VKSND tỉnh Vĩnh Phúc: Rút kinh nghiệm về vụ án tranh chấp đất đai có vi phạm trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ

13/03/2024 09:15

(kiemsat.vn)
Qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự theo thủ tục phúc thẩm; phát hiện TAND huyện T có vi phạm trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, dẫn đến cấp phúc thẩm phải sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện và yêu cầu độc lập; do đó, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm.

Nội dung vụ án:

Ông T và ông H trình bày, bố ông T và bố ông H là hai anh em ruột được các cụ cắt đất cho ra ở riêng. Trong quá trình sử dụng thì hai cụ cùng nhau để lại một phần diện tích đất của mình để làm lối đi chung ra đường giao thông liên thôn cho hai gia đình cùng sử dụng. Lối đi có diện tích khoảng 160m2. Sau này ông T được bố mình tặng cho thửa đất (theo bản đồ 299 là thửa số 99, tờ bản đồ 32), ông H được bố mình tặng cho thửa đất (theo bản đồ 299 là thửa số 100, tờ bản đồ 32). Bản đồ 299 không thể hiện lối đi chung mà được đo gộp vào thửa đất của gia đình hai ông.

Vào các năm 2002, 2014 lần lượt gia đình ông H, gia đình ông T được cấp GCNQSDĐ, tuy nhiên gia đình hai ông đều không kê khai lối đi chung để đề nghị cấp giấy chứng nhận. Lối đi được gia đình hai ông sử dụng đi cùng từ ngày xưa và trước đây không xây tường, rào dậu gì nên nhà ông B (hàng xóm) cũng đi nhờ qua lối đi này và gia đình nhà ông  cũng thỉnh thoảng đi lối đi này.

Năm 2001, gia đình ông H xây tường bao loan ngăn cách phần diện tích đất tranh chấp với đất của gia đình ông và sử dụng lối đi khác ra đường liên thôn. Năm 2015, gia đình ông T xây tường bao loan ngăn cách phần diện tích đất tranh chấp với đất của gia đình ông và sử dụng lối đi khác.

Khoảng giữa năm 2022, ông  xin chữ ký các hộ giáp ranh để làm thủ tục về đất thì ông T, ông H mới biết nhà ông  đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào phần đất lối đi của gia đình hai ông do các cụ để lại. Tháng 6/2022, gia đình hai ông mở lại cổng cũ để đi vào lối đi cũ này. Hiện nay, ngoài lối đi đang tranh chấp để ra đường ngõ thì gia đình hai ông còn có lối đi khác ra đường dân sinh. Ông T, ông H xác định lối đi đang tranh chấp là đất của gia đình hai ông bỏ ra để làm lối đi chung của hai gia đình nên khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc gia đình ông  trả lại cho gia đình hai ông 72,9m2 đất và tháo dỡ các tài sản trên đất.

Bị đơn (ông Â) không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông T và yêu cầu độc lập của ông H vì nguồn gốc đất tranh chấp là của ông, do ông cha để lại, gia đình ông  đã sử dụng ổn định, liên tục, lâu dài qua nhiều năm, nhiều thế hệ, không ai thắc mắc gì trong quá trình sử dụng. Trên phần diện tích đất tranh chấp ông  đã xây dựng 02 trụ cổng và trồng cây trên đất từ lâu nhưng không ai có ý kiến phải đối gì.

Quá trình giải quyết:

Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông T và yêu cầu độc lập của ông H đối với ông Â. Buộc gia đình ông  phải trả lại cho gia đình ông T, gia đình ông H 72,9m2 đất.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ông  kháng cáo và VKSND tỉnh Vĩnh Phúc kháng nghị đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện và yêu cầu độc lập.

Tòa án cấp phúc thẩm xét xử, chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông  và kháng nghị của VKSND tỉnh Vĩnh Phúc; sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông T và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông H yêu cầu gia đình ông Â, phải trả lại 72,9m2 đất và tháo dỡ các tài sản trên đất.

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Về thu thập chứng cứ: Năm 2002, gia đình ông H làm thủ tục xin cấp GCNQSDĐ đã không kê khai phần diện tích lối đi vào trong Đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất ngày 10/6/2002. Ngày 15/7/2010, hộ gia đình ông  được cấp GCNQSDĐ thì trên sơ đồ trong GCNQSDĐ thể hiện phần diện tích đất tranh chấp nằm trong tổng diện tích gia đình ông  được cấp. Ngày 31/10/2014, gia đình ông T được cấp GCNQSDĐ thì trên sơ đồ trong GCNQSDĐ cũng không thể hiện lối đi giáp với hộ gia đình ông Â.

Đối với hồ sơ cấp GCNQSDĐ của gia đình ông  là tài liệu quan trọng để xem xét, đánh giá việc UBND huyện cấp cả phần diện tích đất tranh chấp vào GCNQSDĐ nhà ông  có đúng hay không nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành thu thập ở các cơ quan khác như: Phòng Tài nguyên và môi trường huyện, Phòng Nội vụ huyện, Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc để làm căn cứ giải quyết vụ án là chưa làm hết trách nhiệm trong việc thu thập chứng cứ.

Quá trình giải quyết tại cấp phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm đã tiến hành thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc cấp GCNQSDĐ của hộ ông Â, hộ ông T, hộ ông H và hồ sơ đo vẽ, kiểm tra ranh giới hiện trạng năm 2009. Theo đó các tài liệu thu thập đều thể hiện hộ ông T, hộ ông H đều đã ký xác nhận mốc giới với hộ ông  đúng theo như hiện trạng hiện nay đang sử dụng.

Về đánh giá chứng cứ: Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào lời khai của những người làm chứng như ông N.V.N và ông Đ.K.T, nội dung xác minh tại UBND xã, bản đồ 299 không thể hiện lối đi đang tranh chấp để khẳng định phần diện tích lối đi đang tranh chấp có nguồn gốc là do 02 cụ (bố đẻ ông T và bố đẻ ông H) chừa lại và tự cắt một phần đất của mình để làm lối đi chung của hai nhà, từ đó đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là không đánh giá khách quan, toàn diện vụ án, bởi:

Thứ nhất: Sau khi xét xử sơ thẩm, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, đã tiến hành làm việc với người làm chứng ông N.V.N, ông Đ.K.T và ông N.X.K - trưởng thôn; xác minh tại UBND xã thể hiện nội dung mâu thuẫn với nội dung xác minh của Tòa án cấp sơ thẩm. Quá trình làm việc, ông N.V.N và ông Đ.K.T và ông N.X.K khẳng định chỉ biết diện tích đất tranh chấp giữa 03 hộ trước đây là lối đi chung, còn nguồn gốc đất là của hộ nào bỏ ra làm lối đi chung thì các ông không biết. Ông N.V.N, ông Đ.K.T khẳng định lời trình bày với VKSND tỉnh mới là đúng. Ông N.X.K xác nhận ông N.V.N, ông Đ.K.T chỉ trình bày không biết nguồn gốc diện tích đất tranh chấp là do hộ nào bỏ ra làm lối đi chung. Đại diện UBND xã khẳng định diện tích đất tranh chấp địa phương được biết là lối đi chung từ ngày xưa của 04 hộ trong đó có 03 hộ đang tranh chấp và không thuộc quản lý của địa phương. Địa phương không có căn cứ xác định nguồn gốc và xác định diện tích đất tranh chấp do hộ gia đình nào bỏ ra làm lối đi chung trước đây.

Thứ hai: Lời trình bày cũng như sự thừa nhận của các đương sự trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa là khách quan, phù hợp với thực tế hiện trạng ranh giới của hai thửa đất mà các bên đang sử dụng nên có đủ cơ sở để khẳng định tuy Bản đồ 299 không thể hiện lối đi nhưng quá trình sử dụng từ xa xưa các hộ có hình thành lối đi để đi ra đường ngõ nhưng sau đó để thuận tiện hơn các hộ mở cổng đi lối khác, chỉ còn hộ ông  - bị đơn sử dụng lối đi.

Sau đó, năm 1999, hộ ông  đã xây trụ cổng, lắp cánh cổng, xác lập ranh giới thửa đất, năm 2009 đo đạc bản đồ VN2000 thì các hộ gia đình đã tự xác định ranh giới, mốc giới của các thửa đất. Việc ông T, ông H xây tường ngăn cách phần diện tích đất của mình với diện tích tranh chấp, tự xác lập ranh giới thửa đất của mình là do chính ý chí của mình và khi xây các công trình để phân chia ranh giới thì hộ ông T, ông H biết rõ ranh giới đất của mình chứ không có sự nhầm lẫn. Bản thân ông T và ông H khi được cấp GCNQSDĐ thì diện tích đất hai gia đình được cấp đều không có phần diện tích đất tranh chấp và ông T, ông H không có ý kiến gì. Do đó, gia đình ông T, gia đình ông H không có căn cứ để đòi lại diện tích đất tranh chấp.

Như vậy, khi giải quyết vụ án về tranh chấp quyền sử dụng đất thì cần yêu cầu Tòa án phải thu thập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nhiều cơ quan quản lý, lưu trữ khác nhau; đồng thời thu thập hồ sơ đo vẽ bản đồ VN2000 để làm căn cứ giải quyết vụ án. Khi xem xét, đánh giá cũng cần lưu ý đến quá trình quản lý, sử dụng thực tế đất tranh chấp, như: việc xác lập ranh giới, mốc giới, ký giáp ranh khi Nhà nước tiến hành đo vẽ để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đo vẽ lập bản đồ VN2000. Từ đó đánh giá yêu cầu khởi kiện có căn cứ hay không.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Viện trưởng Viện kiểm sát Mông Cổ Jargalsaikhan Banzragch

(Kiemsat.vn) - Chiều 11/3/2024, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tiếp Viện trưởng Viện kiểm sát Mông Cổ Jargalsaikhan Banzragch cùng đoàn đại biểu Viện kiểm sát Mông Cổ đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang