Quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự

13/01/2017 10:21

Tội phạm và hình phạt là hai vấn đề cơ bản của Bộ luật hình sự (BLHS). Theo đó, BLHS quy định hành vi nguy hiểm cho xã hội như thế nào thì bị coi là tội phạm và đối với mỗi loại tội phạm bị áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả... mà hành vi đó gây ra cho xã hội.

Cùng với việc quy định hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm thì BLHS còn quy định những trường hợp hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng không bị coi là tội phạm. Đó là những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm những năm qua, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, trên cơ sở kế thừa các quy định của BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 đã bổ sung một số trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Đó là: (1) Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; (2) Rủi ro trong nghiên cứu, thí nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; (3) Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên. Cụ thể:

  1. Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội

Khoản 1 Điều 24 BLHS 2015 quy định “Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm”. Việc bổ sung trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự này phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là phải dựa vào sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động toàn thể xã hội tham gia vào cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, là công cụ pháp lý bảo đảm, khuyến khích mọi người dân chủ động, tích cực, yên tâm tham gia. Tuy nhiên, thực tế để tránh trường hợp lợi dụng quy định trên gây thiệt hại cho người khác, khoản 2 Điều 24 BLHS 2015 nêu rõ “Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Nếu người thực hiện hành vi bắt giữ người phạm tội có gây ra thiệt hại quá mức cần thiết cho người bị bắt giữ nhưng với động cơ tốt thì đây là một trong  những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới được bổ sung tại điểm đ khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 “đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội”. Ngoài ra, trong phần tội phạm cụ thể, BLHS năm 2015 cũng có một số tội bổ sung hành vi liên quan đến việc bắt giữ người phạm tội, như: Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 126); Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 136).

  1. Rủi ro trong nghiên cứu, thí nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

Điều 25 BLHS quy định “Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm…”. Quy định mới này có một ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế tri thức, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường, là sự bảo đảm cho những ý tưởng mới, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật và công nghệ, động viên, khuyến khích các nhà khoa học dám nghĩ, dám làm vì lợi ích xã hội. Tuy nhiên, BLHS cũng quy định những nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới nhưng không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa hậu quả có thể xẩy ra gây thiệt hại cho xã hội thì người thực hiện hành vi này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

  1. Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên

Điều 26 BLHS quy định: “Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Theo điều luật thì việc thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên chỉ không phải chịu trách nhiệm hình sự về thiệt hại xảy ra khi có đủ các điều kiện: Thứ nhất, chỉ được áp dụng trong lực lượng vũ trang, đó là trong quân đội và công an nhân dân, còn trong hoạt động dân sự thì việc thi hành mệnh lệnh của cấp trên nếu gây thiệt hại vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự; thứ hai, thi hành mệnh lệnh để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; thứ ba, người thực hiện hành vi đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó.

Ngoài ra, trong phần tội phạm cụ thể, BLHS năm 2015 cũng có một số tội bổ sung hành vi liên quan đến việc thi hành mệnh lệnh của cấp trên. Theo đó, không loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân mà phạm tội phá hoại hoà bình, gây chiến tranh xâm lược (khoản 2 Điều 421); tội chống loại người (khoản 2 Điều 422); tội phạm chiến tranh (khoản 2 Điều 423).

BLHS năm 2015 đã quy định một chương (chương IV) với 07 điều luật về “Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự”. Có thể thấy, bên cạnh những hành vi bị coi là tội phạm thì còn có những hành vi tuy hình thức cũng giống tội phạm nhưng bản chất không phải là tội phạm. Những trường hợp này, người thực hiện hành vi không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Minh Huyền

VKSND thành phố Vĩnh Yên – tỉnh Vĩnh Phúc

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang