Ông Đinh La Thăng sẽ nói lời sau cùng, đối diện mức án tới 15 năm tù
Chiều nay 16/01, HĐXX đã quyết định kết thúc phần đối đáp. Ngày mai, trước khi toà nghị án, các bị cáo sẽ được nói lời sau cùng.
Viện kiểm sát đối đáp khẳng định ông Đinh La Thăng và các bị cáo phạm tội
Khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng - bài học về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy
Ông Đinh La Thăng xin được tại ngoại
Cũng trong chiều nay, trong phần nêu ý kiến bổ sung tại toà, bị cáo Đinh La Thăng một lần nữa nhấn mạnh rằng nếu không có việc sử dụng tiền sai mục đích của PVC thì không có thiệt hại cho PVN, do đó, mong được làm rõ điểm này khi xác định trách nhiệm.
“Ngoài ra, đề nghị HĐXX xem xét cho các bị cáo bị truy tố về tội Cố ý làm trái của vụ án này được thay đổi hình thức ngăn chặn, vì một số bị cáo được tại ngoại rồi, còn đối với bị cáo cũng như các bị cáo khác chắc không có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội” – ông Đinh La Thăng đề nghị.
Bị cáo Đinh La Thăng trước toà (Ảnh: TTXVN) |
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh trong phần bổ sung ý kiến cũng tiếp tục cho rằng việc kết tội tham ô tài sản với mình còn “rất mờ”. Bản thân và gia đình tự nguyện nộp 4 tỷ đồng khắc phục là bị cáo nhận thức trách nhiệm của một người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm.
Theo luận tội của Viện kiểm sát, mặc dù biết rõ PVC đang gặp khó khăn rất lớn về tài chính và chưa có năng lực, kinh nghiệm để thi công những Dự án nhiệt điện lớn nhưng vì lợi ích và động cơ cá nhân, bị cáo Đinh La Thăng với vai trò là Chủ tịch của PVN vẫn giao cho PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2- một công trình trọng điểm quốc gia theo hình thức chỉ định thầu.
Mặt khác, trong khi dự án đầu tư hiệu chỉnh chưa được phê duyệt; chưa có thiết kế FEED, tổng dự toán, thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu và một loạt các thủ tục pháp lý khác có liên quan, bị cáo Đinh La Thăng vẫn chỉ đạo cấp dưới ký kết Hợp đồng EPC số 33 ngày 28/2/2011 và Hợp đồng chuyển đổi chủ thể số 4194 ngày 13/5/2011 với giá trị lên tới 1,2 tỷ USD.
Theo quan điểm của VKS, thực chất việc ký kết các hợp đồng này chỉ nhằm mục đích lấy tiền của PVN để chuyển cho PVC đang chìm đắm trong nợ nần. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày từ 23-31/5/2011 thông qua việc xin tạm ứng, PVC đã rút của PVN 1.000 tỷ đồng trên tổng số 1312 tỷ và 6,6 triệu USD tạm ứng trái quy định, sau đó PVC đã sử dụng không đúng mục đích số tiền lên tới 1.115 tỷ đồng gây thiệt hại cho PVN 119,8 tỷ đồng. Việc chỉ định nhà thầu thiếu năng lực về kinh nghiệm cũng như tài chính là PVC thực hiện dự án còn để lại hệ lụy rất lớn khác.
Bên cạnh đó để có tiền chi tiêu và chiếm hưởng cá nhân, Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch PVC cùng Vũ Đức Thuận - nguyên TGĐ PVC đã đề ra chủ trương và giao cho Nguyễn Anh Minh - nguyên Phó TGĐ PVC chỉ đạo Lương Văn Hòa đã cùng thuộc cấp lập khống hồ sơ thiết kế, dự toán, thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán 4 hạng mục phụ trợ của dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 rút số tiền hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành./.
Ngày 11/1, VKS đã đề nghị mức án với từng bị cáo về hai nhóm tội:
Tội cố ý làm trái:
1. Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN) 14-15 năm tù.
2. Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam PVC) 13-14 năm tù về tội cố ý làm trái, chung thân về tội tham ô. Tổng hình phạt hai tội là chung thân.
3. Phùng Đình Thực (nguyên TGĐ PVN) 12-13 năm tù.
4. Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó TGĐ PVN) 10-11 năm tù.
5. Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó TGĐ PVN) 10-11 năm tù.
6. Vũ Đức Thuận (nguyên TGĐ PVC) 8-9 năm tù về tội cố ý làm trái, 18-19 năm tù về tội tham ô. Tổng hình phạt từ 26-28 năm tù.
7. Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN) 10-11 năm tù.
8. Lê Đình Mậu (nguyên Phó Trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN) 7-8 năm tù
9. Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng Ban quản lý Dự án điện lực Dầu khí Thái Bình 2) 2-3 năm tù cho hưởng án treo.
10. Trần Văn Nguyên (nguyên Kế toán trưởng Ban Quản lý Dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2) 2-3 năm tù cho hưởng án treo.
11. Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC) năm tù 8-9 năm tù.
12. Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó TGĐ PVC) 7-8 năm tù.
13. Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC) 6-7 năm tù.
14. Trương Quốc Dũng (nguyên phó TGĐ PVC) 17-18 tháng tù.
Tội tham ô tài sản
15. Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó TGĐ PVC) 18-19 năm tù.
16. Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh Văn phòng PVC) 13-14 năm tù.
17. Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) 13-14 năm tù.
18. Nguyễn Thành Quỳnh (Giám đốc Kỹ thuật Công nghệ, Tổng Công ty CP Miền Trung - Công ty Cổ phần (Đà Nẵng) 8-9 năm tù.
19. Lê Thị Anh Hoa (Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa) 30-36 tháng cho hưởng án treo..
20. Nguyễn Đức Hưng (nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, Ban điều hành Vũng Áng - Quảng Trạch) 30-36 tháng cho hưởng án treo.
21. Lê Xuân Khánh (Nguyên Trưởng phòng kinh tế Kế hoạch, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch) 30-36 tháng tù cho hưởng án treo.
22. Nguyễn Lý Hải (nguyên Trưởng phòng kỹ thuật, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch) 30-36 tháng tù cho hưởng án treo./.
Tuy nhiên, tại phiên đối đáp ngày 15/1, đại diện VKS đã bổ sung một số tình tiết giảm nhẹ cho một số bị cáo; đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt so với mức án đề nghị đối với các bị cáo: Lương Văn Hoà, Bùi Mạnh Hiển, Lê Đình Mậu, Phạm Tiến Đạt, Nguyễn Ngọc Quý./.
Bài viết chưa có bình luận nào.