Về trưng cầu giám định pháp y tâm thần, đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần

06/10/2022 08:00

(kiemsat.vn)
Thực tiễn công tác điều tra, xử lý tội phạm của Công an thành phố Hà Nội đã chỉ ra những vướng mắc, bất cập về quản lý đối tượng bắt buộc chữa bệnh ở các cơ sở y tế; về trách nhiệm và các biện pháp xử lý khi người đang bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh bỏ trốn; việc kết luận giám định chủ yếu qua theo dõi hành vi của đối tượng giám định…

1. Tình hình tội phạm liên quan đến đối tượng mắc bệnh tâm thần

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tình hình tội phạm liên quan đến các đối tượng mắc bệnh tâm thần gây án, lợi dụng việc chữa bệnh bắt buộc sau đó bỏ trốn và tiếp tục gây án có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, gây hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân. Đặc biệt, một số đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự có dấu hiệu lợi dụng hồ sơ bệnh án tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự.

Tính đến ngày 21/9/2021, Hà Nội có 73 vụ/77 bị can đang áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Trong đó, có 10 đối tượng bỏ trốn khỏi nơi chữa bệnh bắt buộc. Trong đó: 03 đối tượng bỏ trốn và tiếp tục phạm tội mới; 60 đối tượng đã đi chữa bệnh theo quy định; 03 đối tượng có quyết định chữa bệnh bắt buộc nhưng Cơ quan điều tra (CQĐT) chưa đưa đi chữa bệnh được do đối tượng phạm nhiều tội và đang bị giam để xử lý ở một vụ án khác.

Qua rà soát, Công an thành phố Hà Nội phát hiện có 22 vụ/24 đối tượng có biểu hiện lợi dụng hồ sơ bệnh án tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự. Đây là những đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, cộm cán, lợi dụng việc bắt buộc chữa bệnh tâm thần sau đó bỏ trốn, thậm chí có đối tượng sau khi bỏ trốn tiếp tục phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Vụ án điển hình:

(1) Tạ Văn H sinh năm 1971, trú tại quận B, Hà Nội, là bị can trong vụ án tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, xảy ra ngày 21/01/2014. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận C đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với H về hành vi trên. Do H có hồ sơ bệnh án tâm thần nên CQĐT đã ra quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với bị can H. Viện pháp y tâm thần trung ương kết luận:

Trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội, bị can hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Tại thời điểm giám định, bị can bị mắc bệnh tâm thần, mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Ngày 22/10/2019, Viện kiểm sát nhân dân quận C ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với H. Sau đó, H bỏ trốn khỏi Viện pháp y tâm thần trung ương và thực hiện hành vi giết người vào ngày 19/6/2020.

(2) Nguyễn Thị M sinh năm 1979, trú tại quận N, Hà Nội. Đây là đối tượng đã bị khởi tố trong nhiều vụ án do Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp thụ lý, là đối tượng có mối quan hệ xã hội phức tạp. Bị can M có hồ sơ bệnh án tâm thần, được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại Viện pháp y tâm thần trung ương, nhiều lần bỏ trốn khỏi nơi chữa bệnh bắt buộc. Năm 2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố M về hành vi chủ mưu, cầm đầu đường dây làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần cho nhiều bị can phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng để trốn tránh việc thi hành án hình sự.

2. Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác trưng cầu giám định pháp y tâm thần

Một là, trong hầu hết các vụ án có bị can, đối tượng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, khi hết thời hạn điều tra vụ án, CQĐT phải ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can theo Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (gọi tắt là BLTTHS năm 2015) để chờ kết quả điều trị của cơ sở chữa bệnh bắt buộc. Theo quy định của pháp luật, CQĐT chỉ có thể phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra bị can khi có quyết định đình chỉ việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần trên cơ sở kết luận giám định về việc bị can đã được chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 không quy định về trường hợp phục hồi điều tra vụ án, điều tra bị can trong trường hợp bị can bỏ trốn; CQĐT có được ra quyết định truy nã đối với bị can bỏ trốn khỏi nơi chữa bệnh bắt buộc hay không. Nghị định số 64/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ quy định việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh (Nghị định số 64/2011) chỉ quy định nếu người bị chữa bệnh bắt buộc trốn thì thông báo cho các cơ quan, gia đình người chữa bệnh biết để phối hợp truy tìm.

