VKSND các tỉnh, thành phố phía Nam sau ngày thống nhất đất nước

30/04/2020 07:52

(kiemsat.vn)
Do có sự chuẩn bị trước nên ngay sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 21 Viện kiểm sát tỉnh, thành khu vực phía Nam được thành lập và đi vào hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội, giữ vững và phát huy những thành quả cách mạng đã giành được.

Quang cảnh mít - tinh chào mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu.

Điều động cán bộ từ miền Bắc

Ở miền Nam việc tiếp quản vùng mới giải phóng là nhiệm vụ được tiến hành từ rất rất sớm. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của tình hình mới, ngày 01/4/1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam công bố Chính sách Mười điểm đối với vùng mới giải phóng. Thực hiện chính sách này, VKSND tối cao đã điều động Đoàn cán bộ do đồng chí Trần Hiệu, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dẫn đầu vào tiếp quản và triển khai dự thảo ba sắc luật về tư pháp (tổ chức Tòa án - Viện kiểm sát; thủ tục bắt giam khám xét; tội phạm và hình phạt) và Nghị định thành lập 21 Viện kiểm sát các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Đoàn cán bộ VKSND tối cao được điều động vào đã chuẩn bị các điều kiện mở lớp huấn luyện ngắn hạn cấp tốc để đào tạo cán bộ, đồng thời, chuẩn bị phương án để điều động cán bộ từ miền Bắc vào phụ trách Viện kiểm sát các tỉnh phía Nam.

Trong năm 1975, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã xây dựng Dự thảo kế hoạch cán bộ hai năm 1975 -1976, Dự thảo quy hoạch 1976 - 1980; bổ nhiệm 261 Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên cấp huyện và tỉnh, thành phố; đề nghị Ban Bí thư xét duyệt, bổ nhiệm 31 cán bộ lãnh đạo cấp Vụ và Kiểm sát viên cao cấp của VKSND tối cao. Đồng thời thực hiện phương án điều động cán bộ từ Viện kiểm sát địa phương thuộc các tỉnh phía Bắc và VKSND tối cao để bố trí cho các Viện kiểm sát tỉnh, thành phố phía Nam.

Để đáp ứng nhu cầu cán bộ cho Viện kiểm sát các tỉnh, thành phố phía Nam, ngay từ năm 1976, một số lượng lớn cán bộ từ phía Bắc được điều chuyển công tác vào các Viện kiểm sát các tỉnh phía Nam. Đến năm 1977, số cán bộ được tăng cường từ các Viện kiểm sát phía Bắc cho các Viện kiểm sát phía Nam là 377 người.

Để chỉ đạo kịp thời công tác kiểm sát ở các tỉnh phía Nam, VKSND tối cao thành lập cơ sở làm việc tại TP. Hồ Chí Minh và phân công một đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao thường trực tại TP. Hồ Chí Minh để trực tiếp phụ trách công tác của các VKSND phía Nam. VKSND tối cao cũng điều chuyển một số đồng chí là lãnh đạo cấp Vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nhất là các Vụ kiểm sát hình sự (Vụ 2A, 2B, Vụ 4) và chuyên viên nghiệp vụ có kinh nghiệm vào công tác ở miền Nam để kiểm tra và hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ ở các VKSND cấp tỉnh, thành và các Viện kiểm sát cấp huyện ở phía Nam.

Khẩn trương triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ

Tại thời điểm đất nước mới được thống nhất, việc áp dụng pháp luật cả hai miền Nam, Bắc chưa kịp hòa nhập và áp dụng thống nhất, để ổn định tình hình pháp chế, ngày 15/3/1976, Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Sắc luật số 01-SL/76 về công tác tư pháp. Đây là một trong những văn bản pháp lý đầu tiên về chính sách hình sự, tạo cơ sở pháp lý thống nhất để đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự chung của đất nước. Và tiếp theo là các Sắc luật 02-SL/76, Sắc luật 03-SL/76 quy định về trình tự và thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan tư pháp; quy định về các tội phạm và hình phạt, nguyên tắc xử phạt và lượng hình đối với một số loại tội phạm cụ thể.

Ngày 12/4/1976, lần đầu tiên từ ngày miền Nam giải phóng, ngành Kiểm sát tổ chức Hội nghị toàn miền Nam để quán triệt nội dung Thông tư hướng dẫn thi hành ba Sắc luật nêu trên của Chính phủ Cách mạng lâm thời; phổ biến Chỉ thị số 229/CT/TW của Bộ Chính trị về tình hình và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, Nghị quyết số 68/NQ/TW của Bộ Chính trị về quan điểm chuyên chính vô sản và lập trường của giai cấp công nhân, về đường lối quần chúng trong công tác kiểm sát; phổ biến Chỉ thị số 11 của Ban Đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam về tăng cường công tác nội chính và Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về nhiệm vụ công tác kiểm sát ở hai miền Nam, Bắc. Hội nghị xác định: Toàn ngành Kiểm sát phải có những chuyển biến mới trong công tác về mặt tổ chức và chỉ đạo để bảo đảm đưa công tác đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật lên một bước mới, mạnh mẽ và hiệu quả hơn theo Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Qua Hội nghị đã nâng cao một bước nhận thức về tình hình nhiệm vụ mới, thấu suốt quan điểm của Đảng trong cách mạng miền Nam và chủ trương công tác của ngành Kiểm sát nhân dân trong tình hình mới.

Chỉ thị số 01 ngày 15/2/1976 của Viện trưởng VKSND tối cao về nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 1976 đã chỉ rõ: Viện kiểm sát các tỉnh phía Nam tập trung vào việc đấu tranh xóa bỏ giai cấp tư sản mại bản phản động, đầu cơ, tích trữ, phá rối thị trường, chống các tệ nạn do xã hội cũ để lại, tích cực phục vụ chủ trương, chính sách thống nhất tiền tệ, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và thực hiện cách mạng quan hệ sản xuất ở nông thôn, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu để ổn định tình hình vùng mới giải phóng.

Đến cuối năm 1976, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra Chỉ thị số 02/CT về một số nhiệm vụ công tác kiểm sát trong tình hình mới. Trong Chỉ thị có nêu rõ nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam: Ngoài những nhiệm vụ chung của toàn Ngành, Viện kiểm sát các tỉnh phía Nam cần tập trung và tăng cường phối hợp với các ngành bạn trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ an ninh chính trị, nhất là ở những nơi trọng tâm, ở vùng trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác, vùng có bọn phản động, đội lốt tôn giáo, dân tộc và các vùng cơ sở còn yếu.


Do mới được thành lập nên nhiệm vụ mới mẻ, chưa có kinh nghiệm; cơ sở vật chất rất thiếu thốn, phần lớn trụ sở làm việc của Viện kiểm sát được ghép chung một phần với Tòa án, có Viện kiểm sát phải làm việc nhờ tại nhà dân, nhưng Viện kiểm sát các tỉnh phía Nam đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ góp phần ổn định tình hình vùng mới giải phóng, đấu tranh xóa bỏ pháp luật cũ, thiết lập và củng cố pháp chế cách mạng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước và nhân dân giao phó.

Luật tổ chức VKSND năm 1992: Thể chế hóa đường lối đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước

(Kiemsat.vn) - Hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960-26/7/2020), phóng viên Tạp chí Kiểm sát đã có buổi trao đổi với TS. Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về sự kiện thông qua và ban hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1992.

Chuyện màu áo thiên thanh

(Kiemsat.vn) - Màu áo thiên thanh nơi công lý ngự trị, đất nước gửi trọn một tình yêu. Màu áo thiên thanh, nơi công lý chiếu sáng, màu áo thiên thanh - Kiểm sát nhân dân...
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang