Bình luận tội Tham ô tài sản

06/06/2018 10:57

(kiemsat.vn)
Tội tham ô tài sản là loại tội phạm điển hình trong nhóm tội tham nhũng. Người phạm tội có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình quản lý và hành vi đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội,

Theo quy định tại Điều 353 BLHS năm 2015 thì Tội tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này (từ Điều 353 đến Điều 359), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, do người từ đủ 16 tuổi trở lên và không trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện (Điều 12, Điều 21 BLHS năm 2015) với lỗi cố ý trực tiếp (khoản 1 Điều 10 BLHS năm 2015).

Ảnh minh họa

1. Dấu hiệu pháp lý của Tội tham ô tài sản

Khách thể : là những quan hệ xã hội liên quan đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong nhà nước và của cả các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước; làm cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp này bị suy yếu, mất uy tín; làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước. Vì vậy, đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi Tội tham ô tài sản là rất cấp bách và cần thiết.

Hành vi tham ô tài sản đã tác động đến tài sản mà người phạm tội có trách nhiệm quản lý. Tài sản này bao gồm tài sản của nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức trong nhà nước hoặc là tài sản của các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước.

Mặt khách quan : Hành vi khách quan của Tội tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà người phạm tội quản lý. Hành vi chiếm đoạt tài sản đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội, nếu người phạm tội không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó hoặc không thể thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản. Chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc chiếm đoạt tài sản một cách dễ dàng.

Người tham ô tài sản thuộc 01 trong 03 trường hợp sau đây mới phạm tội tham ô tài sản:

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên; lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi tham ô tài sản mà còn vi phạm.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị kết án về một trong các tội: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Người nào tuy tham ô tài sản nhưng trị giá dưới 2.000.000 đồng và chưa bị xử lý kỷ luật về hành vi tham ô tài sản, cũng chưa bị kết án về một trong các tội: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác hoặc tuy đã bị kết án về một trong các tội: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác nhưng đã được xóa án tích thì không phạm tội tham ô tài sản.

Nếu người lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá dưới 2.000.000 đồng, tuy trước đó họ đã bị xử lý kỷ luật về hành vi tham ô tài sản bằng một trong những hình thức kỷ luật theo quy định của Nhà nước hoặc theo quy định trong Điều lệ của cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức nhưng đã hết thời hạn được xoá kỷ luật thì cũng không phạm tội tham ô tài sản.

Nếu người phạm tội tuy có ý định chiếm đoạt 2.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng chưa chiếm đoạt được thì hầu như họ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu hành vi chiếm đoạt tài sản do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của họ thì dù họ có chức vụ, quyền hạn thì cũng không bị coi là tham ô tài sản.

Chủ thể : Chủ thể của Tội tham ô tài sản là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước, từ đủ 16 tuổi trở lên và không trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 12, Điều 21 BLHS năm 2015). Đối với Tội tham ô tài sản các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm là các dấu hiệu quan trọng nhất để xác định hành vi phạm tội. Sự khác nhau giữa Tội tham ô tài sản với các tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt cũng chính là sự khác nhau về các dấu hiệu chủ thể của tội phạm.

Chủ thể của Tội tham ô tài sản phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: Độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các điều 12, 21 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, đối với Tội tham ô tài sản, chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:

- Người phạm Tội tham ô tài sản phải là người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm quản lý đối với tài sản mà họ chiếm đoạt. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ (khoản 2 Điều 252 BLHS năm 2015) (bao gồm cả người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước) (khoản 6 Điều 253 BLHS năm 2015).

- Ngoài những cán bộ, công chức ra, chủ thể của Tội tham ô tài sản còn có cả những người do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, những người này tuy không phải là cán bộ, công chức, họ chỉ được các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hợp đồng làm một công việc nhất định thường xuyên hay theo thời vụ hoặc trong một thời gian nhất định có liên quan đến việc quản lý tài sản và họ có trách nhiệm quản lý đối với tài sản.

- Người có chức vụ, quyền hạn, phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản, nếu họ không có trách nhiệm quản lý tài sản thì cũng không thể là chủ thể của tội tham ô tài sản được. Đây là điều kiện cần và đủ để một người có thể trở thành chủ thể của Tội tham ô tài sản và cũng là dấu hiệu để phân biệt với một số tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt.

- Người có trách nhiệm đối với tài sản là người được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản như: Thủ quỹ, thủ kho, kế toán, người được giao vận chuyển tài sản của cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị mình... Ngoài ra, còn những người tuy không được giao trực tiếp quản lý tài sản nhưng lại có trách nhiệm trong việc quyết định việc thu chi, xuất nhập, mua bán, trao đổi tài sản như: Giám đốc công ty, chủ nhiệm hợp tác xã, người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức là chủ tài khoản hoặc là người có quyền quyết định về tài sản của cơ quan, tổ chức mình.

Nếu xác định không đúng tư cách của người có trách nhiệm đối với tài sản mà họ chiếm đoạt thì dễ nhầm lẫn với các tội phạm có tính chất chiếm đoạt quy định tại Chương XVI BLHS năm 2015 như: Tội trộm cắp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản... Cũng là hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối nhưng nếu người thực hiện là người có trách nhiệm quản lý tài sản và họ đã chiếm đoạt tài sản mà mình quản lý thì hành vi chiếm đoạt tài sản cấu thành Tội tham ô tài sản, nhưng nếu người thực hiện không phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản hoặc tuy quản lý tài sản nhưng họ không chiếm đoạt tài sản mà mình quản lý thì hành vi chiếm đoạt tài sản cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Do những đặc điểm riêng nêu trên khoa học luật hình sự cho rằng, chủ thể của Tội tham ô tài sản là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn mới tham ô tài sản được. Tuy nhiên, khẳng định này chỉ đúng đối với trường hợp vụ án tham ô tài sản không có đồng phạm, còn trong vụ án có đồng phạm thì có thể có cả những người không có chức vụ, quyền hạn nhưng người thực hành trong vụ án đồng phạm tham ô tài sản nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Mặt chủ quan: Tội tham ô tài sản cũng là tội phạm có tính chất chiếm đoạt nên cũng như đối với tội có tính chất chiếm đoạt khác, người phạm tội thực hiện hành vi của mình với lỗi cố ý trực tiếp, tức là, “người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra” (khoản 1 Điều 10 BLHS năm 2015); không có trường hợp tham ô tài sản nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội này bao giờ cũng mong muốn chiếm đoạt được tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.

Ảnh minh họa

2. Xử lý Tội tham ô tài sản

Khoản 1 Điều 353 BLHS năm 2015 là cấu thành cơ bản của Tội tham ô tài sản, có khung hình phạt từ 02 năm đến 07 năm tù.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội tham ô tài sản theo khoản 1 Điều 353 BLHS năm 2015, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VIII BLHS năm 2015 (từ Điều 50 đến Điều 59).

Nếu người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS năm 2015, không có tình tiết tăng nặng, thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng (dưới 02 năm tù) hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn là hình phạt cải tạo không giam giữ. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án (Điều 54 BLHS năm 2015); người phạm tội tham ô tài sản có đủ điều kiện quy định tại Điều 65 BLHS năm 2015 thì được hưởng án treo; người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 BLHS năm 2015, không có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị phạt đến 07 năm tù.

Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì: Người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 353 BLHS năm 2015 bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật này; người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 51 BLHS năm 2015 sẽ được áp dụng hình phạt thấp hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ hơn; người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 BLHS năm 2015 sẽ bị áp dụng hình phạt nặng hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết tăng nặng hơn; người phạm tội trả lại tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà họ đã chiếm đoạt hoặc bồi thường được càng nhiều thiệt hại mà họ đã gây ra thì mức hình phạt càng được giảm so với người phạm tội không trả lại tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà họ đã chiếm đoạt hoặc không bồi thường thiệt hại mà họ đã gây ra hoặc chỉ trả lại không đáng kể tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà họ đã chiếm đoạt hoặc chỉ bồi thường không đáng kể thiệt hại mà họ đã gây ra.

Xử lý Tội tham ô tài sản theo cấu thành tội phạm tăng nặng thứ nhất (khoản 2 Điều 353).

Người phạm tội tham ô tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

- Có tổ chức (*): Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, tham ô tài sản có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm này, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Tuy nhiên, không phải vụ án tham ô tài sản có tổ chức nào cũng có đủ những người đồng phạm trên. Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 17 BLHS năm 2015. Ngoài ra, phạm tội tham ô tài sản có tổ chức có những đặc điểm riêng như:

Người thực hành trong vụ án tham ô tài sản có tổ chức phải là người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản như: Thủ quỹ lấy tiền trong két, sửa chữa sổ sách; kế toán viết phiếu thu chi khống, sửa chữa sổ sách hoặc xác nhận các phiếu thu chi khống để hợp thức hoá việc chiếm đoạt tài sản.

Tham ô tài sản có tổ chức thường khó bị phát hiện, vì việc thu, chi khống đã được hợp thức hoá bằng một hệ thống sổ sách, hoá đơn chứng từ. Chỉ khi nào một trong những người đồng phạm tố giác thì sự việc mới bị phát hiện.

- Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm: Dùng thủ đoạn xảo quyệt khi thực hiện hành vi tham ô tài sản là trường hợp người phạm tội có những mánh khoé, cách thức thâm hiểm làm cho cơ quan, tổ chức, người quản lý tài sản và những người khác khó lường trước để đề phòng như: Thủ quỹ, kế toán sửa chữa sổ sách để chiếm đoạt tài sản bằng các hoá chất rất khó phát hiện hoặc sau khi đã chiếm đoạt được tài sản người phạm tội tạo hiện trường giả như phá khoá cửa tạo vụ trộm cắp giả, giả vờ bị cướp, bị cướp giật, bị trộm cắp... để che giấu hành vi tham ô tài sản của mình.

Dùng thủ đoạn nguy hiểm khi thực hiện hành vi tham ô tài sản là trường hợp người phạm tội có những thủ đoạn chiếm đoạt tài sản hoặc thủ đoạn che giấu hành vi tham ô tài sản gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của con người như: Thủ kho sau khi lấy tài sản trong kho do mình quản lý, đã đốt kho để phi tang; người bảo vệ hồ cá dùng hoá chất hoặc thuốc trừ sâu, diệt chuột đổ xuống ao, hồ để cá chết nổi dẫn đến ô nhiễm nguồn nước sạch gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ của nhiều người.

- Phạm tội 02 lần trở lên: Tham ô tài sản 02 lần trở lên là trường hợp có từ 02 lần tham ô tài sản trở lên, mỗi lần tham ô tài sản đều đã cấu thành tội phạm và nay bị đưa ra xét xử cùng một lúc, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước đến lần phạm tội sau.

Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội 02 lần trở lên nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu trong các lần phạm tội đó, chỉ có 01 lần phạm tội tham ô tài sản, còn các lần khác chỉ là vi phạm kỷ luật hoặc đã bị xét xử hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 27, 28 BLHS năm 2015) thì không được tính để xác định là phạm tội tham ô tài sản 02 lần trở lên.

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng: Nếu tài sản bị chiếm đoạt không phải là tiền mà là tài sản thì giá trị tài sản được xác định căn cứ vào giá thị trường vào thời điểm phạm tội, vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người khi thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị tài sản thì phải trưng cầu giám định (định giá).

- Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn

Tham ô tài sản là tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức; gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của những đối tượng, những địa phương cần được quan tâm, hỗ trợ đặc biệt. Vì vậy, nếu tham ô tài sản là tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn thì chỉ cần (thỏa mãn 01 trong 03 trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 353 BLHS năm 2015), người phạm tội tham ô tài sản sẽ bị xét xử theo khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015, với hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

- Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng: Tham ô tài sản gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng là trường hợp ngoài hành vi tham ô tài sản (thỏa mãn 01 trong 03 trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 353 BLHS năm 2015), người phạm tội tham ô tài sản còn gây thiệt hại (khác) về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng.

- Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức: Là trường hợp ngoài hành vi tham ô tài sản (thỏa mãn 01 trong 03 trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 353 BLHS năm 2015), người phạm tội tham ô tài sản còn gây ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức như bị chậm lương, bị mất tiền thưởng, bị mất việc làm...

Người phạm tội tham ô tài sản thuộc một trong các trường hợp nêu trên, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội tham ô tài sản theo khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VIII BLHS năm 2015 (từ Điều 50 đến Điều 59).

Nếu người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS năm 2015, không có tình tiết tăng nặng, thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật (từ 02 năm tù đến dưới 07 năm tù). Nếu người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật (dưới 02 năm tù).

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 BLHS năm 2015, không có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị phạt đến 15 năm tù.

Xử lý tội tham ô tài sản theo cấu thành tội phạm tăng nặng thứ hai (khoản 3 Điều 353 BLHS năm 2015).

Người phạm tội tham ô tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng: Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015, chỉ khác là tài sản bị chiếm đoạt trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội khác, nếu tài sản bị chiếm đoạt không phải là tiền mà là tài sản thì giá trị tài sản được xác định căn cứ vào giá thị trường vào thời điểm phạm tội, vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người khi thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị tài sản thì phải trưng cầu giám định (định giá).

- Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng: Là trường hợp ngoài hành vi tham ô tài sản (thỏa mãn 01 trong 03 trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 353 BLHS năm 2015), người phạm tội tham ô tài sản còn gây thiệt hại (khác) về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội: Là trường hợp hành vi tham ô tài sản gây phẫn nộ, bất bình trong nhân dân, dẫn đến gây rối, biểu tình; bị các thế lực thù địch lợi dụng tiến hành hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, chính sách đoàn kết, tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá rối an ninh... Vì vậy, nếu tham ô tài sản gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì chỉ cần thỏa mãn 01 trong 03 trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 353 BLHS năm 2015, người phạm tội tham ô tài sản sẽ bị xét xử theo khoản 3 Điều 353 BLHS năm 2015.

- Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động: Là trường hợp ngoài hành vi tham ô tài sản (thỏa mãn 01 trong 03 trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 353 BLHS năm 2015), người phạm tội tham ô tài sản còn dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động...

Người phạm tội tham ô tài sản thuộc một trong các trường hợp nêu trên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội tham ô tài sản theo khoản 3 Điều 353 BLHS năm 2015, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VIII BLHS năm 2015 (từ Điều 50 đến Điều 59).

Nếu người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS năm 2015, không có tình tiết tăng nặng, thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật (từ 07 năm tù đến dưới 15 năm tù). Nếu người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật (dưới 07 năm tù).

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 BLHS năm 2015, không có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị phạt đến 20 năm tù.

Xử lý Tội tham ô tài sản theo cấu thành tội phạm tăng nặng thứ ba (khoản 4 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Người phạm tội tham ô tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

- Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên: Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015, chỉ khác là tài sản bị chiếm đoạt trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên.

Nếu tài sản bị chiếm đoạt không phải là tiền mà là tài sản thì giá trị tài sản được xác định căn cứ vào giá thị trường vào thời điểm phạm tội, vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người khi thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị tài sản thì phải trưng cầu giám định (định giá).

- Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên: Là trường hợp ngoài hành vi tham ô tài sản (thỏa mãn 01 trong 03 trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 353 BLHS năm 2015), người phạm tội tham ô tài sản còn gây thiệt hại (khác) về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội tham ô tài sản theo khoản 4 Điều 353 BLHS năm 2015, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VIII BLHS năm 2015 (từ Điều 50 đến Điều 59).

Nếu người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS năm 2015, không có tình tiết tăng nặng, thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật (từ 15 năm tù đến dưới 20 năm tù). Nếu người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật (dưới 15 năm tù).

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 BLHS năm 2015, không có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị phạt đến tử hình.

Xử lý Tội tham ô tài sản theo quy định về hình phạt bổ sung (khoản 5 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Người phạm tội tham ô tài sản bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Việc áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội tham ô tài sản có tác dụng hỗ trợ hình phạt chính, tăng khả năng trừng trị người phạm tội, giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

Xử lý Tội tham ô tài sản theo cấu thành tội phạm đặc biệt được thực hiện theo quuy định tại khoản 6 Điều 353 BLHS năm 2015./.

(Trích bài viết: "Bình luận về Tội tham ô tài sản" của Tiến sĩ Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV. Tạp chí Kiểm sát số 5/2018).

(*). Xem thêm: Đinh Văn Quế (2001), Bình luận Bộ luật Hình sự năm 1999, Phần các tội phạm, Chương XXI “Các tội phạm về chức vụ”, Nxb. thành phố Hồ Chí Minh.

Xem thêm>>>

Tổng Bí thư chỉ đạo xử lý một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng

Viện kiểm sát: Đủ căn cứ xác định bị cáo Trịnh Xuân Thanh tham ô

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang