Nhiều dấu hiệu vi phạm về bảo tồn di sản trên vịnh Hạ Long trong khi sửa chữa, xây dựng

24/04/2017 04:03

(kiemsat.vn)
Nhiều vi phạm bảo tồn di sản trên Vịnh Hạ Long đang diễn ra khi đơn vị thi công đục khoét, phá vỡ núi đá cảnh quan thiên nhiên trong quá trình đào móng công trình. Thêm vào đó, mặc dù nhiều hạng mục đã sửa chữa xong nhưng vẫn nhếch nhác, thiếu đồng bộ, không tương xứng với một di sản thiên nhiên tầm cỡ thế giới.

Vịnh Hạ Long đã nhiều lần được Unesco công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, là một trong 7 kỳ quan của thế giới hiện đại, là niềm tự hào của Việt Nam. Thế nhưng hiện nay, việc xây dựng sửa chữa tại khu vực động Thiên Cung và hang Đầu Gỗ trên vịnh Hạ Long có dấu hiệu vi phạm luật bảo vệ Di sản văn hóa khi phá vỡ núi đá, đổ phế thải xây dựng xuống biển gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cảnh quan thiên nhiên của vịnh.

Điều 32 Luật Di sản văn hóa: “Việc xây dựng công trình không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích”; Vi phạm nguyên tắc bảo tồn, tôn tạo trong Quyết định số 1139/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh, cần tuyệt đối tuân thủ, giữ gìn cảnh quan không gian tự nhiên do thiên tạo; hạn chế tối đa sự tác động của con người làm thay đổi cảnh quan, không gian, hình thức kiến trúc, giao thông khi tôn tạo. Nghiêm cấm việc phá núi hoặc bổ sung những công trình, chi tiết kiến trúc trong hang động, ngoài hang động không phù hợp và không hài hoà với cảnh quan thiên nhiên.

(Clip: Cảnh xây dựng đục khoét phá vỡ núi đá tại cửa hang Đầu Gỗ Vịnh Hạ Long)

Trên thực tế theo quan sát, ngay từ hệ thống cầu cảng đường dẫn vào động Thiên Cung và hang Đầu Gỗ đã hoàn thiện nhưng bên dưới đầy phế thải xây dựng đổ thành từng đống to bám vào các trụ cầu. Điều này làm nhiều du khách lo ngại về việc gây ô nhiễm môi trường biển và ảnh hưởng đến vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên nơi đây. Trong đoàn tham quan, nhiều du khách đã góp ý phàn nàn về việc này.

“Dưới biển có quá nhiều phế thải xây dựng, tôi lo ngại sẽ rất ô nhiễm”, Chị Thủy – một du khách Nam Định nói, “tôi nghĩ các cơ quan chức năng cần quy định tiêu chuẩn về ô nhiễm cũng như kiểm tra thẩm định các dự án xây dựng này”.

Chị Lan Anh (du khách Hà Nội) nói: “Mỗi ngày, Vịnh Hạ Long đón hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Nếu họ đi về và đăng ảnh nơi đây bẩn, nhếch nhác thế này thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh Việt Nam trên toàn thế giới”.

Hệ thống cầu dẫn vào các hang động đã hoàn thành nhưng bên dưới vẫn đầy phế thải xây dựng.
Phế thải xây dựng không chỉ làm ô nhiễm môi trường biển mà còn… 
… làm xấu cảnh quan thiên nhiên và hình ảnh vịnh Hạ Long đối với du khách trong và ngoài nước.
Đường dây điện để tùy tiện trên đường dẫn vào các hang động, lan can làm bằng bê tông giả gỗ trông giả tạo không hợp với cảnh quan tự nhiên của vịnh Hạ Long.
Hệ thống cầu thang được chát qua loa bằng xi măng không xứng tầm với một di sản thiên nhiên thế giới.
Hệ thống đường đá trong hang chỗ thì lát đá vuông, chỗ thì tròn thiếu thẩm mỹ, đồng bộ.
Hệ thống giây cọc trong các hang động chỉ là các cọc sắt rất sơ sài không khác gì các dây căng ở những bãi gửi xe!
Các khe của vách đá bị chát xi măng đã làm mất đi tính tự nhiên của núi đá và thẩm mỹ.

Trước thực trạng trên, Phóng viên chúng tôi đã đến làm việc với Ban Quản lý Dự án Công trình thành phố Hạ Long và được ông Cường – Phó Ban Quản lý cho biết, việc sửa chữa xây dựng trên vịnh Hạ Long theo Quyết định số 1139/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc Phê duyệt quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020, cho phép sửa chữa, tôn tạo một số hạng mục như đường thăm quan trong lòng các hang động trên Vịnh Hạ Long, xây dựng hệ thống dịch vụ du lịch như: Sàn đón khách, nhà trung tâm, điểm dừng chân, điểm bán quà lưu niệm… Việc sửa chữa này nằm trong dự án tổng thể với mức chi phí lên đến 60 tỷ đồng.

Ông Cường nói: “Sau thời gian dài sử dụng, với lượng du khách tham quan đông, môi trường trong hang ẩm ướt đã khiến nhiều vị trí bị mục nát, xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho du khách. Chúng tôi đã tiến hành cải tạo, sửa chữa hạng mục đường dẫn, cầu thang, đường điện, sân khấu trong hang Đầu Gỗ và đã hoàn thành cải tạo từ 30/4/2016”.

Trao đổi với ông Cường – Phó Ban Quản lý Dự án công trình thành phố Hạ Long.

Theo lời ông Cường thì hệ thống cầu thang, đường dây điện, đường dẫn trong hang Đầu Gỗ đã sửa chữa xong từ 2016 đã rất đẹp và thuận tiện cho du khách. Nhưng trên thực tế, hang Đầu Gỗ vẫn tối tăm, thiếu ánh sáng và đèn màu trang trí, mất vệ sinh vệ sinh, bừa bãi, nhiều hình vẽ bẩn trên vách đá, khắc chữ bẩn lên bia đá vua Khải Định … Ngoài ra nhiều tảng đá ở cửa động “bỗng dưng” được sơn phủ một lớp vật liệu xây dựng trông rất giả tạo, làm mất đi vẻ đẹp thiên nhiên của hang động.

Cầu thang trong hang Đầu Gỗ dùng gạch và gỗ lẫn lộn rất thiếu đồng bộ.
Hệ thống dây điện chát xi măng tạm bợ trông rất luộm thuộm.
Các mảnh đá vụn bừa bãi làm hang Đầu Gỗ trông mất vệ sinh.

Các hình vẽ, chữ viết bẩn trên vách đá trong hang Đầu Gỗ đã có từ rất lâu, tồn tại nhiều năm nay. Thế nhưng không hiểu tại sao thành phố Hạ Long vẫn chưa tìm được giải pháp khắc phục tình trạng trên? Mặc dù không phải tất cả các chữ bẩn đều phải sử dụng đến phương pháp đục khoét vách đá để làm sạch.

Vách đá trong hang Đầu Gỗ bị vẽ bẩn …
… đã tồn tại nhiều năm ….
… bằng các ngôn ngữ khác nhau ở những vị trí cao rất khó có thể viết. Nhưng đến nay, thành phố Hạ Long vẫn chữa tìm được phương pháp khắc phục?
Các tảng đá tự nhiên trong hang Đầu Gỗ “bỗng dưng” bị quét phủ những lớp vật liệu xây dựng làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên.
Tấm bia đá của vua Khải Định cũng bị vẽ khắc nhiều chữ cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài.

Sau khi trao đổi với Ban Quản lý Dự án Công trình thành phố Hạ Long, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc đề nghị Ban Quản lý Dự án Công trình thành phố Hạ Long cung cấp hồ sơ xây dựng sửa chữa các hạng mục trên Vịnh Hạ Long nhưng đến nay vẫn chưa được Ban quản lý cung cấp.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông báo sự việc cho bạn đọc khi có thêm thông tin.

Lê Cường

Quyết định số 1139/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc Phê duyệt quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020:

2.3. Về nguyên tắc bảo tồn, tôn tạo: – Tuyệt đối tuân thủ, giữ gìn cảnh quan không gian tự nhiên do thiên tạo; hạn chế tối đa sự tác động của con người làm thay đổi cảnh quan, không gian, hình thức kiến trúc, giao thông khi tôn tạo. – Nếu có tôn tạo, chỉnh trang phải áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại để thực hiện nhưng phải gắn kết chặt chẽ cảnh quan, không gian tự nhiên, tạo nên sự hài hoà tổng thể chung trong khu vực. – Nghiêm cấm việc phá núi hoặc bổ sung những công trình, chi tiết kiến trúc trong hang động, ngoài hang động không phù hợp và không hài hoà với cảnh quan thiên nhiên.

Điều 32 Luật Di dản văn hóa

3. Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó. Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích.”
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang