Tăng cường công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện các dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
(kiemsat.vn) Để tiếp tục tăng cường công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới và chuẩn bị tốt nhất các dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp phụ trách, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng pháp luật.
Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng
Tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ngành Kiểm sát nhân dân
Thư chúc mừng năm mới Giáp Thìn của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật
Ngày 19/02/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 15/CĐ-TTg về tăng cường công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện các dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Theo đó, để tiếp tục tăng cường công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới và chuẩn bị tốt nhất các dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp phụ trách, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng pháp luật của Bộ, cơ quan ngang bộ, trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện, góp ý các dự án luật, đề nghị xây dựng luật.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, thực hiện nghiêm Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức, đảng viên vi phạm (trong đó không được “chỉ đạo, ban hành thể chế, cơ chế, chính sách có nội dung trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ” (điểm d khoản 2 Điều 9)); tuân thủ nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/NĐ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ; Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung và tiến độ trình các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được giao chủ trì soạn thảo các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tập trung chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ về thành phần hồ sơ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng tốt nhất của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và các tài liệu trong hồ sơ; tăng cường các phương pháp lấy ý kiến thực chất, hiệu quả, giải trình đầy đủ ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, đối tượng chịu sự tác động của văn bản.
Tăng cường truyền thông chính sách ngay trong quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để tạo sự đồng thuận của xã hội, của Nhân dân và bảo đảm các điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người dân, doanh nghiệp tham gia có chất lượng trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Chú trọng rà soát nội dung dự án, dự thảo với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để phát hiện, xử lý kịp thời những vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy định trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và văn bản dự kiến ban hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân;
Tập trung rà soát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; đơn giản hóa, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính không cần thiết tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát các nhiệm vụ xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được giao trong năm 2024, chủ động đề xuất các nội dung cần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa vào chương trình phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật hằng tháng.
Tập trung nguồn lực hoàn thiện các dự án Luật
Về việc chuẩn bị và trình các dự án Luật tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV và hoàn thiện Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV là các dự án Luật quan trọng, có nhiều nội dung phức tạp, nhạy cảm, có phạm vi rộng, tác động lớn, được dư luận Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, do vậy, yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được giao chủ trì các dự án Luật tập trung nguồn lực, chỉ đạo việc hoàn thiện các dự án Luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình hồ sơ dự án Luật đúng quy định, cụ thể:
Chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 bảo đảm đúng thời hạn, tiến độ để trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Nghị quyết số 793/NQ-UBTVQH15 ngày 07/6/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết số 41/NQ-UBTVQH15 ngày 18/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Quyết định số 805/QĐ-TTg ngày 06/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2024.
Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 23/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và Công văn số 133/TTg-QHĐP ngày 16/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, tài liệu chuẩn bị Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Sau khi Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội đối với các dự án Luật trên, chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ, bảo đảm chất lượng các dự thảo văn bản quy định chi tiết để trình kèm theo hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chỉ đạo khẩn trương tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội và các cơ quan có liên quan, nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, gửi xin ý kiến Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với các dự án Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 01 tháng 3 năm 2024; trường hợp các Bộ, cơ quan ngang bộ không bảo đảm tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định thì Bộ Tư pháp không tổng hợp vào Đề nghị của Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024
Về việc soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được giao chủ trì soạn thảo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024, các luật, pháp lệnh sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 và các văn bản hướng dẫn tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ để thi hành các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 01/01/2024, phấn đấu hoàn thành trong tháng 02 năm 2024.
Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trước ngày 15/5/2024 đối với các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 để không tạo ra khoảng trống pháp lý do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết.
Khẩn trương ban hành các thông tư quy định chi tiết và văn bản hướng dẫn thi hành, quy chuẩn thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ để kịp thời hướng dẫn tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, thống nhất, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhất là các văn bản liên quan đến đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế; định mức đơn giá xây dựng, quy chuẩn đường cao tốc…
Bài viết chưa có bình luận nào.