Thưởng tiền đến 30% giá trị cho tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy và giao nộp tài sản quốc gia
(kiemsat.vn) Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 29/2018/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, có hiệu lực thi hành từ 5/3/2018.
Những mốc thời gian học sinh cần nhớ trong đợt xét tuyển đại học - cao đẳng 2018
10 trường hợp đương sự có quyền nộp lại đơn khởi kiện
Theo đó, đối tượng áp dụng của Nghị định là cơ quan, người có thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản; cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; các tổ chức, cá nhân khác liên quan.
Nghị định quy định về thẩm quyền quyết định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 106 của Luật quản lý sử dụng tài sản công; xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm không thuộc phạm vi vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia mà do tổ chức, cá nhân Việt Nam phát hiện hoặc tìm thấy thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế về xử lý tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm mà Việt Nam là thành viên. Trường hợp các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên không có quy định về xử lý tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, bị chìm đắm thì áp dụng quy định tại Nghị định này.
Tài sản thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân là tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật: tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; vật chứng vụ án, tài sản khác bị tịch thu theo quy định của pháp luật về hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự; tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, tài sản không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật dân sự; hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan; tài sản của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện bị giải thể nhưng không có quỹ khác có cùng mục đích hoạt động nhận tài sản chuyển giao hoặc bị giải thể do hoạt động vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật dân sự.
Tài sản thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân cũng là tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ nhưng chưa hạch toán ngân sách nhà nước và hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho Nhà nước Việt Nam; tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động; tài sản được đầu tư theo hình thức đối tác công tư được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án.
Đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, nhưng chưa được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý thì thực hiện việc quản lý, xử lý theo quy định tại Nghị định này. Trường hợp tài sản đã có quyết định phê duyệt phương án xử lý trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa hoàn thành việc xử lý thì tiếp tục xử lý và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản theo quy định tại Nghị định này.
Cũng theo Nghị định này, sẽ thưởng tiền cho tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy và giao nộp tài sản bị chôn vùi, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia; phát hiện và cung cấp thông tin chính xác về các loại tài sản này.
Mức tiền thưởng đối với các trường hợp nêu trên căn cứ vào phần giá trị của tài sản. Nếu tài sản có giá trị đến 10 triệu đồng, mức thưởng là 30%; từ 10 - 100 triệu đồng, mức thưởng là 15%; từ 100 triệu - 01 tỷ đồng, mức thưởng là 7%; từ 1 - 10 tỷ đồng, mức thưởng là 1% và từ 10 tỷ đồng trở lên, mức thưởng là 0,5%.
Tổ chức, cá nhân phát hiện và giao nộp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên mà không phải là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, không phải là tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia có giá trị tài sản lớn hơn 10 lần mức lương cơ sở; sau khi trừ chi phí bảo quản thì tổ chức, cá nhân phát hiện và giao nộp được hưởng giá trị bằng 10 lần mức lương cơ sở và 50% giá trị của phần vượt quá 10 lần mức lương cơ sở.
Xem chi tiết Nghị định số 29/2018/NĐ-CP tại đây.
Nghị định này thay thế Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10/4/2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của toàn dân và Nghị định số 96/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ về việc xử lý tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam.
-
1Lưu ý về xây dựng quy chế tiền thưởng với công chức, viên chức theo Nghị định số 73/2024
-
2 Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất
-
3THÔNG BÁO: Từ ngày 01/01/2025, VKSND TP. Hồ Chí Minh tiếp công dân tại trụ sở mới
-
4Quyền của đoàn viên công đoàn được quy định như thế nào?
-
5Quy định mới về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn
-
6Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật, 1 pháp lệnh
-
7Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật được thông qua Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Bài viết chưa có bình luận nào.