Điều kiện để phạm nhân thường xuyên ốm đau được giảm án

09/02/2018 08:46

(kiemsat.vn)
Chồng tôi bị Tòa án xử phạt 5 năm tù về tội “tổ chức đánh bạc”, nhưng hiện tại sức khỏe rất yếu, thường xuyên bị bệnh thì có được giảm án không? Theo quy định của pháp luật thì chấp hành hình phạt bao lâu thì được giảm án?

Ảnh minh họa

Vấn đề bạn hỏi, Kiemsat.vn tư vấn như sau:

Hiện nay, đối tượng, nguyên tắc, thời điểm, điều kiện, mức giảm, hồ sơ, trình tự, thủ tục xét, đề nghị, quyết định và thi hành quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân được quy định tại Điều 63 Bộ luật hình sự năm 2015 và Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/5/2013 hướng dẫn thi hành các quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân.

Về điều kiện được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, khoản 1 Điều 63 BLHS năm 2015 quy định như sau:

“1. Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân.”

Đồng thời, khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC cũng quy định:

“1. Phạm nhân có đủ các điều kiện sau đây thì được đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù:

a) Đã chấp hành được ít nhất một phần ba thời hạn đối với hình phạt tù từ ba mươi năm trở xuống hoặc mười hai năm đối với tù chung thân;

b) Có nhiều tiến bộ thể hiện ở việc chấp hành tốt Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; tích cực học tập, lao động cải tạo và phải có đủ kỳ xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên ...”

Về xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt, Điều 64 BLHS quy định: “Người bị kết án có lý do đáng được khoan hồng thêm như đã lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì Toà án có thể xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc với mức cao hơn so với thời gian và mức quy định tại Điều 63 của Bộ luật này.”

Khoản 1, 2 Điều 8 Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC cũng quy định nội dung giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt như sau:

“1. Phạm nhân đã chấp hành được ít nhất một phần tư mức hình phạt đã tuyên đối với án phạt tù từ ba mươi năm trở xuống hoặc mười năm đối với tù chung thân và có đủ điều kiện về xếp loại chấp hành án phạt tù quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 6 Thông tư liên tịch này, có thể được xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Phạm nhân đã lập công. Mỗi lần lập công, phạm nhân chỉ được xem xét, đề nghị giảm thời hạn một lần;

b) Phạm nhân đã quá già yếu;

c) Phạm nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

2. Mức giảm mỗi lần cao nhất cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này là bốn năm, nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án phạt tù ít nhất là hai phần năm mức hình phạt đã tuyên hoặc mười lăm năm đối với hình phạt tù chung thân.”

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên đây, do chồng bà bị tuyên phạt 05 năm tù nên nếu chồng bà đã chấp hành hình phạt được ít nhất một phần ba mức hình phạt này (bằng 20 tháng) và có nhiều tiến bộ thì có thể được xem xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù.

Tuy nhiên, do chồng bà hiện tại sức khỏe rất yếu, thường xuyên bị bệnh nên có thể được xem xét thuộc trường hợp phạm nhân “đã quá già yếu”. Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC:“Đã quá già yếu là người từ 70 tuổi trở lên hoặc từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên bị bệnh, phải nằm điều trị tại bệnh xá, bệnh viện nhiều lần trong thời gian dài (từ ba tháng trở lên) và không có khả năng tự phục vụ bản thân.”.

Nếu chồng bà đủ điều kiện thuộc trường hợp này thì chỉ cần chồng bà đã chấp hành một phần tư mức hình phạt đã tuyên (bằng 15 tháng) và có đủ điều kiện về xếp loại chấp hành án phạt tù quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 6 Thông tư liên tịch này thì có thể được xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Mức giảm mỗi lần cao nhất cho chồng bà trong trường hợp này là bốn năm, nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án phạt tù ít nhất là hai phần năm mức hình phạt đã tuyên (bằng 02 năm tù).

 

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang