Bài 1: Quy hoạch tích hợp tỉnh Bình Dương - Mở không gian, tạo động lực để phát triển nhanh, bền vững

17/09/2024 10:53

(kiemsat.vn)
Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tích hợp tỉnh Bình Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đây được xem là công cụ, đòn bẩy để Bình Dương vươn mình phát triển trong giai đoạn mới. Bình Dương xác định đặt khó khăn thách thức làm cơ hội lớn để tạo ra không gian, động lực phát triển mới và nâng tầm vị thế ở tương lai.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái được bảo vệ.

Thành phố thông minh Bình Dương nhìn từ trên cao.

3 vùng động lực và 6 trụ cột “xương sống” giúp Bình Dương vượt qua bẫy thu nhập trung bình đầu tiên trong cả nước

Để thực hiện những mục tiêu quan trọng, quy hoạch vạch rõ những định hướng, đặt ra 05 nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá phát triển, bao gồm: Liên kết hợp tác phát triển vùng; đổi mới hệ sinh thái phát triển; phát triển xã hội, nguồn nhân lực; phát triển Bình Dương xanh; phát triển các không gian động lực.

Trong đó, phân vùng phát triển toàn tỉnh thành 03 khu vực không gian động lực chính dọc theo trục Bắc – Nam. Cụ thể, Khu vực 1 (gồm thành phố Thuận An và thành phố Dĩ An): Thực hiện tái thiết, cải tạo đô thị; di dời các cơ sở sản xuất, công nghiệp lạc hậu, ô nhiễm môi trường lên phía Bắc của tỉnh. Sử dụng các dư địa không gian cho mô hình đô thị mới theo định hướng TOD và bổ sung các hạ tầng xã hội để đưa Thuận An, Dĩ An trở thành đô thị hiện đại, chất lượng sống cao.

Khu vực 2 (gồm thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Tân Uyên, thành phố Bến Cát và huyện Bàu Bàng): Phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến, dịch vụ cộng đồng cấp Vùng và đô thị thông minh làm trụ cột cho tăng trưởng của tỉnh. Với điểm nhấn chính gồm: Trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại thành phố mới Bình Dương hỗ trợ nghiên cứu và khởi nghiệp; khu công nghiệp khoa học và công nghệ, phát triển các khu công nghiệp thông minh và sinh thái; khu phức hợp đa chức năng tại Bàu Bàng; phát triển thành phố mới Bình Dương và Thủ Dầu Một trở thành thành phố thông minh và đô thị nhân văn của tỉnh.

Khu vực 3 (gồm các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng): Hình thành các khu công nghiệp thế hệ mới, thu hút phát triển mô hình đô thị - công nghiệp - dịch vụ sinh thái. Bảo tồn và phát triển các hành lang sinh thái sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Thị Tính… tăng độ phủ xanh, phát triển năng lượng tái tạo. Định hướng phát triển cụ thể như: Công nghiệp thông minh sinh thái, bảo vệ môi trường; tăng an ninh lương thực, phát triển dịch vụ và du lịch sinh thái; khai thác trục phát triển kinh tế từ giao thông liên kết vùng; du lịch sinh thái, bảo tồn thiên nhiên; du lịch sức khỏe, văn hóa tín ngưỡng, kết hợp y học dân tộc.

Dĩ An tương lai sẽ được quy hoạch trở thành đô thị dịch vụ thương mại hiện đại và là đầu mối giao thông để hình thành các khu chức năng mới liên kết với các vùng Đông Nam Bộ.

Từ đó, Bình Dương đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800USD; cơ cấu kinh tế năm 2030: Ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 64%; ngành dịch vụ chiếm 28%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%; tỷ lệ đô thị hóa 88-90%; tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GRDP.

Xác định cơ hội và thách thức từ quy hoạch, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết: Để phát triển hơn nữa kinh tế - xã hội, tỉnh đặt nhiệm vụ trọng tâm sẽ chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, giảm chi phí sản xuất, chủ động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có ứng dụng khoa học công nghệ cao, trên cơ sở khai thác triệt để các tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Bình Dương kỳ vọng quy hoạch tích hợp sẽ trở thành công cụ điều hành để tỉnh vượt qua bẫy thu nhập trung bình đầu tiên trong cả nước. Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, kết hợp với các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ trở thành trung tâm động lực phát triển kinh tế của quốc gia, vươn tầm quốc tế.

Đặc biệt, với mục tiêu là tỉnh vượt qua bẫy thu nhập trung bình đầu tiên trong cả nước, Bình Dương xác định đây không chỉ là bài toán về năng suất lao động, phát triển kinh tế, mà còn là bài toán phát triển bền vững, bài toán bình đẳng xã hội, phát triển bao trùm và đồng đều, bài toán đô thị hóa, kết nối, hội nhập phát triển, tỉnh Bình Dương đã xây dựng chiến lược 6 trụ cột để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, là kế hoạch và mục tiêu quy hoạch lớn nhất giúp tỉnh bứt phá trong thời kỳ mới, bao gồm: Tránh bẫy Phát triển gián đoạn thông qua phát triển có tính kế thừa; tránh bẫy Năng suất thông qua phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo; tránh bẫy Đô thị hóa thông qua phát triển phối hợp; tránh bẫy Môi trường sinh thái thông qua phát triển xanh; tránh bẫy Phụ thuộc thông qua Phát triển mở; tránh bẫy Bất bình đẳng thông qua Phát triển bao trùm. Sáu trụ cột này sẽ luôn bao hàm thực thi việc tái cấu trúc mạng lưới công nghiệp nội tỉnh và xây dựng các mô hình công nghiệp mới, gắn liền với mạng lưới công nghiệp của vùng, phù hợp với yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.

Tầm nhìn quy hoạch mở rộng không gian – nét đột phá táo bạo

Sau gần 30 năm phát triển, quy mô kinh tế tổng sản phẩm trên địa bàn Bình Dương năm 2021 đạt 408.861 tỷ đồng, gấp 104,3 lần so với năm 1997, trong đó, nông nghiệp tăng 14,2 lần, dịch vụ tăng 112,2 lần, và đặc biệt công nghiệp tăng 140,6 lần. GRDP bình quân đầu người của Tỉnh đạt 7.000 USD/người/năm, đưa Bình Dương trở thành một trong những địa phương đầu tiên của cả nước đạt ngưỡng thu nhập trung bình cao.

Thành quả này có dấu ấn rất lớn của việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch một cách bài bản qua nhiều năm, sự khéo léo trong việc sử dụng nguồn lực thu hút được từ làn sóng công nghiệp hậu đổi mới, đã giúp Bình Dương tích lũy được một nền tảng hạ tầng chất lượng cao trên quy mô toàn tỉnh, tạo lợi thế vững chắc cho Bình Dương trong giai đoạn mới.

Phối cảnh 3D dự án WTC Gateway, Bình Dương sẽ tổ chức động thổ Khu phức hợp WTC Bình Dương ngay sau khi công bố Quy hoạch tích hợp tỉnh.

Theo Quy hoạch tích hợp, tỉnh Bình Dương sẽ tổ chức không gian kinh tế - xã hội theo mô hình vùng đô thị công nghiệp đổi mới sáng tạo, gồm: 01 trục phát triển; 02 hành lang sinh thái; 03 vành đai liên kết; 04 trung tâm động lực; 05 phân vùng phát triển. Cụ thể:

01 trục phát triển là trục đổi mới sáng tạo, lấy Quốc lộ 13, đường Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn; cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Lộc Ninh; đường sắt đô thị Suối Tiên - Bàu Bàng… làm trục liên kết, phát triển đô thị - công nghiệp - dịch vụ theo từng phân đoạn.

02 hành lang sinh thái (gồm hành lang sinh thái phía Đông gắn với sông Đồng Nai và hành lang sinh thái phía Tây gắn với sông Sài Gòn, Hồ Dầu Tiếng): Phát triển dựa trên bảo vệ và phát huy các giá trị sinh thái, phát triển các cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải đường thủy, phát triển các khu đô thị dịch vụ sinh thái, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, khu nông nghiệp sinh thái kết hợp hỗ trợ du lịch.

03 vành đai liên kết: Phát triển mở rộng không gian đô thị, chức năng và khung hạ tầng gắn với 03 vành đai (gồm: Vành đai 3; Vành đai 4; Vành đai 5 của vùng Thành phố Hồ Chí Minh). Mở rộng các tuyến giao thông kết nối với các địa phương lân cận để mở ra các không gian phát triển mới cho Bình Dương như đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, và một số tuyến đường quan trọng khác…

04 trung tâm động lực: Trung tâm sáng tạo thành phố mới Bình Dương; HUB Dĩ An; khu phức hợp Bàu Bàng; trung tâm văn hóa Thủ Dầu Một.

05 phân vùng phát triển: Gồm (1) Vùng đô thị phía Nam (thành phố Thuận An và thành phố Dĩ An); (2) Vùng đô thị công nghiệp dịch vụ (thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Bến Cát, thành phố Tân Uyên); (3) Vùng đô thị Bàu Bàng; (4) Vùng Đông Bắc (huyện Bắc Tân Uyên và huyện Phú Giáo); (5) Vùng Tây Bắc (huyện Dầu Tiếng).

Bình Dương tổ chức các hội thảo khoa học định hướng chiến lược cho Quy hoạch tích hợp tỉnh trước đó, ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, doanh nghiệp để hoàn thiện Quy hoạch.

Đồng thời, thắt chặt liên kết hợp tác phát triển Vùng bằng cách phối hợp với các chương trình phát triển của quốc gia, của Vùng Đông Nam Bộ và các địa phương lân cận thực hiện mở rộng các kết nối về giao thông, đặc biệt là các kết nối tới cảng biển (Cái Mép Thị Vải, Cần Giờ), cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Long Thành), cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài - Tây Ninh, Hoa Lư -5 Bình Phước); kết nối về khoa học công nghệ và nguồn nhân lực để tạo động lực chuyển đổi hệ sinh thái phát triển kiểu mới, kết nối về không gian phát triển không gian động lực phía Nam, hợp tác phát triển các hành lang đô thị sinh thái dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Đặc biệt là hệ thống hạ tầng kết nối quốc tế để tăng cường vị thế, tham gia chuỗi sản xuất, dịch vụ toàn cầu, trở thành điểm đến ưa chuộng của doanh nghiệp toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao, dịch vụ công nghiệp.

Trong đó, công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, chú trọng vào hiện đại hóa các ngành hiện hữu, tăng tỷ lệ nội địa hóa ở các ngành công nghiệp hỗ trợ và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Song song, phát triển công nghiệp sinh thái, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế.

Việc mở rộng không gian kinh tế - xã hội theo mô hình vùng đô thị công nghiệp đổi mới sáng tạo của Quy hoạch tích hợp này được xem là bước đột phá táo bạo, dịch chuyển hoàn toàn tầm nhìn phát triển của tỉnh. Với bước chuyển mình rõ rệt từ tầm nhìn mới này, Bình Dương quyết tâm phát huy tối đa mọi tiềm lực sẵn có, lấy Quy hoạch làm đòn bẩy để “cất cánh” kinh tế - xã hội của tỉnh lên một vị thế mới.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, Quy hoạch sẽ là “kim chỉ nam” cho các định hướng phát triển tiếp theo, đóng vai trò như “dây cương” để điều tiết, phân phối và kiểm soát sự phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, với mục tiêu lớn nhất đưa Bình Dương sớm vượt qua bẫy thu nhập trung bình và trở thành một vùng đất thu nhập cao vào năm 2030. Từ đó xây dựng một môi trường kinh doanh và đầu tư hiệu quả; một xã hội nhân văn, hài hòa và bền vững; một chính quyền địa phương năng động và kiến tạo.

Bằng tất cả nỗ lực và sự quyết tâm, Bình Dương đang dốc mọi nguồn lực hiện thực hoá bản Quy hoạch tích hợp tỉnh, chinh phục mục tiêu đến năm 2050, Bình Dương trở thành trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại,mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân được hưởng thụ chất lượng cuộc sống cao, có mức thu nhập tương đương các nước phát triển, nâng tầm vị thế của Bình Dương trong tương lai.

Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng công khai minh bạch, huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, chuyên gia, nhà khoa học…đồng hành cùng tỉnh thực hiện sáng tạo các đột phá phát triển. Trong đó, Bình Dương đã khéo léo sử dụng các doanh nghiệp nhà nước đầu tàu như Becamex IDC để thu hút nguồn lực cả trong và ngoài nước về Bình Dương, qua đó phát triển và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong các khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ; kết nối với cảng biển, sân bay quốc tế từ đó tạo ra sức hút cho các làn sóng đầu tư từ nhiều quốc gia trên thế giới về với tỉnh. Đặc biệt là sự tâm huyết của Becamex IDC khi đồng hành cùng tỉnh Bình Dương thực hiện đề án Thành phố Thông minh Bình Dương đầy tham vọng từ năm 2016, mà sau này được nâng lên thành đề án Vùng Đổi mới Sáng tạo Bình Dương. Nỗ lực đó được ghi nhận khi năm 2023 vừa qua, ICF chính thức vinh danh Bình Dương đạt danh hiệu cộng đồng thông minh của năm Top 1 ICF 2023.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC phát biểu tại hội thảo khoa học định hướng chiến lược cho Quy hoạch tích hợp tỉnh trước đó.

(Còn nữa)

Bài 2: Phát triển bền vững từ tầm nhìn khoa học công nghệ

Bình Dương: TP Dĩ An hành trình ¼ thế kỷ xây dựng và phát triển

(Kiemsat.vn) - Sáng ngày 8/8, Thành uỷ, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương tổ chức Toạ đàm "Dĩ An ¼ thế kỷ, Khát vọng xây dựng và phát triển". Toạ đàm là một trong chuỗi các hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 25 năm tái lập huyện, nay là TP Dĩ An (20-8-1999/20-8-2024).

CLB Becamex Bình Dương xuất quân mùa giải 2024-2025

(Kiemsat.vn) - Tối ngày 29/8 vừa qua, tại Khách sạn Becamex Thành phố mới (phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), Công ty Cổ phần Câu lạc bộ Bóng đá Becamex Bình Dương tổ chức Lễ xuất quân thi đấu mùa giải 2024-2025.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

Đọc nhiều
lên đầu trang