Bắt buộc chữa bệnh theo BLTTHS và BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

25/07/2017 03:42

(kiemsat.vn)
Bắt buộc chữa bệnh được áp dụng đối với người có hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Trước hết, năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS) là điều kiện cần thiết để có thể xác định con người có lỗi khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Chỉ có người có năng lực TNHS mới có thể là chủ thể của tội phạm. Người có năng lực TNHS là người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và có khả năng điều khiển được hành vi ấy.

Người trong tình trạng không có năng lực TNHS là người đã mất năng lực hiểu biết những đòi hỏi của xã hội liên quan đến hành vi nguy hiểm cho xã hội, không đánh giá được hành vi đã thực hiện là đúng hay sai, nên làm hay không nên làm.

Bắt buộc chữa bệnh theo BLTTHS và BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Người thực hiện hành vi phạm tội của mình trong khi đang mắc bệnh tâm thần thì không phải chịu TNHS. Bệnh tâm thần là bệnh do rối loạn hoạt động não bộ gây nên những biến đổi bất thường về lời nói, ý tưởng, hành vi, tác phong, tình cảm… Bệnh tâm thần điển hình bao gồm trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, rối loạn ăn uống và hành vi gây nghiện. Trường hợp này người phạm tội không đủ năng lực TNHS nên không có lỗi.

Bắt buộc chữa bệnh theo BLTTHS và BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Trước đó, ngày 19/7/2017, báo lao.dong.vn đưa tin, CQĐT công an TP Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ bị can đối với chị Đỗ Thị Hạnh (27 tuổi, ở huyện Quốc Oai), người được cho là đã sát hại con đẻ 5 tháng tuổi của mình hồi tháng 1/2017, rồi tự tử, chị đã được phát hiện và cứu chữa kịp thời.

Tuy nhiên, quá trình điều tra, người mẹ này bộc lộ không nhận thức được hành vi và đã được cơ quan chức năng đưa đi giám định. Kết quả giám định thể hiện, trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội, Hạnh không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Bắt buộc chữa bệnh (Điều 49 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017) quy định như sau:

1. Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.

2. Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

3. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.

Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.

Theo khoản 2, 3 viện dẫn trên, thì người phạm tội có thể phải chịu trách nhiệm trách nhiệm hình sự. Vì khi phạm tội người phạm tội vẫn có năng lực TNHS, có khả năng điều khiển hành vi. Chỉ sau khi gây án người phạm tội mới bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, mất năng lực điều khiển hành vi… Do đó, người phạm tội bắt buộc phải chữa bệnh và có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội do mình gây ra.

Như vậy, bắt buộc chữa bệnh có mục đích đầu tiên là phòng ngừa khả năng gây thiệt hại cho trật tự, an toàn xã hội của người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác gây rối loạn hoạt động tâm thần. Bên cạnh đó, bắt buộc chữa bệnh còn mang nội dung nhân đạo cao cả, thay vì áp dụng hình phạt đối với người có hành vi nguy hiểm cho xã hội, cơ quan tiến hành tố tụng cho họ được chữa bệnh tại cơ sở điều trị chuyên khoa.

Bắt buộc chữa bệnh theo BLTTHS và BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Những tổ chức cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh:

– Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương và Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 (Thường Tín, Hà Nội) có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, điều trị những người bị bắt buộc chữa bệnh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực phía Bắc;

– Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng (thành phố Đà Nẵng) có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, điều trị người bị bắt buộc chữa bệnh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên;

– Phân viện Giám định pháp y tâm thần phía Nam và Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 (Biên Hòa, Đồng Nai) có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, điều trị những người bị bắt buộc chữa bệnh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực phía Nam.

Anh Nga

(Giới thiệu)

Tặng cho người bị tâm thần quyền sử dụng đất được không?

Cách đây 5 năm con tôi phát bệnh tâm thần. Hiện tại vợ chồng tôi muốn cho cháu một mảnh đất thì có làm được giấy tờ tặng cho được không? Nếu không tặng cho được thì vợ chồng tôi phải làm thủ tục gì để tặng cho con tôi mảnh đất trên?

Đề nghị xử lý “chạy án” bằng giám định tâm thần

Góp ý công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, Giám đốc Công an Nghệ An đề nghị xử lý tình trạng “chạy án” bằng giấy chứng nhận giám định tâm thần.
(1) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang