Ông Đinh La Thăng xin được tại ngoại
Cho rằng một số bị cáo đã được thay đổi biện pháp ngăn chặn, bản thân không gây nguy hiểm cho xã hội, ông Thăng xin được tại ngoại, nhưng HĐXX đã cắt lời.
Viện kiểm sát đối đáp khẳng định ông Đinh La Thăng và các bị cáo phạm tội
Khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng - bài học về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy
Sáng 16/1, phiên sơ thẩm xét xử ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh trong vụ án Cố ý làm trái và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) tiếp tục ngày làm việc thứ 9.
Xin được về nhà
Đầu phiên làm việc buổi chiều, tiếp tục phần đối đáp, ông Thăng đề nghị HĐXX xem xét kết luận giám định tài chính. Ông muốn được VKS giải thích rõ hơn vì sao nói rằng: Giám định viên xác nhận, nếu không có việc sử dụng tiền sai mục đích thì không có thiệt hại của PVN.
Khi đề nghị được xem xét lại tội danh, ông Thăng nói muốn được thay đổi biện pháp ngăn chặn bằng việc cho tại ngoại. "Một số bị cáo đã được tại ngoại rồi, những người như bị cáo không gây nguy hiểm cho xã hội", ông nói đến đây và bị HĐXX ngắt lời.
Cuối giờ sáng, trong phần đối đáp với VKS về việc bị quy buộc có lợi ích nhóm, ông Thăng cho rằng, những gì không nằm trong quá trình điều tra, truy tố, xét hỏi thì không đưa vào luận tội.
Ông Thăng cho rằng ở doanh nghiệp, việc thủ trưởng bổ nhiệm cán bộ theo chức năng nhiệm vụ thì không thể quy trách nhiệm là vì lợi ích nhóm. "Những người ngồi ở đây, từ anh Phùng Đình Thực (cựu tổng giám đốc PVN) trở xuống, đều là bị cáo bổ nhiệm. Bản thân bị cáo cũng được cấp trên bổ nhiệm. Mong VKS xem xét lại, ở đây không thuần túy là lời buộc tội, mà sau đó là lương tâm, trách nhiệm, danh dự của bị cáo và của cả một tập thể lớn PVN".
* Ông Đinh La Thăng phủ nhận có lợi ích nhóm
Về đánh giá của công tố viên rằng "cấp dưới nhận mà cấp trên không nhận’, ông Thăng nói đã luôn nhận trách nhiệm đứng đầu, trách nhiệm cho các cán bộ dưới quyền. Theo ông, những người này vì đẩy nhanh tiến độ, mục tiêu mà dẫn đến sai phạm, chứ không có mục đích vụ lợi.
Ông Thăng nhắc đi nhắc lại đã nói với luật sư rằng: "Bào chữa gì thì bào chữa chứ không được đổ lỗi cho Đảng, Nhà nước, đổ lỗi cho cấp dưới. Để nói đỡ cho bị cáo mà người khác bị tội thì tuyệt đối không làm vậy".
Ông Thăng cũng cho rằng việc ông viện dẫn Kết luận 41 của Bộ Chính trị là không sai. Ông không nói Bộ Chính trị chỉ định thầu với PVC.
Theo nội dung bào chữa của ông Thăng, chủ trương chỉ định thầu có từ 2006, khi ông chưa về PVN. Thủ tướng đồng ý chủ trương PVN được chỉ định cho các đơn vị thành viên tập đoàn. Kết luận 41 của Bộ Chính trị nêu nhiều vấn đề, trong đó có ý phát triển PVN trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu của cả nước, kinh doanh đa ngành trong nước và quốc tế. Ông nói trong kết luận nêu rất rõ ràng, do sản lượng dầu khí của VN hạn chế nên phải tăng nhanh doanh thu từ hoạt động dịch vụ từ 10-15% lên 30-35%.
"Kết luận 41 không thể nêu cụ thể về dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 hay Dung Quất, Cà Mau 1, Cà Mau 2... Căn cứ vào kết luận 41 của Đảng, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025 và phê duyệt các kế hoạch 5 năm...", ông trình bày.
Ông Thăng khẳng định thẩm quyền của chỉ định thầu với dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 thuộc về Hội đồng thành viên PVN và Hội đồng thành viên đã giao cho Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) là chủ đầu tư. Vì thế, thẩm quyền ký hợp đồng 33 thuộc về PVPower.
Theo ông, xuyên suốt phần buộc tội VKS cho rằng "cái gì Chủ tịch HĐTV cũng phải biết, phải chỉ đạo", song ông chỉ có thể làm những việc thuộc thẩm quyền. "Bị cáo khẳng định không nhận được báo cáo nào của PVPower, ban Tổng giám đốc, Ban quản lý Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2", ông nói.
"Người trực tiếp giết người thì lại không bị xử lý’, ông Thăng ví von khi nói về việc PVPower trực tiếp ký hợp đồng 33 không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ông Đinh La Thăng tại phiên toà. Ảnh: TTXVN |
Về việc tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ cho PVC, ông Thăng nói nhận thức đây là tiền của dân, phải sử dụng trân trọng. Vì thế, ông đã yêu cầu sử dụng đúng mục đích. Ông nhắc lại điều từng trình bày tại toà "nếu bị cáo đồng ý tạm ứng thì tiền đã được chuyển ngay chỉ sau một tiếng" để minh chứng rằng không biết gì về việc ký hợp đồng 33.
"Cái mà bị cáo chỉ đạo rõ ràng nhất thì không được VKS "đả động gì", đó là phải sử dụng tiền đúng mục đích, đúng pháp luật. Bị cáo không xem thường đồng tiền, chính vì bị cáo coi trọng đồng tiền của dân nên mới có những bút phê, chỉ đạo về việc cấm sử dụng tiền trái mục đích", ông Thăng tự bào chữa và "xin" công tố viên xem lại việc buộc tội.
Ông Thăng vẫn muốn trình bày nhưng HĐXX ngắt lời, thông báo đến giờ nghỉ trưa.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: TTXVN |
Cũng trong sáng nay, các luật sư của bị cáo Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT PVC) đã thay nhau bào chữa cho thân chủ. Luật sư Nguyễn Văn Quynh nói |thất vọng" khi công tố viên dẫn bằng chứng về việc ông Thanh chỉ đạo cựu tổng giám đốc PVC Vũ Đức Thuận ký hợp đồng 33. Vì vậy, luật sư muốn đối đáp để làm rõ vai trò của ông Thanh.
Theo luật sư, bản kết luận cũng như cáo trạng đều xác định ông Thanh giữ vai trò thứ hai trong vụ án, nhưng ông Thanh thực tế chỉ có vai trò bên nhà thầu. "Dư luận đang rất nặng nề với bị cáo Trịnh Xuân Thanh", luật sư nói.
Cho rằng PVPower có vai trò nổi trội trong vụ án này, luật sư đọc bút lục chưa từng được công bố hay đề cập đến từ đầu phiên tòa, thể hiện vào thời điểm lấy lời khai (tháng 6/2017) ông Vũ Huy Quang (nguyên tổng giám đốc PVPower) thừa nhận biết rất rõ việc thiếu các hồ sơ quan trọng khi ký kết hợp đồng 33.
“Người làm sai đầu tiên là Ban giám đốc PVPower”, luật sư Quynh bào chữa và khẳng định "trong hồ sơ chứng cứ vụ án không thấy vai trò của PVN hay PVC mà là PVPower".
Đồ họa: Tiến Thành |
Về hợp đồng 33, luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng bên đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng phải chịu trách nhiệm. "Bên tiếp nhận những điều khoản có lợi sao lại có thể bị quy kết vi phạm pháp luật. Dù sai phạm của PVC trong bất cứ hoàn cảnh nào thì PVN vẫn có một phần trách nhiệm vì phần vốn góp hơn 50%", luật sư bào chữa và khẳng định "vai trò của thân chủ tôi luôn luôn thấp nhất, vai trò lớn nhất là bên giao thầu".
"Nhà nước giao tiền thì phải thanh tra, kiểm tra giám sát, phải xây dựng luật... Bảy năm sau mới khởi tố với tội danh hết sức nặng nề, ảnh hưởng tới thái độ của xã hội", luật sư Thiệp nói.
Ông dẫn chứng có vụ án gây thiệt hại 3.900 tỷ đồng mà chỉ phạt 5 năm tù, ở vụ án này thiệt hại còn chưa tính đúng, tính đủ cũng chỉ hơn 119 tỷ đồng mà có bị cáo bị đề nghị hình phạt mười mấy năm tù.
Về hành vi bị cáo buộc "cố ý làm trái" của ông Thanh, luật sư Thiệp đánh giá việc truy tố là "không đúng với bản chất, hành vi". Ông cho rằng các hành vi trên thỏa mãn điều 142 Bộ luật Hình sự 1999 - tội Sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước.
Tiếp tục bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, luật sư Nguyễn Quốc Hùng nghi vấn có "dàn cảnh" trong việc đưa 4 tỷ đồng cho Trịnh Xuân Thanh. Luật sư đánh giá lời khai của các nhân chứng, bị cáo đều mâu thuẫn và khiên cưỡng. Riêng nhân chứng là lái xe của ông Thanh, luật sư nhiều lần yêu cầu được đối chất trước tòa nhưng không thấy. Theo cáo trạng, tài xế Toàn đã nhận túi tiền 4 tỷ đồng của tài xế của sếp khác tại PVC rồi đưa cho ông Thanh.
Hành vi bị cáo buộc tham ô 13 tỷ đồng của 11 bị cáo. Đồ họa: Tiến Thành |
Bổ sung phần bào chữa của ông Hùng, luật sư Thiệp cho hay hôm qua khi đối đáp VKS nói xâu chuỗi mọi chứng cứ đã đủ căn cứ buộc tội ông Thanh về hành vi tham ô. Nhưng luật sư lại thấy hồ sơ và toàn bộ chứng cứ không thể hiện điều này.
Luật sư Thiệp cho rằng chỉ có niềm tin thì chưa đủ chứng minh tội phạm bởi đó là "tội phạm ẩn". Với hành vi này, luật sư Thiệp cũng đề nghị chuyển tội danh của ông Thanh thành Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo buộc, thấy Tổng công ty PVC do ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT gặp khó khăn về tài chính, ông Đinh La Thăng (chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đã chỉ định thầu trái luật cho PVC. Sau đó, ông Thăng chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng chóng vánh với PVC và tạm ứng cho công ty này 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng cho PVC, theo Hợp đồng số 33, trái với các quy định của Nhà nước. PVC đã sử dụng một phần số tiền tạm ứng sai mục đích. Dù sau đó, số tiền này được yêu cầu thu hồi lại nhưng phải đến cuối năm 2017, khi vụ án ở giai đoạn điều tra mới thu được 1.087 tỷ đồng. Số tiền hơn 119 tỷ đồng bị xác định là thiệt hại. |
Bài viết chưa có bình luận nào.