Nhớ tháng 3 Tây Nguyên năm ấy

20/03/2018 17:18

(kiemsat.vn)
Sau chiến dịch Tây Nguyên, để phát triển lực lượng nhằm đẩy mạnh tốc độ tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, căn cứ Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 26/3/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký quyết định thành lập Quân đoàn 3, mở ra một trang sử hào hùng, oanh liệt cho một đạo quân chủ lực, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngày 18/3 vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra buổi gặp mặt Kỷ niệm 54 năm ngày thành lập mặt trận Tây Nguyên và 43 năm ngày thành lập Quân đoàn 3

Trung tướng Nguyễn Vĩnh Phú, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 phát biểu

Phát biểu tại buổi gặp mặt kỷ niệm 54 năm ngày thành lập mặt trận Tây Nguyên và 43 năm ngày thành lập Quân đoàn 3 được tổ chức mới đây, Trung tướng Nguyễn Vĩnh Phú, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 đã xúc động phát biểu: “Điểm lại những chặng đường lịch sử và chiến công to lớn của mặt trận Tây Nguyên – B3 – Quân đoàn 3 suốt 54 năm qua, chúng ta có quyền tự hào là những chiến binh của một đạo quân chủ lực có sức cơ động cao, chiến thắng trên mọi chiến trường và mọi đối tượng tác chiến. Quân đoàn 3 mang trên mình truyền thống “Quyết thắng, sáng tạo, đoàn kết nghiêm túc, tự lực”, đã được Đảng và Nhà nước tuyên dương Đơn vị anh hùng, được tặng thưởng hàng trăm danh hiệu, phần thưởng cao quý, đi dân nhớ, ở dân thương và hết lòng giúp đỡ”. 

Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 

Tại buổi gặp mặt kỷ niệm 50 năm ngày thành lập mặt trận Tây Nguyên và 43 năm ngày thành lập Quân đoàn 3, Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 (1982 - 1989) xúc động nhớ lại những tháng năm gian nan, vất vả phải chịu đựng sự khốc liệt của bom đạn, chiến tranh, sự thiếu thốn lương thực, thực phẩm, thuốc men, phải tự lực, tự cường để đánh giặc và xây đơn vị. Trung tướng cũng điểm lại những tấm gương anh hùng, dũng cảm, những chiến công lừng lẫy của Quân đoàn 3, đơn vị anh hùng.

Nhà văn Dương Thanh Biểu (lễ phục trắng), nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 10 Mặt trận Tây Nguyên

Trao đổi với phóng viên bên lề cuộc Gặp mặt, nhà văn Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC, cán bộ Trung đoàn 28  Sư đoàn 10, từng trực tiếp tham gia chiến đấu tại Mặt trận Tây Nguyên từ tháng 3/ 1968 đến tháng 4/1973 bên cạnh niềm tự hào, vinh dự lại có những chia sẻ hết sức xúc động: “Trên những nẻo đường chiến đấu, hàng vạn đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống và vĩnh viễn nằm lại cao nguyên, hàng vạn đồng đội khác đã để lại một phần máu thịt sau những trận đánh ác liệt. Rất nhiều đồng chí vẫn hàng ngày, hàng giờ chống chọi với bệnh tật do bị ảnh hưởng bởi môi trường sống, do nhiễm chất độc hóa học trong khi tuổi đã cao, sức đã yếu. Là người may mắn hơn những đồng đội khác, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình tri ân và chia buồn sâu sắc tới các thân nhân liệt sĩ Quân đoàn 3 anh hùng và những thương bệnh binh đang đối mặt với cuộc sống và bệnh tật. Mỗi lần gặp mặt các cựu binh như thế nầy, tự hào bao nhiêu với chiến công của Quân đoàn 3, càng bùi ngùi xúc động bấy nhiêu vì có hàng vạn đồng đội thân yêu của mình không có mặt trong ngày vui Đại thắng”.     

Buổi gặp mặt kỷ niệm 54 năm ngày thành lập mặt trận Tây Nguyên và 43 năm ngày thành lập Quân đoàn 3 đã đón nhiều tướng lĩnh, sĩ quan, nguyên là lãnh đạo chủ chốt của Quân đoàn, các đơn vị và hàng trăm đồng chí nguyên là cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu và trưởng thành tại đơn vị anh hùng của Cao nguyên. Các bác, các chú tuy tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng không quảng ngại đường xá xa xôi để về gặp mặt, ôn lại những ngày tháng gian khổ nhưng đầy vinh quang của Quân đoàn 3 anh hùng. Buổi gặp mặt kỷ niệm 54 năm ngày thành lập mặt trận Tây Nguyên và 43 năm ngày thành lập Quân đoàn 3 đã thành công tốt đẹp và để lại những ấn tượng sâu sắc trong trái tim những người tham dự. 

Một số hình ảnh Buổi gặp mặt Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập mặt trận Tây Nguyên và 43 năm ngày thành lập Quân đoàn 3:

 

 

Tây nguyên là vùng đất chiến lược về quân sự, quốc phòng, có tiềm năng to lớn về kinh tế và những nét văn hóa dân tộc độc đáo. Trong chiến tranh thống nhất đất nước, cả ta và địch đều nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của Tây Nguyên. Ngày 01/5/1965, Mặt trận Tây nguyên được thành lập thì tháng 10/1965, Mỹ và chư hầu đã chính thức đưa quân lên tham chiến tại vùng này. Trong suốt 11 năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ, trên chiến trường Tây nguyên đã có nhiều chiến dịch quân sự quy mô lớn được mở ra, nhiều trận đánh ác liệt với nhiều loại khí tài quân sự, phương tiện kỹ thuật hiện đại. Hầu hết những Sư đoàn thiện chiến nhất của Mỹ, ngụy đều được điều động tham chiến tại chiến trường này. Những chiến dịch nổi tiếng như Playme cuối năm 1965, chiến dịch Đông và Tây Sa Thầy năm 1966, chiến dịch Đắk Tô 1 (1967), Đắk Tô 2 (1969), chiến dịch Đắk Siêng 1970, Nam đường 18 năm 1971 đã đi vào lịch sử dân tộc, ghi lại những dấu son chói lọi trong quân sử Việt Nam. Đặc biệt, đòn tiến công chiến lược xuân Mậu Thân 1968 và chiến dịch xuân hè 1972 đã làm thay đổi cục diện chiến trường Tây nguyên, gây thiệt hại nặng nề cho địch và cục diện chiến trường nghiêng về hướng có lợi cho ta. Đặc biệt, chiến dịch Tây Nguyên tháng 3 năm 1975 đã giải phóng hoàn toàn cao nguyên và các tỉnh duyên hải từ Bình Định đến Phú Yên, giáng cho địch một đòn chí mạng, tạo tiền đề cho sự sụp đổ hoàn toàn và tan rã nhanh chóng của chế độ Sài Gòn một tháng sau đó.

Trải qua 43 năm nối tiếp truyền thống của bộ đội chủ lực Tây Nguyên, Quân đoàn 3 đã lập nhiều chiến công vang dội. Chỉ sau một tháng thành lập đã đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh chiếm 2/5 mục tiêu chủ yếu của chiến dịch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngay sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Quân đoàn 3 lại nhận nhiệm vụ giải quyết hậu quả chiến tranh, xây dựng chính quyền non trẻ, tham gia truy quét Phun rô. Quân đàon 3 cũng cơ động bảo vệ biên giới phía nam tổ quốc và giúp nước bạn Cam-Pu-Chia đánh đuổi quân diệt chủng Pôn-Pốt. Năm 1979, Quân đoàn 3 lại cơ động ngược về biên giới phía Bắc. Sau 9 năm xây dựng, huấn luyện và tham gia chiến đấu, năm 1987, theo yêu cầu bố trí chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Quân đoàn 3 lại di chuyển toàn bộ về Tây Nguyên, tiếp tục sát cánh cùng Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên xây dựng và bảo vệ vững chắc vùng đất chiến lược của Tổ quốc cho đến ngày hôm nay.Sau chiến dịch Tây Nguyên, để phát triển lực lượng nhằm đẩy mạnh tốc độ tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, căn cứ Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 26/3/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký quyết định thành lập Quân đoàn 3 gồm hầu hết các đơn vị chủ lực tham gia chiến trường Tây Nguyên thời kỳ đó.

 

(Bài viết có sử dụng tư liệu do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Phú, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 cung cấp)

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang