06 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động an toàn thông tin mạng
(kiemsat.vn) Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân để gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cá nhân.
Đây là một trong những nội dung được nhắc đến tại Điều 7 của Luật An toàn thông tin mạng có hiệu lực thi hành kể từ 01/7/2016.
Luật An toàn thông tin mạng được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 19/11/2015, gồm 8 Chương, 54 Điều quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.
Đặc biệt, tại Điều 7 Luật An toàn thông tin mạng đã quy định 06 hành vi bị nghiêm cấm để đảm bảo về an toàn thông tin mạng như sau:
Thứ nhất, ngăn chặn việc truyền tải thông tin trên mạng, can thiệp, truy nhập, gây nguy hại, xóa, thay đổi, sao chép và làm sai lệch thông tin trên mạng trái pháp luật.
Thứ hai, gây ảnh hưởng, cản trở trái pháp luật tới hoạt động bình thường của hệ thống thông tin hoặc tới khả năng truy nhập hệ thống thông tin của người sử dụng.
Thứ ba, gấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an toàn thông tin mạng của hệ thống thông tin; tấn công, chiếm quyền điều khiển, phá hoại hệ thống thông tin; phát tán thư rác, phần mềm độc hại, thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo;
Thứ tư, thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân;
Thứ năm, xâm nhập trái pháp luật bí mật mật mã và thông tin đã mã hóa hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Thứ sáu, tiết lộ thông tin về sản phẩm mật mã dân sự, thông tin về khách hàng sử dụng hợp pháp sản phẩm mật mã dân sự; sử dụng, kinh doanh các sản phẩm mật mã dân sự không rõ nguồn gốc.
Vì vậy, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng; hoạt động an toàn thông tin mạng của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; tổ chức, cá nhân không được xâm phạm an toàn thông tin mạng của tổ chức, cá nhân khác; việc xử lý sự cố an toàn thông tin mạng phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, không xâm phạm đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân, thông tin riêng của tổ chức; hoạt động an toàn thông tin mạng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời và hiệu quả.
Từ đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạm vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các quy định của BLHS; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Luật An toàn thông tin mạng có hiệu lực từ ngày 1/7/2016./.
NGÂN HÀ
-
1Chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong ngành Kiểm sát nhân dân
-
2Rút kinh nghiệm về việc xét, lập hồ sơ đề nghị khen thưởng các phong trào thi đua theo chuyên đề năm 2024
-
3Các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024 mới nhất
-
4Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
-
5 Quy định mới về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng
-
6Quy định mới về áp dụng biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án dân sự
-
7Khám chữa bệnh bằng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VnelD
-
8Quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
-
9Trình tự tiếp nhận công chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý từ ngày 06/11/2024
Bài viết chưa có bình luận nào.