Áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự tại Anh và kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam
(kiemsat.vn) Nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật cũng như đảm bảo hiệu quả việc áp dụng án lệ trong thực tiễn giải quyết vụ việc dân sự ở Việt Nam, tác giả phân tích, đánh giá việc áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự tại Anh, từ đó, gợi mở một số kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam.
Xây dựng trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trở thành cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có chất lượng, uy tín cao trong lĩnh vực pháp luật
Truyện ngắn: Vụ án đêm 30 Tết
Hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi
Không phải trường hợp nào, vụ việc dân sự nào cũng có thể áp dụng án lệ, mà phải đảm bảo các điều kiện và nguyên tắc theo luật định. Nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật cũng như đảm bảo hiệu quả việc áp dụng án lệ trong thực tiễn giải quyết vụ việc dân sự ở Việt Nam, tác giả phân tích, đánh giá việc áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự tại Anh, từ đó, gợi mở một số kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam.
Khái niệm án lệ, áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự
Theo Black’s Law Dictionary, án lệ là bản án hoặc quyết định của Tòa án, nó tạo lập quy tắc hoặc căn cứ pháp lý đáng tin cậy cho việc quyết định các vụ việc tương tự trong tương lai. Trong một nghiên cứu nổi tiếng về án lệ là “Interpreting precedents”, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một định nghĩa chung nhất về án lệ cho cả hai truyền thống pháp luật là thông luật và dân luật như sau: Các án lệ là các quyết định trước được sử dụng làm khuôn mẫu cho các vụ việc tương tự về sau.
Theo pháp luật Việt Nam, khái niệm án lệ được quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/06/2019 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ (sau đây gọi là Nghị quyết số 04/2019). Theo đó, án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
Trong hệ thống pháp luật Anh, án lệ lại có nhiều cách hiểu khác nhau và chưa có một khái niệm nào mang tính pháp lý để áp dụng chung. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, án lệ ở Anh có hai cách hiểu phổ biến nhất và được tiếp cận ở hai góc độ là chiều dọc và chiều ngang. Ở chiều dọc, án lệ là một phương thức làm luật của Thẩm phán; còn ở chiều ngang, án lệ sẽ bao gồm các quy tắc đã được lập ra trong một bản án ban hành trước đó và có giá trị ràng buộc đối với các Thẩm phán khi xét xử các vụ việc có các tình tiết tương tự.
So sánh cách hiểu về án lệ giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật Anh thì có thể thấy rằng, phần chung quan điểm pháp luật nước ta khá tương đồng với pháp luật của Anh. Theo Nghị quyết số 04/2019 thì chủ thể có thẩm quyền sẽ xem xét và lựa chọn những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trước đó trở thành nội dung án lệ để áp dụng trong hoạt động xét xử đối với những vụ việc tương tự tiếp theo. Đây cũng là cách hiểu theo chiều ngang trong hệ thống pháp luật Anh về án lệ. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, cách hiểu án lệ ở chiều dọc là một phương thức làm luật của Thẩm phán trong pháp luật Anh cũng nên được cân nhắc; bởi lẽ, có thể hiểu Thẩm phán được quyền làm luật, tuy nhiên, quyền này tại Việt Nam chỉ thuộc về Quốc hội, quyền giải thích pháp luật thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về nguyên tắc, Tòa án là một cơ quan xét xử, căn cứ vào pháp luật để đưa ra phán quyết. Nói cách khác, Tòa án chỉ đang thực hiện chức năng của một cơ quan tư pháp áp dụng pháp luật một cách đơn thuần để giải quyết các vụ việc dân sự. Do vậy, án lệ sẽ là cơ hội mở rộng chức năng, thẩm quyền cho cơ quan Tòa án và nâng cao vai trò, quyền hạn của Thẩm phán. Bên cạnh chức năng xét xử, Tòa án sẽ có quyền thực hiện chức năng mang ý nghĩa là giải thích pháp luật, bằng cách đưa ra các cơ sở lý luận, giải pháp pháp lý dựa trên các bản án, quyết định. Đây là quyền đương nhiên của Thẩm phán khi áp dụng pháp luật để giải quyết và đưa ra phán quyết cuối cùng đối với vụ việc dân sự.
Điều kiện áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự
Án lệ ra đời từ thế kỷ X ở các nước thuộc hệ thống thông luật (common law) và quốc gia đặt nền móng cho sự ra đời của án lệ là nước Anh. Do đó, cách thức điều chỉnh án lệ ở Anh được xem là cơ sở với các chuẩn mực nhất định để các quốc gia khác trên thế giới tham khảo, trong đó có Việt Nam. Ở Anh, án lệ ra đời trong những điều kiện sau: (i) Khi chưa có luật nhưng Tòa án vẫn phải xét xử để bảo đảm công lý và bản án đó trở thành án lệ; (ii) Khi luật không rõ ràng, Thẩm phán phải tự mình nhận thức, giải thích luật và thể hiện nhận thức trong bản án; (iii) Đã có luật nhưng phát sinh tình huống mới mà luật chưa dự liệu được nên Thẩm phán phải vận dụng luật hiện hành cho tình huống mới đó.
Pháp luật Anh có sự phân định rõ ràng các trường hợp án lệ được áp dụng để giải quyết, vì vậy, nếu so sánh với quy định của Việt Nam thì có sự khác biệt.
Về nguyên tắc, tại khoản 2 Điều 14 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng…”. Theo đó, Tòa án không được viện lý do pháp luật chưa có quy định để từ chối quyền yêu cầu, quyền khởi kiện của người đang có quyền lợi bị xâm phạm và cần được pháp luật bảo vệ. Trường hợp không có điều luật áp dụng thì các nguồn luật tiếp theo sẽ được vận dụng để giải quyết vụ việc dân sự đó. Việc áp dụng các căn cứ để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng được thực hiện theo thứ tự sau: (1) Áp dụng tập quán; (2) Áp dụng tương tự pháp luật; (3) Áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ, lẽ công bằng. Theo đó, án lệ là nguồn luật được áp dụng gần như sau cùng, chỉ ưu tiên áp dụng hơn so với lẽ công bằng. Nói cách khác, sự ưu tiên của án lệ trong việc áp dụng để giải quyết vụ việc dân sự ở pháp luật Việt Nam khác pháp luật Anh. Theo đó, ở Anh, việc áp dụng án lệ không dựa vào thứ tự nguồn luật, mà chỉ cần vụ việc thỏa mãn một trong ba trường hợp đã nêu trên thì đã có cơ sở áp dụng án lệ.
Sự khác biệt này xuất phát từ vị trí, vai trò của án lệ trong hệ thống pháp luật mỗi quốc gia. Pháp luật Việt Nam chỉ mới chính thức thừa nhận án lệ là một nguồn luật trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, án lệ không đương nhiên được áp dụng, nó chỉ phát sinh vai trò của mình khi các nguồn luật khác không thể đưa ra được hướng giải quyết phù hợp. Nói cách khác, án lệ không phải là nguồn luật được ưu tiên, mà sẽ áp dụng theo thứ bậc đã được pháp luật quy định. Còn trong hệ thống pháp luật Anh, nước này đã xem án lệ là một nguồn luật từ rất lâu đời và áp dụng một cách phổ biến, rộng rãi hơn cả luật thành văn. Chính vì vậy, án lệ luôn là nguồn luật được ưu tiên lựa chọn ở quốc gia này.
Sự khác biệt này đã ảnh hưởng đến hiệu quả áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự ở Anh và Việt Nam. Theo đó, việc áp dụng án lệ trong giải quyết các vụ việc dân sự ở Anh được xem là hiệu quả và phản ánh được vai trò, chức năng của một nguồn luật quan trọng. Còn tại Việt Nam, mặc dù việc áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự có nhiều kết quả tích cực hơn trước, số lượng án lệ đã được công bố cho đến tháng 11/2023 là 70 án lệ ở nhiều lĩnh vực từ tranh chấp đòi lại tài sản (Án lệ số 02/2016/AL), tranh chấp di sản thừa kế (Án lệ số 05/2016/AL), xác lập quan hệ hợp đồng lao động sau khi kết thúc thời gian thử việc (Án lệ số 20/2018/AL), chấm dứt hôn nhân thực tế (Án lệ số 41/2021/AL), công nhận hiệu lực của hợp đồng vi phạm điều kiện về hình thức (Án lệ số 55/2022/AL), người được nhận hiện vật khi chia tài sản chung (Án lệ số 67/2023/AL),... tuy nhiên, hiện nay việc áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự chưa thật sự nhiều. Để nâng cao hiệu quả áp dụng án lệ, cần đánh giá lại thứ tự áp dụng các nguồn luật, thay vì có sự phân định rõ ràng như hiện nay thì Bộ luật Dân sự năm 2015 hay Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có thể quy định theo hướng áp dụng đồng thời các nguồn luật để phán quyết đưa ra là xác đáng và vững chắc.
Nguyên tắc áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự
Để áp dụng án lệ một cách hiệu quả trong giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
Thứ nhất, tính tương tự khi áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự.
Trong pháp luật Anh, khi xem xét một vụ việc, Tòa án phải làm sáng tỏ có vụ việc tương tự đã trở thành đối tượng của việc xét xử trước đây hay chưa và trong trường hợp đã có vụ việc thì cần tuân thủ quyết định đã có. Điều khó nhất trong nguyên tắc này chính là xác định yếu tố tương tự giữa hai vụ việc. Trên thực tế, không thể có hai vụ việc giống nhau hoàn toàn, do đó, việc xác định tính chất tương tự là vấn đề trung tâm của án lệ. Ở Anh, yếu tố tương tự không dựa trên sự giống nhau hoàn toàn của hai vụ việc để xác định tính tương tự mà dựa trên bản chất và tình huống pháp lý có sự tương đồng.
Còn theo pháp luật Việt Nam, nguyên tắc áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự được xác định khi các tình tiết khách quan, cơ bản của vụ việc dân sự đang được giải quyết có tính tương tự với các tình tiết khách quan của vụ việc dân sự trong án lệ. Vì bản chất của án lệ là nguồn luật bổ khuyết cho các nguồn luật khác không thể giải quyết được vụ việc dân sự mà Tòa án đang xét xử, nó giữ vai trò khuôn mẫu để các Thẩm phán dựa vào những lập luận, giải pháp pháp lý đã có trong bản án, quyết định trước đó để áp dụng cho vụ việc dân sự đang xét xử. Do vậy, hai vụ việc dân sự này phải có sự tương đồng về tình huống pháp lý thì mới có thể áp dụng án lệ. Nếu chỉ có sự giống nhau một phần hoặc tuy giống nhau nhưng bản chất vụ việc khác nhau thì án lệ cũng không thể được áp dụng trong trường hợp này.
Ví dụ: Theo nội dung vụ án, ngày 24/10/2005, bà N có nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phần diện tích đất vườn (đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) của ông X và bà T, là 387m2 tại xã C, huyện V, giá chuyển nhượng là 7 triệu đồng. Khi chuyển nhượng, bà N có viết giấy sang nhượng, đã đưa đủ tiền cho vợ chồng ông X. Tuy nhiên, thời điểm đó, ông X ốm nặng, còn bà T không biết chữ nên bà N đã nhờ người khác viết họ tên ông X và bà T vào giấy sang nhượng, có điểm chỉ của bà T. Sau đó, bà N xây nhà ở ổn định từ năm 2005 đến nay. Từ năm 2022, vì cho rằng bà N chỉ mới giao 5,5 triệu đồng nên hiện nay vợ chồng ông X yêu cầu bà N phải trả lại 700 triệu đồng (theo giá thị trường năm 2022) thì mới chấp nhận chuyển nhượng. Về phía bà N, bà yêu cầu Tòa án buộc vợ chồng ông X tiếp tục thực hiện hợp đồng, công nhận quyền sử dụng đất, nhà ở và chấm dứt hành vi cản trở quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở của bà.
Để giải quyết vụ việc này, Tòa án nhân dân huyện V đã áp dụng Án lệ số 55/2022/AL về công nhận hiệu lực của hợp đồng vi phạm điều kiện về hình thức để giải quyết vụ án. Theo đó, nội dung án lệ này nêu rõ: “Theo quy định tại Điều 116, khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tuy giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các bên không tuân thủ về hình thức được quy định tại khoản 1 Điều 502 Bộ luật Dân sự năm 2015, nhưng bên nguyên đơn đã thực hiện giao cho phía bị đơn 110 triệu đồng, phía bị đơn đã giao quyền sử dụng đất cho nguyên đơn là đã thực hiện hơn 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch nên giao dịch được công nhận hiệu lực”. Theo đó, nếu hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác lập trước ngày 01/01/2017 chưa được công chứng/chứng thực nhưng bên nhận chuyển nhượng đã thực hiện 2/3 nghĩa vụ của mình, thì hướng giải quyết của Tòa án sẽ là công nhận hiệu lực của hợp đồng. Có thể thấy rằng, tính tương tự giữa Án lệ số 55/2022/AL và vụ việc dân sự trên thể hiện ở tình huống pháp lý sau: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vi phạm điều kiện về hình thức, tuy nhiên, nếu bên nhận chuyển nhượng đã thực hiện 2/3 nghĩa vụ thì hợp đồng này sẽ có hiệu lực. Theo đó, mặc dù hợp đồng chuyển nhượng giữa vợ chồng ông X và bà N không tuân thủ về mặt hình thức, nhưng bà N đã thanh toán số tiền chuyển nhượng, cũng như đã sinh sống ổn định, lâu dài trên đất, nên Tòa án đã dựa vào án lệ này để công nhận hiệu lực của hợp đồng, công nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà của bà N.
Có thể thấy rằng, tính tương tự trong áp dụng án lệ ở Anh hoàn toàn dựa vào sự tương tự về mặt bản chất của vụ việc đang giải quyết và án lệ được áp dụng. Còn ở Việt Nam, việc áp dụng chưa linh hoạt. Theo khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019 thì: “Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau”. Nghị quyết không giải thích rõ tính tương tự được hiểu như thế nào, tuy nhiên, để áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự trở nên hiệu quả hơn thì cần hiểu tính tương tự là tương tự về mặt bản chất vụ việc, mà không chỉ tương tự về tình huống pháp lý theo pháp luật của Anh.
Thứ hai, nguyên tắc án lệ được hình thành từ Tòa án và có tính bắt buộc. Ở Anh, án lệ là một nguồn luật chính. Theo đó, để đảm bảo sự thống nhất trong việc xét xử cũng như tính đúng đắn về chuyên môn nghiệp vụ, thể hiện sự tôn trọng phán quyết của Tòa án cấp trên thì Tòa án cấp dưới bắt buộc phải tuân thủ các án lệ mà Tòa án cấp trên đã tạo ra. Theo đó, nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử có yêu cầu rất nghiêm ngặt: (i) Quyết định trở thành án lệ của cấp xét xử cao nhất có giá trị bắt buộc đối với các Tòa án cấp dưới và bắt buộc với chính Tòa thượng nghị viện; (ii) Quyết định xuất bản thành án lệ của Tòa án cấp cao có thẩm quyền chung có giá trị bắt buộc đối với hệ thống Tòa án sơ cấp, đồng thời có giá trị bắt buộc với chính nó; (iii) Phán quyết của hệ thống Tòa án sơ cấp chỉ có thể là kinh nghiệm, ví dụ, tham khảo nhưng không tạo ra án lệ bắt buộc. Tại Anh, các Tòa có cấp xét xử đều có thẩm quyền tạo ra án lệ, tuy nhiên, giá trị ràng buộc của án lệ mỗi cấp Tòa là khác nhau. Án lệ của Tòa cấp xét xử cao nhất ở nước này sẽ có giá trị bắt buộc đối với tất cả các Tòa cấp dưới, tức Tòa cấp dưới không thể từ chối áp dụng án lệ của Tòa này nếu các điều kiện áp dụng đã đảm bảo. Tòa án sơ cấp ở Anh vẫn được quyền tạo án lệ, tuy nhiên, án lệ được tạo lập bởi Tòa này sẽ không ràng buộc các Tòa khác, chỉ mang tính chất tham khảo. Tại Việt Nam, tính bắt buộc này không tuyệt đối. Bởi lẽ, khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019 quy định: “Trong trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án”. Tuy nhiên, nếu so sánh với việc từ chối áp dụng án lệ trong pháp luật Anh thì có thể thấy rằng, quy định từ chối của Anh cụ thể, chặt chẽ hơn. Theo đó, Thẩm phán có thể từ chối áp dụng án lệ trong 03 trường hợp sau: (i) Thẩm phán không đồng ý với phán quyết đó; (ii) Thẩm phán không tìm thấy nguyên tắc pháp lý có thể xảy ra do sự lan man của Thẩm phán đã cho ra đời những bản án dài, khó xác định phần lý lẽ của phán quyết; (iii) Khó xác định phần phán quyết vì phán quyết được đưa ra dựa trên nhiều lý lẽ khác nhau.
Có thể thấy, pháp luật Anh vẫn cho phép Thẩm phán từ chối việc áp dụng án lệ nhưng không phải “cứ muốn là được”, mà phải thuộc một trong các trường hợp trên thì việc từ chối mới có hiệu lực. Đây cũng là điều nên tham khảo để có hướng điều chỉnh Nghị quyết số 04/2019 cho phù hợp. Vì thực tế, nếu pháp luật cho thẩm quyền từ chối áp dụng án lệ nhưng không quy định cách thức, lý do để từ chối thì Thẩm phán sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa ra lý do, từ đó dẫn đến khả năng từ chối có thể mang tính tùy nghi, chủ quan.
4. Cấu trúc án lệ khi áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự
Một bản án ở Anh có cấu trúc 03 phần gồm: Tóm tắt nội dung vụ việc, lập luận của Thẩm phán và phán quyết của Thẩm phán đối với vụ việc đang giải quyết. Trong đó, phần lập luận của Thẩm phán để giải quyết vụ việc chính là nội dung của án lệ. Theo đó, phần nội dung của án lệ sẽ gồm hai phần: Lý do để đưa ra quyết định và phần bình luận của Thẩm phán. Phần lý do đưa ra quyết định chứa đựng những cơ sở lập luận quan trọng để đi đến phán quyết, là những nguyên tắc, quy phạm pháp luật mà Thẩm phán sẽ dựa vào đó để đưa ra quyết định đối với các bên trong vụ kiện. Đối với phần bình luận của Thẩm phán thì đây là ý kiến của Thẩm phán đưa ra trong quá trình xét xử vụ án. Trong hai phần này thì phần 1 mang tính bắt buộc còn phần 2 thì không mang tính bắt buộc.
Đối với cấu trúc án lệ thì Nghị quyết số 04/2019 không quy định mà thông qua quy định về nội dung công bố án lệ, có thể hình dung một án lệ có các thông tin cơ bản sau: Số, tên án lệ; số, tên bản án, quyết định của Tòa án có nội dung được phát triển thành án lệ; tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý của án lệ; quy định của pháp luật có liên quan đến án lệ; từ khóa về những tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ; các tình tiết trong vụ án và phán quyết của Tòa án có liên quan đến án lệ; nội dung của án lệ (khoản 2 Điều 7). Liên hệ với 70 án lệ đã được công bố cho đến tháng 11/2023 thì cấu trúc của một án lệ sẽ gồm 03 phần: Khái quát án lệ, nội dung vụ án và nội dung án lệ.
Vị trí nội dung án lệ sẽ nằm trong phần nhận định của Tòa án của bản án được lựa chọn làm án lệ. Tùy vào nội dung vụ án, tình huống pháp lý khác nhau mà phần mức độ trình bày, phân tích, suy luận sẽ khác nhau.
Do đó, theo chúng tôi, Nghị quyết số 04/2019 cần quy định về cấu trúc của một án lệ và cách thức xác định nội dung án lệ. Bởi lẽ, như đã đề cập trước đó, nếu căn cứ vào quy định của pháp luật Anh thì Thẩm phán được quyền làm luật, từ đó, các bình luận, giải thích của Thẩm phán cũng có tính ràng buộc một cách chặt chẽ đối với các vụ việc có tính tương tự về sau. Còn tại Việt Nam, Thẩm phán không được quyền làm luật, cũng như quy định về việc giải thích pháp luật của Thẩm phán còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, trong cấu trúc án lệ hiện tại thì các ý kiến, quan điểm của Thẩm phán còn khá mờ nhạt, mặc dù nó không mang tính bắt buộc, từ đó cho thấy, sự chú trọng vào các quan điểm của Thẩm phán còn nhiều hạn chế.
Từ những phân tích, so sánh đối chiếu quy định về áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự của Anh và Việt Nam, có thể thấy, quy định về áp dụng án lệ của Anh khá chặt chẽ và cụ thể, phản ánh đúng vai trò của một nguồn luật trong hệ thống pháp luật của quốc gia này. Trên cơ sở đó, chúng tôi nêu một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự tại Việt Nam như sau: (i) Áp dụng các nguồn luật một cách đồng thời và linh hoạt tùy vào từng vụ việc dân sự được giải quyết, thay vì áp dụng các nguồn luật theo thứ bậc như hiện nay; (ii) Hoàn thiện cấu trúc của một án lệ, mở rộng nội dung phân tích, luận giải phần nội dung án lệ.
ThS. Xa Kiều Oanh - Nguyễn Phạm Thanh Hoa
Về định hướng nhân đạo hóa chính sách pháp luật hình sự về các tội phạm tham nhũng
Quy định về xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản hình thành trong tương lai của một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam
-
1Truyện ngắn: Vụ án đêm 30 Tết
-
2Đổi mới chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân
-
3Xử lý vật chứng là tài sản thế chấp tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng trong vụ án hình sự
-
4Áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự tại Anh và kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.