Hai là, thực tiễn điều tra các vụ án có đối tượng được đưa đi giám định pháp y tâm thần cho thấy việc giám định pháp y tâm thần là giám định hồi cứu và việc ra Kết luận giám định của Hội đồng giám định dựa vào kết quả khám lâm sàng, cận lâm sàng, các tài liệu giám định liên quan (kết quả xác minh, làm việc với gia đình, trung tâm y tế…). Trong đó, kết quả khám lâm sàng, cận lâm sàng này mang tính quyết định. Đối với đối tượng giám định là người có biểu hiện bị bệnh tâm thần, Giám định viên sẽ giám định và kết luận chủ yếu qua theo dõi hành vi của đối tượng giám định. Có trường hợp, qua các biện pháp nghiệp vụ, CQĐT có căn cứ để xác định có một số trường hợp bị can cố tình thực hiện các triệu chứng lâm sàng như: Tuyệt thực, la hét, tự gây thương tích, không ngủ, đập phá, nói nhảm, ảo tưởng... để được kết luận mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi tại thời điểm giám định. Từ đó, được áp dụng biện pháp chữa bệnh để trì hoãn việc thi hành án và để được trừ thời gian chữa bệnh bắt buộc vào thời gian thi hành án phạt tù hoặc tìm cách bỏ trốn. Việc chứng minh các đối tượng thể hiện triệu chứng lâm sàng giả là rất khó và thuộc chuyên môn của Giám định viên, CQĐT không thể can thiệp vào quá trình giám định này. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều bị can đang được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh nhưng vẫn sinh hoạt, đi lại như bình thường, trốn khỏi nơi chữa bệnh bắt buộc và phạm tội mới.

Ba là, qua các vụ án, vụ việc, Công an thành phố Hà Nội phát hiện có những trường hợp giám định chưa khách quan, không phản ánh đúng tình trạng bệnh của bị can nhưng hiện nay chưa có chế tài xem xét trách nhiệm công tác giám định tâm thần. Cơ quan giám định tâm thần, CQĐT vẫn phụ thuộc vào kết quả giám định, không có hội đồng cấp cao hơn để trưng cầu giám định.

Bốn là, việc quản lý bị can đang được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần còn lỏng lẻo, không quy định rõ trách nhiệm, dễ tạo điều kiện cho các bị can trốn. Hiện nay, Nghị định số 64/2011 và Quy trình tiếp nhận, điều trị và quản lý người chấp hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh ban hành kèm theo Quyết định số 5091/QĐ-BYT ngày 07/12/2020 của Bộ Y tế (Quyết định số 5091/2020) đều không quy định về việc xem xét trách nhiệm đối với việc để bị can bỏ trốn khi đang áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Ngoài ra, không có quy chế phối hợp giữa CQĐT và cơ sở bắt buộc chữa bệnh trong quản lý, theo dõi bị can áp dụng biện pháp này tại cơ sở chữa bệnh bắt buộc.

3. Một số đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 64/2011 theo hướng:

- Điều 9 Nghị định này quy định chế độ quản lý, điều trị đối với người bị bắt buộc chữa bệnh, giao trách nhiệm cho Bộ Y tế quản lý đối tượng tâm thần. Do người bệnh tâm thần vừa có yếu tố tội phạm, vừa có yếu tố bệnh tâm thần, nên công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn như người bệnh tấn công, bắt người làm con tin, đe dọa nhân viên y tế và người thân của họ. Mặt khác, khi người bệnh trốn viện, việc thực hiện nhiệm vụ truy tìm đưa người bệnh trở lại điều trị rất vất vả, thách thức vì đơn vị chữa bệnh bắt buộc chỉ là cơ sở y tế, không có nghiệp vụ như ngành Công an. Sự phối hợp với cơ quan tố tụng để người bệnh trốn viện quay trở lại bắt buộc chữa bệnh cũng gặp nhiều khó khăn. Do vậy, để đảm bảo an toàn, lưu giữ các đối tượng chữa bệnh tâm thần, nhất là các đối tượng đặc biệt nguy hiểm thì cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 64/2011 theo hướng giao cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Công an phụ trách quản lý, điều trị người bị bắt buộc chữa bệnh.

- Việc quản lý bị can đang áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần hiện nay còn lỏng lẻo, dễ tạo điều kiện cho các bị can bỏ trốn; chưa có quy định về xem xét trách nhiệm đối với việc để bị can bỏ trốn khi đang áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc. Điều 10 Nghị định này không quy định rõ trách nhiệm, chưa có quy chế phối hợp giữa CQĐT và cơ sở bắt buộc chữa bệnh trong quản lý, theo dõi bị can bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Do vậy, cần quy định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để bệnh nhân chữa bệnh bắt buộc trốn (trong đó có những trường hợp bỏ trốn và tiếp tục phạm tội).

- Khoản 1  Điều 12 Nghị định số 64/2011 quy định về việc đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Trong trường hợp cơ sở chữa bệnh có thông báo tình trạng người bệnh đã ổn định, không cần bắt buộc chữa bệnh, đề nghị ra quyết định trưng cầu giám định bắt buộc để làm các thủ tục giải quyết cho người bệnh ra viện, theo khoản 2 Điều 454 BLTTHS năm 2015: “Khi có thông báo của Thủ trưởng cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần về việc người bị bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh thì cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh hoặc Viện kiểm sát, Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trưng cầu giám định pháp y tâm thần về tình trạng bệnh của người bị bắt buộc chữa bệnh”. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn của liên ngành tư pháp trung ương thế nào là “đã khỏi bệnh” nên CQĐT không thể phục hồi điều tra. Do vậy, cần quy định rõ thế nào là “đã khỏi bệnh” để thống nhất trong nhận thức và áp dụng.

Thứ hai, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong thực hiện các quy định của BLTTHS năm 2015 về giám định pháp y tâm thần, áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh nhằm hạn chế việc các đối tượng lợi dụng bệnh án tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự, hạn chế đối tượng lợi dụng việc chữa bệnh bắt buộc chưa được quy định chặt chẽ để bỏ trốn và phạm tội mới. Bên cạnh đó, cần ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn giải quyết theo thủ tục tố tụng trường hợp bị can được áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc bỏ trốn khỏi cơ sở chữa bệnh theo hướng: Cơ quan điều tra phục hồi điều tra vụ án (nếu đang tạm đình chỉ) và ra quyết định truy nã bị can mà không cần chờ thông báo đình chỉ việc chữa bệnh bắt buộc của cơ sở chữa bệnh, áp dụng các biện pháp tố tụng tiếp theo nhằm phòng ngừa bị can ra ngoài xã hội phạm tội mới.

Thứ ba, đề nghị Bộ Y tế tăng cường đào tạo, tập huấn, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các y bác sĩ, cũng như người có thẩm quyền trong giám định pháp y tâm thần. Giám định viên pháp y tâm thần ngoài việc có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cũng cần có bản lĩnh để đối diện trực tiếp với đối tượng giám định, vừa là tội phạm, vừa là người nghi ngờ có rối loạn hoạt động tâm thần. Đối tượng này thường có hành vi nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng của Giám định viên và nhân viên y tế. Đồng thời, để xóa bỏ tình trạng làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần,  cần hoàn thiện cơ chế quản lý, kiểm tra, xem xét quy trình cung cấp hồ sơ bệnh án tâm thần và trình độ chuyên môn nghiệp vụ; cần thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, thanh tra, giám sát định kỳ cũng như đột xuất trong và ngoài bệnh viện; thành lập đoàn kiểm tra chéo giữa các bệnh viện với nhau để đảm bảo sự chính xác của công tác chuyên môn./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang