Đình chỉ bị can với người mẹ sát hại con mới đẻ: Quyết định thấu tình đạt lý

19/07/2017 10:49

Câu chuyện trầm cảm sau sinh không còn mới, đó đây, vẫn có những người mẹ ra tay sát hại mụn máu của mình. Dưới góc độ pháp lý, các chuyên gia cho rằng, cần có cái nhìn thấu đáo trước khi đưa ra các chế tài xử lý.

Đau lòng mẹ bị tâm thần sau sinh

Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ bị can đối với chị Đỗ Thị Hạnh (27 tuổi, ở huyện Quốc Oai), người được cho là đã sát hại con đẻ 5 tháng tuổi của mình hồi tháng 1.2017.

Theo một nguồn tin, chị Hạnh bị khởi tố về hành vi giết người. Tuy nhiên, quá trình điều tra, người mẹ này bộc lộ không nhận thức được hành vi và đã được cơ quan chức năng đưa đi giám định.

Kết quả giám định thể hiện, trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội, Hạnh không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Trước đó, hồi tháng 1, Hạnh đã ra tay sát hại con trai mới 5 tháng tuổi, sau đó nhảy xuống giếng để tự sát. Tuy vậy, chị đã được phát hiện và cứu chữa kịp thời.

Nói về lý do chị Hạnh mất khả năng nhận thức và sát hại con, một người thân trong gia đình cho hay, sau khi sinh người con thứ hai, Hạnh bắt đầu có biểu hiện trầm cảm, dẫn đến việc không có sữa cho con bú và sau 5 tháng, sự việc đau lòng đã xảy ra.

Hay vụ việc hồi đầu tháng 6 vừa qua đã làm xôn xao dư luận khi biết được, người mẹ trẻ Phan Thị Tr (SN 1997, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội), đã dìm chết người con mới 33 ngày tuổi. Tr đã bị điều tra về hành vi giết người. Có người nói, trong cuộc sống, Tr có nhiều uẩn khúc chưa có lời giải, người khác lại bảo, Tr đã mắc phải chứng bệnh không hiếm – trầm cảm sau sinh.

Cần xem xét thấu tình đạt lý

Trước khi luận bàn về các trường hợp trầm cảm sau sinh rồi gây án, luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc Công ty luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho hay, việc Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đình chỉ bị can đối với bà mẹ nói trên là rất nhân đạo, nhân văn, thấu tình, đạt lý.

Bởi lẽ, trong quá trình xây dựng pháp luật, nhà làm luật luôn phải tham khảo ý kiến chuyên gia các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đơn cử chế định liên quan đến trầm cảm sau sinh, trong văn bản pháp luật về hình sự, cũng như hệ thống văn bản hướng dẫn đã quy định rõ, người mẹ sát hại con mình trong 7 ngày, sẽ không bị xem xét tội danh giết người, mà chuyển qua tội giết con mới đẻ, với mức hình phạt được coi chỉ là để giáo dục, răn đe.

Đồng tình quan điểm cần nhân văn khi xem xét, truy cứu hành vi sát hại con mới đẻ của những người mẹ, luật sư Vi Văn A, Trưởng văn phòng luật sư số 7, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích, hành vi mẹ sát hại con mới đẻ là một chế định đặc biệt trong hình sự. Bởi lẽ, chủ thể luôn chỉ là người mẹ, và áp dụng trong tình huống, những người mẹ bị thay đổi nội tiết tố đặc biệt, kèm theo cuộc sống có nhiều uẩn khúc, éo le và nhận thức hạn chế. Khi trong tình trạng này, người mẹ rất có nguy cơ tự sát hoặc sát hại con mình, hoặc sẽ mắc một trong những căn bệnh tâm thần, làm mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi.

“Vì những lý do đó, quá trình truy cứu trách nhiệm những người mẹ sau sinh gây án, cần xem xét thấu đáo cả lý lẫn tình” – luật sư Vi Văn A nói thêm.

Theo lao.dong

Đề nghị xử lý “chạy án” bằng giám định tâm thần

Góp ý công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, Giám đốc Công an Nghệ An đề nghị xử lý tình trạng “chạy án” bằng giấy chứng nhận giám định tâm thần.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang