11 nội dung quan trọng tại phiên họp Chính phủ về chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 02/2024
(kiemsat.vn) Ngày 27/02/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 02/2024 để thảo luận 6 dự án luật, 4 đề nghị xây dựng pháp luật và đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ngành Kiểm sát nhân dân
Tăng cường công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện các dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
Phiên họp thứ 30: Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giao bổ sung số lượng Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân
Theo đó, 6 dự án luật được Chính phủ thảo luận gồm: Luật Phòng không nhân dân; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và Khoáng sản; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
4 đề nghị xây dựng và sửa đổi luật gồm: Luật Hàm, cấp ngoại giao; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Hàng không (sửa đổi); Luật Đường sắt (sửa đổi).
Tại Phiên họp, Chính phủ cũng xem xét, cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
11 nội dung quan trọng được Chính phủ thảo luận tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 02/2024 (Ảnh:CTV) |
Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, những nội dung của Phiên họp đều là những nội dung quan trọng, khó với yêu cầu cao, trong khi thời gian và nguồn lực có hạn. Để bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng, Thủ tướng yêu cầu với các cơ quan chủ trì, soạn thảo, các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan phải trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật, đề nghị xây dựng pháp luật, các cơ quan liên quan phải có ý kiến kịp thời; bố trí các cán bộ có năng lực, trình độ, tâm huyết cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; rà soát lại chế độ, chính sách bảo đảm phù hợp cho các cán bộ làm công tác này với quan điểm đầu tư cho xây dựng thể chế chính là đầu tư cho sự phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy nếu công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật được chuẩn bị kỹ, làm tốt việc tổng kết thực tiễn, dự báo tình hình, thì các quy định, chính sách sau khi ban hành sẽ đi ngay vào cuộc sống, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc, còn nếu chuẩn bị không kỹ, không tốt thì vừa làm xong đã phải sửa đổi, bổ sung.
Với tinh thần "khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ, minh bạch, công khai, sát thực tiễn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, dễ đánh giá, để các đối tượng thực thi, tuân thủ pháp luật yên tâm thực hiện.
Bài viết chưa có bình luận nào.