Gia cố “chuồng cọp” là tự nhốt mình trong hỏa hoạn

16/10/2018 09:43

(kiemsat.vn)
"Chuồng cọp", lồng sắt ban công hay các biển quảng cáo cỡ lớn được người dân sử dụng ngày càng phổ biến với mục đích cơi nới mở rộng diện tích nhà hoặc chống trộm. Tuy nhiên, bên cạnh những tác dụng trên thì các sáng kiến này lại là rào chắn, nhốt gia chủ khi không may hỏa hoạn.

Rào kiên cố: Cháy không thể thoát

“Chuồng cọp” là từ lóng để chỉ những ngôi nhà có gắn lồng sắt bao quanh ban công. Nhiều năm qua, chuyện làm "chuồng cọp", “lồng chim” đã trở thành một kiểu cơi nới phổ biến ở hầu hết các khu đô thị lớn. Nhiều gia đình khi mở rộng diện tích, lo ngại bị trộm đột nhập nên đã thiết kế không gian cơi nới thành những chiếc lồng sắt bịt kín theo kiểu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Khi bà hỏa viếng thăm thì cảnh sát chữa cháy không thể tiếp cận còn gia chủ thì… khó có thể thoát. 

Theo ANTV, chỉ trong chưa đầy 2 tháng, tại Hà Nội đã xảy ra 04 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người mà nguyên nhân là do khung sắt của các "chuồng cọp" quá kiên cố.

Rạng sáng ngày 02/7/2017, căn hộ 115 nhà A11 khu tập thể Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân) bất ngờ bùng cháy dữ dội. Đám cháy chỉ nằm trong diện tích hơn 30m2 nhưng do nguyên liệu dễ cháy kèm khói độc nên ảnh hưởng đến an toàn tính mạng người dân. Tuy nhiên, phía trước căn hộ có "chuồng cọp" kiên cố nên sau hơn 1 giờ đồng hồ, lực lượng cứu hỏa mới đưa được gần 20 người thoát khỏi lửa khói mà không có thiệt hại về người.

Không được may mắn như vụ hỏa hoạn trên, trung tuần tháng 7/2017, một vụ cháy lớn tại căn nhà 4 tầng ở phố Vọng (Hai Bà Trưng) đã cướp đi sinh mạng của 2 người. Thời điểm lửa bùng phát ở tầng một, các tầng hai, ba, bốn của căn nhà đều bị bịt kín bởi các thanh sắt được hàn kiên cố. Cảnh sát chữa cháy phải dùng kìm thủy lực cắt các song sắt nhưng thời gian phá dỡ kéo dài, đám cháy lại bùng phát quá nhanh nên chỉ giải cứu được 1 người, 2 phụ nữ còn lại thiệt mạng vì ngạt khói.

Trước đó, đêm 13/7/2017, tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm đã xảy ra vụ hỏa hoạn khiến 4 người trong một gia đình tử vong vì ngạt khói. Điều đáng nói là khu vực cháy chỉ xảy ra tại tầng một, nhưng vì các tầng trên không có lối thoát nên đã dẫn tới việc cả gia đình mất mạng.

Không lâu sau đó, khoảng 1h30’ ngày 25/9/2017, ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, đã xảy ra vụ hỏa hoạn tại ngôi nhà 5 tầng làm 2 cháu bé tử vong. Khi lửa lớn kèm khói đen đặc bốc lên bịt kín mặt tiền ngôi nhà, người dân cùng lực lượng chức năng đã phá những thanh sắt ở chuồng cọp nhưng do mất nhiều thời gian nên đã không kịp cứu các cháu nhỏ.

Tâm lý “rào chắc, buộc chặt” của người dân đã vô tình khóa mất lối thoát nạn của gia đình khi có sự cố xảy ra. Tuy nhiên, bất chấp mối nguy hiểm hiện hữu, những “chuồng cọp” vẫn đang tiếp tục mọc lên.

Không chỉ nhà tập thể, chung cư cũ mà hiện nay nhiều nhà ống ở Hà Nội cũng làm lồng sắt bịt ban công. (Ảnh: Dân Trí)

Giải pháp nào cho vấn đề cơi nới?

Đến nay, "chuồng cọp" gần như đã trở thành một phần “tất yếu” của các khu nhà tập thể cũ. Theo đại diện lãnh đạo Cảnh sát PCCC thành phố, tại Hà Nội có hàng chục nghìn “chuồng cọp”, lồng sắt ban công đang tồn tại và phần lớn đều thiếu điều kiện bảo đảm an toàn PCCC. Việc người dân tự ý gia cố vật liệu kiên cố khiến cho khi có cháy xảy ra, lực lượng PCCC tiếp cận cứu người rất khó khăn, mất nhiều thời gian để cắt, phá... dẫn tới tốc độ xử lý sự cố cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ chưa kịp thời để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.

Việc hàn kín các thanh sắt quanh nhà đa phần do người dân tự ý thực hiện, trong thiết kế hoàn toàn không có. Do vậy, thời gian qua, lực lượng PCCC và các ngành chức năng đã khuyến nghị, hướng dẫn người dân nếu đã thiết kế chuồng cọp theo mô hình cũ thì cần nhanh chóng sửa chữa, thay đổi cách hàn khung sắt để không xảy ra những hậu quả đau lòng như thời gian qua.

Để đảm bảo an toàn cháy nổ, lực lượng chức năng đã hướng dẫn người dân nên cải tạo, lắp đặt tại "chuồng cọp" một chiếc cửa để có lối thoát hiểm cho mọi người trong các tình huống khẩn cấp. Có thể khóa cửa lại và để chìa khóa tại nơi cố định, dễ lấy. Trong những trường hợp đặc biệt, xảy ra sự cố, nếu không thấy chìa khóa cũng có thể dùng kìm cộng lực để cắt khóa tạo lối thoát hiểm.

Về giải pháp tạo lối thoát hiểm khi hỏa hoạn xảy ra đối với những ngôi nhà “chuồng cọp”, kiến trúc sư Phạm Thị Bình, Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Trường Giang cho rằng, ngoài việc tạo một cánh cửa thoát hiểm ở lồng sắt thì gia chủ có thể thiết kế một chiếc nắp ở ngay nền phòng “chuồng cọp”, khi xảy ra hỏa hoạn, mọi người trong nhà có thể mở chiếc nắp này. Sau khi mở nắp, một chiếc móc đu dây sẽ là giải pháp tuyệt vời để thoát ra khỏi đám cháy.

Kiến trúc sư Phạm Thị Bình cho biết thêm, đối với chuồng cọp tại những ngôi nhà cao tầng thì gia đình có thể tạo một đường ống hoặc một lối thoát hiểm đặc biệt được sử dụng để thay thế cầu thang thoát hiểm thông thường. Ống thoát hiểm đó được thiết kế gắn trên tầng thượng. Khi xảy ra hỏa hoạn, người dân sẽ thoát bằng cách leo lên sân thượng, theo ống dẫn đó để thoát ra ngoài. Ống dẫn bằng vải, đôi khi bằng kim loại được lắp gần lối thoát hiểm trên tầng thượng hoặc mái của tòa nhà. Đây là một phương pháp thoát hiểm đơn giản và hiệu quả dành cho các tòa nhà tương đối thấp hay như căn hộ cao tầng của các nhà dân hiện nay.  

Khung kim loại quây kín mặt tiền ngôi nhà, làm đẹp nhưng không đảm bảo an toàn trong tình huống xảy ra hoả hoạn (Ảnh: Dân trí)

Xảy ra hỏa hoạn nhưng lực lượng PCCC vẫn phải vật lộn với khung sắt bao quanh ngôi nhà (Ảnh: giađinhnet)

Hành vi tự ý xây dựng, cải tạo những "chuồng cọp" sẽ bị xử lý theo Nghị định 126/2004/NĐ-CP ngày 26/5/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà: Phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi: Đục phá, cải tạo, cơi nới dưới mọi hình thức. Tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị xử phạt bổ sung và bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp như tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng vi phạm, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; buộc tháo dỡ bộ phận công trình đối với các vi phạm theo quy định.

Khoản 11, Điều 12 Luật Xây dựng nghiêm cấm hành vi xây dựng, cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.

Việc xây dựng, cơi nới ban công “chuồng cọp” nếu xét thấy có sự lấn chiếm diện tích, không gian chung hoặc đang được quản lý, sử dụng của người khác thì là vi phạm pháp luật và người vi phạm phải chịu xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng theo quy định tại điểm c khoản 3 và điểm c khoản 5 Điều 55 Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với quản lý sử dụng nhà chung cư và quản lý nhà ở.

Xem thêm>>>

Cháy cao ốc: Chạy xuống hay chạy ngược lên trên mới an toàn?

Từ 15/4: Bắt buộc chung cư, khách sạn từ 5 tầng trở lên phải mua bảo hiểm cháy nổ

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang