VKSND cấp cao tại Hà Nội kháng nghị phúc thẩm vụ án “Tranh chấp thừa kế tài sản và hủy quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai”
(kiemsat.vn) Nhận thấy Bản án sơ thẩm số 36/2021/DS-ST ngày 09/11/2021 xét xử vụ án “Tranh chấp thừa kế tài sản và hủy quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai” có nhiều vi phạm, ngày 09/12/2021 VKSND cấp cao tại Hà Nội đã có Quyết định số 04/QĐKNPT-VC1-DS kháng nghị phúc thẩm theo hướng hủy Bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo quy định.
Nội dung vụ án
Vợ chồng cụ Phan Thị Yên - Nguyễn Văn Chinh có 09 người con gồm các ông/ bà: Nguyễn Ngọc Phú, Nguyễn Thị Quý, Nguyễn Văn Khang, Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Thị Đệ, Nguyễn Thị Duệ, Nguyễn Ngọc Tuệ, Nguyễn Văn Linh. Cụ Chinh chết năm 1987 không để lại di chúc. Quá trình chung sống, hai cụ tạo lập được thửa đất 337, tờ bản đồ số 10, diện tích 401,6m2 tại khối Phương Hồng, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An (hiện do ông Tuệ sử dụng).
Tháng 8/2020, ông Tuệ dỡ nhà của cụ Chinh, cụ Yên để xây một dãy phòng trọ nên phát sinh tranh chấp. Lúc này, cụ Yên và anh em trong gia đình mới biết ông Tuệ đã được UBND huyện Quỳnh Lưu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 10/6/1996, sau này được UBND thị xã Hoàng Mai cấp đổi thành Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 02/7/2018.
Nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Linh khởi kiện đề nghị chia thừa kế đối với phần di sản của cụ Nguyễn Văn Chinh để lại là thửa đất nêu trên. Ông Linh, ông Phú, bà Quý xin nhận di sản bằng hiện vật là đất, nếu không chia được bằng đất thì nhận tiền theo kỷ phần; đề nghị Tòa án chia đất của ông Linh, ông Phú, bà Quý ở gần nhau để bảo đảm đủ diện tích tối thiểu khi cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2001, cụ Yên đã chuyển nhượng một phần đất cho anh Nguyễn Văn Lượng nên không yêu cầu chia thừa kế và đề nghị trừ vào tài sản chung chưa chia của cụ Yên được hưởng; Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Quỳnh Lưu cấp cho ông Tuệ ngày 10/6/1996 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND thị xã Hoàng Mai cấp cho ông Tuệ ngày 02/7/2018.
Bị đơn ông Nguyễn Ngọc Tuệ nhất trí về quan hệ huyết thống như ông Linh trình bày và diện tích đất thửa đất 337, tờ bản đồ số 10, diện tích 401,6m2 tại khối Phương Hồng, phường Quỳnh Phương là tài sản chung của cụ Chinh, cụ Yên. Ông Tuệ không đồng ý đối với yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Linh vì thửa đất đã được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất hoàn toàn hợp pháp, đúng trình tự quy định, diện tích tăng thêm do vợ chồng ông bỏ công sức lấp hai cái ao quanh nhà. Cụ Yên (mẹ ông) nay già yếu ở với ông Tuệ, ông Linh không quan tâm mà khởi kiện đòi chia thừa kế và hủy 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông là hoàn toàn không có căn cứ, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của ông. Ngoài thửa đất tranh chấp nêu trên, còn có 03 thửa đất khác của cụ Chinh, cụ Yên. Do đó, ông Tuệ đề nghị Tòa án phân chia thừa kế đối với 03 thửa đất mà ông Nguyễn Văn Linh, ông Nguyễn Văn Khang và ông Nguyễn Ngọc Phú đang quản lý sử dụng.
Ảnh minh họa |
Tại Bản án sơ thẩm số 36/2021/DS-ST ngày 09/11/2021, TAND tỉnh Nghệ An, xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Linh về việc chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn Chinh; Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện kiện về việc hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Quỳnh Lưu cấp cho ông Tuệ ngày 10/6/1996 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do UBND thị xã Hoàng Mai cấp cho ông Tuệ ngày 02/7/ 2018; Phân chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn Chinh là diện tích đất tại thửa đất số 337, tờ bản đồ số 10, tại khối Phương Hồng có giá trị: 2.309.013.944 đồng.
Tòa án cấp sơ thẩm tuyên trích trả công sức tôn tạo, bảo vệ, duy trì, quản lý di sản thừa kế cho ông Tuệ bằng 01 suất thừa kế. Chấp nhận nhường thừa kế của cụ Phan Thị Yên, ông Nguyễn Văn Khang bà Nguyễn Thị Lan, bà Nguyễn Thị Huệ, bà Nguyễn Thị Đệ, bà Nguyễn Thị Duệ cho ông Nguyễn Ngọc Tuệ; giao cho ông Nguyễn Ngọc Tuệ được quyền quản lý, sử dụng thửa đất số 337, diện tích 401,6m2 tại khối Phương Hồng, phường Quỳnh Phương; Buộc ông Nguyễn Ngọc Tuệ phải trích giao cho ông Nguyễn Văn Linh, ông Nguyễn Văn Phú, bà Nguyễn Thị Quý mỗi người số tiền 209.910.358 đồng. Ngoài ra, bản án còn tuyên về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Không đồng tình với phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm, ngày 23/11/2021, ông Nguyễn Ngọc Tuệ, cụ Phạm Thị Yên, bà Nguyễn Thị Lan, bà Nguyễn Thị Huệ, bà Nguyễn Thị Đệ, Nguyễn Thị Duệ kháng cáo bản án sơ thẩm; cùng với đó, ngày 09/12/2021, VKSND cấp cao tại Hà Nội có Quyết định số 04/QĐKNPT-VC1-DS kháng nghị phúc thẩm theo hướng hủy Bản án sơ thẩm số 36/2021/DS-ST ngày 09/11/2021 của TAND tỉnh Nghệ An.
Nngày 08/3/2023, TAND cấp cao tại Hà Nội đã xét xử và tuyên hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm số 36/2021/DS-ST ngày 09/11/2021 của TAND tỉnh Nghệ An để giải quyết lại theo quy định của pháp luật.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
Bản án sơ thẩm số 36/2021/DS-ST ngày 09/11/2021 xét xử vụ án “Tranh chấp thừa kế tài sản và hủy quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai” có nhiều vi phạm, cần phải rút kinh nghiệm trong một số nội dung như sau:
- Không thụ lý giải quyết yêu cầu phản tố: Sau khi thụ lý vụ án, bị đơn ông Nguyễn Ngọc Tuệ và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đề nghị Tòa án xem xét các thửa đất khác hiện nay đang do các ông Nguyễn Ngọc Phú, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Văn Khang quản lý, sử dụng là di sản của cụ Chinh để lại chưa chia, để chia thừa kế theo quy định của pháp luật, nhưng trong hồ sơ vụ án không có các tài liệu, chứng cứ thể hiện việc Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu các đương sự cung cấp chứng cứ hoặc tiến hành các thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự để xem xét chấp nhận hoặc không chấp nhận đối với các nội dung yêu cầu này.
- Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn thì các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thể hiện: Ngày 02/12/2020, ông Nguyễn Ngọc Tuệ có đơn phản tố yêu cầu chia thừa kế đối với phần diện tích đất là di sản của cụ Chinh để lại đang do ông Linh quản lý và đơn phản tố được Tòa án công bố tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ ngày 02/12/2020. Ngày 24/02/2021, Tòa án cấp sơ thẩm ban hành Thông báo số 101/2021/TB về việc bổ sung nội dung đơn yêu cầu phản tố và ấn định thời hạn bổ sung đơn là 20 ngày kể từ ngày 01/3/2021. Ngày 04/3/2021, ông Tuệ nhận được thông báo yêu nội dung đơn phản tố và ngày 23/3/2021, ông Tuệ có đơn sửa đổi, bổ sung gửi cùng ngày cho Tòa án. Như vậy, tính từ ngày ông Tuệ nhận được thông báo đến ngày có đơn sửa đổi, bổ sung đơn phản tố là chưa quá 20 ngày, đồng thời nội dung yêu cầu này đã được ông Tuệ trình bày trong suốt quá trình giải quyết vụ án, nhưng sau khi ông Tuệ đã thực hiện việc bổ sung nội dung đơn phản tố theo yêu cầu của Tòa án thì Tòa án cấp sơ thẩm lại không tiến hành các thủ tục để xem xét chấp nhận hoặc không chấp nhận và trả lại đơn theo quy định tại Điều 202 và khoản 2 Điều 193 BLTTDS, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn (trong hồ sơ vụ án có nhiều đơn của ông Tuệ phản ánh, tố cáo và đề nghị giải quyết yêu cầu này của ông nhưng không được xem xét).
- Không xem xét đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Đối với yêu cầu giải quyết các nội dung liên quan đến giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất của anh Nguyễn Văn Lượng và chị Phan Thị Luyến. Tòa án chưa xác định anh Lượng, chị Luyến là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhưng quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành ghi lời khai và xác định anh Lượng, chị Luyến liên quan đến việc chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đất đang có tranh chấp chia thừa kế. Chị Luyến đã đề nghị Tòa án xem xét nội dung này, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại không tiến hành các thủ tục đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập theo quy định tại Điều 201, 202 BLTTDS; không tiến hành tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ để anh Lượng, chị Luyến được tham gia theo quy định tại Điều 208, 209, 210 BLTTDS; không tiến hành thu thập chứng cứ để đánh giá việc xem xét hoặc không xem xét đối với yêu cầu này và tách để giải quyết bằng một vụ án khác là vi phạm các quy định về thủ tục tố tụng dân sự, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự khi chia thừa kế.
Việc Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét và chưa tiến hành đầy đủ các thủ tục theo quy định của BLTTDS đối với các yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không thể khắc phục được tại cấp phúc thẩm.
Về nội dung, khi tiến hành giải quyết vụ án, bị đơn và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã đề nghị Tòa án xem xét các thửa đất khác hiện nay đang do các ông Nguyễn Ngọc Phú, Nguyễn Văn Linh, ông Nguyễn Văn Khang quản lý, sử dụng là di sản của cụ Chinh để lại chưa chia, để chia thừa kế theo quy định của pháp luật, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành thu thập chứng cứ để xác định còn hay không còn tài sản là di sản của cụ Chinh để lại ngoài số tài sản mà nguyên đơn đang có yêu cầu tranh chấp là chưa xem xét toàn diện vụ án. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bên đương sự đã xác nhận, thửa đất ông Tuệ đang quản lý sử dụng và đang có tranh chấp là của cụ Chinh, cụ Yên để lại; thửa đất ông Phú đang quản lý sử dụng là của các cụ tổ tiên để lại; thửa đất ông Linh đang quản lý sử dụng thì các bên chưa thống nhất về nguồn gốc. Do đó, việc không xem xét yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và yêu cầu phản tố của bị đơn dẫn đến không bảo đảm tính khách quan, chính xác khi xác định di sản thừa kế của người chết để lại, gây khó khăn, phức tạp khi có yêu cầu giải quyết bằng một vụ án khác, trong đó có cả yếu tố thời hiệu khởi kiện.
Đối với yêu cầu độc lập của anh Nguyễn Văn Lượng và chị Phan Thị Luyến, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định việc chuyển nhượng đất giữa anh Lượng, chị Luyến và cụ Yên, ông Tuệ là không có tài liệu, giấy tờ gì, chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận, nên không xem xét, giải quyết. Nhưng khi phân chia di sản thừa kế lại xác định cụ Yên đã chuyển nhượng cho anh Lượng, chị Luyến 92,5m2 là mâu thuẫn và chưa có căn cứ khi xem xét nội dung này, đồng thời trừ diện tích đất này vào khối tài sản chung của cụ Chinh và cụ Yên để xác định di sản của cụ Chinh còn lại để chia là 154,55m2 là không đúng. Việc không xem xét giải quyết yêu cầu độc lập trong cùng vụ án không những không bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của anh Lượng, chị Luyến mà còn ảnh hưởng đến việc xác định giá trị di sản còn lại và người phải chịu trách nhiệm đối với phần di sản.
Ngoài ra, sau khi xét xử sơ thẩm, bản án chưa có hiệu lực pháp luật thì cụ Phan Thị Yên chết (cụ Yên chết ngày 09/2/2022). Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn có yêu cầu tiếp tục xem xét đối với phần di sản của cụ Yên để lại để chia thừa kế theo quy định trong cùng vụ án này.
Những vi phạm nêu trên của Tòa án cấp sơ thẩm không thể khắc phục được tại cấp phúc thẩm. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, kháng nghị của VKSND cấp cao tại Hà Nội, hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm số 36/2021/DS-ST ngày 09/11/2021 của TAND tỉnh Nghệ An để giải quyết lại theo quy định của pháp luật.
Bài viết chưa có bình luận nào.