6 điều đặc biệt ở phiên tòa xử ông Đinh La Thăng
Không có vành móng ngựa, triệu tập điều tra viên, cách ly bị cáo khi xét xử… là những điều đặc biệt ở phiên tòa xử ông Đinh La Thăng.
Ông Đinh La Thăng xin được tại ngoại
Ông Đinh La Thăng sẽ nói lời sau cùng, đối diện mức án tới 15 năm tù
Danh mục đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam
Phiên sơ thẩm xét xử vụ án liên quan tới hai ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh xoay quanh những sai phạm xảy ra ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) vừa trải qua 10 ngày làm việc với cường độ mỗi ngày gần 10 tiếng. Hiện, HĐXX nghỉ nghị án, sáng 22/1 sẽ tuyên án.
Phiên tòa xét xử ở thời điểm Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và Bộ luật Hình sự 2015 vừa có hiệu lực (ngày 1/1/2018). Vì vậy, nhiều hình thức, thủ tục, nội dung tố tụng lần đầu tiên được áp dụng.
Bên cạnh đó, phương pháp thẩm vấn, lịch làm việc và nhân thân các bị cáo cũng làm nên nhiều điểm đặc biệt cho phiên tòa.
Không có vành móng ngựa
Đây là phiên xét xử đầu tiên TAND Hà Nội áp dụng thông tư mới của TAND Tối cao về phòng xử án theo Thông tư 01 của TAND Tối cao có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Theo tinh thần đó, 10 ngày diễn ra phiên xử vừa qua, khi trả lời thẩm vấn, các bị cáo đứng trước bục gỗ khai báo, chứ không phải vành móng ngựa. Trong những lúc đối chất, hai hoặc ba bị cáo cùng đứng trước bục, có thể nhìn thẳng vào nhau.
Tại phòng xử còn có nhiều bục, ứng với mỗi vị trí khác nhau. Bục cao nhất là chỗ ngồi HĐXX gồm chủ tọa phiên tòa, thẩm phán và hội thẩm. Thư ký toà ngồi ở bục thấp hơn, phía trước.
Luật sư ngồi ngang hàng viện kiểm sát. Hai bên khu vực các bị cáo ngồi là những hàng ghế dành cho người liên quan, nguyên đơn dân sự…
Nhiều luật sư khi bước vào phần xét hỏi, tranh luận đã cảm ơn HĐXX vì đã áp dụng mô hình phòng xử theo Bộ luật Tố tụng hình sự mới. Họ được ngồi ngang hàng với cơ quan công tố, được nhận sự công bằng giữa bên buộc tội với bên gỡ tội.
Điều tra viên đối chất ngay tại tòa
Cáo trạng vụ án nêu quá trình điều tra ông Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch PVC) khai báo không thành khẩn, quanh co chối tội. Ông còn bỏ trốn gây khó khăn, cản trở cho quá trình điều tra nên cần xem xét các tình tiết này "để áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc".
Vào phiên làm việc ngày 10/1, cho rằng nhận định ông Trịnh Xuân Thanh "không thành khẩn khai báo" của cơ quan điều tra ảnh hưởng đến quyền lợi của thân chủ, luật sư của bị cáo này yêu cầu HĐXX triệu tập điều tra viên đến tòa.
Vài tiếng sau, trong phiên làm việc buổi chiều, điều tra viên được triệu tập tới.
Luật sư của ông Thanh đã công khai đề nghị điều tra viên đưa ra bằng chứng về việc ông Thanh ‘quanh co chối tội’. Khẳng định những lời khai của ông Thanh không đúng với sự thật của vụ án, điều tra viên giải thích: "Với chứng cứ và lời khai hai ngày hôm nay của các bị cáo khác đã thể hiện tương đối rõ ràng hành vi của bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án thể hiện Trịnh Xuân Thanh không xác nhận những nội dung này".
Luật sư Vũ Tiến Vinh cho rằng sự có mặt của điều tra viên của Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) tại phiên tòa xử ông Đinh La Thăng là căn cứ điều 296 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Đây là một trong những điểm mới của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực từ 1/1/2018 mà Bộ luật tố tụng trước đó không quy định. Theo đó, khi xét thấy cần thiết trong quá trình xét xử, HĐXX có thể triệu tập điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh cho rằng phiên toà diễn ra trong bối cảnh Bộ Luật tố tụng hình sự 2015, vừa có hiệu lực sẽ là cơ hội tốt để thực hiện những cải cách tư pháp được nêu tại đây, đặc biệt là nguyên tắc suy đoán vô tội và đảm bảo việc tranh tụng được triệt để.
Cách ly bị cáo 'chính' ngay từ đầu phiên xử
Ông Đinh La Thăng trong ngày 18/1. Ảnh: TTXVN |
Ngay sáng 8/1 khai mạc phiên xử, trước khi VKS công bố cáo trạng xét xử 22 cựu lãnh đạo, luật sư Nguyễn Văn Chiến (một trong sáu luật sư bảo vệ bị cáo Nguyễn Quốc Khánh - cựu phó tổng giám đốc PVN) nêu quan điểm cho rằng đây là vụ án lớn, phức tạp có nhiều lời khai đối lập. Ông đề nghị tòa cách ly các bị cáo và nhân chứng có lời khai đối lập khi xét hỏi.
Chiều hôm đó, khi công tố viên đọc xong cáo trạng, bị cáo Đinh La Thăng bị đưa từ phòng xử án vào khu vực cách ly. Tòa cũng áp dụng việc cách ly trong quá trình thẩm vấn với bị cáo Trịnh Xuân Thanh.
Khác với các phiên xét xử đại án, mở đầu phần thẩm vấn vụ án HĐXX không xét hỏi các bị cáo có vai trò chính trước. Trong lúc các thuộc cấp bị xét hỏi, hai bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh bị áp giải rời phòng xử sang khu vực cách ly. Suốt buổi chiều làm việc, hai ông không được đưa trở lại.
Không chỉ bị cáo đầu vụ, mà các bị cáo có vai trò đồng phạm, giúp sức như cựu tổng giám đốc PVC Vũ Đức Thuận hay Phạm Tiến Đạt cũng bị áp dụng cách ly khi có phần khai báo mâu thuẫn về mặt quyền lợi với bị cáo khác.
Đề nghị đặc biệt
Trong phần nói lời sau cùng sáng 17/1, ông Trịnh Xuân Thanh nói vợ cùng hai con, bé út 6 tuổi, đang sống ở Đức. Thương vợ chăm con trong hoàn cảnh vất vả, ông mong HĐXX sau khi kết thúc vụ án cho "sang bên đó để có điều kiện chăm sóc con".
Trước đó, cho rằng mình không gây nguy hiểm cho xã hội, đầu phiên làm việc buổi chiều 16/1, ông Đinh La Thăng đề nghị được thay đổi biện pháp ngăn chặn bằng việc cho tại ngoại.
Đề nghị này được ông nhắc lại vào sáng hôm sau khi nói lời sau cùng. Ông muốn được ăn cái Tết cuối cùng với gia đình, bạn bè, người thân, sau đó sẽ chấp hành án phạt tù.
Bị cáo cám ơn HĐXX
Nhiều bị cáo khi nói lời sau cùng đã cảm ơn HĐXX đã điều hành một phiên tòa dân chủ. Người đứng đầu vụ án là ông Đinh La Thăng khi nói lời sau cùng cũng cảm ơn chủ tọa, HĐXX đã điều hành phiên tòa theo tinh thần đổi mới, dân chủ, khách quan theo Hiến pháp, tinh thần cải cách tư pháp.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: TTXVN |
Xét xử cả ngày cuối tuần
Phiên tòa khai mạc sáng 8/1 với lịch làm việc từ 8h sáng. Nhưng hôm đó, 5h cổng tòa đã mở sẵn sàng, đèn sáng khắp tòa, lực lượng an ninh túc trực khắp khu vực tòa, các phố trước tòa và lân cận. 6h15 đoàn xe chở bị cáo bắt đầu vào tòa. Phiên tòa hôm đó kéo dài tới 18h.
Liền một tuần sau đó, hôm nào đoàn xe chở các bị cáo cũng tới tòa trước 7h. Buổi trưa tòa nghỉ khi gần 12h, phiên làm việc buổi chiều bắt đầu lúc 13h30, thường kết thúc vào lúc 18h30, có hôm muộn hơn.
Ngày thứ 7 và sáng chủ nhật (13, 14/1) phiên xét xử vẫn làm việc.
Đồ hoạ: Tiến Thành |
-
1Quốc hội thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi)
-
2Luật Tư pháp người chưa thành niên chính thức được Quốc hội thông qua
-
3Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
-
4Quốc hội thông qua Luật Địa chất và khoáng sản
-
5100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, thông qua Luật Phòng không nhân dân
-
6Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử
-
7Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn với tỷ lệ tán thành cao
-
8Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
-
9Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)
Bài viết chưa có bình luận nào.