Hỏi cung bị can và các biện pháp bảo đảm quyền của bị can khi hỏi cung

17/04/2018 09:03

(kiemsat.vn)
BLTTHS năm 2015 đã bổ sung một số quyền mới của bị can so với BLTTHS năm 2003 như: Không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; được đề nghị giám định, định giá; được đọc, ghi chép tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu...

Đây là một trong những quy định mới rất có lợi cho bị can, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bị can khi tham gia tố tụng hình sự, vì bị can là người bị khởi tố về hình sự và phải chịu nhiều chế tài ràng buộc nhất định của pháp luật. Trong quá trình tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải có biện pháp bảo đảm quyền và nghĩa vụ của họ, tức là tối thiểu phải làm cho họ hiểu rõ các quyền, nghĩa vụ của mình.

Trong bài viết này, tác giả đề cập tới phạm vi hẹp của quyền bị can khi tham gia vào một trong các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ quan trọng bậc nhất, đó là tham gia vào hoạt động hỏi cung, mà bị can chính là đối tượng của việc hỏi cung. Khi tiến hành hoạt động hỏi cung bị can, Cơ quan điều tra, Điều tra viên phải sử dụng những biện pháp để bảo đảm cho việc hỏi cung bị can được tuân thủ đúng quy định, vừa bảo đảm được đầy đủ nhất quyền của bị can. 

Về quyền và nghĩa vụ cho bị can

Khoản 2 Điều 183 BLTTHS năm 2015 quy định: “Trước khi tiến hành hỏi cung lần đầu, Điều tra viên phải giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 60 của Bộ luật này. Việc này phải được ghi vào biên bản”. 

Điều 131 BLTTHS năm 2003 quy định: “Trước khi hỏi cung, Điều tra viên phải đọc quyết định khởi tố bị can và giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ theo Điều 49 của Bộ luật này này. Việc này phải được ghi vào biên bản”.

Như vậy, cả 02 Bộ luật TTHS năm 2015 và 2003 đều quy định về giải thích quyền và nghĩa vụ của bị can là việc làm bắt buộc của Điều tra viên trước khi tiến hành hỏi cung bị can đều. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2003 yêu cầu ở tất cả những lần hỏi cung, bị can phải được giải thích về quyền và nghĩa vụ mình, trong khi BLTTHS 2015 chỉ yêu cầu giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị can khi tiến hành hỏi cung bị can lần đầu tiên. So với quy định của BLTTHS năm 2003 thì quy định mới có phần bó hẹp về số lần giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị can, với nhận thức rằng Điều tra viên chỉ cần giải thích cho bị can lần đầu là bị can đã hiểu và nắm được quyền và nghĩa vụ của mình, những lần hỏi cung sau không cần giải thích. Vấn đề đặt ra, đối với những bị can có nhận thức cơ bản tốt thì khi giải thích lần đầu có thể đã hiểu và nắm vững ngay được quyền của mình; còn những bị can có nhận thức chưa tốt, tư duy hạn chế và trong hoàn cảnh bị hỏi cung lần đầu tâm lý không vững vàng, trạng thái tinh thần chưa ổn định thì việc giải thích lần đầu (có thể là lần duy nhất) như vậy đã đảm bảo việc họ nắm vững quyền và nghĩa vụ của mình hay chưa. Theo quan điểm của tác giả thì quy định mới của BLTTHS năm 2015 có phần bất lợi và hạn chế quyền của bị can so với BLTTHS năm 2003.

Thực tế, có một số Điều tra viên đã tuân thủ nghiêm ngặt quy định của BLTTHS, qua đó thực hiện tốt, đầy đủ quy định về giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị can. Nhưng cũng có trường hợp Điều tra viên chưa tuân thủ quy định này, không loại trừ việc Điều tra viên không giải thích hoặc giải thích không đầy đủ, dẫn đến bị can không nắm bắt được quyền và nghĩa vụ của mình. Ngay cả mẫu biên bản hỏi cung bị can có in sẵn dòng chữ: “Bị can đã được giải thích quyền và nghĩa vụ theo Điều 60 của Bộ luật Tố tụng hình sự” và Điều tra viên chỉ việc cho bị can ký tên xác nhận, vô hình chung coi như đã tiến hành giải thích quyền, nghĩa vụ của bị can.

Về quyền yêu cầu của bị can khi hỏi cung

Một trong những điểm mới nữa của BLTTHS năm 2015 so với BLTTHS năm 2003 về hỏi cung bị can là việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Khoản 6 Điều 183 BLTTHS năm 2015 quy định: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.

Việc hỏi cung bị can được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, thực tiễn hiện nay đã xuất hiện nhiều điểm vướng mắc, bất cập, xin phép không trình bày, tôi chỉ tập trung nêu vấn đề liên quan đến quyền của bị can khi tham gia hỏi cung.

Điều 60 BLTTHS năm 2015 có nêu bị can có quyền “Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu” và cũng không giải thích cụ thể quyền yêu cầu này của bị can khi hỏi cung là những vấn đề cụ thể gì, cách thức thực hiện quyền yêu cầu này như thế nào.

Một số biện pháp bảo đảm quyền của bị can trong hỏi cung

Một là, trong cuộc hỏi cung lần đầu tiên, Kiểm sát viên cần thiết phải tham gia kiểm sát việc hỏi cung của Điều tra viên, trừ trường hợp khách quan không thể tham gia thì phải tham gia ngay lần tiếp theo. Khi hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra có ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, Kiểm sát viên phải yêu cầu Điều tra viên giải thích đầy đủ quyền, nghĩa vụ của bị can theo Điều 60 BLTTHS và việc giải thích đó phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Có một số ý kiến cho rằng, quy định việc giải thích được thực hiện trước khi tiến hành hỏi cung và không cần đưa vào nội dung ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Cách hiểu như vậy là chưa chính xác, bởi việc giải thích quyền và nghĩa vụ phải xác định là nội dung quan trọng và bắt buộc phải đưa vào nội dung ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, bởi đây là quy định bắt buộc của tố tụng. Kiểm sát viên phải kiên quyết yêu cầu về thời điểm bắt đầu ghi âm hoặc ghi hình càng sớm càng tốt, đồng thời ngay sau khi giải thích xong quyền và nghĩa vụ phải cho bị can ký xác nhận và ghi rõ bị can đã được giải thích quyền và nghĩa vụ đầy đủ.

Trong những lần hỏi cung tiếp theo, có thể hỏi tiếp bị can đã hiểu đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình chưa, nếu không nhớ có cần phải giải thích lại nữa không. Trường hợp bị can có ý kiến về việc thực hiện một trong những quyền quy định tại Điều 60 BLTTHS thì Điều tra viên phải có biện pháp bảo đảm cho họ thực hiện theo quy định của pháp luật. Có như vậy, việc giải thích quyền và nghĩa vụ của bị can mới được thực hiện một cách trọn vẹn và hiệu quả nhất.

Hai là, biện pháp bảo đảm quyền yêu cầu của bị can khi hỏi cung. Trước khi hỏi cung bị can, Kiểm sát viên phải yêu cầu Điều tra viên thông báo rõ cho họ biết việc hỏi cung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo quy định của pháp luật để họ chuẩn bị về mặt tâm lý cũng như chủ động trong lời khai của mình và biết được việc ghi âm hoặc ghi hình này sẽ là chứng cứ đưa ra xem xét công khai tại phiên tòa. Điều tra viên không được ghi âm hoặc ghi hình trong những trường hợp trái quy định như ghi âm hoặc ghi hình bằng hình thức không công khai, quay lén, tự ý cắt xén lời khai... và việc thông báo này phải được ghi vào biên bản hỏi cung bị can thì mới đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo quy định khi bị can có yêu cầu. Để bảo đảm quyền này, nếu hỏi cung ở địa điểm khác, bắt buộc Điều tra viên cần giải thích và hỏi rõ bị can có yêu cầu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh hay không. Nếu không giải thích đương nhiên là bị can không thể biết được quy định này, bởi Điều 60 BLTTHS chỉ quy định chung chung về quyền yêu cầu. Phải nhận thức rằng, trong trường hợp cụ thể khi bị can yêu cầu phải ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì bắt buộc phải thực hiện, nếu không tiến hành ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì việc hỏi cung buộc phải dừng lại; nếu bị can đồng ý tiếp tục hỏi cung mà không cần ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì tiến hành hỏi cung bình thường và việc hỏi này bắt buộc phải ghi vào biên bản hỏi cung bị can.

Ba là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức để nâng cao trình độ nghiệp vụ của đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên về công tác hỏi cung, kiểm sát việc hỏi cung bị can là yêu cầu cấp thiết. Điều tra viên và Kiểm sát viên phải nắm vững được quy định về quyền và nghĩa vụ của bị can khi tham gia hoạt động tố tụng hình sự. Đồng thời phải đổi mới nhận thức về bị can, phải tôn trọng và có biện pháp bảo đảm quyền của họ được thực hiện hiệu quả nhất, đây cũng là trách nhiệm của người tiến hành tố tụng, phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp hiện nay. Chúng ta sử dụng mọi biện pháp hợp pháp để đấu tranh với tội phạm nhưng cũng phải tạo điều kiện thuận lợi để cho họ được thực hiện quyền của mình. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu cho công tác chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm.

Hoàng Minh Công

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang