Vụ 3 VKSND tối cao ký quy định phối hợp với Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan

11/08/2018 13:10

(kiemsat.vn)
Để tăng cường quan hệ phối hợp trong việc xử lý các tin báo, tố giác tội phạm phát hiện thông qua công tác quản lý xuất nhập khẩu, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3) VKSND tối cao đã ký quy định phối hợp với Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan (Cục điều tra chống buôn lậu), Bộ Tài chính vào chiều ngày 10/8/2018, tại Hà Nội.

Dự và chứng kiến Lễ ký có đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSND tối cao; đồng chí Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính; đồng chí Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cùng lãnh đạo, cán bộ hai đơn vị.

Phó Viện trưởng VKSNDTC Bùi Mạnh Cường và Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cùng các đại biểu chứng kiến Lễ ký kết

Theo báo cáo của Vụ 3 VKSND tối cao do đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Vụ trưởng trình bày, từ năm 2013, đơn vị và Cục Điều tra chống buôn lậu đã ký kết Quy định phối hợp. Trong quá trình thực hiện, Quy định này đã giúp nâng cao chất lượng quan hệ phối hợp công tác, hỗ trợ thiết thực việc trao đổi thông tin về tội phạm cũng như tình hình vi phạm trong lĩnh vực hải quan. Hai đơn vị đã thống nhất khởi tố được nhiều vụ án buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá có giá trị lớn để đưa ra truy tố, xử lý trước pháp luật.

Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Vụ trưởng Vụ 3 VKSND tối cao phát biểu tại buổi Lễ

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Quy định cũng bộc lộ những hạn chế nhất định; cùng với đó là sự thay đổi của hệ thống pháp luật như: Luật Tổ chức VKSND, Luật Hải quan, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự và đặc biệt là Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 với nhiều sửa đổi quan trọng về việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố cũng như các quy định về quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra…

Bởi vậy, việc sửa đổi Quy định phối hợp là cần thiết để đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Tài chính và VKSND tối cao, 2 đơn vị đã xây dựng dự thảo Quy định phối hợp mới, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu và xử lý các vụ việc vi phạm liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Lãnh đạo Bộ Tài chính tặng hoa chúc mừng 02 đơn vị

Quy định phối hợp giữa Vụ 3 - VKSND tối cao với Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan gồm có 7 chương, 20 điều. Phạm vi phối hợp là từ khi phát hiện thông tin về vi phạm, dấu hiệu tội phạm đến khi kết thúc việc giải quyết thông tin đó. Nội dung phối hợp tập trung vào: Phối hợp trong việc thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của BLTTHS và các văn bản hướng dẫn có liên quan; thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến vi phạm và tội phạm; xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố theo quy định của BLTTHS; phối hợp trong khởi tố, giải quyết vụ án hình sự theo quy định của BLTTHS, Luật Tổ chức VKSND, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự...

Đáng chú ý, Quy định này nhấn mạnh việc phối hợp trong quá trình giải quyết vụ, việc buôn lậu, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan.

Ngoài ra, Quy định còn quy định nội dung phối hợp trong kiểm tra nghiệp vụ, hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị địa phương thực hiện các nhiệm vụ liên quan.

Toàn cảnh buổi Lễ ký kết Quy định phối hợp

Tại buổi Lễ, Lãnh đạo VKSND tối cao và Bộ Tài chính đề nghị, sau Lễ Ký kết Quy định phối hợp, hai đơn vị cần quán triệt cho cán bộ trong đơn vị mình và có những biện pháp định hướng để chuyển tải những tư tưởng, tinh thần, những qui định cụ thể của Quy định đến các đơn vị cơ sở; phải tạo được sự thống nhất, sức mạnh tổng thể, toàn diện trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực hải quan từ Trung ương đến địa phương.

Trong quá trình thực hiện, Vụ 3 - VKSND tối cao và Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục hải quan cần tiếp tục có đánh giá, phân tích và làm rõ những nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, tội phạm thông qua những vụ việc cụ thể; tham mưu với cấp có thẩm quyền kịp thời đề ra những biện pháp phòng chống vi phạm, tội phạm có hiệu quả. Đồng thời, phải có các buổi làm việc để trao đổi về kết quả công tác phối hợp, định kỳ tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm để có sự điều chỉnh kịp thời, sát với công tác thực tiễn của từng ngành.

Xem thêm >>>

Thay thế người đứng đầu có biểu hiện bao che cho buôn lậu

Đánh giá công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại bằng thang điểm

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang