Ngành Kiểm sát nhân dân: Chuyển biến tích cực trong giải quyết án về tham nhũng, kinh tế

31/10/2018 13:13

(kiemsat.vn)
Sáng nay, 30/10, báo cáo trước Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết kết quả giải quyết án về tham nhũng, kinh tế chuyển biến tích cực; số vụ án được phát hiện, khởi tố tiếp tục tăng, trong đó có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

Trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra được tăng cường

Theo báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao, ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt một số kết quả nổi bật trong tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, do đó các trường hợp quá hạn giải quyết giảm dần; số lượng, chất lượng các bản yêu cầu điều tra tăng, chiếm hơn 80% số vụ án mới khởi tố; số vụ án Kiểm sát viên tham gia hỏi cung, phúc cung tăng cao hơn các năm trước; số bị can phải đình chỉ do không phạm tội và số bị cáo Tòa án tuyên không phạm tội giảm dần theo từng năm (năm 2018 giảm 50% so với cùng kỳ).

Bên cạnh đó, chất lượng hồ sơ giải quyết án hình sự được nâng lên; các trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung do lỗi chủ quan của Kiểm sát viên giảm; tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng giảm dần theo từng năm (năm 2017 giảm 0,61%; năm 2018 giảm 1,22%).

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí báo cáo trước Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 6 (Ảnh: Quốc hội)

Chuyển biến tích cực trong giải quyết án về tham nhũng, kinh tế

Trong phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, vai trò, trách nhiệm của VKSND được thể hiện rõ nét hơn trong việc áp dụng các biện pháp tố tụng đấu tranh làm rõ hành vi, xác định tội danh, không chỉ truy tố kẻ phạm tội mà còn tập trung thu hồi tài sản tham nhũng thất thoát, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong đấu tranh xử lý tội phạm về tham nhũng, kinh tế (năm 2018, số tài sản tham nhũng được thu hồi cao hơn các năm trước).

Kết quả giải quyết án về tham nhũng, kinh tế chuyển biến tích cực.Trong thời gian ngắn, đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh, triệt để những vụ án lớn, dư luận xã hội quan tâm. VKSND tối cao đã phối hợp với các cơ quan tư pháp trung ương chỉ đạo giải quyết nhiều điểm nóng về an ninh trật tự; xử lý nghiêm nhiều vụ án về tham nhũng trong hoạt động tư pháp (năm 2018, Cơ quan điều tra VKSND tối cao thụ lý, điều tra tăng 39,3% số vụ, trong đó khởi tố, điều tra nhiều tội phạm trong các lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án).

Rà soát, kiểm tra trả lời, giải quyết các vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn

Đối với vụ việc cụ thể các đại biểu Quốc hội chất vấn. Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, trong kỳ đã nhận được 18 chất vấn của đại biểu Quốc hội về 17 vụ việc trong lĩnh vực dân sự và hình sự. Đây là những vụ việc phức tạp, kéo dài nhiều năm, việc giải quyết không chỉ thuộc trách nhiệm của ngành Kiểm sát. Kết quả là đã giải quyết xong 10 vụ, việc, trong đó đã kháng nghị tái thẩm đối với 01 vụ, kháng nghị giám đốc thẩm đối với 01 vụ án; tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc giải quyết 08 vụ, việc đúng quy định của pháp luật (01 vụ đang chuẩn bị xét xử phúc thẩm; 03 vụ án đang tạm đình chỉ; 04 vụ, việc đang xác minh, giải quyết).

Mặc dù đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả tích cực, nhưng Viện trưởng VKSND tối cao thừa nhận vẫn còn tồn tại hạn chế trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm do nhiều lý do khách quan, chủ quan, có những vấn đề chưa thể khắc phục ngay được vì là những vụ án lớn, án truy xét, kéo dài nhiều năm, liên quan đến nhiều cấp; những bất cập trong Luật Giám định tư pháp và quy định pháp luật trong nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước còn có sơ hở và chồng chéo gây khó khăn cho các cơ quan tư pháp trong việc xác định trách nhiệm hình sự hay hành chính. Án tham nhũng cần phải chặt chẽ về thủ tục, cần quỹ thời gian cần thiết mới có thể giải quyết triệt để các yêu cầu về chứng cứ, thu hồi tài sản và để hạn chế việc bỏ lọt tội phạm thì các cơ quan tố tụng có lúc phải áp dụng các biện pháp tố tụng do luật cho phép như: trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tách vụ án ra nhiều giai đoạn để xử lý...

Một số kiến nghị của Viện trưởng VKSND tối cao:

Một là, cần tiếp tục có sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và cấp uỷ các địa phương đối với việc phát hiện, xử lý loại tội phạm này. Khi các cơ quan tố tụng có những vướng mắc, quan điểm chưa thống nhất cần có sự chỉ đạo kịp thời của cấp có thẩm quyền để tháo gỡ.

Hai là, Quốc hội cần xây dựng những cơ chế pháp lý đủ mạnh trong việc áp dụng các biện pháp điều tra để phát hiện tội phạm tham nhũng, trong việc xử lý tài sản bất minh, tài sản tham nhũng.

Ba là, tăng cường công tác giám sát chuyên đề nhằm đề cao trách nhiệm của các cơ quan trong công tác giám định, định giá tài sản phục vụ kịp thời và hiệu quả cho công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng, kinh tế và các tội phạm khác (đã gỡ một bước nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc).

Bốn là, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, tạo điều  kiện về kinh phí trong hoạt động điều tra tội phạm cho ngành Kiểm sát theo quy định mới của Bộ luật tố tụng hình sự (nhân dịp này Tôi xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ và một số bộ, ban, ngành đã quan tâm, tháo gỡ những khó khăn bước đầu cho ngành Kiểm sát theo Thông báo số 205/TB-VPCP ngày 05/6/2018 của Văn phòng Chính phủ).

Năm là, để giải quyết triệt để và có hiệu quả những kiến nghị, chất vấn của Quốc hội, nhất là các vụ việc đã xảy ra từ lâu, kéo dài thì cần có sự phối hợp của liên ngành và sự chủ trì của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội như: Ban Dân nguyện, Uỷ ban Tư pháp Quốc hội.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang