Bàn về việc thay đổi và bổ sung yêu cầu khởi kiện tại phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự

01/07/2021 17:02

(kiemsat.vn)
Thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện là quyền của nguyên đơn, thể hiện quyền tự định đoạt của họ trong tố tụng dân sự. Bài viết này phân tích những vấn đề còn vướng mắc thông qua một vụ việc cụ thể mà nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện tại phiên tòa sơ thẩm; từ đó, đề xuất những giải pháp hoàn thiện luật.

Trong thực tế giải quyết vụ án dân sự, trước hoặc sau phiên họp kiểm tra việc tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, thậm chí tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn vẫn có thể thay đổi hoặc bổ sung yêu cầu khởi kiện. Nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu được thực hiện tại phiên tòa sơ thẩm thì việc xem xét yêu cầu thay đổi, bổ sung này có phần khó khăn hơn bởi thời điểm này, vụ án đã bước vào “giai đoạn sau” của trình tự tố tụng, công tác chuẩn bị đã “sẵn sàng” để giải quyết toàn diện các yêu cầu của đương sự. Chính vì vậy, việc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn cần được xem xét cẩn trọng để vừa đảm bảo giải quyết được toàn diện, triệt để vấn đề tranh chấp, vừa đảm bảo đúng pháp luật và bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của các bên.

Quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn theo pháp luật hiện hành

Thay đổi, bổ sung yêu khởi kiện là một quyền của nguyên đơn trong tố tụng dân sự, thể hiện quyền quyết định và tự định đoạt của họ (Điều 5, khoản 2 Điều 71 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS). Nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện là việc nguyên đơn đưa ra một yêu cầu khởi kiện khác với yêu cầu ban đầu của họ để Tòa án xem xét, giải quyết trong cùng vụ án.

Quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn có thể được thực hiện ngay cả tại phiên tòa sơ thẩm nếu đáp ứng được điều kiện luật định. Theo đó, tại phiên tòa sơ thẩm, chủ tọa phiên tòa hỏi nguyên đơn có thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện hay không (khoản 1 Điều 243 BLTTDS). Nếu nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện thì Hội đồng xét xử sẽ xem xét yêu cầu này. Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu (khoản 1 Điều 244 BLTTDS) được thể hiện trong đơn khởi kiện của nguyên đơn (mục 7 phần IV Công văn 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 và mục 7 phần II Công văn số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của TAND tối cao về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ).

Như vậy, điều kiện để việc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận tại phiên tòa sơ thẩm là “không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu” thể hiện trong đơn khởi kiện (hoặc đơn khởi kiện bổ sung) của nguyên đơn. Thế nhưng, tiêu chí để xác định thế nào là “không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu” chưa được hướng dẫn cụ thể nên hiện nay còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau như: (1) Không vượt quá phạm vi yêu cầu ban đầu là không được đưa thêm yêu cầu mới (Cuốn Bình luận Khoa học Bộ luật Tố tụng dân sự của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015, do PGS. TS. Trần Anh Tuấn chủ biên), hay (2) Không làm tăng thêm giá trị tranh chấp trong cùng quan hệ pháp luật tranh chấp mà Tòa án đang xem xét giải quyết (Bài viết của tác giả Dương Tấn Thanh: “Bàn về phạm vi khởi kiện và quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự theo BLTTDS năm 2015” đăng trên Tạp chí Tòa án tại địa chỉ: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/ban-ve-pham-vi-khoi-kien-va-quyen-thay-doi-bo-sung-yeu-cau-cua-duong-su-theo-blttds-nam-2015 ).

Thực tế, một số bản án sơ thẩm đã bị Tòa án cấp trên hủy bản án với lý do: Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vượt quá phạm vi khởi kiện của nguyên đơn; hoặc Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét giải quyết hết yêu cầu khởi kiện của đương sự.

Thực tiễn việc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn qua một vụ việc cụ thể

Công ty A vay tiền của Ngân hàng B bằng Hợp đồng tín dụng 01 và được đảm bảo bằng Hợp đồng thế chấp 02 (thế chấp toàn bộ 72 quyền sử dụng đất (“”) có thu tiền sử dụng đất, trong đó có QSD đất E) và Hợp đồng thế chấp 03 (thế chấp toàn bộ QSD đất không thu tiền sử dụng đất). Sau đó, do Công ty A không thanh toán được khoản nợ đến hạn nên Ngân hàng B đã tiến hành thủ tục để bán đấu giá tài sản bảo đảm nhằm thu hồi nợ thông qua Công ty bán đấu giá C. Thế nhưng, cho rằng quá trình bán đấu giá tài sản xảy ra các sai phạm nên Công ty A đã khởi kiện Công ty bán đấu giá C. Ban đầu, Công ty A yêu cầu tòa án (1) tuyên hủy kết quả bán đấu giá tài sản; (2) tuyên Công ty A được trả nợ cho Ngân hàng B theo Hợp đồng tín dụng 01 và Ngân hàng B trả lại các tài sản thế chấp theo Hợp đồng thế chấp 02 (công nhận toàn bộ hiệu lực của Hợp đồng thế chấp 02); và (3) tuyên Hợp đồng thế chấp 03 (thế chấp toàn bộ QSD đất không thu tiền sử dụng đất) bị vô hiệu.

Sau đó, Công ty A phát hiện, Ngân hàng B chỉ đăng ký thế chấp với 71 QSD đất còn QSD đất E không đăng ký giao dịch bảo đảm. Do đó, tại phiên tòa sơ thẩm, Công ty A đã bổ sung yêu cầu khởi kiện tuyên Hợp đồng thế chấp 02 vô hiệu một phần (tức có hiệu lực với 71 QSD đất có thu tiền sử dụng đất, vô hiệu đối với 01 QSD đất - QSD đất E).

Vậy việc Công ty A thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện như trên có vượt quá phạm khởi kiện ban đầu không? Vấn đề này còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau:

Quan điểm 1: Việc Ngân hàng B không đăng ký giao dịch bảo đảm là vi phạm điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thế chấp nên Hợp đồng thế chấp số 02 không thể có hiệu lực toàn bộ. Việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của nguyên đơn theo Hợp đồng tín dụng 01 tất yếu phải xem xét hiệu lực của Hợp đồng thế chấp 02. Thế nên, yêu cầu khởi kiện bổ sung của nguyên đơn không làm thay đổi quan hệ pháp luật tranh chấp (Điều 188 BLTTDS) nên không xác định là vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu.

Quan điểm 2: Yêu cầu của nguyên đơn là yêu cầu bổ sung vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu theo khoản 1 Điều 244 BLTTDS nên không thể xem xét.

Quan điểm 3: Hợp đồng thế chấp 02 là một bộ phận không tách rời của Hợp đồng tín dụng 01. Tòa án đã thụ lý yêu cầu tranh chấp Hợp đồng tín dụng 01, yêu cầu hủy kết quả đấu giá tài sản thế chấp. Do đó, việc Công ty A bổ sung yêu cầu tuyên bố vô hiệu một phần Hợp đồng thế chấp 02 là cùng trong một quan hệ cho vay và phát mãi tài sản thế chấp của các bên. Xem xét yêu cầu bổ sung này Tòa án không phải xác minh, thu thập chứng cứ mới, không phải tiến hành lại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải nên không vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu theo khoản 1 Điều 244 BLTTDS.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ 3, vì: Theo Điều 188 BLTTDS, phạm vi khởi kiện được hiểu chính là (các) quan hệ pháp luật có tranh chấp. Phạm vi khởi kiện ban đầu chính là quan hệ pháp luật có tranh chấp ban đầu. Vụ án chỉ có thể giải quyết toàn diện, triệt để nếu chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Hơn thế nữa, việc chấp nhận yêu cầu này thì tòa án không phải xác minh, thu thập chứng cứ mới, không phải tiến hành lại phiên họp kiểm tra, công khai chứng cứ và hòa giải.

Tuy nhiên, theo tác giả, trong vụ án này, nếu nguyên đơn thay đổi cách sử dụng từ ngữ trong việc đưa yêu cầu thì có thể tránh những quan điểm khác nhau trong xử lý vụ án nêu trên. Cụ thể: Tại phiên tòa, Công ty A nên thể hiện yêu cầu này như sau: Tuyên Công ty A được trả nợ cho Ngân hàng B theo Hợp đồng tín dụng 01 và Ngân hàng B trả lại các tài sản thế chấp theo Hợp đồng thế chấp 02, công nhận một phần hiệu lực của Hợp đồng thế chấp 02 (thay vì yêu cầu tuyên Hợp đồng thế chấp 02 vô hiệu một phần). Khi đó, yêu cầu này vẫn thuộc trường hợp xem xét hiệu lực của quan hệ pháp luật thế chấp tài sản (không phát sinh thêm quan hệ pháp luật cần giải quyết). Sự điều chỉnh này giúp việc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện đưa ra nằm trong “vùng an toàn” là “giảm bớt yêu cầu” thì chắc chắn không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu của nguyên đơn.

Một số kiến nghị

Tác giả cho rằng, việc xác định thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn có vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu hay không cần được hướng dẫn cụ thể để có thể áp dụng pháp luật thống nhất, tránh những hậu quả pháp lý về sau.

Vấn đề thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn cũng được điều chỉnh trong pháp luật trọng tài thương mại nhưng theo hướng hoàn toàn khác tố tụng dân sự. Theo đó, trong quá trình tố tụng trọng tài, Hội đồng trọng tài có quyền không chấp nhận các sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, đơn kiện lại nếu thấy rằng (1) việc đó có thể bị lạm dụng nhằm gây khó khăn, trì hoãn việc ra phán quyết trọng tài, hoặc (2) vượt quá phạm vi của thỏa thuận trọng tài áp dụng cho vụ tranh chấp (khoản 2 Điều 37 Luật Trọng tài thương mại 2010). Quy định này phù hợp với tính chất của loại tranh chấp mà trong tài thương mại giải quyết là các tranh chấp về kinh doanh, thương mại và có thể tham khảo trong hoàn thiện các quy định về tố tụng dân sự.

Theo tác giả, quy định về cách xác định “không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu” cần được bổ sung trong BLTTDS hoặc quy định trong văn bản hướng dẫn (là văn bản quy phạm pháp luật, thay vì công văn giải đáp nghiệp vụ) theo hướng như sau:

Việc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn tại phiên tòa sơ thẩm được xác định là không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu nếu việc chấp nhận thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

1. Không cần phải thu thập bổ sung chứng cứ và không cần phải tổ chức phiên họp kiểm tra việc tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

2. Không làm xuất hiện người tham gia tố tụng mới.

3. Không nhằm gây khó khăn hoặc trì hoãn việc giải quyết vụ án.”

Một vấn đề pháp lý khác được đặt ra là nếu chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu này của nguyên đơn thì nguyên đơn có phải làm đơn khởi kiện bổ sung và đóng tạm ứng án phí hay không? Theo mục 7 phần II Công văn số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 thì nguyên đơn không phải làm lại đơn khởi kiện và không phải nộp tiền tạm ứng án phí đối với phần yêu cầu thay đổi, bổ sung đó. Việc thay đổi, bổ sung yêu cầu này chỉ cần ghi vào biên bản phiên tòa. Nếu Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu đó thì phải ghi rõ trong bản án.

Theo tác giả, hướng dẫn trên là phù hợp nhưng chưa có cơ sở pháp lý được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Bởi lẽ, khoản 1 Điều 146 và khoản 3 Điều 195 BLTTDS đều quy định nguyên đơn trong vụ án dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí. Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Do đó, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng pháp luật thì cần bổ sung quy định của khoản 1 Điều 146 BLTTDS 2015 và khoản 3 Điều 195 BLTTDS như sau:

Khoản 1 Điều 146 BLTTDS: “1. Nguyên đơn…, trừ trường hợp được miễn không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 244 Bộ luật này”.

Khoản 3 Điều 195 BLTTDS: “3. Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 244 Bộ luật này”.

Bên cạnh đó, để hạn chế trường hợp việc nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện tại phiên tòa và dẫn đến những khó khăn trong việc giải quyết vụ án thì trong quá trình tiến hành tố tụng (trước khi mở phiên tòa sơ thẩm), Thẩm phán cần giải thích để nguyên đơn (1) có thể hiểu và thực hiện quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của mình trước phiên tòa sơ thẩm và (2) hiểu rõ quy định của pháp luật cũng như hậu quả pháp lý nếu nguyên đơn thực hiện quyền này tại phiên tòa sơ thẩm.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang