những ai chứng kiến?

Kiemsat.vn trả lời câu hỏi của bà như sau:

Việc con bà bị bắt tạm giam nhằm ngăn chặn việc con bà có thể tiếp tục phạm tội và tạo điều kiện thuận cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.

Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam: 

1. Những người sau đây có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam:

a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;

b) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;

c) Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.

2. Lệnh bắt, quyết định phê chuẩn lệnh, quyết định bắt phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị bắt; lý do bắt và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.

Người thi hành lệnh, quyết định phải đọc lệnh, quyết định; giải thích lệnh, quyết định, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt; giao lệnh, quyết định cho người bị bắt.

Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người khác chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc, học tập phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.

3. Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã.

Ảnh minh họa

Căn cứ theo khoản 2 điều luật này thì khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người khác chứng kiến.

Sở dĩ pháp luật quy định như trên nhằm bảo đảm tính công khai, hợp pháp và phòng ngừa kẻ xấu giả danh người có thẩm quyền xâm phạm quyền tự do thân thể của công dân. Đồng thời, sự có mặt của chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức và những người khác còn có tác dụng hỗ trợ những người thi hành lệnh bắt hoàn thành nhiệm vụ.

Ngoài ra, tại khoản 3 điều trên quy định không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp phạm tội quả tang (bắt người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi phạm tội thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt) hoặc bắt người đang bị truy nã.

Theo Điều 134 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định ban đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau. Quy định này nhằm bảo đảm việc bắt người được minh bạch, giữ trật tự chung cho người dân và đề phòng kẻ xấu lợi dụng khoảng thời gian này để hoạt động phi pháp; ngoại trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã thì có thể được tiến hành vào ban đêm.

Như vậy, trường hợp con bà bị bắt tại nhà (nơi cư trú) nên ngoài cơ quan tiến hành bắt giữ thì thành phần chứng kiến sẽ gồm có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người khác (ở đây có thể là hàng xóm).

VKSND tỉnh Lào Cai phê chuẩn lệnh tạm giam 02 bị can mua bán trái phép hơn 3kg heroin

(Kiemsat.vn) - Ngày 24/01/2019, VKSND tỉnh Lào Cai ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Lù Seo Nhà (SN 1983) và Tráng Seo Chúng (SN 1991) cùng ở thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” theo Điều 251 BLHS.

Phú Yên: Phê chuẩn tạm giam kẻ giết người đêm 30 Tết

(Kiemsat.vn) - VKSND tỉnh Phú Yên vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên ra đối với Nguyễn Văn Út (SN 199, trú tại TX Sông Cầu) về tội giết người, theo điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS (phạm tội có tính chất côn đồ).
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

Đọc nhiều
lên đầu trang