Xét tiêu chuẩn GS, PGS: Công khai, có đối thoại và tranh luận

04/07/2017 03:45

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Xét tiêu chuẩn GS, PGS tới đây cần công khai, có đối thoại và tranh luận, xét tới những lĩnh vực đặc thù...

Đây là một trong những yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ra trong cuộc làm việc mới đây với các bộ, ngành và Ban soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư (Dự thảo Quyết định).

xet tieu chuan gs pgs phai cong khai co doi thoai va tranh luan ​ hinh 1

Tiêu chuẩn GS, PGS được xây dựng theo hai nhóm ngành lớn là nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ và nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn, để phù hợp với đặc thù từng nhóm ngành này. Ảnh minh họa.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết Dự thảo Quyết định có một số thay đổi nhằm nâng cao chất lượng xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS) như tăng tổng điểm công trình khoa học quy đổi; quy định số lượng bài báo công bố quốc tế; viết sách phục vụ đào tạo; đổi mới tổ chức, hoạt động của hội đồng giáo sư các cấp…

Tiêu chuẩn GS, PGS được xây dựng theo hai nhóm ngành lớn là nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ và nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn, để phù hợp với đặc thù từng nhóm ngành này.

Theo Tổng thư ký Hội đồng Giáo sư Nhà nước Trần Văn Nhung, Dự thảo Quyết định nhằm đánh giá năng lực của các ứng viên trên “ba cạnh của một tam giác” là nghiên cứu khoa học, giảng dạy, đóng góp cho xã hội và “lý tưởng hơn cả nếu đây là một tam giác đều”.

Bốn vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau

Tuy nhiên, sau khi đăng tải, Dự thảo Quyết định đã nhận được rất nhiều ý kiến xây dựng, đóng góp của các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, nhà khoa học, giảng viên đại học…

xet tieu chuan gs pgs phai cong khai co doi thoai va tranh luan ​ hinh 2

Xét tiêu chuẩn GS, PGS tới đây cần công khai, có đối thoại và tranh luận, xét tới ở những lĩnh vực đặc thù…

Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị đại diện các bộ, ngành thảo luận những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, tập trung vào một số điểm lớn:

Thứ nhất là quy định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đối với ứng viên ở một số ngành đặc thù như văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao, bác sĩ tham gia đào tạo thực hành trong các bệnh viện, các nhà khoa học làm việc tại các cơ sở nghiên cứu nhưng không làm công tác giảng dạy.

Thứ hai là tiêu chuẩn ngoại ngữ; thời gian giảng dạy đại học; phương thức tính điểm quy đổi bài báo khoa học thay cho viết sách, chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ và hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh.

Thứ ba là cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của hội đồng giáo sư các cấp nhằm khắc phục các bất cập, hạn chế hiện nay, bảo đảm thành viên các hội đồng là những nhà khoa học đầu ngành, có chuyên môn và uy tín, làm việc theo cơ chế công khai, có trao đổi và tranh luận.

Thứ tư là bảo đảm quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học trong việc đề nghị xét công nhận và bổ nhiệm những người đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.

Cần tính đến đặc thù một số ngành

Tại cuộc họp, GS. Nguyễn Quang Liêm, Hội đồng Giáo sư ngành Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng quy định phạm vi đối tượng được xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS chỉ gồm những người đang công tác tại các cơ sở đào tạo đã khiến những người làm việc tại các cơ sở nghiên cứu chịu “thiệt thòi”.

“Trong các viện nghiên cứu có vị trí trợ lý, nghiên cứu viên, nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp nhưng trong các cơ sở giáo dục đào tạo lại có trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, rồi đến PGS, GS. Tôi cho rằng đã đến lúc cần xem xét GS, PGS là danh tiếng hay là một chức danh nghề nghiệp để quy định thống nhất”, GS Liêm nêu quan điểm.

Trong khi đó, GS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam mong muốn Dự thảo Quyết định phải đổi mới hoạt động của hội đồng giáo sư các cấp sao cho thực chất, đánh giá đúng, không thể để tình trạng “yêu, ghét”, thậm chí ban phát hay loại người giỏi ngay từ hội đồng cấp cơ sở.

Đi vào một số vấn đề cụ thể, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thuỷ cho rằng đối với ngành đặc thù như văn hoá nghệ thuật, năng lực, phẩm chất và những đóng góp của các GS, PGS thể hiện chủ yếu qua những sáng tác, thiết kế, dàn dựng các tiết mục biểu diễn chứ không chỉ là các công trình nghiên cứu, bài báo khoa học.

Có chung quan điểm, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho rằng, theo quy định trong Dự thảo các bác sĩ làm công tác giảng dạy thực hành cho sinh viên y khoa trong các bệnh viện sẽ không có cơ hội được xét công nhận GS, PGS.

“Y khoa là một ngành đặc thù, trong quá trình học tập, sinh viên phải thực hành rất nhiều trong bệnh viện dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ làm việc trong bệnh viện chứ không phải là trường đại học. Bên cạnh đó, các bác sĩ có rất nhiều giải pháp mang tính ứng dụng cao nhưng hàm lượng khoa học rất khó để công bố quốc tế nếu không được tiếp tục nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm hiện đại”, Thứ trưởng Cường chia sẻ.

Từ thực tế trên, ý kiến các bộ ngành cũng như Ban soạn thảo đồng tình với đề xuất cần tính đến đặc thù của ngành văn hoá nghệ thuật, ngành y tế hay các cơ sở nghiên cứu không tham gia giảng dạy từ trình độ đại học trở lên khi xét đạt tiêu chuẩn GS, PGS.

Tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế

Tại cuộc làm việc, ý kiến các bộ ngành thống nhất cần có sự tính điểm quy đổi công trình khoa học phù hợp với một số ngành đặc thù theo hệ số được điều chỉnh phù hợp cho từng giai đoạn và tiếp cận với xu thế thế giới.

Tiêu chuẩn ngoại ngữ cần kế thừa những điểm tích cực trong quy định trước đây và để khuyến khích việc tham gia các dự án nghiên cứu, hợp tác, trao đổi giảng viên quốc tế, Dự thảo có quy định theo hướng các ứng viên cần thông thạo ít nhất một ngoại ngữ và đề cao yêu cầu giao tiếp được bằng một ngoại ngữ thông dụng trên thế giới.

Các yêu cầu đối với ứng viên về hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh, chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ về cơ bản phải đồng bộ với việc đổi mới chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, chất lượng nghiên cứu khoa học.

Về tổ chức, hoạt động của hội đồng giáo sư các cấp, đại diện bộ ngành đã phân tích rất kỹ những điểm tốt, điểm lợi của mô hình hội đồng ba cấp trước đây cũng như những điểm hạn chế và thống nhất cần có bước đổi mới, tiến tới theo đúng xu thế quốc tế.

Cụ thể, các cơ sở giáo dục đại học, căn cứ vào yêu cầu của mình về chức danh GS, PGS trước mắt và tương lai, được tự thành lập hoặc liên kết với cơ sở giáo dục đại học khác thành lập Hội đồng Giáo sư cấp cơ sở. Trong trường hợp cơ sở giáo dục chưa có đủ GS, PGS các chuyên ngành liên quan thì có quyền được mời các GS, PGS bên ngoài.

Điều này khắc phục tình trạng trước đây chỉ một số ít trường đại học đủ điều kiện được tự thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở. Đồng thời, hoạt động của Hội đồng Giáo sư cơ sở chủ yếu tập trung xem xét nhu cầu nhân sự, thủ tục, hồ sơ ứng viên còn việc đánh giá trình độ khoa học của ứng viên thì tuỳ vào điều kiện của từng trường. Bởi vì việc đánh giá cuối cùng sẽ do Hội đồng Giáo sư Nhà nước xem xét, quyết định hoàn toàn độc lập.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT khẩn trương tiếp thu ý kiến đóng góp với tinh thần cầu thị, khoa học, công khai, minh bạch, tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Quyết định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành./.

Đình Nam/V.O.V

Bộ TT&TT yêu cầu nhà mạng rà soát, thu hồi toàn bộ SIM đã đăng ký sẵn thông tin thuê bao

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về quản lý thuê bao di động trả trước tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT yêu cầu các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp rà soát, thu hồi toàn bộ số SIM thuê bao đã đăng ký sẵn thông tin thuê bao trên các kênh phân phối trước ngày 31/12/2016. Việc mua bán SIM thuê bao, đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước chỉ được thực hiện tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang