Công an thông tin về 5 thủ đoạn mà tội phạm công nghệ cao sử dụng để lừa đảo

08/12/2018 15:00

Trước tình trạng nhiều người mất trắng hàng chục, hàng trăm triệu đồng vào tay các đối tượng lừa đảo chỉ vì nhẹ dạ, cả tin, lãnh đạo Công an TP. Hải Dương đã có thông tin về các hình thức lừa đảo bằng công nghệ cao.

Trước tình trạng nhiều người mất trắng hàng chục, hàng trăm triệu đồng vào tay các đối tượng lừa đảo chỉ vì nhẹ dạ, cả tin, lãnh đạo Công an TP. Hải Dương đã có thông tin về các hình thức lừa đảo bằng công nghệ cao.

Thời gian vừa qua, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP. Hải Dương (tỉnh Hải Dương) liên tục nhận được đơn trình báo của  nhiều nạn nhân về việc bị lừa tiền qua mạng. Trong đó cách thức phổ biến và nhiều người mắc phải là các đối tượng đã sử dụng các thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ cao qua Facebook, Zalo, đánh cắp thông tin thẻ tín dụng để rút tiền…

Ngày 10/10, Thiếu tá Đặng Xuân Hoàn - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hải Dương cho biết, việc điều tra, làm rõ những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao gặp rất nhiều khó khăn, tốn rất nhiều chi phí và thời gian. Dưới đây là một số thủ đoạn, phương thức mà bọn tội phạm hay sử dụng:

Thứ nhất, các đối tượng sử dụng công nghệ cao lấy cắp quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội (hack tài khoản Facebook, Zalo...). Sau đó nhắn tin liên hệ với những người trong danh bạ đề nghị nạp thẻ điện thoại, xin tiền, vay tiền hoặc nhờ chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt số tiền này.

Thứ hai, các đối tượng lập các tài khoản mạng xã hội đăng thông tin rao bán hàng hóa (chủ yếu là xe máy, điện thoại di động, quần áo...) với giá thấp hơn giá thị trường. Khi nạn nhân hỏi mua thì đối tượng yêu cầu nạn nhân gửi trước một số tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc mua thẻ nạp điện thoại gửi cho đối tượng. Sau khi nạn nhân đã gửi tiền thì đối tượng không giao hàng và cắt mọi liên lạc.

Thứ ba, các đối tượng tìm hiểu nắm được thông tin về nạn nhân như tên tuổi, số điện thoại, tài khoản ngân hàng... Sau đó gọi đến số điện thoại của nạn nhân, tự nhận là cán bộ Công an, Kiểm sát, Thanh tra... đang thụ lý vụ việc có liên quan đến nạn nhân.

Các đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản của mình sang một tài khoản ngân hàng khác để phục vụ quá trình điều tra, nếu không có liên quan thì sẽ trả lại và yêu cầu họ không được nói cho người thân biết. 

Thứ tư, các đối tượng nhằm vào những người bán hàng qua mạng xã hội. Sau khi đặt mua hàng, đối tượng đề nghị thanh toán bằng phương thức chuyển khoản. Yêu cầu nạn nhân click vào đường link do đối tượng gửi để nhận tiền.

Quá trình thao tác, đối tượng tiếp tục đề nghị nạn nhân cung cấp mã OTP để nhận tiền nhưng thực chất đối tượng đã sử dụng mã OTP đó để chiếm đoạt số tiền trong tài khoản của nạn nhân.

Thứ 5, các đối tượng vào website của ngân hàng tìm kiếm các tài khoản của khách hàng đang được giải ngân mà không sử dụng dịch vụ internet banking để tìm cách truy cập vào tài khoản, làm thủ tục đăng ký sử dụng dịch vụ.

Sau đó, đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho chủ tài khoản yêu cầu gửi mã OTP để thực hiện việc giải ngân vốn vay. Khi đó, đối tượng dùng mật khẩu đó để đăng nhập và chuyển tiền sang tài khoản của chúng.

Để không trở thành nạn nhân của bọn tội phạm, cơ quan chức năng khuyến cáo mọi người cần nâng cao cảnh giác. Khi thấy có biểu hiện nghi vấn, người dân cần báo ngay để cơ quan Công an kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Tràn lan tình trạng mua bán thông tin cá nhân

(Kiemsat.vn) - Tình trạng mua bán thông tin cá nhân đã diễn ra tràn lan từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, việc xử lý tình trạng này đến nay vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang