Xử lý vật chứng là tài sản thế chấp tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng trong vụ án hình sự

31/01/2025 14:07

(kiemsat.vn)
Hiện nay, quy định về xử lý vật chứng là tài sản đang được bảo đảm thế chấp tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng còn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập và có nhiều quan điểm xử lý khác nhau.

Hiện nay, còn nhiều quan điểm khác nhau về cách thức xử lý vật chứng là tài sản thế chấp tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng trong các vụ án hình sự. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn theo hướng: Tịch thu, sung quỹ nhà nước tài sản này, nhằm phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự và các văn bản liên quan khác.

Hiện nay, quy định về xử lý vật chứng là tài sản đang được bảo đảm thế chấp tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng còn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập và có nhiều quan điểm xử lý khác nhau:

Tiểu mục 5 Mục I Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP ngày 24/10/1998 của liên ngành trung ương hướng dẫn một số vấn đề về bảo quản và xử lý tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự quy định: “Đối với vật chứng là kho tàng, nhà xưởng, khách sạn, nhà, đất, cũng như các phương tiện sản xuất, kinh doanh khác mà trước đó bị can, bị cáo đã thế chấp, cầm cố để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán, thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án xử lý như sau: a) Vật chứng là tài sản được cầm cố, thế chấp hợp pháp cho một hoặc nhiều bên mà hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản vẫn còn thời hạn, thì tuỳ trường hợp cụ thể, cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao cho một hoặc nhiều bên đang giữ tài sản cầm cố, thế chấp (người có tài sản cầm cố, thế chấp, người nhận cầm cố, thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản cầm cố, thế chấp) tiếp tục khai thác, sử dụng tài sản đó”. Theo đó, Thông tư này quy định điều khoản tùy nghi “có thể giao cho một hoặc nhiều bên đang giữ tài sản cầm cố, thế chấp… tiếp tục khai thác, sử dụng tài sản đó” (không phải bắt buộc), đồng thời chỉ giới hạn việc giao tài sản để khai thác, sử dụng, mà không quy định việc phát mại tài sản.

Theo Mục 1 Phần I Hướng dẫn số 2160/VKSTC-V14 ngày 05/6/2023 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, thi hành tạm giữ và thi hành án hình sự:

“1. Xử lý như thế nào đối với phương tiện, công cụ phạm tội trong 02 trường hợp: (1) Phương tiện, công cụ phạm tội là tài sản của người phạm tội đang thế chấp tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng; (2) Phương tiện, công cụ phạm tội là tài sản được hình thành từ nguồn vốn tài sản chung của vợ chồng?

Trả lời:

1.1. Theo quy định tại khoản 9 Điều 21 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (Nghị định số 21/2021): “Trường hợp tài sản bảo đảm bị tiêu hủy, bị tổn thất toàn bộ hoặc bị phá dỡ, bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được xác định là không còn tài sản bảo đảm…”. Quy định tại khoản 3 Điều 49 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP nêu trên thì: “Trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định tài sản đang dùng để bảo đảm phải xử lý để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác thì tài sản này được xử lý theo quy định đó”. Như vậy, trường hợp bị can sử dụng tài sản đang thế chấp tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng vào việc phạm tội thì việc xử lý tài sản thực hiện theo quy định Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015, điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 tức là bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy. Quyền lợi của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng được giải quyết theo quy định về khởi kiện vụ án dân sự”.

Theo khoản 9 Điều 21 Nghị định số 21/2021 thì: “Trường hợp tài sản bảo đảm bị tiêu hủy, bị tổn thất toàn bộ hoặc bị phá dỡ, bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được xác định là không còn tài sản bảo đảm, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5, 7 và 8 Điều này”; theo khoản 3 Điều 49 Nghị định số 21/2021 thì: “Trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định tài sản đang dùng để bảo đảm phải xử lý để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác thì tài sản này được xử lý theo quy định đó”.

Do các văn bản pháp luật và văn bản của ngành có hướng dẫn khác nhau về cách thức xử lý đối với vật chứng là tài sản thế chấp tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng, nên có những quan điểm khác nhau về vấn đề này như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Đối với vật chứng là tài sản thế chấp tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng thì tịch thu và giao cho cơ quan Thi hành án dân sự phối hợp với ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng xử lý bán đấu giá tài sản, để ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng thu hồi nợ vay, phần giá trị còn lại tịch thu sung vào ngân sách nhà nước. Mặc dù vật chứng là tài sản thế chấp tại ngân hàng nhưng đã được người phạm tội sử dụng là công cụ, phương tiện phạm tội, nên cần áp dụng điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015); điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015) để tịch thu, sung quỹ nhà nước, mà không giao trực tiếp tài sản đó cho ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng xử lý. Việc giao tài sản cho cơ quan Thi hành án dân sự phối hợp với ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng xử lý là phù hợp với quy trình, thủ tục tố tụng theo BLTTHS năm 2015 và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Thi hành án dân sự; đồng thời, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Đối với vật chứng là tài sản thế chấp tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng thì giao tài sản cho ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng xử lý (theo hình thức xử lý tài sản bảo đảm); sau khi xử lý, ngân hàng tịch thu giá trị tài sản thế chấp, tiền lãi nếu còn thừa thì sung quỹ nhà nước. Ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng chỉ quản lý giấy tờ là chứng thư sở hữu tài sản, quá trình người phạm tội sử dụng tài sản làm công cụ, phương tiện phạm tội nằm ngoài phạm vi kiểm soát của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng. Nói cách khác, ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng không có lỗi trong việc để người phạm tội thực hiện tội phạm. Vì vậy, ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng không thể là bên phải chịu rủi ro mà mình đã phòng ngừa bằng biện pháp luật định. Việc giao tài sản là công cụ, phương tiện phạm tội được thế chấp cho ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng sẽ bảo đảm quyền lợi của chủ thể này.

Quan điểm thứ ba cho rằng: Cần tịch thu sung quỹ nhà nước, quyền lợi của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng được giải quyết theo quy định về khởi kiện vụ án dân sự. Tác giả đồng tình với quan điểm này, bởi lẽ:

Thứ nhất, hợp đồng thế chấp tài sản chỉ là hợp đồng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên thế chấp tài sản, mà không làm mất quyền sở hữu và nghĩa vụ của bên thế chấp. Theo đó, khi người phạm tội sử dụng tài sản này làm công cụ, phương tiện phạm tội thì người này hoàn toàn phải chịu chế tài hình sự và chế tài về tài sản theo quy định tại Điều 47 BLHS năm 2015, Điều 106 BLTTHS năm 2015.

Thứ hai, Điều 47 BLHS năm 2015 và Điều 106 BLTTHS năm 2015 quy định hai trường hợp: Nếu tài sản là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội thì tịch thu sung quỹ nhà nước; nếu tài sản không phải là công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người khác. Theo đó, các điều luật này không có điều khoản tùy nghi, nên khi một tài sản được xác định là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội, thì cơ quan tiến hành tố tụng chỉ có thể ra quyết định tịch thu tài sản, sung quỹ nhà nước. Điều này cũng thể hiện sự nhất quán trong áp dụng pháp luật.

Thứ ba, hợp đồng thế chấp tài sản là sự tự nguyện thỏa thuận giữa các bên được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự, bên nhận thế chấp cho phép bên thế chấp sử dụng tài sản đó để khai thác, sử dụng và thực hiện các nghĩa vụ. Theo đó, về nguyên tắc, nếu có rủi ro về tài sản xảy ra, bên thế chấp phải gánh chịu trách nhiệm theo hợp đồng tự nguyện thỏa thuận.

Thứ tư, về nguyên tắc, quy định của pháp luật hiện hành về xử lý vật chứng là tài sản thế chấp trong vụ án hình sự vẫn đảm bảo việc thu hồi nợ cho ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng, bằng cách đưa các chủ thể này tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Nói cách khác, ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng vẫn có thể thu hồi nợ thông qua thủ tục tố tụng.

Như vậy, tác giả cho rằng, cần ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất về việc xử lý vật chứng là tài sản thế chấp tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng trong vụ án hình sự theo hướng: Tịch thu, sung quỹ nhà nước tài sản này, nhằm phù hợp với quy định của BLHS năm 2015, BLTTHS năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản liên quan.

Trần Văn Hùng

Quy định về xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản hình thành trong tương lai của một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam

(Kiemsat.vn) - Để có cách nhìn tổng quan và mở rộng về pháp luật xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản hình thành trong tương lai, bài viết phân tích các quy định về xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản hình thành trong tương lai của hai quốc gia điển hình cho mô hình pháp luật phổ biến là Civil Law (Pháp) và Common Law (Hoa Kỳ); từ đó đưa ra một số gợi mở cho pháp luật Việt Nam.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang