Bàn về mối quan hệ giữa Văn bản quy phạm pháp luật và Án lệ

12/06/2023 20:59

(kiemsat.vn)
Án lệ chính thức được thừa nhận trong hệ thống pháp luật Việt Nam là bước ngoặt lớn, đánh dấu sự đột phá trong quá trình cải cách tư pháp. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ phân tích một số nội dung trong mối quan hệ giữa văn bản quy phạm pháp luật và án lệ, từ đó đưa ra kiến nghị hoàn thiện.

1. Cơ sở để xác định án lệ được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật

1.1. Về khái niệm án lệ

Khái niệm án lệ ngày nay có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau như: (1) “Quyết định hoặc bản án của tòa cấp trên có giá trị bắt buộc đối với tòa cấp dưới; tòa phá án cũng phải tôn trọng quyết định trước đó của bản thân mình”; (2) “Bản án đã tuyên hoặc một sự giải thích, áp dụng pháp luật được coi như một tiền lệ làm cơ sở để các Thẩm phán sau đó có thể áp dụng trong các trường hợp tương tự”; (3) Theo Từ điển Black’s Law thì, án lệ (precedent) được hiểu theo hai nghĩa: Một là, án lệ là việc làm luật bởi toà án trong việc công nhận và áp dụng những quy tắc mới nhằm thực thi công lý; hai là, vụ việc đã được giải quyết làm cơ sở để đưa ra phán quyết cho những trường hợp có tình tiết hoặc vấn đề tương tự sau này.

Ở nước Anh, khái niệm án lệ được hiểu là “bản án hoặc quyết định được nêu ra để chứng minh cho một quyết định trong một vụ việc gần tương tự sau đó” còn ở nước Mỹ, án lệ là “một quyết định xét xử mà ở đó tạo ra một quy tắc với vai trò là điểm quy chiếu để quyết định những vụ án sau này có cùng tình tiết hoặc vấn đề pháp lý”.

Như vậy, về cơ bản dù còn một số điểm khác biệt nhưng các khái niệm này đều thống nhất ở những điểm sau:

Thứ nhất, án lệ trước hết là bản án, quyết định của Tòa án.

Thứ hai, không phải bản án, quyết định nào của Tòa án đều có giá trị án lệ mà chỉ những bản án, quyết định của Toà án giải quyết những vấn đề pháp lý mới thì mới có thể trở thành án lệ, từ đó có thể rút ra nguyên tắc chung để áp dụng cho những vụ việc tương tự.

Thứ ba, bản án, quyết định có giá trị án lệ là cơ sở cho Tòa án cấp dưới vận dụng khi xét xử các vụ án tương tự về sau. Cơ sở này có thể mang tính chất bắt buộc hoặc mang tính chất tham khảo còn tính tương tự được hiểu là tương tự nhau về tình tiết, sự kiện cơ bản và tương tự về vấn đề pháp lý.

Ở Việt Nam, thuật ngữ “án lệ” lần đầu tiên xuất hiện trong Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”. Tại Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định: “TAND tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”.

Ngày 31/10/2012, Chánh án TAND tối cao ban hành Quyết định số 74/QĐ-TANDTC về phê duyệt đề án “Phát triển án lệ của TAND tối cao” (Quyết định số 74/QĐ-TANDTC). Quyết định này đưa ra khái niệm án lệ như sau: “Án lệ là Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao và Quyết định giám đốc thẩm của Tòa chuyên trách TAND tối cao được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thông qua, trở thành án lệ có giá trị tham khảo đối với Thẩm phán khi giải quyết các vụ việc cụ thể”. Khái niệm án lệ trong văn bản này gần với quan điểm chung về án lệ trên thế giới mà chúng ta đã phân tích ở trên nhưng hạn chế của khái niệm này là chỉ giới hạn trong các Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao và Quyết định giám đốc thẩm của Tòa chuyên trách TAND tối cao. Bên cạnh đó, Quyết định số 74/QĐ-TANDTC này chỉ là một quyết định cá biệt, đến thời điểm này khái niệm án lệ vẫn chưa được quy định chính thức trong văn bản quy phạm pháp luật.

Ngày 24/11/2014, Luật Tổ chức TAND năm 2014 được ban hành, đã xác định Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có nhiệm vụ lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử (điểm c, khoản 2 Điều 22).

Sau đó, tại Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ban hành ngày 28/10/2015 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao (Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP), khái niệm án lệ được đưa ra chính thức tại Điều 1: “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Khái niệm trên cho thấy, những bản án, quyết định đã có hiệu lực, được lựa chọn thành án lệ để các Tòa án nghiên cứu và áp dụng trong xét xử, không bắt buộc phải tuân theo án lệ trong xét xử. Hiện nay, khái niệm này tiếp tục được kế thừa và ghi nhận tại Điều 1 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ (Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP) thay thế cho Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP.

Như vậy, khái niệm án lệ ở Việt Nam chỉ là “những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án” chứ không phải toàn bộ bản án, quyết định như những quan điểm mà chúng ta đã nói ở trên. Điều này không khó để lý giải vì ở từng quốc gia hoặc truyền thống pháp luật khác nhau, hoặc cùng một quốc gia nhưng ở các giai đoạn lịch sử khác nhau thì khái niệm này cũng hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, khái niệm “án lệ” được hiểu chính thức ở Việt Nam chỉ có khái niệm được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực tại thời điểm hiện tại, đó là “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử” (Điều 1 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP).

1.2. Về tiêu chí xác định án lệ

Theo Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, án lệ được lựa chọn phải đáp ứng được các tiêu chí sau đây:

- Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể;

- Có tính chuẩn mực;

- Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Như vậy, về cơ bản tiêu chí để án lệ được lựa chọn trong Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP kế thừa và làm rõ hơn nội dung các tiêu chí đã được quy định trước đó trong Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP. Cụ thể, tại tiêu chí thứ nhất của Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP chỉ quy định: i) Chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể nhưng trong Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP bổ sung thêm nội dung trong việc đề cao ý chí của Thẩm phán về lẽ công bằng khi đưa ra phán quyết đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể. Theo đó, án lệ được lựa chọn “Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể”.

Tiêu chí lựa chọn án lệ theo hướng dẫn trên đã thể hiện nội hàm đưa ra giải pháp pháp luật, bảo đảm thống nhất với quy định tại khoản 2 Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015 và khoản 2 Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Như vậy, văn bản quy phạm pháp luật chính là cơ sở để xác định án lệ trên thực tế.

1.3. Về hiệu lực của án lệ so với văn bản quy phạm pháp luật

Trong mối quan hệ với luật do cơ quan lập pháp ban hành thì án lệ có hiệu lực thấp hơn. Đây là một đặc điểm nền tảng và tối quan trọng khi tiếp cận với khái niệm về án lệ trong bất kỳ hệ thống pháp luật nào trên thế giới. Trong hệ thống luật như nước Anh, Mỹ. Khi nghị viện đã ban hành luật thì tòa án phải dựa trên cơ sở của luật cho dù điều luật này bãi bỏ những nguyên tắc pháp luật đã được thiết lập trong những án lệ trước đó.

Trong hệ thống pháp luật dân luật thành văn thì các quyết định xét xử của tòa án đều được tuyên trên cơ sở căn cứ các quy phạm pháp luật chứ không phải dựa trên căn cứ duy nhất là án lệ. Điều 5 Bộ luật Dân sự Pháp 1804 quy định: “Cấm thẩm phán ban hành các quy định mang tính  lập pháp hay lập quy có hiệu lực áp dụng chung cho các vụ việc mà mình xét xử”. Ngoài ra thực tiễn xét xử ở các quốc gia khác cũng cho thấy mặc dù có viện dẫn đến án lệ nhưng Tòa án Tư pháp tối cao của CHLB Đức, Tòa án tối cao của Nhật Bản phải đưa ra các quyết định trên cơ sở các điều luật cụ thể. Án lệ trong hệ thống dân luật thành văn chỉ là nguồn luật bổ trợ, giải thích làm tăng tính thuyết phục và rõ ràng trong các quyết định của tòa án.

Ở Việt Nam, văn bản quy phạm pháp luật vẫn là nguồn luật chính và có hiệu lực pháp lý cao hơn, được ưu tiên áp dụng so với án lệ. Bởi thực chất việc xác định án lệ, bãi bỏ án lệ đều được xác định dựa trên cơ sở là văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp án lệ không còn phù hợp do có sự thay đổi của pháp luật thì án lệ đương nhiên bị bãi bỏ (Điều 9 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP). Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xem xét, quyết định, việc bãi bỏ án lệ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Án lệ không còn phù hợp do chuyển biến tình hình;

b) Bản án, quyết định có nội dung được lựa chọn phát triển thành án lệ đã bị hủy, sửa toàn bộ hoặc phần liên quan đến án lệ.

Đối với trường hợp Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xem xét, quyết định bãi bỏ án lệ, có thể nhận thấy có sự thống nhất giữa Điều 9 của Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP và Điều 9 của Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP. Tuy nhiên, trường hợp đương nhiên bị bãi bỏ theo khoản 1 Điều 9 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP đã có sự mở rộng hơn rất nhiều so với Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP từ “sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp” sang “đương nhiên bị bãi bỏ trong trường hợp án lệ không còn phù hợp do có sự thay đổi của pháp luật”.

Từ đó, dẫn đến những cách hiểu khác nhau về hiệu lực pháp lý của án lệ, ví dụ  như các trường hợp sau:

(1) Quan hệ về hiệu lực pháp lý giữa án lệ số 08/2016/AL và Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP: Theo án lệ số 08/2016/AL, tình huống án lệ là “Trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về lãi suất cho vay, gồm: lãi suất cho vay trong hạn, lãi suất nợ quá hạn, việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay mà đến thời điểm xét xử sơ thẩm khách hàng vay chưa thanh toán, hoặc thanh toán không đủ số tiền nợ gốc, lãi theo hợp đồng tín dụng” thì giải pháp pháp lý trong trường hợp này là “Trường hợp này, khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng, tổ chức tín dụng khoản tiền nợ gốc chưa thanh toán, tiền lãi trên nợ gốc trong hạn (nếu có), lãi nợ quá hạn của số tiền gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay.”.

Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP quy định “Khi giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án thì Tòa án phải quyết định trong bản án hoặc quyết định (Phần quyết định) như sau: a) Đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015”.

Như vậy, án lệ số 08/2016/AL và Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP cùng quy định về một vấn đề pháp lý. Nếu hiểu theo hướng Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP là sự thay đổi pháp luật thì án lệ số 08/2016/AL bị đương nhiên bãi bỏ mà không cần phải thực hiện thủ tục bãi bỏ án lệ theo Điều 10 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019. Trên cơ sở pháp luật thực định và thực tiễn áp dụng pháp luật, có thể nhận xét như sau:

Thứ nhất, xét về hiệu lực pháp lý, theo Khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định về nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật thì trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau. Tại thời điểm ban hành Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP, Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP đang có hiệu lực pháp luật, vì vậy để xét có đương nhiên hủy bỏ án lệ số 08/2016/AL hay không cần phải căn cứ vào Điều 9 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP.

Theo Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao không phải là căn cứ để đương nhiên hủy bỏ án lệ. Trong trường hợp này, quan điểm án lệ số 08/2016/AL đương nhiên bị hủy bỏ sẽ không phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ hai, xét về thực tiễn áp dụng pháp luật, tính đến ngày 18/8/2022, thống kê trên trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao về công bố bản án https://congbobanan.toaan.gov.vn/, án lệ số 08/2016/AL được áp dụng với số lượng nhiều nhất so với các án lệ còn lại là 877 lần. Từ năm 2020 đến tháng 8/2022, số lượng bản án, quyết định có áp dụng án lệ số 08/2016/AL là 388 bản án, quyết định bao gồm các bản án của TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện.

Vậy các trường hợp không áp dụng Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP mà áp dụng án lệ số 08/2016/AL có phải là trường hợp bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo điểm c khoản 1 Điều 326 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là “có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự”? TAND tối cao cũng chưa có văn bản nào xác định về hiệu lực của án lệ số 08/2016/AL, cùng với lập luận ở phần trên về nguyên tắc áp dụng pháp luật thep Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, người viết cho rằng các bản án, quyết định áp dụng án lệ số 08/2016/AL sau khi Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực là không phải trường hợp sai lầm trong việc áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, từ pháp luật thực định và thực tiễn áp dụng pháp luật, người viết đề xuất TAND tối cao có văn bản xác định hiệu lực pháp lý của án lệ số 08/2016/AL hoặc thực hiện thủ tục bãi bỏ án lệ theo quy định để đảm bảo tính thống nhất trong áp dụng pháp luật.

(2) Quan hệ về hiệu lực pháp lý giữa án lệ số 04/2016/AL và Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: Theo án lệ số 04/2016/AL, tình huống án lệ là “Trường hợp nhà đất là tài sản chung của vợ chồng mà chỉ có một người đứng tên ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đó cho người khác, người còn lại không ký tên trong hợp đồng; nếu có đủ căn cứ xác định bên chuyển nhượng đã nhận đủ số tiền theo thỏa thuận, người không ký tên trong hợp đồng biết và cùng sử dụng tiền chuyển nhượng nhà đất; bên nhận chuyển nhượng nhà đất đã nhận và quản lý, sử dụng nhà đất đó công khai;” thì giải pháp pháp lý trong trường hợp này là “người không ký tên trong hợp đồng biết mà không có ý kiến phản đối gì thì phải xác định là người đó đồng ý với việc chuyển nhượng nhà đất.”.

Giải pháp pháp lý mà án lệ số 04/2016/AL đặt ra liên quan đến “sự ưng thuận trong định đoạt tài sản trong giao dịch dân sự” khi giao dịch dân sự không được thực hiện hình thức do pháp luật quy định.

Theo điểm a Khoản 2 Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc định đoạt tài sản chung là bất động sản phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng. Điều 13 Nghị định số 124/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 hướng dẫn Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu”.

Như vậy, án lệ số 04/2016/AL và Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có mâu thuẫn với nhau không? Trước hết, xét nguồn án lệ phát triển thành án lệ số 04/2016/AL là Quyết định giám đốc thẩm số 04/2010/QĐ-HĐTP ngày 03/3/2010, phần “Nội dung của án lệ” như sau: “…Về hợp đồng mua bán nhà, đất ngày 26-4-1996: Việc chuyển nhượng nhà, đất diễn ra từ năm 1996, sau khi mua nhà, đất, ông Tiến, bà Tý đã trả đủ tiền, nhận nhà đất, tôn nền đất, sửa lại nhà và cho các cháu đến ở. Trong khi đó gia đình ông Ngự, bà Phấn vẫn ở trên diện tích đất còn lại, liền kề với nhà ông Tiến, bà Tý. Theo lời khai của các người con ông Ngự, bà Phấn thì sau khi bán nhà, đất cho vợ chồng bà Tý, ông Ngự, bà Phấn đã phân chia vàng cho các người con. Mặt khác, sau khi chuyển nhượng và giao nhà đất cho ông Tiến, bà Tý thì ngày 26-4-1996, ông Ngự còn viết “giấy cam kết” có nội dung mượn lại phần nhà đất đã sang nhượng để ở khi xây dựng lại nhà trên phần đất còn lại và trong thực tế vợ chồng bà Phấn, ông Ngự đã sử dụng phần nhà đất của bà Tý, ông Tiến khi xây dựng nhà. Như vậy, có cơ sở xác định bà Phấn biết có việc chuyển nhượng nhà, đất giữa ông Ngự với vợ chồng ông Tiến và bà Tý, bà Phấn đã đồng ý, cùng thực hiện nên việc bà Phấn khiếu nại cho rằng ông Ngự chuyển nhượng nhà đất cho vợ chồng bà Tý bà không biết là không có căn cứ…”.

Quy định pháp luật liên quan đến án lệ là Khoản 2 Điều 176 Bộ luật Dân sự năm 1995 và Điều 15 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986. Nghị quyết số 01/1988/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 quy định “Tài sản được sử dụng để đảm bảo những nhu cầu trong gia đình, do đó, vợ chồng có quyền ngang nhau trong việc quản lý tài sản đó. Vợ hoặc chồng sử dụng tài sản chung của gia đình được đương nhiên coi là sự thoả thuận của hai vợ chồng. Nhưng việc mua, bán, cho hoặc vay, mượn và những giao dịch khác có quan hệ đến tài sản có giá trị lớn (như: nhà ở, gia súc chăn nuôi như trâu, bò, tư liệu sinh hoạt có giá trị lớn như máy thu hình, tủ lạnh, xe máy v.v...) thì phải có sự thoả thuận của cả hai vợ chồng. Nếu là việc mua, bán, cầm cố tài sản mà pháp luật quy định phải có hợp đồng viết (như việc mua, bán nhà) thì vợ và chồng đều phải ký vào hợp đồng và nếu chỉ có một bên ký thì phải có sự uỷ nhiệm của vợ, chồng cho mình ký thay”. Như vậy, Quyết định giám đốc thẩm số 04/2010/QĐ-HĐTP ngày 03/3/2010 đã giải quyết một tình huống pháp lý tương ứng sự điều chỉnh của các quy định pháp luật trong một giai đoạn nhất định.

Về mối quan hệ giữa Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Án lệ số 04/2016/AL, có quan điểm cho rằng án lệ số 04/2016/AL xuất phát từ nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự (khoản 3 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015): “Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực”, có quan điểm cho rằng “văn bản” (không có công chứng, chứng thực) theo Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ là yêu cầu về chứng cứ, không là điều kiện có hiệu lực, vì vậy án lệ số 04/2016/AL không mâu thuẫn với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Thứ nhất, xét về hiệu lực pháp lý, vụ án có tình huống tương tự nhưng giao dịch dân sự được thực hiện sau khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có hiệu lực, một bên vợ/chồng không ký giao dịch nhưng yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu theo Điều 13 Nghị định số 124/2014/NĐ-CP. Trường hợp này, Thẩm phán giải quyết vụ việc sẽ tuyên bố giao dịch vô hiệu và có xét đến yếu tố lỗi của bên chuyển nhượng hay sẽ áp dụng án lệ số 04/2016/AL để bác yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu. Hai cách giải quyết trên đều sẽ dẫn đến những hậu quả pháp lý khác nhau. Theo Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, phạm vi áp dụng án lệ số 04/2016/AL chỉ được giới hạn trong hoạt động xét xử của Tòa án và chỉ có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý, chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể.

Trong trường hợp này, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã có quy định cụ thể, có hướng dẫn trong Nghị định số 124/2014/NĐ-CP, có cách hiểu thống nhất từ Luật Hôn nhân gia đình năm 1986, Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 và pháp luật hôn nhân gia đình hiện nay. Án lệ số 04/2016/AL đã giải quyết được một vấn đề mang tính cốt lõi trong mối quan hệ giữa “sự ưng thuận” và “hình thức giao dịch” một cách hợp tình, hợp lý và phù hợp các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự nhưng đồng thời cũng đặt ra vấn đề sửa đổi, bổ sung điều khoản xử lý mối quan giữa án lệ và quy phạm pháp luật trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính thống nhất trong toàn bộ hệ thống pháp luật.

Thứ hai, xét về thực tiễn áp dụng pháp luật, tính đến ngày 18/8/2022, thống kê trên trang thông tin điện tử của TAND tối cao về công bố bản án (https://congbobanan.toaan.gov.vn/), án lệ số 04/2016/AL được áp dụng với số lượng là 33 lần. Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có tình huống tương tự như án lệ số 04/2016/AL trên thực tiễn là phát sinh rất nhiều, nhưng chỉ có 33 bản án, quyết định áp dụng án lệ số 04/2016/AL, chứng tỏ cần thiết phải xây dựng những quy định cụ thể về mối quan hệ về hiệu lực pháp lý giữa quy phạm pháp luật để hạn chế sự xung đột về mặt pháp lý, cũng như sự không thống nhất trong đường lối xét xử giữa các Tòa án.

Cuối cùng, tác giả sử dụng án lệ số 04/2016/AL để làm ví dụ nhằm dự liệu trước sự kiện pháp lý là khi Luật Đất đai được sửa đổi, bổ sung trong thời gian sắp tới thì sự thay đổi pháp luật này có dẫn đến một loạt các án lệ liên quan tranh chấp đất đai đã được ban hành hay không? Đặc biệt, pháp luật đất đai cũng tương ứng từng thời ký nhất định, các bản án, quyết định được sử dụng làm nguồn phát triển án lệ liên quan đến giải quyết tranh chấp đất đai đều tương ứng đến hệ thống các văn bản pháp luật trong thời kỳ tương ứng, việc chọn lựa các bản án, quyết định để trở thành án lệ thì khi các các vụ án có tình huống pháp lý tương tự nhưng diễn ra tại một thời kỳ khác tương ứng với hệ thống văn bản quy pháp luật về đất đai khác thì có thể được áp dụng không khi mà tất cả các án lệ đều không giới hạn về thời điểm áp dụng án lệ.

2. Vai trò của án lệ trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống pháp luật

2.1. Án lệ góp phần đảm bảo tính ổn định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Tính ổn định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nói riêng và pháp luật nói chung là một yêu cầu quan trọng trong nhà nước pháp quyền. Tính ổn định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phải ở mức đủ để công chúng có thể nắm vững được hành vi nào được phép, hành vi nào bị cấm và không được sửa đổi hoặc bị làm lệch một cách bí mật hoặc bằng quyết định hành chính. Tính ổn định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là yếu tố quan trọng thể hiện trình độ lập pháp cũng như chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành.

Tuy nhiên, thực tế xây dựng pháp luật cho thấy, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành chủ yếu để điều chỉnh các quan hệ xã hội nào đó tại thời điểm văn bản được ban hành, cho nên những quy phạm pháp luật này đôi khi bị “bất động”, không theo kịp được sự vận động, phát triển của các quan hệ xã hội. Theo số liệu thống kê cho thấy, tuổi thọ trung bình của một đạo luật thường trên 10 năm (cứ 5 năm, có thể sửa đổi, bổ sung một số điều và 10 năm thì sửa đổi, bổ sung tổng thể). Tuy nhiên, nhiều đạo luật chỉ có tuổi thọ khoảng 5 năm hoặc thậm chí dưới 5 năm, ví dụ: Luật Tố tụng Hành chính năm 2010 bị thay thế bởi Luật Tố tụng Hành chính năm 2015; Luật Đầu tư công năm 2014 bị thay thế bởi Luật Đầu tư công năm 2019 và đến năm 2022 Luật này lại được tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số điều,…

Việc các văn bản quy phạm pháp luật không đảm bảo tính ổn định cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI (Global Competitiveness Index)  của Việt Nam chưa cao. Tham chiếu từ các kết quả đã được công bố thì trong các trụ cột được đánh giá thì thể chế của Việt Nam hiện nay đang xếp ở thứ hạng trung bình với vị trí 89/141 và xếp thứ 7 trong ASEAN 9 và cần phải được ưu tiên cải thiện trong thời gian tới. Yêu cầu này đỏi hỏi việc nâng cao chất lượng và tính ổn định định của hệ thống pháp luật và án lệ được coi là một trong những giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn này.

Những quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 đã cho thấy các nhà làm luật đã thừa nhận việc áp dụng án lệ, cụ thể: “Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng” (khoản 2, Điều 6). Như vậy, án lệ đã trở thành nguồn của pháp luật dân sự và đây là một sự tiến bộ. Việc thừa nhận án lệ sẽ góp phần lấp “những lỗ hổng” của pháp luật, giải quyết những tình huống phát sinh khi chưa có quy phạm pháp luật điều chỉnh. Từ đó, án lệ góp phần xử lý những vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật mà không cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hay ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật. Điều này sẽ góp phần đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật tốt hơn.

Thống kê số lượng bản án, quyết định có áp dụng án lệ trên trang thông tin điện tử công bố bản án
của TAND tối cao.

Tính đến ngày 30/11/2021, thống kê trên trang thông tin điện tử của TAND tối cao về công bố bản án (https://congbobanan.toaan.gov.vn), tổng số bản và quyết định (được công bố) mà Tòa án có áp dụng án lệ là 1.208, trong đó: Tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng là 1.012 bản án, quyết định; Tòa án nhân dân cấp tỉnh áp dụng là 179 bản án, quyết định; Tòa án nhân dân cấp cao áp dụng là 17 bản án, quyết định. So với số bản án, quyết định trong một năm, ví dụ như năm 2021, Tòa án các cấp đã đã thụ lý 411.299 vụ việc; đã giải quyết, xét xử được 324.813  vụ việc thì số lượng bản án, quyết định được áp dụng vẫn là con số tương đối ít. Tuy nhiên, dưới góc độ duy vật lịch sử về phát triển nhận thức qua từng thời kỳ, số lượng bản án, quyết định có áp dụng án lệ như trên đã thể hiện sự phát triển tích cực trong nhận thức về án lệ trong ngành Tòa án, là cơ sở để định hướng phát triển nguồn án lệ, lựa chọn và đề xuất án lệ trong tương lai.

Tuy nhiên, về mặt pháp luật thực định và nguyên tắc áp dụng pháp luật để đảm tính thống nhất của pháp luật (theo khoản 1 Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015), tác giả bài viết nhận thấy có những vấn đề sau đây:

Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP đã quy định về phạm vi áp dụng án lệ như sau: “Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án” (khoản 2 Điều 8).

Về tiêu chí lựa chọn án lệ, Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP đã quy định như sau “Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể;”.

Từ cách quy định như trên, có thể thấy, án lệ có thể được áp dụng tương tự trong trường hợp đã có quy định pháp luật nhưng còn cách hiểu khác nhau, hoặc chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể.

Tuy nhiên, khoản 1, khoản 2 Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc áp dụng tương tự pháp luật thì việc áp dụng áp dụng án lệ được thực hiện khi không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 6 thì mới áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng.

Đồng thời, khoản 2 Điều 4, Điều 43, Điều 44, Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật theo quy định tại Điều 5 và khoản 1 Điều 6 của Bộ luật Dân sự, khoản 1 và khoản 2 Điều Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP đã mở rộng phạm vi áp dụng án lệ so với Bộ luật Dân sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 từ trường hợp không có điều luật áp dụng qua các trường hợp đã có quy định pháp luật nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau. Mặc dù phạm vi áp dụng án lệ trong Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP là trong hoạt động xét xử của Tòa án, nhưng xét về mặt thực tiễn, phán quyết cuối cùng của Tòa án sẽ là định hướng quan trọng của các cơ quan khác trong việc áp dụng quy phạm pháp luật.

Những vấn đề này đặt ra sự cấp thiết trong việc có quy định pháp luật nhằm thống nhất việc áp dụng án lệ giữa Bộ luật dân sự năm 2015, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP để góp phần đảm bảo tính ổn định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhưng vẫn duy trì được tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

2.2. Án lệ góp phần đảm bảo hiệu quả áp dụng pháp luật trong thực tiễn

Những quy định pháp luật đôi khi còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng luôn là những vướng mắc gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật. Chính vì vậy, hoạt động giải thích pháp luật được đặt ra nhằm đảm bảo cho việc nhận thức và áp dụng pháp luật một cách đầy đủ và thống nhất. Khoản 2 Điều 74 Hiến pháp năm 2013 quy định thẩm quyền chính thức để giải thích Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh thuộc về UBTVQH. Theo đó, giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh là việc UBTVQH làm rõ tinh thần, nội dung của điều, khoản, điểm trong Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh để có nhận thức, thực hiện, áp dụng đúng, thống nhất pháp luật (khoản 3 Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020). Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thực hiện quyền này chưa triệt để mà luật thường đi vào đời sống nhờ Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Có thể thấy, hiện nay hoạt động giải thích pháp luật của Toà án diễn ra tương đối hiệu quả theo quy định tại Luật Tổ chức TAND (số 62/2014/QH13 ngày 24/11/2014) “TAND tối cao tổng kết thực tiễn xét xử của các tòa án, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử” và “Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có nhiệm vụ lựa chọn Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, bản án quyết định pháp luật đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu và áp dụng trong xét xử”.

Án lệ là sản phẩm của hoạt động xét xử, do toà án tạo lập trong quá trình giải quyết các vụ việc cụ thể, được Nhà nước thừa nhận như khuôn mẫu để giải quyết các vụ việc tương tự về sau. Trong các tiêu chí để xác định án lệ tại Việt Nam như chúng ta đã nêu thì tiêu chí: “có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể” đã chỉ ra một thực trạng khi áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đó là nhiều trường hợp quy định pháp luật chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho quá trình áp dụng và án lệ xuất hiện để “làm rõ” những quy định đó. Thực chất việc “làm rõ” những quy định này cũng là một hoạt động giải thích pháp luật và nó có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật.

Theo tác giả, để phù hợp với thực tiễn và tạo tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam, Hiến pháp Việt Nam cần bổ sung, mở rộng các chủ thể có thẩm quyền “giải thích pháp luật”, trong đó có Tòa án với sản phẩm là án lệ. Đây là một sự thay đổi phù hợp bởi với việc đặt ra án lệ, toà án không định hình được đối tượng tác động trong tương lai như việc làm luật của cơ quan lập pháp, không dự liệu trước được đối tượng chịu ảnh hưởng của quyền lực nhà nước, mặc dù thông qua hoạt động giải thích, thẩm phán có thể lồng ghép ý chí, quan điểm cá nhân của mình ở một mức độ nhất định. Do vậy, khó có thể nói, hoạt động này hạn chế hoặc cạnh tranh với hoạt động lập pháp của Quốc hội.

Hơn nữa, vai trò giải thích pháp luật của Tòa án còn xuất phát từ những đặc điểm mang tính bản chất không thể thay đổi là (1) sự giới hạn về việc mô tả ý nghĩa nội hàm một khái niệm trừu tượng bằng ngôn ngữ nên cho các cơ quan lập pháp thực hiện mô tả chi tiết những nhánh nghĩa của một nội hàm nhưng không thể nào mô tả đầy đủ được, vấn đề này là vấn đề bất khả về ngôn ngữ học, hay dưới phạm trù triết học thì đây là mối quan hệ giữa bản chất và hiện tượng, giữa nội dung và hình thức; (2) bản chất quy phạm pháp luật là những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung, mang tính khuôn mẫu, được áp dụng lặp đi lặp lại, về mặt triết học duy vật biện chứng, tất cả các sự vật, hiện tượng đều có sự vận động phát triển khác nhau, vì vậy, các quy phạm pháp luật cũng không thể được áp dụng tuyệt đối trong mọi trường hợp, nếu được áp dụng “một cách máy móc” sẽ dẫn đến pháp luật sẽ trở nên cứng nhắc không phù hợp với sự vận động, phát triển của hiện thực cuộc sống.

Ngoài ra, hoạt động lập pháp có thể chấm dứt án lệ, chấm dứt ảnh hưởng của hoạt động giải thích pháp luật và đặt ra án lệ bằng cách ban hành hoặc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật. Chính vì vậy, có thể trao quyền giải thích này cho Tòa án mà không cần phải lo ngại quá nhiều việc tư pháp “lấn sân” sang hoạt động lập pháp.

3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Thứ nhất, về vị trí, vai trò, mối quan hệ giữa án lệ và văn bản quy phạm pháp luật, theo Đề án “Phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao”; mối quan hệ giữa án lệ với văn bản quy phạm pháp luật được xác định như sau:

“Án lệ bổ trợ cho các văn bản quy phạm pháp luật: Các quy phạm pháp luật trong các văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng khi xét xử và án lệ để định hướng cho Tòa án các cấp áp dụng pháp luật thống nhất, chính xác, giải quyết vụ việc khi không có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật điều chỉnh;

Mối quan hệ tương hỗ: Án lệ là sự bổ sung cho sự thiếu hụt của các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật khi chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật điều chỉnh. Khi các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành nưỡng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những vấn đề được án lệ giải quyết trước đó thì án lệ không được áp dụng nữa mà Thẩm phán phải áp dụng văn bản quy phạm pháp luật có cơ sở hình thành từ những cách ứng xử pháp lý của các vụ án cụ thể trước đó.”.

Hiện nay, căn cứ để xây dựng và áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử là Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, tuy nhiên, để có thể xử lý một cách thống nhất mối quan hệ giữa án lệ và văn bản quy phạm pháp luật, mặc dù án lệ chưa được xem là một nguồn pháp luật chính thức, tác giả đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng bổ sung quy định về hiệu lực thi hành và nguyên tắc áp dụng thống nhất giữa văn bản quy phạm pháp luật và án lệ để đảm bảo duy trì tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhưng vẫn khắc phục được “tính cứng nhắc” của quy phạm pháp luật trước sự biến chuyển không ngừng của các quan hệ xã hội trên thực tế.

Thứ hai, so với số lượng bản án, quyết hằng năm của Tòa án các cấp ban hành, số lượng bản án, quyết định có áp dụng án lệ vẫn còn tương đối ít. Một nguyên nhân chủ yếu là hệ thống các trường đào tạo về chuyên ngành pháp luật hiện nay chủ yếu tập trung giảng dạy về việc phân tích và sử dụng quy phạm pháp luật (ví dụ như nhận biết thành phần quy phạm pháp luật bao gồm giả định, quy định, chế tài) nên khi áp dụng pháp luật, việc vận dụng các quy phạm pháp luật tương đối đễ dàng. Tuy nhiên, việc áp dụng án lệ thì phải cần phân tích, nghiên cứu, đánh giá về “tình huống pháp lý tương tự” trong mỗi vụ án khác nhau, nếu không nhận biết được “tình huống pháp lý tương tự”, Thẩm phán sẽ không thể xác định chính xác trường hợp nào cần áp dụng án lệ, trường hợp nào không áp dụng án lệ.

Vì vậy, tác giả cho rằng TAND tối cao cần xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng áp dụng án lệ trong bản án, quyết định để các Tòa án cấp dưới áp dụng và thi hành án lệ vào các vụ án, vụ việc tương tự được thuận lợi hơn.

Thứ ba, án lệ đã được áp dụng chính thức từ Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP. Từ lý luận đến thực tiễn là một chặng đường dài, tuy nhiên, nếu tiếp tục nghiên cứu mà không hiện thực hóa “án lệ” vào thực tiễn xét xử thì không thấy hết được bức tranh toàn cảnh bao gồm cả ưu điểm, hạn chế và sự tương thích của án lệ đối với hệ thống các quy phạm pháp luật đang hiện có. Tác giả đề xuất tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về mặt lý luận và các học thuyết pháp lý trong quá trình áp dụng án lệ để xây dựng nền tảng vững chắc cho việc vận dụng và phát triển án lệ trong thực tế, dự liệu và hạn chế trước hai tình huống tiêu cực sẽ phát sinh khi áp dụng án lệ: (1) áp dụng án lệ một cách tùy tiện; (2) áp dụng án lệ một cách quá thận trọng./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang