Bảo mật thông tin cá nhân khi giải quyết vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi

07/03/2022 13:56

(kiemsat.vn)
Đây là một trong những nguyên tắc trong Thông tư liên tịch số 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH ngày 18/2/2022 quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư liên tịch số 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH ngày 18/2/2022 quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

Thông tư áp dụng đối với các đối tượng sau: Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, người làm chứng; người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi.

Bảo mật thông tin cá nhân khi giải quyết vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi

Về nguyên tắc phối hợp, Thông tư yêu cầu phải bảo đảm tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật; bảo đảm phối hợp thường xuyên, nhanh chóng, kịp thời; tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, danh dự, nhân phẩm, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, người làm chứng.

Các cơ quan có thẩm quyền cần bảo mật thông tin cá nhân của người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi, người tố giác, báo tin có liên quan đến hành vi xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, đồng thời, bảo đảm tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan.

Trách nhiệm của Viện kiểm sát trong quá trình phối hợp, giải quyết vụ án

Trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong quá trình giải quyết vụ án được quy định cụ thể như sau:

Phối hợp trong khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể: Kiểm sát viên chủ động trao đổi với Điều tra viên về những nội dung phát hiện, ghi nhận, thu giữ, bảo quản các dấu vết, vật chứng, tài liệu tại hiện trường, tử thi. Trường hợp không thống nhất được các nội dung cần thu thập chứng cứ thì Kiểm sát viên, Điều tra viên phải báo cáo Lãnh đạo hai cơ quan để kịp thời xử lý theo quy định.

Quá trình xem xét dấu vết trên thân thể, thực hiện việc giám định phải ghi nhận đầy đủ trong biên bản ghi nhận dấu vết trên thân thể, đánh dấu vị trí thương tích, chụp ảnh dấu vết thương tích. 

Phối hợp trong việc trưng cầu giám định:  Viện kiểm sát nhân dân phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra xác định các nội dung yêu cầu cần trưng cầu giám định để làm rõ hành vi xâm hại tình dục; đánh giá kết luận giám định, yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện giám định giải thích rõ nội dung kết luận giám định theo quy định của pháp luật.

Phối hợp trong việc lấy lời khai, hỏi cung: Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ việc lấy lời khai, hỏi cung của Điều tra viên; nếu thấy lời khai chưa rõ, còn mâu thuẫn, không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác thì yêu cầu Điều tra viên lấy lời khai, hỏi cung bổ sung; nếu phát hiện có vi phạm trong việc lấy lời khai, hỏi cung thì Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên khắc phục ngay. Điều tra viên có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của Kiểm sát viên. Nếu thấy cần thiết, Kiểm sát viên trực tiếp lấy lời khai, hỏi cung.

Điều tra viên có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện để Kiểm sát viên lấy lời khai, hỏi cung theo quy định pháp luật. Trường hợp cần ghi lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, hỏi cung bị can đang bị tạm giam, Điều tra viên phối hợp cung cấp cho Kiểm sát viên biết về diễn biến tâm lý, thái độ của đối tượng để phục vụ việc lấy lời khai và hỏi cung.

Phối hợp trong hoạt động nhận dạng, thực nghiệm điều tra, nhận biết giọng nói: Trước khi tổ chức nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra, Điều tra viên và Kiểm sát viên trao đổi thống nhất các nội dung, biện pháp thực hiện. Việc thực nghiệm điều tra chỉ được tiến hành trong trường hợp nếu không thực hiện thì không giải quyết được vụ án và chỉ sử dụng biện pháp phù hợp để tiến hành thực nghiệm điều tra.

Khi gặp khó khăn trong thu thập dấu vết hoặc chưa thu thập được dấu vết hoặc không xác định được hiện trường nơi xảy ra vụ việc, Điều tra viên chủ động phối hợp với Kiểm sát viên tiến hành hoạt động theo quy định của pháp luật để dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.

Viện kiểm sát trực tiếp thực hiện một số hoạt động điều tra

Thông tư nêu rõ, trong giai đoạn truy tố, nếu chứng cứ chưa được thu thập đầy đủ mà thấy có thể tự khắc phục được thì Kiểm sát viên và Điều tra viên phối hợp thu thập chứng cứ. Nếu không thể tự khắc phục thì Viện kiểm sát trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra bổ sung.

Bên cạnh đó, trong trường hợp cần thiết phải trực tiếp kiểm tra hiện trường, xem xét các vật chứng, dấu vết thì Kiểm sát viên trao đổi để Điều tra viên phối hợp thực hiện. Điều tra viên có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để Kiểm sát viên thực hiện các hoạt động trên. Hoặc trong trường hợp cần dựng lại hiện trường vụ án, diễn lại tình huống thực nghiệm điều tra đơn giản thì Kiểm sát viên chủ trì, phối hợp với Điều tra viên để thực hiện. Việc thực nghiệm điều tra phải tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện các hoạt động ủy thác tư pháp hình sự khi vụ án có yếu tố nước ngoài

Thông tư quy định, trường hợp vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi có liên quan đến yếu tố nước ngoài, nếu cần thu thập chứng cứ, lấy lời khai người tham gia tố tụng đang ở nước ngoài, các cơ quan tiến hành tố tụng chủ động trao đổi phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao để thực hiện các hoạt động ủy thác tư pháp hình sự.

Đồng thời, cơ quan tiến hành tố tụng cần phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao trao đổi với cơ quan tư pháp nước có liên quan trong trường hợp thực hiện các hoạt động thu thập chứng cứ ở nước ngoài, nhận dạng người hoặc đồ vật bằng hình thức trực tuyến.

Khi nhận được kết quả ủy thác tư pháp của phía nước ngoài, Viện kiểm sát nhân dân tối cao kịp thời chuyển cho cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp kết quả ủy thác tư pháp chưa đầy đủ, cơ quan tiến hành tố tụng lập yêu cầu ủy thác tư pháp phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục đề nghị cơ quan nước ngoài thực hiện ủy thác tư pháp bổ sung.

Thông tư liên tịch có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/4/2022./.

Tổ chức đấu giá tài sản được lựa chọn là tổ chức đạt số điểm tổng cộng cao nhất của 06 tiêu chí

(Kiemsat.vn) - Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTP hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Thông tư gồm 10 điều và 02 Phụ lục (Phụ Lục Bảng tiêu chí đánh giá, chấm điểm tổ chức đấu giá tài sản; Phụ lục mẫu thông báo kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản). Thông tư hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang