Xúc động kỷ niệm ngày Bác về thăm quê
Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Bác Hồ chỉ về thăm quê được 2 lần (năm 1957 và năm 1961). 60 năm qua, trong ký ức của người dân Kim Liên (Nam Đàn) vẫn còn lưu dấu biết bao kỷ niệm xúc động trong lần đầu Người về thăm quê.
Hà Nội sẽ tổ chức kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Hà Nội – ĐBP trên không
Về thăm trường cũ
Vĩnh biệt “bà đỡ” của nền tài chính cách mạng Việt Nam ngày đầu độc lập
Du khách về thăm quê Bác. Ảnh: Huy Thư
Với cụ Võ Hồng Thao (74 tuổi), ở xóm Sen 2 – nguyên cán bộ khu di tích Kim Liên, đó là một ngày đặc biệt đáng nhớ trong cuộc đời. Đặc biệt bởi từ ngày “Người đi tìm hình của nước”, hơn nửa thế kỷ, lần đầu tiên quê hương được đón Bác về.
Cụ Thao nhớ lại, trước đó một thời gian, người dân Kim Liên thấy bộ đội về làng dựng lên một sân khấu làm bằng tre, gỗ, nhưng tuyệt nhiên không ai biết là có việc gì. Khu vực sân vận động là vị trí trung tâm của làng nên trẻ em thường ra đó chơi. Đêm 15/6/1957, trăng soi tỏ trên ngọn đa, gió Lào thổi mạnh, trẻ em trong làng (có cả cụ Thao) vẫn vô tư vui chơi, nô đùa bên sân khấu này.
Ông Võ Hồng Thao – nguyên cán bộ khu di tích Kim Liên nhớ lại kỷ niệm ngày đón Bác về thăm quê. Ảnh: Huy Thư
Sáng 16/6/1957, cụ Thao và mẹ đi cày khoai ở đồng Sen. Mùa này, người dân làng Sen đang bước vào vụ thu hoạch khoai lang chính vụ, nên sáng sớm đã ra đồng. Khi mọi người đang say sưa với công việc thì nghe tin “Bác Hồ về”, thế là cả làng bỏ mặc khoai đang thu hoạch dở trên ruộng, chân ướt, chân ráo chạy nhanh về làng. Lúc người dân ở ngoài đồng biết Bác về, thì Bác đã về nhà được một lúc và đã đến nhà thờ họ Nguyễn Sinh. Anh em cụ Thao theo dân làng ra sân vận động, lúc ấy ở đó đã đông người.
“Anh em tôi ngồi ở vị trí gần hàng đầu, nhìn thấy rõ từng cử chỉ, ánh mắt, giọng nói của Người. Bác mở đầu buổi nói chuyện bằng câu thơ “Quê hương nghĩa nặng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình” – cụ Thao nhớ lại.
Lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy Bác, nghe Bác nói, người dân Kim Liên ai cũng muốn được nhìn Bác kỹ hơn, được nghe Người nói chuyện lâu hơn. Tuy nhiên, do thời gian có hạn Người đã phải chia tay bà con trong lưu luyến. Cụ Thao kể rằng: “Trước lúc lên xe, Bác có gửi tặng bà con mấy gói trà và một ít kẹo cho thiếu nhi. Anh em tôi cũng nhận được quà của Bác là 4 cái kẹo nhỏ, cầm mãi trong tay đến lúc về”.
Cây đa sân vận động làng Sen, nơi Bác Hồ từng nói chuyện trong 2 lần về thăm quê hương. Ảnh: Huy Thư
Năm 1961, khi đang học tại trường Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh), cụ lại được đón Bác về thăm quê lần thứ 2. Lúc đó em gái cụ là học sinh giỏi tỉnh Võ Thị Minh Châu, được giao nhiệm vụ tặng hoa cho Bác khi Người về Kim Liên. Học xong phổ thông, cụ nhập ngũ đi đánh Mỹ. Năm 1970, cụ trở về quê hương, vinh dự làm nhiệm vụ trong Khu di tích Kim Liên đến năm 2006.
Bây giờ, tuy sức khỏe đã giảm sút, đi lại khó khăn, nhưng nhắc đến kỷ niệm trong lần Bác Hồ về thăm quê, cụ Thao không khỏi xúc động, bồi hồi. Cụ chia sẻ: “Năm tháng đã trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh Bác về thăm quê năm đó. Hai lần đón Bác về thăm, 36 năm công tác tại Khu di tích Kim Liên, tôi càng thấm nhuần tư tưởng của Người và luôn cố gắng học tập, làm theo những lời Bác dạy”.
Với cụ Nguyễn Thị Vân, tên thường gọi là bà Thoán (95 tuổi) ở xóm Sen 3, mặc dù có chồng là cụ Nguyễn Sinh Thoán làm nhiệm vụ chăm sóc tại nhà Bác, nhưng cụ cũng hết sức bất ngờ khi biết tin Bác về thăm quê.
Đêm 15/6/1957, cụ Thoán có về nói với mọi người “Mai có cán bộ về” nhưng chính cụ cũng không biết rõ là ai. Sáng hôm sau, nghe tin “Bác Hồ về”, cụ Vân liền bồng cả con nhỏ chạy sang nhà Bác. Tuy nhiên lúc cụ Vân đến, Bác Hồ và dân làng đang đi ra sân vận động. Kỷ niệm mà cụ Vân nhớ nhất là lúc đang đi trên đường làng, bà con cứ đồng thanh hô vang “Hồ Chủ Tịch muôn năm”, Bác thấy thế, liền bảo “Bà con cứ lặng thinh mà đi” nên mọi người không ai hô nữa.
Ra đến sân vận động, người dân đã đứng vòng trong, vòng ngoài. 60 năm trôi qua, giờ đã vào tuổi thượng thọ của làng, nhưng cụ Vân vẫn còn minh mẫn, luôn kể cho con cháu nghe những kỷ niệm về Bác. Cụ không giấu nổi niềm tự hào: “68 năm tuổi Đảng, hàng chục năm làm cán bộ phụ nữ xã, tôi vẫn luôn khắc ghi lời Bác dặn trong những lần Bác về thăm quê”.
Du khách xúc động nghe những mẩu chuyện về cuộc đời Bác Hồ khi thăm nhà Bác tại Khu di tích Kim Liên. Ảnh: Huy Thư
Là gia đình ở cạnh sân vận động, nhưng cụ Nguyễn Thị Tam (95 tuổi, tên thường gọi là cố Sửu) ở xóm Sen 3 cũng chỉ biết Bác về thăm quê khi đang đi thu hoạch khoai giữa đồng. Kỷ niệm mà cụ Tam ấn tượng nhất khi Bác về năm ấy là ở sân vận động làng Sen người đông như nêm nhưng nam nữ thanh niên, phụ lão… đứng, ngồi rất trật tự.
Đặc biệt là hơn nửa thế kỷ về thăm lại quê hương, Bác vẫn nhớ rất rõ những tên xóm, tên làng. Trước đông đảo bà con, Người đã chỉ tay ra các hướng và đọc tên xóm rất chính xác: Đây Kẻ Trác, đây Thanh Đậm, đây Cường Kỵ, đây Thiện Mỹ…
Với người dân Kim Liên, hồi tưởng ngày Bác về thăm quê cách đây tròn 60 năm, mỗi người lưu giữ một khoảnh khắc, một cảm xúc riêng. Hầu hết người dân được vinh dự gặp Bác Hồ ngày ấy, giờ đã tuổi “xưa nay hiếm”, không ít người trong họ đã thành người thiên cổ. Thế nhưng, câu chuyện kỷ niệm về Bác Hồ vẫn được truyền từ đời này sang đời khác, chảy mãi trong tâm khảm và tấm lòng của người dân quê Bác.
Huy Thư/Báo Nghệ an
Nhớ lời Bác mùa thu năm ấy
Sửa đổi lối làm việc – ánh mặt trời chiếu sáng
-
1Bình Dương tổ chức Hội nghị về thể dục thể thao
-
2Cơ hội vàng sở hữu căn liền kề đẳng cấp tại Danko City
-
3Ấn tượng với trải nghiệm “xanh” được Vinamilk mang đến ngày hội Việt Nam Xanh
-
4Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
5Vinamilk nhận loạt giải thưởng về quản trị và phát triển bền vững
-
6ROX Group duy trì sức hút của “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam”
Bài viết chưa có bình luận nào.