VKSND cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị hủy bản án sơ thẩm do xác định không đúng khung hình phạt

27/02/2024 15:13

(kiemsat.vn)
Sau khi xem xét, nhận thấy bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh B đã xác định không đúng khung hình phạt, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị đề nghị hủy bản án sơ thẩm và được TAND cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận.

Nội dung vụ án:

Xuất phát từ mâu thuẫn trong việc mua bán điện thoại giữa Trịnh Nhật T và Đặng Anh X, nên khoảng 21 giờ 30 phút ngày 25/6/2021 Trịnh Nhật T cùng với Phạm Hữu N đến nhà Đặng Anh T (là anh ruột của X) để tìm gặp X. Khi gặp nhau hai bên đã xảy ra xô xát, cãi vã và thách thức đánh nhau. Nghe tiếng ồn ào Đặng Anh V (là em ruột của Đặng Anh T) liền chạy ra phía trước nhà của T đến gần chỗ Trịnh Nhật T và nói “Do cái điện thoại của mày mà sinh chuyện”, đồng thời V dùng tay đấm trúng vào mặt của Trịnh Nhật T. Thấy vậy, N cầm 01 con dao Thái Lan xông đến định đâm V thì bị V sử dụng 01 thanh kiếm (cán màu đen dài 20cm, lưỡi kim loại dài 80cm) giơ lên cao và la lớn “Giết chết mẹ nó luôn”. X liền cầm 01 khúc cây gỗ dài 1,3m chạy ra đánh 01 cái trúng vào người của N thì N bỏ chạy. X cầm khúc cây cùng  với Đặng Anh T cầm 01 thanh kiếm tiếp tục truy đuổi theo N. Trong khi N đang bỏ chạy X ném khúc cây về phía N nhưng không trúng. N chạy đến bãi đất trống gần trường mẫu giáo thì bị vấp ngã. X và T đuổi kịp dùng tay, chân đánh nhiều cái vào người của N làm N bất tỉnh. Sau đó X và T kéo N ra đặt gần đường bê tông. Lúc sau người nhà của N đến đề nghị được đưa N đi bệnh viện nhưng V, X, T  ngăn cản và yêu cầu chờ Công an đến giải quyết. Khi Công an xã đến thì N mới được người nhà đưa đi cấp cứu. Kết quả giám định N bị tổn hại 17% sức khoẻ.

Cùng thời điểm này Trịnh Nhật T gọi điện cho Trần Văn B kể lại việc N bị đánh. B  rủ S, Th đi cùng. Sau đó S điều khiển xe mô tô chở Th, B về nhà S lấy 02 cây phảng phát bờ, rồi cùng nhau đến nhà X. Khi S, Th, B đến nơi là khoảng 22 giờ 30 phút lúc này Công an xã đang lập biên bản tại hiên nhà của X. S đến đứng trước nhà của V (sát nhà X) nói lớn “Tao là chó S nè, đứa nào ăn được thì ăn”. B, Th cũng la lớn tiếng đòi san bằng nhà này. Tiếp đó, B cầm theo 01 cây phảng đi vào sân nhà V để đánh V, thấy vậy V đi lùi lại thì bị vấp ngã ngồi bệt xuống sân. B cầm cây phảng đâm 01 nhát vào đầu gối chân trái của V (gây thương tích 2%). V nhào người lên giằng co cây phảng trên tay B và dùng tay đấm 02 cái trúng mặt B làm B gục ngã xuống đất. V đoạt được cây phảng trên tay B thì tiếp tục dùng cây phảng đánh 02 cái vào người B.

Sau khi đánh B thì V nhìn thấy S đang đứng trước cổng nhà của V cầm 01 cây phảng la lớn “Gọi mấy thằng thị trấn vô chém chết mẹ nó”. Nghe vậy V cầm cây phảng (mới giật được của B) chạy ra chém ngang 01 phát trúng tay trái của S, S bỏ chạy được khoảng 03 mét thì bị ngã nằm nghiêng bên đường, hai chân co lại, hai tay ôm đầu. V đến cầm phảng bằng hai tay giơ lên chém mạnh xuống trúng vào gối cẳng chân phải làm chẻ đôi từ bờ ngoài xương chày đến đoạn 1/3 giữa cẳng chân phải, gây đứt hoàn toàn bó mạch thần kinh kheo, được đưa đi cấp cứu đến 7 giờ 30 phút ngày 26/6/2021 thì S chết.

Trước đó, trong lúc V đuổi đánh S thì T lấy 01 cây gỗ dài 120cm, đường kính 3,5cm chạy đến đánh nhiều cái vào người của B (đang nằm bất tình tại sân nhà V). Kết quả giám định B tổn hại 20% sức khoẻ.

Các bị cáo V, X, T tại phiên tòa.

Quá trình giải quyết vụ án:

Bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh B; tuyên bố: Bị cáo Đặng Anh V phạm tội “Giết người” và tội “Cố ý gây thương tích”;  các bị cáo Đặng Anh T, Đặng Anh X  phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng khoản 2 Điều 123; điểm b khoản 2, Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 55 Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo Đặng Anh V 09 năm tù về tội “Giết người” và 03 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Buộc chấp hành hình phạt chung cho cả 02 tội là 12 năm tù.

Áp dụng điểm b,d khoản 2 Điều 134; khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo Đặng Anh T 04 năm tù.

Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo Đặng Anh X 02 năm tù.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo T kháng cáo kêu oan. Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị đề nghị hủy bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND cấp cao tại Đà Nẵng tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử nhận định:

Đối với bị cáo Đặng Anh V: Thông qua hành động cầm cây kiếm giơ lên cao và hô to “Giết chết mẹ nó luôn” thể hiện bị cáo V chính là người khởi xướng để X và T “dùng hung khí nguy hiểm” đánh gây thương tích 17% cho N. Ngay sau khi nghe V hô thì X liền sử dụng cây gỗ dài 1,3m đánh trúng vào người của N. Bị đánh nên N bỏ chạy thì X cầm cây và T cầm kiếm tiếp tục rượt đuổi, đánh N. Cấp sơ thẩm đã áp dụng tình tiết “dùng hung khí nguy hiểm” khi xử lý hành vi phạm tội của X theo điểm đ khoản 2 Điều 134 BLHS. Với vai trò là người chủ mưu, khởi xướng thì bị cáo V cũng phải cùng bị xem xét áp dụng tình tiết “dùng hung khí nguy hiểm” như đã áp dụng để xử lý đối với bị cáo X.

Trong khi gây thương tích cho bị hại B thì bị cáo V cũng đã trực tiếp “dùng hung khí nguy hiểm” là cây phảng đánh 02 cái vào người của bị hại B.Tổng thương tích gây ra cho B là 20%.

Từ phân tích nêu trên thấy rằng, để đảm bảo giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật thì khi xét xử đối với bị cáo V về tội “Cố ý gây thương tích” phải áp dụng điểm d khoản 3 Điều 134 BLHS đó là “d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này” (dẫn chiếu điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS là “dùng hung khí nguy hiểm”). Bản án sơ thẩm chỉ xét xử bị cáo V theo điểm b khoản 2 Điều 134 BLHS là không đúng khung hình phạt bị cáo đã thực hiện, từ đó áp dụng hình phạt 03 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” là nhẹ, chưa tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi phạm tội bị cáo đã thực hiện.

Trường hợp truy cứu bị cáo V về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 134 BLHS (là tội rất nghiêm trọng) thì đồng thời phải truy cứu TNHS với bị cáo V về tội “Giết người” theo điểm e khoản 1 Điều 123 BLHS đó là “e) Giết người mà liền trước đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng”. Do đó, cấp sơ thẩm chỉ xét xử bị cáo V theo khoản 2 Điều 123 BLHS là không đúng khung hình phạt bị cáo V đã thực hiện, dẫn đến chỉ xử phạt bị cáo V 09 năm tù về tội “Giết người” là quá nhẹ.

Đối với bị cáo Đặng Anh T: Bị cáo T trực tiếp chứng kiến bị cáo V cầm cây kiếm giơ lên cao và nghe V hô to “Giết chết mẹ nó luôn”, đồng thời chứng kiến bị cáo X cầm cây gỗ dài 1,3m đánh trúng vào người của N. Liền sau đó bị cáo T đã tiếp nhận ý chí của V và X, cầm kiếm đuổi theo cùng với X đánh N gây thương tích 17%, đồng thời T còn sử dụng cây gỗ dài 120cm có đường kính 3,5cm đánh nhiều cái vào người của B trong khi B đã bị V đánh đang nằm bất tỉnh (hậu quả B bị tổn thương 20% sức khoẻ).

Như vậy, hành vi của T đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 134 BLHS. Cấp sơ thẩm chỉ xét xử bị cáo T theo khoản 2 Điều 134 BLHS là không đúng khung hình phạt bị cáo T đã thực hiện. Khoản 3 Điều 134 BLHS có khung hình phạt 05 năm đến 10 năm tù. Bị cáo T không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ nào quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS, đồng thời có nhân thân rất xấu (Có 05 tiền án về các tội “Trộm cắp tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Chống người thi hành công vụ”, “Cướp giật tài sản” nên phạm tội lần này thuộc trường hợp “tái phạm nguy hiểm”. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án này bị cáo bỏ trốn và tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội “Cướp giật tài sản” và bị xử phạt 05 năm 06 tháng tù.

Từ những nội dung trên phải áp dụng mức hình phạt trong khung hình phạt quy định tại khoản 3 Điều 134 BLHS với bị cáo T mới đảm bảo việc quyết định hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hậu quả của hành vi phạm tội bị cáo đã thực hiện cũng như phù hợp với yếu tố nhân thân của bị cáo.

Đối với hành vi của các đối tượng Trịnh Nhật T, Phạm Hữu N, Trần Văn B, Đỗ Minh Th: Các đối tượng Trịnh Nhật T và Phạm Hữu N đã chủ động đến nhà của Đặng Anh T gây sự, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vụ án làm 01 người chết và 02 người bị thương trong khoảng thời gian dài từ 21 giờ 30 đến hơn 22 giờ 30 phút tại khu dân cư, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, trị an xã hội tại địa phương.

Khi nhóm của mình bị đánh và bị yếu thế thì Trịnh Nhật T tiếp tục gọi cho B, Th, S. Khi đến nơi S, B và Th cùng la to tiếng đòi san bằng nhà của V đồng thời B cầm cây phảng đánh V nên bị V đánh lại làm cho S bị chết, B bị thương.

Hành vi của nhóm bị hại gồm: T, N, B, Th đã đủ yếu tố cấu thành tội “Gây rối trật tự công cộng” nhưng bản án sơ thẩm không đề cập xử lý với các đối tượng trên là bỏ lọt tội phạm.

Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đặng Anh T, huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại theo hướng: Truy cứu Đặng Anh V và Đặng Anh T về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 134 BLHS; Truy cứu Đặng Anh V về tội “Giết người” theo điểm e khoản 1 Điều 123 BLHS. Đồng thời điều tra xử lý về hành vi “Gây rối trật tự công cộng” của các đối tượng Trịnh Nhật T, Phạm Hữu N, Trần Văn B, Đỗ Minh Th.

Tập “Trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” - Ấn phẩm báo chí đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân

(Kiemsat.vn) - Cách đây 63 năm, ngày 26/02/1961, “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” ấn phẩm báo chí đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân, tiền thân của Tạp chí Kiểm sát ngày nay, đã được xuất bản. Đây là ấn phẩm báo chí đầu tiên đánh dấu sự mở đầu cho công tác tuyên truyền và hoạt động báo chí của ngành Kiểm sát nhân dân, là ấn phẩm có nội dung chuyên ngành, thông tin những vấn đề về lý luận, khoa học nghiệp vụ, phương pháp công tác kiểm sát và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang